Hành trình tham gia chính trường của phụ nữ Kenya

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Việc phụ nữ Kenya tham gia chính trường trong bối cảnh sự phân biệt giới tính và xung đột sắc tộc vốn là vấn đề nổi cộm nhất của quốc gia này hứa hẹn mang lại luồng gió mới. Tuy nhiên để có thể dấn thân vào con đường này, phụ nữ Kenya đã phải đối diện với không ít hiểm nguy và khó khăn.

Phụ nữ bị “áp đảo” trong lĩnh vực chính trị

Thống kê từ CNN cho thấy, phụ nữ chỉ chiếm 23% số ghế trong quốc hội bất chấp trong những năm vừa qua, số lượng phụ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị đã tăng lên đáng kể. Đáng chú ý hơn, hầu hết phụ nữ chỉ được nắm giữ các chức vụ chuyên môn liên quan tới giới của mình. Trên thực tế, Kenya đã có một đạo luật trong hiến pháp nhằm đảm bảo số lượng phụ nữ tham gia chính trị. Tuy nhiên với bộ máy lãnh đạo mà nam giới chiếm đa số đã khiến đạo luật này liên tục gặp khó khăn trong việc triển khai trong suốt 12 năm kể từ khi nó được thông qua, do đó, Kenya được cho là quốc gia có ít nữ lãnh đạo được bầu nhất ở Đông Phi.

Luật sư kiêm nhà văn chuyên viết về phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, Marilyn Kamuru nói rằng: “Ngày càng có nhiều phụ nữ Kenya tham gia tranh cử, tuy nhiên họ đã bị loại ra khỏi chính trường một cách có hệ thống”.

Rào cản đầu tiên là những thách thức về tài chính đối với việc cạnh tranh trong các chiến dịch tranh cử có thể lên tới hàng trăm nghìn USD, bên cạnh đó, bạo lực cũng thường xuyên xảy ra đối với những phụ nữ đang tranh cử hoặc thậm chí cả những người đang đương chức. Ví dụ, vào năm 2019, một nghị sĩ Kenya đã bị bắt vì bị cáo buộc tát một đồng nghiệp nữ và miệt thị cô ấy. Kamuru nói: “Tất cả những điều này được thực hiện nhằm làm giảm tinh thần của phụ nữ, khiến họ phải cân nhắc tranh cử vào các vị trí thấp hơn hoặc từ bỏ hoàn toàn các chiến dịch của mình”. Cũng theo bà Kamuru, chu kỳ bầu cử mới nhất đã diễn ra theo mô típ quen thuộc, với nhiều phụ nữ bị bạo lực hoặc đe dọa gây tổn hại về thể chất cùng nhiều hành vi sai trái đã được sử dụng nhằm buộc phụ nữ phải từ bỏ ý định tham gia chính trị. Daisy Amdany, nhà vận động quyền phụ nữ và giám đốc điều hành của Tổ chức Nhận thức và Vận động Cộng đồng có trụ sở tại Nairobi (Thủ đô của Kenya) tiết lộ, ở một số vùng nông thôn, nếu không có sự cho phép của đàn ông, phụ nữ thậm chí không được phép giữ thẻ cử tri của mình, họ còn bị gây khó khăn bởi việc bầu cử được xác định theo “quyết định” của những người lớn tuổi trong khu vực. Rào cản thứ hai là sự gia tăng của tình trạng phát ngôn thù ghét và lan truyền những thông tin sai lệch trên các nền tảng kỹ thuật số nhằm chống lại phụ nữ trong lĩnh vực chính trị ở quốc gia này.

Hành trình tham gia chính trường của phụ nữ Kenya - ảnh 1
Ngày càng có nhiều phụ nữ Kenya tham gia tranh cử, nhưng họ luôn bị loại ra khỏi chính trường 

Đấu tranh bảo vệ phụ nữ trên “mặt trận” truyền thông

Theo nghiên cứu được công bố năm 2017 của GeoPoll (nền tảng khảo sát thời gian thực trên điện thoại di động lớn nhất thế giới) có tới 90% trong số 2.000 người được khảo sát từ 47 quận ở Kenya xác nhận đã tiếp cận với những thông tin sai lệch hoặc không chính xác trong kỳ bầu cử năm 2017 trên các nền tảng mạng xã hội. Những thông tin này chủ yếu đả kích việc phụ nữ tham gia tranh cử và chống lại các quyền của phụ nữ.

Nhằm khắc phục tình trạng này, UNESCO đã phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức một chiến dịch huy động hơn 1.200 thanh niên trên khắp Kenya tham gia vào chuỗi các khóa đào tạo về Truyền thông và Kiến thức Thông tin. Theo đó, các khóa đào tạo ngắn hạn này đã trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức và kỹ năng thực hành cần thiết để sử dụng cho mục tiêu gỡ rối thông tin và chống lại các hình thức ngôn ngữ thù địch trên nền tảng trực tuyến.

Vào tháng 5/2022, UNESCO còn thực hiện chương trình hỗ trợ Hội đồng Truyền thông Kenya (MCK) trong việc hướng dẫn hơn 200 chuyên gia truyền thông đến từ 47 quận ở Kenya cách thức đưa tin nhạy cảm một cách chính xác. Ngoài ra nhiều dự án khác của tổ chức này về Truyền thông xã hội vì Hòa bình cũng được triển khai có hiệu quả như tăng cường lan tỏa các câu chuyện hòa bình tích cực và phát triển các ứng dụng di động về các sáng kiến xây dựng hòa bình ở Kenya. Bất chấp khó khăn, phụ nữ Kenya vẫn đang kiên trì đấu tranh bằng nhiều hình thức để có thể hiện thực hóa được mong ước đưa tiếng nói nữ quyền của mình lên nghị trường nước này.

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ đóng vai trò then chốt trong xây dựng hòa bình

Phụ nữ đóng vai trò then chốt trong xây dựng hòa bình

(PNTĐ) - Báo cáo mới nhất của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho thấy sự tham gia của phụ nữ vào tiến trình hòa bình mang lại kết quả bền vững hơn. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn chưa được đại diện đầy đủ trong các cuộc đàm phán chính thức, đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với việc giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình.