“2 từ khóa” giúp giáo dục sớm cho con thành công

Hoàng Lan (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hiện nay, có nhiều phương pháp về giáo dục trẻ sớm, cùng với đó cũng có nhiều tranh luận khác nhau về thực hư hiệu quả của việc khơi gợi tiềm năng của con ngay từ khi mới chào đời. Để có thể hiểu hơn về giáo dục sớm cho trẻ, báo Phụ nữ Thủ đô đã trò chuyện với bà Trần Hương Thảo, Cố vấn kỹ thuật về giáo dục, Tổ chức cứu trợ trẻ em.

Xin chào bà. Trước tiên, bà có thể chia sẻ quan điểm của mình về việc giáo dục sớm cho trẻ? Thực sự trẻ từ khi mới ra đời (0 tuổi) đã có thể giáo dục?

Bà Trần Hương Thảo: Tôi luôn đồng tình với quan điểm rằng giáo dục trẻ em bắt đầu từ những ngày tháng đầu đời. Chúng ta thường nhắc đến khái niệm “thai giáo” để nói về việc giáo dục trẻ từ khi còn hoài thai trong bụng mẹ. Hiện nay, có một số các phương pháp giáo dục sớm dành cho trẻ em trong độ tuổi từ 0 – 3, tính từ khi trẻ chào đời.

Nói rằng “giáo dục sớm” có lẽ thường gây hiểu nhầm là dạy, học trước tuổi, trước khi trẻ sẵn sàng, nhưng thực tế thì thuật ngữ này dùng để mô tả hoạt động đem lại cho trẻ những cơ hội/hoạt động trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi về cảm xúc, tình cảm xã hội, phát triển các tiềm năng của trẻ với các loại hình trí thông minh khác nhau (học thuật, cảm xúc, vượt khó, vận động…). Do vậy, từ “sớm” để chỉ “giai đoạn đầu đời” của trẻ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại quan điểm của từng cá nhân về từ “giáo dục”. “Giáo dục” sẽ không chỉ đơn thuần là “dạy” và “học” những kiến thức, kỹ năng cụ thể có thể đo lường một cách chính xác. Đặc biệt trong một nền văn hóa Á Đông như Việt Nam, nhiều người vẫn cho rằng “giáo dục” là quá trình dạy dỗ người học trở nên giàu kiến thức, hoặc nôm na là giỏi hơn.

Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là đối tượng từ 0 – 3 tuổi, “giáo dục” phần lớn chính là người chăm sóc mang đến sự quan tâm, chăm sóc, tình yêu thương đến trẻ nhỏ, đáp ứng lại những nhu cầu bản năng của trẻ một cách tích cực. Nếu hiểu giáo dục theo nghĩa này, thì quá trình này hoàn toàn có thể bắt đầu từ khi người mẹ hoài thai đứa trẻ.

“2 từ khóa” giúp giáo dục sớm cho con thành công - ảnh 1
Bà Hương Thảo

Vậy theo bà, hiệu quả của giáo dục từ lúc trẻ 0 tuổi là như thế nào?

Tôi xin lấy ví dụ về phương pháp “Đánh thức tiềm năng não bộ cho trẻ 0 – 3 tuổi” của tổ chức Save the Children để chúng ta dễ hiểu. Phương pháp này tập trung vào nâng cao năng lực cho các nhân tố tham gia vào quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, thay vì tổ chức những hoạt động trực tiếp can thiệp đến trẻ. Cha mẹ, giáo viên học về “chăm sóc ứng đáp” (responsive care) để đáp lại các nhu cầu vô ngôn của con trẻ một cách tích cực, thương yêu, về “hỗ trợ phát triển tiềm năng ở trẻ” để biết cách cùng con chơi các hoạt động tương tác, phát triển đa kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này của con.

Để đo lường và đánh giá hiệu quả của phương pháp, chúng tôi sử dụng bộ công cụ CREDI của do Đại học Harvard phát triển. Bộ công cụ này sẽ giúp chúng tôi đo lường sự thay đổi, tiến bộ trên người chăm sóc và giáo dục trẻ, thay vì cố gắng đánh giá sự phát triển trực tiếp của đứa trẻ. Lý thuyết về sự thay đổi bền vững luôn sẽ là mang lại môi trường phát triển tốt nhất cho con thông qua những người tác động đến trẻ. Thông qua kiến thức – thái độ - hành vi của người chăm sóc và giáo dục trẻ được cải thiện, thì chất lượng cuộc sống của trẻ cũng theo đó được nâng lên.

Vậy, trong trường hợp cha mẹ muốn giáo dục sớm cho con thì cần phải làm gì và chú ý điểm gì?

Tôi có thể tóm tắt điều phải làm trong 2 từ khóa “tình yêu thương” và “sử dụng thời gian một cách chất lượng bên con”.

Trẻ trong độ tuổi 0 – 3 cần nhất là tình yêu thương, vỗ về, ấm áp từ người chăm sóc, để các em cảm thấy an toàn với thế giới rộng lớn xa lạ mà các em mới bước vào. Các bạn thường thấy trẻ con mới đẻ sẽ hay khóc, hoặc sẽ có chu kỳ sinh hoạt ngày đêm đảo lộn, ấy là do các con chưa bắt nhịp được với môi trường sống mới, thường cảm thấy “bất an” và chỉ có thể giao tiếp với người lớn bằng tiếng khóc của mình.

Tôi cũng xin lưu ý rằng yêu thương không có nghĩa là nuông chiều, mà là tạo ra cảm giác an toàn và phát triển sự tự tin ở trẻ em khi bắt đầu học những điều mới – đây là một kỹ năng vô cùng quan trọng để trẻ có thể thành công sau này.

Từ khóa thứ 2 “thời gian chất lượng” là để nói về cách cha mẹ dành thời gian cho con quan trọng hơn thời lượng mà cha mẹ ở cùng con. Cha mẹ có thể ở bên con cả ngày, nhưng không nhìn trẻ, không nói chuyện và cùng nhau làm một việc gì đó với trẻ, thì cha mẹ có ở bên, con cũng không cảm nhận được sự có mặt của cha mẹ. nhưng nếu cha mẹ chỉ cần dành 15 phút mỗi ngày thực sự trò chuyện với con, lắng nghe con, dõi theo từng cử chỉ, hành động của con và đáp lại chúng một cách tích cực thì sẽ có tác động hơn 24h kia rất nhiều.

“2 từ khóa” giúp giáo dục sớm cho con thành công - ảnh 2
Bà Hương Thảo và con trai

Với phụ huynh bận rộn, hay là không có nhiều điều kiện tài chính để đầu tư cho con có nên nghĩ tới việc giáo dục con từ sớm này không?

Đối với các bậc phụ huynh không có điều kiện tài chính nhiều hoặc bận rộn, lời khuyên của tôi vẫn là tập trung vào “tình yêu thương” và “thời gian chất lượng bên con”. Tôi cũng rất muốn lưu ý các bậc phụ huynh rằng yếu tố tài chính là quan trọng, nhưng không phải là tiên quyết trong quá trình giúp trẻ trở thành người thành công trong cuộc sống. Trên thực tế, trong hơn 2.000 tỉ phú trên thế giới (ước tính vào năm 2019), thì có đến 41% trong số này là các tỉ phú tự thân đến từ các gia đình nghèo. Điều này cho thấy môi trường có tác động rất lớn đến sự thành công của mỗi người, và gia đình giàu có không đảm bảo cho sự thành công của con cái trong tương lai.

Có sai lầm nào theo chuyên gia mà cha mẹ đang mắc phải khi giáo dục con từ sớm?

Có rất nhiều sai lầm mà phụ huynh thường mắc phải khi dạy/giáo dục con. Tuy nhiên, theo tôi thì có thể chia ra hai thái cực chính: Quá nuông chiều và quá hà khắc. Với thái cực đầu tiên, cha mẹ sẽ làm hộ con tất cả mọi việc, từ việc nhỏ nhất, để con có tất cả những gì con đòi hỏi một cách dễ dàng, mặc kệ con làm bất cứ điều gì mình muốn kể cả những hành vi sai trái, không hài lòng khi con nhận kỷ luật trong cuộc sống vì tin rằng con mình luôn đúng, tìm cách bao che cho mọi lỗi lầm của con….

Còn với thái cực thứ hai, một vài biểu hiện có thể kể đến như cha mẹ luôn quát mắng mỗi khi con làm sai, không cho con cơ hội được thanh minh, sử dụng bạo lực như biện pháp để con nghe lời, ép con học tất cả những gì mình muốn mà không quan tâm đến tâm tư, sở thích, nguyện vọng của con.

Một khi đã là thái cực, tất cả đều không được khuyến khích. Tôi tin tưởng rằng mỗi đứa trẻ sẽ có một lộ trình, một nhịp điệu phát triển riêng, mà phụ huynh và giáo viên cần lắng nghe, tôn trọng và hỗ trợ, để các em có thể phát huy năng lực và phẩm chất của mình một cách trọn vẹn nhất. Quá trình này sẽ đòi hỏi nhiều sự yêu thương, chia sẻ và nhẫn nại của người lớn chúng ta như khi quan sát một mầm xanh đâm chồi và lớn lên trở thành cây đại thụ.

Cuối cùng, một vài chia sẻ của chuyên gia đối với cha mẹ khi muốn con hứa hẹn có một tương lai tốt đẹp sau này?

Chuyện tương lai có thể thành công hay không là một việc không ai có thể đảm bảo, dù là đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình nghèo khó hay khá giả. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con trang bị những kỹ năng để sẵn sàng với những thử thách trong cuộc sống sau này. Khả năng thích ứng, kỹ năng tình cảm xã hội, khả năng học hỏi và vượt qua những chướng ngại trong cuộc sống… hoàn toàn là những kiến thức và kỹ năng mà trẻ em có thể học và bồi đắp theo năm tháng, với sự đồng hành của cha mẹ. Cha mẹ càng bắt đầu bên con, giúp con, hỗ trợ con đúng cách từ sớm, thì con càng có thêm thời gian “rèn luyện” và “mài dũa” những kỹ năng này, và sẵn sàng hơn cho một tương lai tốt đẹp phía trước.

Xin cảm ơn bà!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.