Phụ nữ Afghanistan nhọc nhằn mưu sinh

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau khi Taliban lên nắm quyền, chế độ cai trị hà khắc đã khiến cuộc sống của phụ nữ Afghanistan càng thêm khó khăn, đặc biệt, ngành hàng thủ công của phụ nữ nước này vốn rất được ưa chuộng đang trên bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan vẫn đang không ngừng tiếp tục cuộc sống.

Rào cản lớn

Vào năm 2015, một nhóm phụ nữ ở tỉnh Bamiyan miền trung Afghanistan đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để thành lập khu chợ bán đồ thủ công mỹ nghệ của chính họ và của phụ nữ ở các khu vực lân cận. Bamiyan là một địa điểm nổi tiếng với nhiều khu di tích cổ và là nơi tọa lạc công viên quốc gia Band-e-Amir có sáu hồ nước sâu tuyệt đẹp. Vẻ đẹp tự nhiên phong phú của khu vực này đã thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước mỗi năm, do đó, khu chợ bán đồ thủ công mỹ nghệ của phụ nữ cũng theo đó lớn mạnh nhanh chóng, trở thành nguồn sinh kế chính của nhiều gia đình. Bên cạnh đó, khu chợ này còn mang đến cho phụ nữ nhiều cơ hội được khẳng định bản thân và tiếp xúc với mọi người. "Nhiều du khách nước ngoài lui tới vào thời điểm đó, doanh thu hàng tháng của tôi có thể lên tới 230 USD và tôi đã tuyển dụng gần 50 phụ nữ cho cửa hàng của mình", một tiểu thương cho biết.

Tuy nhiên, giờ đây, tất cả đang trên bờ vực sụp đổ do những hạn chế từ chính quyền Taliban áp đặt đối với các hoạt động và phong trào của phụ nữ. "Tôi đã mất gần hết công việc kinh doanh của mình, thu nhập từ cửa hàng đã giảm đi một nửa", tiểu thương nói trên chia sẻ. Một sắc lệnh do nhà cầm quyền ban hành vào tháng 12/2021 quy định, phụ nữ muốn đi ra ngoài buộc phải có ít nhất một nam giới giám hộ (mahram) đi cùng. Điều này đã tạo ra rào cản vô cùng lớn đối với phụ nữ. Một nữ tiểu thương sống cách chợ khoảng một giờ đồng hồ đi đường cho biết, cô thường xuyên nhận được những cuộc gọi nặc danh yêu cầu phải nghỉ làm ở nhà vì không có người giám hộ đi kèm. Tồi tệ hơn, khi cố gắng nhờ sự trợ giúp của cảnh sát, điều cô nhận lại là sự quở trách, cô chia sẻ: "Họ nói tôi là một phụ nữ không ngoan vì hay kích động người khác làm việc xấu. Họ còn lên án vì tôi đã đến cửa hàng một mình. Mặc dù rất sợ nhưng tôi không có lựa chọn nào khác vì còn ba đứa con nhỏ và chồng thì đang thất nghiệp". Ngoài ra, các chi phí nguyên vật liệu thô như chỉ, sợi và vải để thêu các loại thảm và quần áo cũng tăng vọt khiến chi phí sản xuất tăng và nhu cầu của khách hàng giảm mạnh do phụ nữ khó có thể bán sản phẩm trực tiếp trên thị trường bởi những hạn chế của Taliban.

Phụ nữ Afghanistan nhọc nhằn mưu sinh - ảnh 1
Hầu hết phụ nữ điều hành các cửa hàng ở chợ thủ công là trụ cột duy nhất của gia đình họ

Kêu gọi ủng hộ quyền phụ nữ

Bà Sima Sami Bahous - Giám đốc điều hành tổ chức Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đánh giá: "Mặc dù bị tước quyền, thường xuyên phải đối mặt với đe dọa bạo lực, nhưng phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan vẫn đang kiên cường tiếp tục cuộc sống". Theo bà, một số phụ nữ Afghanistan đã dám hình thành các nhóm xã hội dân sự mới để giải quyết nhu cầu cộng đồng, số khác bất chấp để mở lại hoạt động kinh doanh hoặc quay trở lại làm việc. "Chúng ta cần thêm nhiều hành động thể hiện sự dũng cảm", bà Sima nhấn mạnh. Trong một động thái tương tự, các chuyên gia nhân quyền độc lập của Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho phụ nữ Afghanistan, đồng thời, thúc giục các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm về quyền của phụ nữ.

Tại quốc gia Nam Á này, nhiều nhóm phụ nữ tiếp tục được hình thành, không chỉ giúp đỡ nhau trong việc kinh doanh hoặc tìm các công việc kiếm thêm thu nhập mà còn khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái học chữ để nâng cao hiểu biết cũng như đào tạo cách bảo vệ bản thân, phòng tránh bạo lực. Với mục tiêu không để sự bất công ở Afghanistan bị lãng quên, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) hồi tháng 5, Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner đã lên tiếng kêu gọi các nước cần tiếp tục đưa vấn đề của Afghanistan lên nghị trường. "Chỉ riêng theo nguyên tắc đạo đức, chúng ta không thể bỏ rơi 40 triệu người Afghanistan", ông nói.

Bất chấp áp lực từ những hạn chế mà chính quyền đặt ra, nhiều phụ nữ Afghanistan vẫn đang nỗ lực không chỉ để mưu sinh, hoàn thành nghĩa vụ trụ cột gia đình, mà còn đấu tranh để tiếng nói của họ được lắng nghe.

Tin cùng chuyên mục

Châu Phi đầu tư mạnh mẽ cho chăm sóc sức khỏe phụ nữ

Châu Phi đầu tư mạnh mẽ cho chăm sóc sức khỏe phụ nữ

(PNTĐ) - Khu vực châu Phi cận Sahara đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng, với tỷ lệ tử vong ở bà mẹ lên tới 70% - cao nhất toàn cầu. Tình trạng đáng báo động này tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững của châu lục và đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ từ các quốc gia.
Bất bình đẳng giới là nguy nhân chính gia tăng nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ

Bất bình đẳng giới là nguy nhân chính gia tăng nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ

(PNTĐ) - Cuộc chiến chống lại HIV/AIDS dù đã đạt được những bước tiến đáng kể, song, vẫn đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em. Số liệu thống kê cho thấy sự bất bình đẳng giới, thiếu tiếp cận chăm sóc y tế và sự thiếu hiểu biết vẫn là những rào cản lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh.