Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Lai Châu: Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm, nâng cao vị thế

Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia tích cực vào công tác phát triển kinh tế, từ đó nâng cao vị thế, thực hiện bình đẳng giới.

Tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, với hơn 84% đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có trên 47 vạn người, trong đó dân số nữ chiếm trên 20 vạn người.

Những năm vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh hoạt động nâng cao kiến thức, năng lực của cán bộ, hội viên, phụ nữ về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trang bị những kiến thức, kỹ năng ứng xử trong gia đình gắn với bình đẳng giới.

Cùng với đó, Hội còn quan tâm thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, nhất là phụ nữ người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề.

Từ 2018 đến nay, tỉnh Lai Châu hỗ trợ cho 8.593 lượt đối tượng khuyết tật nữ với kinh phí 48.475 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 23.027 lao động nữ, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nói chung và phụ nữ nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Từ các phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, Lai Châu đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ dám nghĩ, dám làm vươn lên phát triển kinh tế. Từ đó, giúp phụ nữ có chỗ đứng, tiếng nói trong gia đình và tự tin khi bước ra xã hội.


 
Lai Châu: Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm, nâng cao vị thế - ảnh 1
Phụ nữ Lai Châu

Xã biên giới Vàng Ma Chải là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ (Lai Châu). Toàn xã có hai dân tộc sinh sống, chủ yếu người Dao và Hà Nhì chiếm gần 100%. Nhiều năm qua, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật bình đẳng giới cho phụ nữ đã giúp các hội viên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật và vươn lên phát triển kinh tế.

Xã Vàng Ma Chải có 7 chi hội phụ nữ với hơn 400 hội viên. Do điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng khó khăn, thiếu thốn và nhận thức hạn chế nên nhiều chị em phụ nữ trong xã đã bỏ ruộng vườn để vượt biên trái đi làm thuê. Cùng đó, nhiều phong tục tập quán hủ tục của đồng bào vẫn còn tồn tại như: tảo hôn, sinh con thứ 3, phụ nữ không có tiếng nói trong gia đình, không được tham gia các hoạt động cộng đồng…

Đứng trước khó khăn về bất bình đẳng, chị Phàng Thị Nhừ, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vàng Ma Chải  trăn trở suy nghĩ làm sao để người phụ nữ thay đổi cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm chủ cuộc sống. Chị Nhừ cùng chị em trong Hội Phụ nữ xã thường xuyên đến các hộ gia đình tuyên truyền cho phụ nữ tập trung phát triển kinh tế; thực hiện phong trào “5 không 3 sạch”, hạn chế sinh con thứ 3... Mặt khác, Hội còn phối hợp với Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải và công an xã tuyên truyền, vận động chị em nâng cao cảnh giác với âm mưu thủ của những kẻ buôn bán người.

Mưa dầm thấm lâu, chị em phụ nữ trong xã Vàng Ma Chải đã từng bước nâng cao nhận thức, dần thực hiện tốt các chính sách pháp luật, thay đổi nếp sống cũ; xuất hiện nhiều gương phụ nữ vươn lên thoát nghèo, làm chủ kinh tế gia đình. Tiêu biểu như chị Tẩn Lở Mẩy, bản Nhóm 2, xã Vàng Ma Chải với mô hình nuôi thỏ kết hợp chăn nuôi lợn, gà, trồng ngô, sắn; mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình từ 70-90 triệu đồng.

Chị Mẩy tâm sự: “Trước đây, chị trồng lúa chỉ đủ ăn cho gia đình trong một năm, không có nguồn thu nhập thêm, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ khi được Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng chị đã mạnh dạn chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, kinh tế gia đình ổn định, con cái ăn học đầy đủ và chị cũng có tiếng nói trong gia đình”.

Còn chị Chẻo U Mẩy, bản Nhóm 1, xã Vàng Ma Chải chia sẻ: Được sự hướng dẫn tận tình của Hội Phụ nữ xã, mình đã phát triển kinh tế gia đình bằng nghề buôn bán hàng hóa và chăn nuôi lợn. Mỗi năm mang lại thu nhập khoảng 100-150 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn trước, mình cũng tự tin khi bước ra xã hội.

Bà Khoàng Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu cho biết, việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới ở một số đơn vị, địa phương, cơ sở còn chậm. Tỷ lệ nữ thiếu việc làm còn cao, nhiều phụ nữ còn thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe gia đình; việc khắc phục tình trạng tảo hôn, phụ nữ không biết chữ, tái mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm.

Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục chỉ đạo các ngành, đơn vị, các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bình đẳng giới bằng những hoạt động hiệu quả, thiết thực; tiếp tục kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đảm bảo về số lượng và chất lượng. Mặt khác, tâm tư, nguyện vọng của các hội viên phụ nữ vùng biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số cũng sẽ được nắm bắt kịp thời để giải quyết.

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Tớ dày “nhuộm hồng” miền di sản Mù Cang Chải

Tớ dày “nhuộm hồng” miền di sản Mù Cang Chải

(PNTĐ) - Miền di sản Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) không chỉ nổi tiếng với danh thắng ruộng bậc thang mà còn vô cùng rực rỡ bởi những vạt tớ dày hồng rực, khoe sắc thắm. Chịu đựng điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao, sức sống của cây tớ dày mãnh liệt như chính đồng bào nơi đây.
Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(PNTĐ) - Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (gọi tắt là Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã đẩy mạnh truyền thông bình đẳng giới, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Hà Nội.
Hà Nội tuyên truyền sâu rộng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Hà Nội tuyên truyền sâu rộng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(PNTĐ) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra hệ lụy rất nặng nề đối với chất lượng dân số và sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, vấn đề trên cũng rất được quan tâm; đồng thời đưa vào nội dung quan trọng trong Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".
Phụ nữ chung tay đẩy lùi tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống

Phụ nữ chung tay đẩy lùi tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống

(PNTĐ) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số nước ta. Thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Hội LHPN của nhiều địa phương đã có cách làm rất đa dạng, hiệu quả.