Tất cả các bên không nên làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 9/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin tới báo chí về việc chiến đấu cơ Trung Quốc gây nguy hiểm cho máy bay do thám Úc trên Biển Đông.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hằng, trợ lý Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định: “Việt Nam cho rằng, tất cả các nước cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước UNCLOS 1982 và các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, không làm gia tăng căng thẳng tại khu vực, đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, hợp tác và phát triển của khu vực và quốc tế”.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng khẳng định một lần nữa có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền, quyền chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tất cả các bên không nên làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông - ảnh 1
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao.

Trước đó, ngày 7/6, Trung Quốc cho biết đã cảnh báo một máy bay quân sự của Úc rời đi sau khi máy bay này bị chiến đấu cơ của Bắc Kinh chặn trên Biển Đông vào ngày 26/5.

"Trung Quốc không bao giờ cho phép bất cứ nước nào vi phạm an ninh và chủ quyền của Trung Quốc nhân danh tự do đi lại, và gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định trên Biển Đông", Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra phản ứng.

Cơ quan này cảnh báo Úc nên ngừng các hoạt động khiêu khích và hạn chế hoạt động của hải quân, không quân nếu không muốn đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng".

Cũng trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu quan điểm về quan hệ hợp tác với Đặc khu kinh tế Hồng Kông.

Trả lời báo chí về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hằng, cho biết: “Việt Nam coi trọng và thúc đẩy quan hệ giao lưu cùng hợp tác với Đặc khu kinh tế Hồng Kông. Trong những năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hồng Kông tiếp tục ghi nhận các bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch là điểm sáng".

Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết, sau đại dịch muốn thu hút khách đến từ các khu vực có chi tiêu cao, trong đó có Hồng Kông. Nếu Hồng Kông mở cửa trở lại sẽ tác động như thế nào đến tiềm năng hợp tác song phương. Bà Lê Thị Thu Hằng thông tin: "Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trong năm 2021 trao đổi thương mại Việt Nam - Hồng Kông vẫn duy trì đà tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hồng Kông đạt 13-16 tỷ đô la, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hồng Kông, và là đối tác thương mại lớn thứ 2 trong số các nước ASEAN".

Cũng theo bà Hằng, giao lưu nhân dân giữa hai bên cũng phát triển tốt trước đại dịch COVID-19. Mỗi ngày có khoảng 20 chuyến bay giữa Việt Nam và Hồng Kông. "Với tiềm năng hợp tác rất lớn giữa hai bên và cùng có nhu cầu mở cửa, phục hồi sau đại dịch. Chúng tôi kỳ vọng rằng, hợp tác giữa Việt Nam và Hồng Kông sẽ không ngừng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, du lịch nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Đồng thời, đóng góp vào hợp tác, phát triển trong khu vực", bà Hằng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục