Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Để văn hóa dân tộc Bố Y “sống” mãi với thời gian

THÙY DUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thực hiện nội dung khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất người, tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch của Dự án 6: bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Mường Khương (Lào Cai) đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc Bố Y.

Bố Y là một trong số các dân tộc rất ít người của tỉnh Lào Cai. Tộc người này sinh sống tập trung tại huyện Mường Khương ở khu vực thị trấn và các xã Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố. Cũng như các dân tộc thiểu số khác tại Lào Cai, dân tộc Bố Y có rất nhiều phong tục đẹp thể hiện đời sống tinh thần phong phú, như các nghi lễ, tín ngưỡng dân gian, các điệu dân ca, dân vũ, làm trang phục dân tộc…

Tuy nhiên, nhịp sống ngày càng hiện đại, nhiều nét đẹp văn hóa bị mai một và đứng trước nguy cơ biến mất. Nhiều người trong cộng đồng dân tộc Bố Y đặc biệt là người trẻ chỉ biết chứ không thể thực hành những phong tục của dân tộc mình. Do đó, Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, như một cơn gió lớn “thổi bùng” những giá trị văn hóa dân tộc Bố Y ngày càng rực rỡ hơn. Thực hiện Dự án 6, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc Bố Y.

Để văn hóa dân tộc Bố Y “sống” mãi với thời gian - ảnh 1
Huyện Mường Khương đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc Bố Y.

Trong cộng đồng người Bố Y của tỉnh, bà Lồ Lài Sửu ở thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình được biết đến như một chiếc “gạch nối” quan trọng trong việc gắn kết các thế hệ Bố Y ngày nay với các nét đẹp văn hóa của cha, ông. Bà cũng là người đi đầu trong việc tham gia cùng chính quyền thực hiện truyền dạy các giá trị văn hóa cổ của dân tộc mình cho người dân. Ví như trong bảo tồn dân ca, dân vũ chẳng hạn, những bài hát, điệu múa cổ được bà Sửu tích cực truyền dạy và giờ đây đã trở thành phổ biến trong cộng đồng như: Hát hoa, hát với cô tiên, hát cảm tạ trâu thần, hát giao duyên 12 tháng… Cùng với đó, bà Sửu cũng đặt lời mới cho các làn điệu dân ca truyền thống với nhiều chủ đề: Nhớ ơn Đảng và Bác Hồ, Hát múa mừng Đảng, Mừng ông trăng, Đoàn kết dân tộc…

Bà Lồ Lài Sửu cho biết: Là người con của dân tộc Bố Y lại rất yêu ca hát, đặc biệt là các làn điệu truyền thống, nên trong suốt hơn 20 năm qua, tôi đã dày công sưu tầm, ghi chép lại từ các bậc cao niên để làm tư liệu lưu truyền cho con, cháu mai sau. Tôi rất vui khi Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm đến cộng đồng dân tộc Bố Y, có những chính sách đúng đắn, kịp thời và rất hợp lòng dân trong việc hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

Để văn hóa dân tộc Bố Y “sống” mãi với thời gian - ảnh 2
Cùng với sự nỗ lực bảo tồn của các nghệ nhân, các ngành chức năng cũng tích cực vào cuộc. Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức hướng dẫn duy trì và phát triển 3 đội văn nghệ dân tộc Bố Y ở huyện Mường Khương. Mỗi đội gồm 30 thành viên.

Đặc biệt, với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, dân ca của dân tộc Bố Y được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2018. Để gìn giữ nét đẹp này, cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và người dân tiến hành phục dựng và tạo môi trường diễn xướng để đồng bào ngày càng thêm yêu, tự hào và trân trọng nét đẹp di sản.

Những năm gần đây, xã Thanh Bình tích cực phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện tổ chức các hoạt động khôi phục và bảo tồn văn hóa của địa phương với những buổi truyền dạy và thực hành trong Nhân dân. Trong các dịp lễ, tết, địa phương đều động viên, khuyến khích người dân chung vui bằng những điệu múa, lời ca mang âm hưởng dân gian.

Để văn hóa dân tộc Bố Y “sống” mãi với thời gian - ảnh 3
Trong các dịp lễ, tết, địa phương đều động viên, khuyến khích người dân chung vui bằng những điệu múa, lời ca mang âm hưởng dân gian.

Mặt khác, xã Thanh Bình thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống cũng như lòng tự hào trong mỗi người dân, để từ nhận thức biến thành hành động chung tay gìn giữ và phát huy vốn quý của dân tộc.

Từ nguồn vốn chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các dân tộc rất ít người, công trình bảo tồn nhà truyền thống dân tộc Bố Y được đầu tư xây dựng tại thôn Lao Hầu từ năm 2021. Đây là địa chỉ để trưng bày, lưu giữ, bảo tồn các sản phẩm văn hóa dân tộc Bố Y, đồng thời, cũng là nơi để đồng bào giao lưu, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Phùng Hữu Tường, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết: Hằng năm, xã đều xây dựng kế hoạch cụ thể với các hoạt động theo từng tháng, quý đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với việc xây dựng làng văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Cũng giống như các dân tộc khác, văn hóa dân gian của dân tộc Bố Y nhẹ nhàng, sâu lắng, có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục con người hiểu biết về cội nguồn dân tộc, hướng con người tới chân - thiện - mỹ, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, qua đó, khích lệ, động viên người dân trong hăng hái tham gia lao động sản xuất.

Cũng với mong muốn gìn giữ văn hóa dân tộc, thôn Lao Chải (thị trấn Mường Khương) đã thành lập Câu lạc bộ dân ca Bố Y với gần 20 thành viên. Câu lạc bộ được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu, học hỏi, gìn giữ và phát triển phong trào hát dân ca trong các tầng lớp Nhân dân. Các hội viên thường xuyên tham gia biểu diễn văn nghệ với các tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu, chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, cổ vũ phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn…

Để văn hóa dân tộc Bố Y “sống” mãi với thời gian - ảnh 4
Huyện Mường Khương định hướng sẽ phát huy các di sản văn hóa thành các sản phẩm du lịch, tích cực quảng bá hình ảnh làm tiền đề phục vụ sự phát triển du lịch của địa phương.

Ông Phạm Xuân Thái, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mường Khương cho biết: Cùng với ý thức giữ gìn của các nghệ nhân, của đông đảo Nhân dân, hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Phù Lá, dân tộc Bố Y giai đoạn 2017 - 2025 theo Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lào Cai với các dự án, tiểu dự án bảo tồn văn hóa được xem như một “làn gió” tươi mới, tạo cơ hội để văn hóa dân gian được bảo tồn và phát huy.

Với những thành công bước đầu trong việc lưu giữ và bảo tồn văn hóa đặc sắc của người Bố Y, huyện Mường Khương định hướng sẽ phát huy các di sản văn hóa thành các sản phẩm du lịch, tích cực quảng bá hình ảnh làm tiền đề phục vụ sự phát triển du lịch của địa phương. Về lâu dài sẽ tạo nguồn thu nhập bền vững cho người dân trong cộng đồng, để các giá trị văn hóa “sống” mãi với thời gian.

Tin cùng chuyên mục

Trao tặng Nhà lớp học cho điểm Trường Mầm non Minh Thắng, Hà Giang

Trao tặng Nhà lớp học cho điểm Trường Mầm non Minh Thắng, Hà Giang

(PNTĐ) - Vừa qua, tại xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã diễn ra Lễ khánh thành và trao tặng nhà lớp học điểm Trường Mầm non Minh Thắng, xã Việt Vinh. Đây là công trình điểm trường vùng cao được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tài trợ 400 triệu đồng kinh phí để xây dựng.
Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Tớ dày “nhuộm hồng” miền di sản Mù Cang Chải

Tớ dày “nhuộm hồng” miền di sản Mù Cang Chải

(PNTĐ) - Miền di sản Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) không chỉ nổi tiếng với danh thắng ruộng bậc thang mà còn vô cùng rực rỡ bởi những vạt tớ dày hồng rực, khoe sắc thắm. Chịu đựng điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao, sức sống của cây tớ dày mãnh liệt như chính đồng bào nơi đây.
Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(PNTĐ) - Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (gọi tắt là Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã đẩy mạnh truyền thông bình đẳng giới, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Hà Nội.
Hà Nội tuyên truyền sâu rộng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Hà Nội tuyên truyền sâu rộng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(PNTĐ) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra hệ lụy rất nặng nề đối với chất lượng dân số và sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, vấn đề trên cũng rất được quan tâm; đồng thời đưa vào nội dung quan trọng trong Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".