Việt Nam sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân ở Sudan
(PNTĐ) - Trước thông tin có người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Khartoum, khu vực đang diễn ra nhiều cuộc xung đột tại Sudan, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân ngay khi cần thiết.
Thế giới kêu gọi chấm dứt xung đột tại Sudan
Ngày 17/3, Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) đã đưa ra báo cáo cho biết, các cuộc xung đột tại Sudan trong năm 2022 đã khiến 3.469 người thương vong, con số này tăng 2% so với năm 2021. Báo cáo cũng nêu rõ các nạn nhân thiệt mạng và bị thương do nhiều nguyên nhân, từ xung đột cho đến bị bắt cóc hoặc là nạn nhân của bạo lực tình dục liên quan đến xung đột. Báo cáo cũng đưa ra con số 42% người dân đang phải chịu ảnh hưởng bởi bạo lực liên quan đến các cuộc xung đột ở nhiều bang Thượng sông Nile và Warab, trong khi các bang Jonglei, Unity, Đông Equatoria và Trung Equatoria chiếm khoảng 50% số người thương vong.
Những cuộc giao tranh chưa có dấu hiệu lắng dịu. Gần đây nhất, vào ngày 15/4, hàng loạt cuộc đụng độ đã nổ ra ở thủ đô Khartoum và các thành phố khác giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) - một nhánh an ninh độc lập có nguồn gốc từ các dân quân ủng hộ chính phủ. Cả hai bên đều cáo buộc đối phương châm ngòi xung đột. Các cuộc giao tranh nổ ra từ sáng 15/4 ở phía Nam thủ đô Khartoum đã lan rộng ra nhiều khu vực khác trên cả nước.
Cuộc đụng độ ở Darfur đã khiến ba nhân viên thuộc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cùng nhiều dân thường thiệt mạng. Một phát ngôn viên của WFP cho biết, có hai nhân viên khác của Liên hợp quốc đã bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ và một máy bay bị hư hại, điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác nhân đạo của WFP. Chương trình nhân đạo hiện đã bị tạm dừng để đảm bảo an ninh bởi theo lời người phát ngôn của WFP: "không có lý do gì để nhắm mục tiêu vào những nhân viên hoạt động nhân đạo".
Trong một động thái tương tự, Hiệp hội Bác sĩ Sudan cho biết, tính đến ngày 16/4 đã có ít nhất 56 người dân thường thiệt mạng và 595 người khác bị thương trong các cuộc giao tranh. Theo Reuters, thương vong được ghi nhận ở nhiều khu vực như sân bay ở thủ đô Khartoum và tại thành phố Omdurman lân cận, cũng như tại các đô thị Nyala, El Obeid và El Fasher ở phía tây thủ đô Khartoum.
Trước sự việc này, hàng loạt các quốc gia trong khu vực đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên ở Sudan kiềm chế tối đa và tránh leo thang xung đột. Theo đó, Ai Cập và Nam Sudan là hai nước có chung đường biên giới với Sudan, đều lên tiếng kêu gọi ngừng bắn. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã điện đàm với người đồng cấp Nam Sudan, Salva Kiir, hai nhà lãnh đạo bày tỏ sẵn sàng làm trung gian hòa giải để chấm dứt xung đột trong khu vực. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 18/4 đã kêu gọi các bên xung đột tạo điều kiện cho tiếp cận nhân đạo và chăm sóc y tế. Tương tự, các nước Mỹ, Nga, Ả Rập Xê Út cũng như Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi đều đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch ngay lập tức.
Việt Nam sẵn sàng bảo hộ công dân
Liên quan đến xung đột vũ trang tại Sudan khiến nhiều người thương vong trong suốt 3 năm qua và trả lời câu hỏi có hay không người Việt Nam bị ảnh hưởng tại đây, ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin: “Xung đột vũ trang tại Sudan vừa qua theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan cho biết, hiện có một công dân mang quốc tịch Việt Nam và Úc đang cư trú ở thủ đô Khartoum và 16 công dân khác là thuyền viên tại cảng Port Sudan vẫn đang an toàn".
Thông tin thêm về tình trạng của các công dân này, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, hiện tại, các công dân Việt Nam ở Sudan đều trong tình trạng an toàn, sức khỏe tốt. "Tuy nhiên, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan hiện vẫn đang theo dõi rất sát tình hình và sẽ có những biện pháp hỗ trợ, bảo hộ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam ngay khi cần thiết", ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh.