Những kỷ niệm với GĐ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày đầu kháng chiến
Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh Văn rất sâu sắc. Thấy tôi đã dậy anh cười tươi chào và bắt tay tôi rất chặt...
Tình bạn thời con gái
Năm 1946, tôi công tác ở ban nữ Thanh niên thành Hoàng Diệu. Đặng Bích Hà (phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp) phụ trách thiếu nhi Ấu trĩ viên. Ít khi gặp nhau. Chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng đưa tôi đến thăm gia đình giáo sư Đặng Thai Mai và tôi gặp Đặng Bích Hà. Tuổi hai mươi dễ quen và dễ thân. Ngày 19 tháng 12 năm đó, chúng tôi đều phải rút ra ngoại thành. Chỉ một thời gian ngắn làm công tác cơ yếu, tôi xin chuyển công tác. Trong lúc tôi đang chờ công tác mới, chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng bảo tôi: “Ông bà Mai vào Thanh Hoá cả rồi, chỉ còn Bích Hà ở ngoài này thôi. Em đến với Bích Hà ít hôm đi”.
May sao tôi được rơi vào một căn nhà có cơ man nào là sách. Chơi với bạn thì ít, đọc sách thì nhiều, những cuốn sách mới tinh: Nữ du kích Pháp Daniel Cazanova, tiểu thuyết tiếng Pháp Người mẹ của Maxime Goorki, sách của Jack London, lại còn cả sách học tiếng Anh…
![]() |
Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đặng Bích Hà cùng 5 người con: Võ Hồng Anh, Võ Hạnh Phúc, Võ Điện Biên, Võ Hồng Nam và Võ Hòa Bình (1963). |
Một buổi tối, tôi đang nằm đọc sách trên ghế dài phòng ngoài bỗng nghe tiếng mở cửa. Tôi nằm yên vờ ngủ. Tôi đoán anh Văn (đại tướng Võ Nguyên Giáp) ghé thăm Bích Hà. Sáng hôm sau anh Văn đi sớm. Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh Văn rất sâu sắc. Thấy tôi đã dậy anh cười tươi chào và bắt tay tôi rất chặt. Sau hôm đó Hà có cho tôi xem một bức thư ngắn, anh Văn gửi cho Bích Hà phía dưới có câu: “Cho anh hỏi thăm Nguyệt Tú bạn của Hà”.
Trong vòng vây của xe tăng Pháp
Tôi đến thị trấn Quốc Oai tìm vào nhà chị Dư vốn là người rất thân quen. Đội Tuyên truyền xung phong của tôi cần tuyển thêm các em thiếu nhi tập múa hát để chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Chị nhắn tôi đến đón hai cháu. Tôi quen chị Dư từ hồi còn ở Hà Nội. Chồng chị là một kiến trúc sư nổi tiếng của quân đội đi học ở Liên Xô mấy năm liền. Anh chị cũng rất quen với ông bà Đặng Thai Mai. Không ngờ khi vào nhà chị Dư tôi lại gặp ngay anh Văn và Bích Hà ở đây. Tôi chỉ biết sau ngày Trung đoàn Thủ đô rút ra ngoài thì các cơ quan trung ương cũng chuyển dần lên Việt Bắc nhưng tôi không nghĩ rằng Bộ Tổng chỉ huy quân sự vẫn còn ở Quốc Oai.
Anh Văn đang ngồi ở bàn lúi húi viết, nhưng khi thấy có bạn của Bích Hà đến, anh ngừng tay viết, ngẩng đầu cười tươi bắt tay tôi, rồi để tôi và Bích Hà nói chuyện. Lúc này tôi vẫn còn mang chiếc áo dài vân đen của cô cán bộ nữ thanh niên Hà Nội. Bích Hà nhận xét:
- Hình như Tuệ (tên thời con gái của nhà văn Nguyệt Tú) mập ra đấy!
Tôi nghĩ bụng: Chắc là uống nhiều canh bắp cải nấu cá chua của bà con nông dân đang làm “vườn không, nhà trống”. Nghe tiếng súng xa xa, hai cháu gái con chị Dư mới 13, 14 tuổi càng háo hức. Tôi vừa dẫn hai cháu ra khỏi ngõ nhìn lên đê đã thấy xe tăng địch chạy lổm ngổm như cua bò. Tình thế đã chuyển khác, tôi không thể đưa hai cháu đi cùng nữa. Hai cháu về lại nhà, mặt buồn thiu. Tôi lại trở về với công tác tuyên truyền xung phong của Tổng bộ Việt Minh. Đoàn chúng tôi mấy chục người được chia thành từng nhóm nhỏ về các tỉnh để mở lớp huấn luyện về trường kỳ kháng chiến.
Vượt sông Đà
Sáng dậy, vừa ra khỏi trạm giao thông, sông Đà đã ở trước mặt. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy con sông lớn, thật hùng vĩ. Đồng chí giao thông đưa tôi đến gặp Bích Hà. Anh Văn và Bích Hà đang ở trong nhà dân, tường gạch, mái lá thoáng đãng bên kia sông Đà trên đất Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Thấy tôi bước vào nhà ba lô trên lưng, biết tôi vừa đi bộ từ xa đến Bích Hà hỏi ngay:
- Tuệ ăn gì chưa? Đợi chút nhé!
Nhanh tay, Bích Hà lấy hai quả trứng gà trong chiếc rổ bên cạnh, rồi lấy cốc nước sôi bỏ hai quả trứng vào. Tôi biết đây cũng là món ăn bồi dưỡng duy nhất của anh Văn những ngày đầu kháng chiến. Hai chúng tôi ngồi kể chuyện cho nhau nghe sau lần gặp trước ở Quốc Oai. Tôi nói: “Thế là hôm ấy chúng mình đã ở trong vòng vây của xe tăng Pháp đấy”.
Đúng thế, sau này tôi nghe anh Chu Duy Kính bảo vệ của anh Lê Quang Đạo kể mới biết, anh Lê Quang Đạo và thành uỷ Hà Nội hôm ấy cũng bị kẹt ở Quốc Oai, mãi tối mới vượt sông Đáy sang huyện Chương Mỹ.
Anh Chu Duy Kính kể: Bộ đội chủ lực ta rút ra đầy đủ an toàn sau khi vây hãm được quân Pháp trong nội thành hai tháng. Phát hiện được ta đang chuyển quân lên Việt Bắc, Bộ chỉ huy quân đội Pháp lồng lộn như con thú dữ, tung gần như toàn bộ lực lượng truy đuổi hòng chộp bắt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Uỷ Ban kháng chiến Hà Nội bí mật chuyển địa điểm từ Tây Mỗ đến huyện Quốc Oai. Suốt đêm vừa đi vừa nghỉ, 8 giờ sáng hôm sau cơ quan vừa đến Quốc Oai thì xe tăng Pháp cũng đến núi So. Cả cơ quan đẩy xe bò chất đầy tài liệu, máy chữ, nồi niêu xoong chảo, chăn chiếu… vừa kịp rẽ vào làng Thạch Thất thì địch cũng vừa đến thị trấn Quốc Oai. May sao chúng lại rẽ quặt sang phía Hoàng Xá, Sài Sơn trở về Cầu Phùng. Cả cơ quan Trung ương và Thành uỷ hôm ấy đã ở trong vòng vây của xe tăng địch…, cả tôi và Bích Hà cũng vậy.
![]() |
Những phút nghỉ ngơi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chơi đàn, bên cạnh là bà Đặng Bích Hà |
Thoát hiểm nhờ… đọc tài liệu của Đại tướng
Từ cơ quan Phụ nữ Trung ương tôi đến chơi với Bích Hà và ở lại một tối. Thấy anh Văn làm việc quá nửa đêm chưa nghỉ, tôi nói: Hà nhắc anh nghỉ sớm hơn để làm việc lâu dài. Bích Hà nói: Hôm nào anh cũng thức khuya thế đấy Tuệ ạ.
Anh Trường Chinh với tên gọi thân mật anh Nhân cũng đến làm việc cùng anh Văn đến quá nửa đêm. Khi anh Nhân ra về, nhìn thấy tôi và Bích Hà vẫn ngồi đọc tài liệu và thủ thỉ nói chuyện anh bắt tay chúng tôi với nụ cười tươi và nói:
- Hai cô gặp nhau tha hồ ríu rít, ríu rít nhé.
Hai chúng tôi mải mê với đống tài liệu tin tức chiến sự và các chỉ thị của anh Văn. Tôi nhớ có đọc tài liệu anh Văn viết về việc địch sẽ nhảy dù xuống hậu phương và khi chúng đã thả dù thì không bắn đạn thật nữa. Chính nhờ tài liệu của anh Văn tôi được đọc mà tôi đã thoát chết khỏi trận nhảy dù ngày 20 tháng 8 năm 1948 của quân Pháp ở Vân Đình. Sáng hôm ấy tôi và chị Tuỵ Phương vừa đến Vân Đình thì gặp Pháp nhảy dù ngay trên đầu. Chúng tôi chỉ kịp chúi đầu vào gốc cây. Trên đầu chúng tôi máy bay Pháp bắn dữ dội.
- Chạy đi! chạy đi chị ơi!
Thế là mặc cho máy bay bắn phá, hai chúng tôi chạy hơn mười cây số qua những cánh đồng, qua súng đạn, thoát khỏi vòng vây quân nhảy dù của địch về đến cơ sở ở Mỹ Đức an toàn. Sau này, gặp được cơ quan Thành uỷ Hà Nội mới biết hôm ấy Pháp bắt hơn 200 phụ nữ ở Vân Đình.
Thăm Bích Hà sinh cháu Hoà Bình
Cùng ở chiến khu Việt Bắc, cùng ở trong quân đội, nhưng Bích Hà sống trong khu lán của Bộ tổng Tham mưu, tôi sống trong khu lán của Tổng cục Chính trị, hai khu lán khá là xa nhau.
Anh Văn và anh Lê Quang Đạo cùng đi chiến dịch Hoà Bình. Nghe tin Bích Hà vừa sinh cháu gái đầu lòng, tôi vội sang thăm. Tôi đang có thai. Phải lội qua mấy con suối và nhiều đường rừng quanh co mới đến lán Bích Hà ở. Vừa vào lán nhìn thấy Bích Hà và cháu nhỏ đỏ hỏn nằm bên cạnh, tôi mừng quá vì thấy Bích Hà khoẻ, “mẹ tròn con vuông”. Anh Văn đang đi chiến dịch Hoà Bình chắc là Bích Hà “vượt cạn một mình”. Tôi và anh Lê Quang Đạo đã định dù sinh con trai hay gái cũng đặt tên là Hoà Bình để ghi nhớ chiến thắng Hoà Bình. Nhưng trước đấy anh Văn và Bích Hà sinh con gái đã chọn tên con là Hoà Bình rồi, anh Đạo bảo tôi: “Ta đặt tên con là Thắng Lợi vậy”. Anh Đạo giải thích, đó là Thắng Lợi chiến dịch Hoà Bình mà.
Nhà văn Nguyệt Tú
(Trích hồi ký của nhà văn Nguyệt Tú, phu nhân cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo)