Xây dựng chính quyền số, chính phủ số: Kiến tạo để phát triển

Kỳ 4: Tạo đột phá phát triển từ chuyển đổi số

Bài và ảnh: Thu Hà - Phạm Hằng
Chia sẻ

(PNTĐ) -Chuyển đổi số được xem vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp nhằm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Thực hiện Quyết định số 794/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030”, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã xác định, chuyển đổi số chính là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu, tạo được những chuyển biến tích cực.

Kỳ 4: Tạo đột phá phát triển từ chuyển đổi số - ảnh 1
Mô hình ứng dụng CNTT trong hoạt động của tổ dân phố 19, phường Đức Giang, quận Long Biên.

Đột phá từ chuyển đổi số
Nghị quyết số 18-NQ/TU (Nghị quyết số 18) của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xác định là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Nghị quyết thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 52-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, quan điểm của Nghị quyết số 18 là thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số (CĐS), xây dựng thành phố Hà Nội thông minh. Phát huy tối đa các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô và nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội. Ưu tiên CĐS, xây dựng thành phố thông minh đối với các ngành, lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2025: Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS. Thực hiện CĐS phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Đến năm 2030: Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại; duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS. Đồng thời, hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan Nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội.

Kỳ 4: Tạo đột phá phát triển từ chuyển đổi số - ảnh 2
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng.
Trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025: Về chính quyền số, xây dựng hạ tầng CNTT, hạ tầng số hiện đại; 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định được cung cấp DVCTT toàn trình. Hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạnh ở cả 3 cấp. 
 
Về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động tăng từ 7-7,5%/năm. 
 
Về xã hội số, 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 50% dân số trưởng thành có chữ ký số; phủ mạng Internet băng rộng cáp quang tới 90% hộ gia đình; 70% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
 

Nghị quyết số 18 ra đời đã tạo được sự mạnh mẽ quyết tâm vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và nhân dân, với sự huy động nguồn lực của toàn xã hội, nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của CĐS để tạo bước đột phá phát triển Thủ đô. 

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, Thành phố xác định tầm quan trọng của CĐS chính là quá trình chuyển đổi nhận thức, đổi mới tư duy, thông minh hóa với dữ liệu được kết nối. Từ sự hỗ trợ của công nghệ để thông minh hóa sản phẩm và dịch vụ để tạo ra năng suất lao động, hiệu quả cao hơn, đột phá trong quá trình phát triển.

Đánh giá về bước đột phá phát triển trong CĐS của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, Hà Nội đã có bước tiến triển rất cụ thể trong hành trình CĐS, từ vị trí xếp thứ 43/63 địa phương, đến năm 2022 xếp thứ 20/63 địa phương về CĐS. 

Chủ động, sáng tạo trong chuyển đổi số
Năm 2023, Hà Nội xác định công tác cải cách hành chính (CCHC), CĐS và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ là 3 trụ cột nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của Thành phố. Mục tiêu “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả của các cấp chính quyền”, phương thức thực hiện được xác định “hành động, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới; xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính Nhà nước; khai thác, sử dụng dữ liệu” để phục vụ tốt hơn người dân, và doanh nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.  

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sĩ Thanh trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC, CĐS và Đề án 06 Thành phố; yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm người đứng đầu và là Trưởng các Ban Chỉ đạo để trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, CĐS và Đề án 06. Đến nay, 100% các quận, huyện, thị xã đã thành lập BCĐ Đề án 06 và các Tổ công tác Đề án 06 tới tận cấp thôn, bản, tổ dân phố với đầy đủ thành phần (khoảng 33.000 thành viên). 

Kỳ 4: Tạo đột phá phát triển từ chuyển đổi số - ảnh 3
Các đại biểu tham quan trình diễn mô hình chuyển đổi số.

Trong quá trình triển khai CĐS, nhiều quận, huyện đã chủ động, sáng tạo trong thực hiện mang lại kết quả cao. Đơn cử như quận Hoàn Kiếm, năm 2022 đã dẫn đầu Thành phố về Chỉ số cải cách hành chính khối quận, huyện. Để có được kết quả đó, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ quận lần thứ 26, Hoàn Kiếm đã xây dựng Đề án xây dựng quận Hoàn Kiếm là đô thị kiểu mẫu hướng tới đô thị thông minh. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị đồng thời cũng là nhiệm vụ thiết yếu của địa phương.

Trong 2 năm vừa qua, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, sự tham gia của người dân và cộng đồng trong việc ứng dụng CNTT vẫn diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là việc thu thuế thương mại điện tử. Bên cạnh đó, chính quyền quận từ lãnh đạo đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều tham gia tích cực vào việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Hoàn Kiếm hiện có hạ tầng mạng viễn thông khá tốt, tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tương đối cao, nhiều dịch vụ mới ứng dụng công nghệ số đang được triển khai trên địa bàn.

Còn tại quận Long Biên đang ưu tiên hoàn thiện hệ thống hạ tầng CNTT, tiến hành nội dung chính quyền số, bước đầu hình thành dữ liệu số hướng tới triển khai mở rộng ứng dụng CNTT trong quản lý, cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế số, xã hội số cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ, đội ngũ CBCCVC quận ngày càng được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp, với 100% được bố trí đúng vị trí việc làm (VTVL), đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn VTVL trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý và được cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng thực thi công vụ trong CĐS. 

Phát huy vai trò của các mô hình số cộng đồng
Tại Hà Nội, tổ công nghệ số là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ Trung ương đến cơ sở, là lực lượng giúp chính quyền CĐS mạnh mẽ hơn. Thời gian qua, tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập, hoạt động nhằm tiếp cận người dân, thúc đẩy CĐS từ người dân.

Đánh giá về mô hình này, theo TS Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA, Hà Nội đã triển khai hàng nghìn tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng số cần thiết cho người dân, doanh nghiệp và hộ gia đình để có thể chủ động, tích cực tham gia vào quá trình CĐS rất tốt. Các tổ đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách về CĐS, tiềm năng và lợi ích của CĐS cho người dân, doanh nghiệp và các hộ gia đình; hướng dẫn kỹ năng số cần thiết để các chủ thể nêu trên có thể chủ động, tích cực tham gia vào quá trình CĐS như: Thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Kỳ 4: Tạo đột phá phát triển từ chuyển đổi số - ảnh 4
Lực lượng đoàn thanh niên phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm giúp người dân kích hoạt tài khoản mã định danh điện tử.

Tại quận Long Biên, hiện nay nhiều phường trên địa bàn đã cho ra mắt nhiều mô hình ứng dụng CNTT tại các tổ dân phố nhằm giúp người dân thuận tiện trong việc tra cứu thủ tục hành chính ngay tại cơ sở thay vì phải đến trực tiếp bộ phận “một cửa” như trước đây. Người dân Long Biên cũng có thể sinh hoạt chi bộ, hội họp trực tuyến với những ứng dụng thông thường. 

Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Đức Giang, quận Long Biên cho biết: “Nhằm cụ thể hoá Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hà Nội và Đề án 06, UBND phường đã ban hành Kế hoạch “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ dân phố tại nhà văn hoá các tổ dân phố trên địa bàn phường” năm 2023. Nội dung kế hoạch hướng tới bổ sung, hoàn thiện các trang thiết bị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ dân phố, truyền thông tại các nhà văn hoá. 

“Hiện nay, đã có 10 tổ dân phố đáp ứng cơ bản, đạt 50% chỉ tiêu giai đoạn 1, UBND phường Đức Giang sẽ có phương án cụ thể đối với từng tổ dân phố để bố trí ra mắt kịp thời và phấn đấu đến cuối năm 2023, 100% tổ dân phố sẽ hoàn thành các nội dung theo Kế hoạch”- ông Trần Mạnh Tuấn cho hay.

(Còn tiếp)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bà Nhàn “biết tuốt”

Bà Nhàn “biết tuốt”

(PNTĐ) - 23 năm làm cộng tác viên dân số, bà Bùi Thị Nhàn, ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội đã giúp đỡ nhiều phụ nữ trong Tổ dân phố được đảm bảo quyền chăm sóc sức khoẻ sinh sản, có thêm hiểu biết về Kế hoạch hoá gia đình.
Nữ cán bộ U70 hăng say chuyển đổi số

Nữ cán bộ U70 hăng say chuyển đổi số

(PNTĐ) - Bà Huỳnh Thị Thanh Thủy (65 tuổi, sống tại tổ dân phố 12 phường Đức Giang, quận Long Biên) từng là Chi hội trưởng phụ nữ, Tổ phó Tổ dân phố 12. Nay bà là đội trưởng đội văn nghệ TDP 12. Năm 2024, khi quận Long Biên triển khai chủ đề “Năm hành động vì cảnh quan môi trường đô thị và chuyển đổi số”, bà Thủy trở thành nòng cốt của TDP. Hình ảnh bà mang theo máy tính, điện thoại thông minh “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để cài ứng dụng giúp nhân dân đã trở thành quen thuộc.
Người phụ nữ đầu tiên của UAE theo đuổi ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ

Người phụ nữ đầu tiên của UAE theo đuổi ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ

(PNTĐ) - Marwa Al-Mamari, một kỹ sư hàng không vũ trụ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), không chỉ đạt được thành tựu cá nhân đáng nể mà còn đang nỗ lực truyền cảm hứng cho phụ nữ trẻ trong khu vực theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học (STEM).
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Thủ đô

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Thủ đô

(PNTĐ) - Đội ngũ nữ doanh nhân, phụ nữ làm chủ các cơ sở sản xuất ngày càng phát triển cả về lượng và chất, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm… Những thành quả ấy đã tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển kinh tế của Thủ đô, cho thấy sự đúng đắn trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực phát triển kinh tế.