Thế giới lo ngại tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên tăng vọt

Chia sẻ

Các nghiên cứu mới được đưa ra gióng lên hồi chuông cảnh báo tỷ lệ trẻ em tự tử gia tăng trong hai thập kỷ qua.

Con số thống kê đáng quan ngại: Số lượng trẻ em ở độ tuổi 10-12 sử dụng các loại thuốc nhằm mục đích tự tử đã tăng tới 4,5 lần kể từ năm 2000. Đặc biệt, vấn đề tâm lý ở trẻ em không chỉ là chủ đề nóng trong mùa dịch mà thực chất đã trở nên phổ biến từ rất lâu.

Bác sĩ cấp cứu nhi khoa ở đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon (Mỹ), Tiến sĩ David Sheridan cho biết, các bệnh nhân tới khoa cấp cứu vì các vấn đề sức khỏe tinh thần ngày càng tăng, khẳng định đây là một điều đáng quan ngại.
Một cuộc khảo sát được thực hiện trên hơn 1,2 triệu trẻ từ 6-18 tuổi bởi hệ thống dữ liệu chất độc quốc gia đã chỉ ra rằng có tới 2/3 số trẻ có ý định tự tử là trẻ em gái.

Trong đó, có hơn 1.000 trường hợp tử vong và gần 29% trường hợp để lại di chứng nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ có ý định thật sự muốn tự sát tăng nhanh chóng, ở thanh thiếu niên là hơn 2,4 lần và nhóm tuổi 10-12 tăng gấp 4,5 lần.

Con số đáng báo động về tỷ lệ tự tử ở trẻ gia tăng đã thôi thúc các nhà nghiên cứu đi tìm nguyên nhân.

Trẻ em có thể sử dụng chính những loại thuốc phổ biến trong gia đình nhằm mục đích tự sát	Ảnh: USNewsTrẻ em có thể sử dụng chính những loại thuốc phổ biến trong gia đình nhằm mục đích tự sát  Ảnh: USNews

Sheridan nhấn mạnh: “Thật tốt khi các trường hợp lạm dụng thuốc để giải trí không tăng, nhưng vấn đề rất đáng lo ngại là những đứa trẻ có ý định tự sát đang ngày càng nhiều. Thực tế, số lượng thiếu niên trong độ tuổi 13-19 tự tử tăng cao hơn nhiều so với các đối tượng trong nhóm 9-12 tuổi”.

Vị chuyên gia nhấn mạnh vai trò của các bậc cha mẹ trong gia đình trong việc phòng tránh tự tự ở trẻ, rằng họ cần phải biết các chất kích thích mà con mình đang sử dụng đôi khi lại xuất phát từ chính những loại thuốc phổ biến nhất có trong mỗi hộ gia đình như các loại thuốc hạ sốt và giảm đau (Tylenol, Motrin, Advil) hay các loại thuốc dị ứng (Benadryl). Do đó, các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi này cần kiểm soát chặt chẽ hơn các loại thuốc trong gia đình.

Mặc dù nguyên nhân cụ thể chưa được xác định nhưng các chuyên gia lưu ý mọi người cần cẩn trọng với sự trùng hợp. Ví dụ, năm 2013 là thời điểm nhiều nền tảng mạng xã hội được ra mắt, cũng là giai đoạn các ca tự tử tăng vọt. Sheridan cho biết: “Mục đích của nghiên cứu không phải là tìm ra các nguyên nhân, yếu tố khiến vấn nạn tự tử trở nên phổ biến. Điều quan trọng là có thể nhấn mạnh tình trạng gia tăng của các ca tự sát, từ đó thúc đẩy thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề này”. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đang chờ dữ liệu mới được cập nhật để tìm hiểu rõ hơn các trường hợp uống thuốc tự tử trong giai đoạn dịch bệnh.

Giám đốc Hiệp hội Phòng chống tự tử ở thanh thiếu niên, Susan Tellone, đề xuất cần phải có các cuộc thảo luận mở về sức khỏe tinh thần nhằm khuyến khích công chúng bàn luận vấn đề này một cách thoải mái hơn. “Điều quan trọng là mọi người sẽ không kỳ thị hay cảm thấy xấu hổ khi nhắc đến các vấn đề về mặt tâm lý, mọi người hãy thoải mái khi trò chuyện về tình trạng sức khỏe tâm thần của mình, bởi giống như tim, phổi hay các bộ phận khác, não cũng là một cơ quan chức năng của cơ thể”- bà Susan Tellone cho hay.

Giải pháp cơ bản nhất có thể thực hiện trong mỗi gia đình là cha mẹ hãy trò chuyện hàng ngày cùng con mình bằng những câu hỏi thăm liệu chúng có ổn không, hay có điều gì làm các con cảm thấy không vui, bất an hay không? Tellone nhấn mạnh những cuộc trò chuyện tâm sự như vậy là rất cần thiết để cha mẹ thực sự luôn bên con từ lúc chúng mới bắt đầu có cảm xúc tiêu cực. Bà cho rằng cha mẹ nên tránh sử dụng những ngôn từ phán xét hay thậm chí không cần đưa ra bất cứ lời khuyên nào, chỉ đơn giản là hãy lắng nghe trẻ và luôn nói: “Mẹ muốn nghe tiếp câu chuyện của con. Mẹ ở đây là vì con”.

“Đối với trẻ em, có nhiều yếu tố dẫn đến ý định tự tử, nhưng tôi cho rằng đại dịch và mức độ bất ổn kinh niên là tác nhân chính gây ra những thiệt hại này” - Tellone chia sẻ.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục