Tình người nghề chăm bệnh nhân ở bệnh viện

Bài và ảnh: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Không ốm cũng chẳng đau nhưng với nhiều người phụ nữ ở các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã trở thành nhà của họ trong những năm gần đây. Họ đi “chăm sóc người dưng”, tìm cho bản thân và gia đình con đường sinh nhai với bao cảm xúc vui - buồn lẫn lộn.

Tình người nghề chăm bệnh nhân ở bệnh viện - ảnh 1
Lẫn trong số những người túc trực ở Bệnh viện Bạch Mai chăm người thân có cả những phụ nữ hàng ngày coi đây là nhà, mưu sinh bằng nghề chăm sóc bệnh nhân.

Ba năm đón giao thừa cùng người bệnh thay vì sum họp với gia đình

Nhiều người mới đến khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai lầm tưởng chị Trần Thị Hường (43 tuổi, quê Ninh Bình) là người có hoàn cảnh éo le khi đang phải một mình chăm sóc tới 3 người bệnh. Nhưng hỏi ra mới biết, chị Hường làm “nghề” chăm sóc bệnh nhân ở nhiều bệnh viện từ gần 8 năm qua. 

Kể về cái duyên với “nghề” này, chị Hường nhớ lại thời điểm đầu năm 2013, người cháu bị tai nạn xe máy phải cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức. Nhà neo người, chị Hường tất bật thu vén công việc ở quê lên Hà Nội chăm cháu. “Ngoài lo cho cháu ở viện thì có thể giúp được những người xung quanh được gì là tôi lại xắn tay hộ. Đơn giản như mua thêm suất cơm cho đến việc nặng hơn như người bệnh muốn đi vệ sinh mà không có người nhà ở cạnh mà tôi đang rảnh thì tôi cũng giúp luôn…”- chị Hường nhớ lại.

Ngày người cháu ra viện, chị Hường nhận được lời mời của một bệnh nhân nữ bị tai nạn gẫy chân, phẫu thuật nằm viện theo dõi hơn 1 tháng. Thấy công việc cũng đơn giản mà thu nhập cao hơn chạy chợ ở quê, chị Hường quyết định ở lại. Chị Hường kể: “Nói là “nghề” cho oai chứ thực ra là một hình thức giúp việc. Thay vì giúp việc ở gia đình thì mình giúp việc ở bệnh viện. Nếu như giúp việc ở nhà, người làm có thể sắp xếp trước cho chủ động thì chăm bệnh nhân ở viện người làm luôn ở thế bị động. Bởi người ốm thường có nhiều yêu cầu bất chợt, phụ thuộc vào loại bệnh và tình trạng bệnh mà tâm lý cũng diễn biến thất thường. Người ốm thường hay cáu gắt, mặt mày nhăn nhó,… mình có làm tốt đến mấy nhưng đôi khi cũng phải chịu đựng những lời khó nghe, thậm chí còn bị đánh.

Áp lực là vậy nhưng mình cũng từng trải qua ốm đau hay có người thân nằm viện nên phần nào hiểu được tâm lý của họ. Bệnh nhân thường phiền muộn, có tâm lý bi quan nên tôi nghĩ mình phải thông cảm với họ. Người nhà bệnh nhân thường lo lắng, sốt ruột, muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho người thân đang nằm viện nhưng vì điều kiện cuộc sống mà không thể ở lại túc trực, chăm sóc. Chỉ cần đặt vào tâm lý của họ, chia sẻ với nỗi đau của họ thì mình sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn để làm việc. Sống với nhau lâu ngày sẽ có tình cảm thôi. Có những khi bệnh nhân tôi chăm sóc qua đời, tôi cũng buồn như mất người thân vậy”.

Nhưng câu chuyện khiến chị Hường xúc động nhất là khi chăm trẻ sơ sinh ở Bệnh viện K Trung ương 3 năm về trước. Mẹ cháu bé vừa mới sinh con được mấy hôm thì phát hiện mình bị ung thư phổi. Thời gian ấy vừa nuôi con, vừa phải đến viện thăm khám suốt. Đến khi sức khoẻ yếu, bác sĩ khuyên nhập viện điều trị, truyền hoá chất như thế có thể kéo dài sự sống thêm được vài năm. Nhưng nếu truyền hoá chất sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa mẹ, hơn nữa truyền hoá chất thì mẹ con cũng phải cách ly nhau một thời gian. Không muốn con mình khát sữa, thiếu đi hơi ấm của mẹ, bệnh nhân ấy nhất quyết không chịu làm theo lời khuyên của bác sĩ. 

“Thời điểm giai đoạn cuối bệnh kỳ, người mẹ gần như không còn sức để đi lại, bế ẵm con mình nên phải đưa cả con vào trong viện nằm cùng. Chồng bệnh nhân chăm vợ còn tôi được thuê để chăm cháu bé. Mỗi viên thuốc, hay mũi tiêm vào cơ thể, câu đầu tiên mà người mẹ ấy hỏi bác sĩ là: “Có ảnh hưởng đến con em không?”. Nếu nhận được câu trả lời, dù là “có chút ảnh hưởng” thì người mẹ ấy một mực từ chối. Bệnh tật có thể khiến con người rời xa cuộc sống này nhưng tình mẫu tử vẫn cho tôi cảm nhận thấy sự thiêng liêng, cao cả nhất, vượt lên cả nỗi sợ hãi của cái chết cận kề”- chị Hường nghẹn ngào nhớ lại.

Người mới vào “nghề”, tiền công khoảng 250.000 đồng/ngày, còn với người như chị Hường, gia đình bệnh nhân sẵn sàng trả 400.000 - 500.000 đồng/ngày. Không những thế, nếu quen việc thì một người có thể chăm từ 2 - 3 bệnh nhân mỗi ngày mà tiền công không đổi. Do phải túc trực cạnh bệnh nhân 24/24h nên thông thường không ai thuê nhà trọ ngoài mà mọi sinh hoạt cá nhân đều ở trong bệnh viện. 

Nhắc đến Tết Nguyên đán cận kề, chị Hường lặng đi hồi lâu. Ba năm qua chị không đón giao thừa ở nhà. Thời điểm Tết cũng là lúc chị bận nhất, công cao nhất lên tới hơn 1 triệu đồng/ngày. Hành trang nơi đất khách quê người của chị chỉ là vài ba bộ quần áo, xà phòng, dầu gội, kem đánh răng đựng trong hai túi nilon màu cam. Hết ở Bệnh viện Bạch Mai chị lại sang Bệnh viện Việt Đức, Phổi Trung ương, Hữu Nghị, Phụ sản Trung ương… chăm bệnh nhân.
Trở thành “bác sĩ”, “điều dưỡng viên” bất đắc dĩ
Gần 8 năm chăm người ốm trong viện, ăn - ngủ cùng người bệnh, chị Hường quá quen thuộc với các thông số trên dụng cụ y tế gắn trên người bệnh nhân. Như máy thở hiện đại nhất chị Hường cũng biết cách đọc các chỉ số cơ bản thể hiện trên màn hình, khi thấy có chỉ số bất thường là báo luôn cho bác sĩ. Hay việc đo huyết áp, lấy mẫu nước tiểu của bệnh nhân đi xét nghiệm, chị Hường cũng thực hiện một cách thuần thục.

Tình người nghề chăm bệnh nhân ở bệnh viện - ảnh 2
Nghề chăm người ốm ở bệnh viện đòi hỏi người làm không những phải có sự khéo léo mà còn phải có tâm với người bệnh.
Tình người nghề chăm bệnh nhân ở bệnh viện - ảnh 3
Mỗi người bệnh mỗi tính, người chăm sóc phải nắm được tâm lý của họ.

“Ban đầu cũng bỡ ngỡ nhưng lâu dần nghe bác sĩ và nhân viên y tế trao đổi với bệnh nhân nhiều cũng thành quen. Như người mắc bệnh tim, môi, đầu ngón tay, ngón chân thường tím tái; người bị tiểu dường chân tay thường phù nề; người tai biến thì nụ cười lõm đi so với bình thường, một bên mặt xệ xuống. Với mỗi loại bệnh cũng có cách chăm sóc khác nhau, loại thuốc dùng cũng khác nhau. Như người tai biến mới nhập viện thì không nên để họ vận động nhiều, cũng không nên xoa bóp quá mạnh vì khi đó mạch máu mới bị vỡ, chưa lành; người bị bệnh tim và tiểu đường không nên ăn quá nhiều chất đạm, cần bổ sung nhiều rau, nhất là rau chứa chất sơ; người lao phổi thì tránh đi dạo vào sáng sớm hay tối muộn… Rồi đến lau chùi, tắm rửa, đánh răng, cho đến cách xoay trở, dìu đỡ bệnh nhân ngồi dậy hoặc xuống xe lăn đều phải đúng cách, nếu không sẽ ảnh hưởng sức khỏe họ. Đó chỉ là cơ bản, với từng trường hợp, y bác sĩ hay điều dưỡng bệnh viện sẽ còn chỉ thêm những lưu ý như phơi nắng bao nhiêu tiếng, vỗ lưng thế nào để không ảnh hưởng phổi. 

Tôi phải thuộc hết những điều đó. Vừa để tự bảo vệ chính mình bởi sống trong môi trường bệnh viện thường phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm rất cao, cũng là vừa để phục vụ cho công việc của mình, có dịp hướng dẫn cho người khác khi đang chăm người thân ở viện. Cũng vì thế mà người làm lâu năm, có nhiều kinh nghiệm sẽ nhận công cao hơn. Không những thế, mình đóng vai trò như người thân của bệnh nhân, họ có biểu hiện lạ gì mà thấy bất thường phải phát hiện ra để thông báo cho bác sĩ kịp thời chứ không có khi nguy hiểm đến cả tính mạng người bệnh”- chị Hường chia sẻ.

Đối với chị Nguyễn Thị Ngân (42 tuổi, quê Tuyên Quang), nghề chăm sóc người ốm ở viện còn giống như “bác sĩ tâm lý” bất đắc dĩ khi phải vừa đóng vai trò người giúp việc nhưng cũng phải vừa như người thân ở bên cạnh an ủi, động viên cho người bệnh có tinh thần tích cực, tuân thủ liệu trình điều trị mà bác sĩ bệnh viện đưa ra mới nhanh chóng phục hồi. Mỗi người bệnh mỗi tính, người chăm sóc phải nắm được tâm lý của người bệnh để lựa lời khuyên nhủ sao cho khéo léo.

Chị Ngân dẫn chứng từng chăm cụ ông gần tuổi 80 nằm ở Bệnh viện Bạch Mai. Ba người con đều làm nghề tự do, chia nhau mỗi người ngày mấy tiếng chăm sóc bố, rành rẽ lắm. Thế nhưng cũng không thiếu những lúc phòng bệnh tự nhiên biến thành nơi xung đột dữ dội của đại gia đình. Rồi họ quyết định góp tiền thuê chị Ngân chăm theo ngày. 

Là cha, là mẹ, chứng kiến cảnh ấy không buồn sao được, nhưng có bệnh thì phải chữa. Chị Ngân phải khuyên cụ ông tránh suy nghĩ tiêu cực mà chuyên tâm chữa bệnh. Một lần khác, chị được thuê chăm một bà cụ hơn 70 tuổi bị tai biến. Vừa gặp mặt, bà cụ đuổi cả chị và anh con trai về vì nghĩ rằng con cái không quan tâm mình mà thuê người chăm cho hết trách nhiệm. Gia đình họ có 1 người con, các cháu còn nhỏ, công việc thì bận nên chị đành cố nhận. Mấy hôm liền bà cụ tự ái không ăn uống gì, chị phải dùng đủ cách nói chuyện làm thân bà mới chịu dùng thuốc và để chăm sóc. Sau 4 tháng, bà cụ ra viện, chị cũng vui lây!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phận người mang thai hộ

Phận người mang thai hộ

(PNTĐ) - Dù pháp luật quy định rất rõ về việc mang thai hộ nhưng nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh khác nhau mà vẫn chấp nhận trở thành “món hàng” ngã giá để được thuê nuôi con người khác trong thân thể mình. Để rồi có những người đưa bản thân vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.
Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

(PNTĐ) - Sông Tô Lịch đang từng bước chuyển mình, dần trở nên thân thiện với người dân khi dọc hai bên bờ sông được cải tạo thành đường đi bộ. Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch đang tiếp tục được thực hiện từng bước bằng những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của lãnh đạo Thành phố tại các dự án vệ tinh nhằm bổ trợ nguồn nước và giảm tải nguồn gây ô nhiễm. Người dân Thủ đô kỳ vọng trong tương lai sông Tô Lịch sẽ là “dải lụa xanh” của Hà Nội, cùng Thủ đô vươn mình đón “kỷ nguyên xanh”.
Sống lay lắt quanh những dự án “treo“

Sống lay lắt quanh những dự án “treo“

(PNTĐ) - Dự án chậm tiến độ hay được gọi là dự án “treo” xuất hiện nhiều ở Hà Nội, có những dự án “treo” tới hàng thập kỷ. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn khiến cuộc sống của nhiều hộ dân rơi vào cảnh lay lắt, tạm bợ khi mà nhà cửa xuống cấp nhưng lại không được sửa chữa, xây dựng mới.
Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

Báo động chiêu thức lừa đảo giả nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, xảy ra hàng loạt cuộc gọi tự xưng là nhân viên giao hàng đọc đúng tên người nhận, địa chỉ và giá trị đơn hàng khiến nhiều người “mắc bẫy” chuyển khoản thanh toán. Tuy nhiên, sau đó người mua lại được dẫn dụ vào những chiêu thức lừa đảo mà nếu thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì sẽ mất toàn bộ tiền trong tài khooản. Đây là thực trạng đáng báo động khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

Gian nan khôi phục sản xuất sau bão lũ

(PNTĐ) - Bão số 3 vừa qua, mưa lũ ập đến khiến nhiều nhà vườn, trang trại, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, nhất là ở các địa phương ven sông Hồng, sông Đáy, nước nhấn chìm cây trồng, vật nuôi khiến nhiều người đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi dọn dẹp, nhiều gia đình, doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh với hy vọng sớm vượt qua khó khăn.