60 năm giữ lửa ẩm thực Hà Thành

Chia sẻ

Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Phạm Thị Ánh Tuyết sinh ra trong gia đình gốc Hà Nội ở phố cổ, lớn lên bên bà ngoại, được hấp thụ giáo dục chuẩn con gái “công dung ngôn hạnh” và cái tài không thể thiếu “nữ công gia chánh” đã mang theo hơn 60 năm giữ lửa ẩm thực Hà Thành.

Nguyên vẹn một đam mê ẩm thực Hà Thành

Mặc dù thời gian này phải đóng cửa nhà hàng phòng dịch, tuy nhiên, các món ăn do NNƯT Ánh Tuyết thực hiện vẫn chưa bao giờ ngơi khách. Không đến ăn được thì họ sẽ đặt qua online. Phần lớn khách thân quen vẫn duy trì đến mua mang về từ bữa sáng với phở, bún thang, bún mọc, nước phở… đến các món ăn trưa như bún chả, các món ăn mất nhiều thời gian chế biến, ăn với cơm như cá lăng, cá trắm đen kho giềng.

Đối tượng khách hàng thưởng thức món ăn của Nghệ nhân Ánh Tuyết không chỉ những người Hà Nội thời “nghiền” vị xưa mà cả giới trẻ thời nay cũng bị cuốn hút, có người còn bảo “con nghiện món ăn của bà vì hương vị độc đáo ít nơi có được”.

Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết vẫn không dừng đôi tay nấu các món ăn hương vị Hà ThànhNghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết vẫn không dừng đôi tay nấu các món ăn hương vị Hà Thành

Khi mới 8, 9 tuổi, cô bé Hà Nội, Phạm Thị Ánh Tuyết được bà ngoại hướng dẫn làm các việc bếp núc như: Nhặt rau, vo gạo, rồi cắt, tỉa củ quả thành những bông hoa lan, hoa hồng… Chính qua các câu chuyện hằng ngày, cô bé Ánh Tuyết đã học được từ bà ngoại cách lựa chọn nguyên liệu, nêm gia vị, bày biện mâm cỗ sao cho thanh lịch, hấp dẫn. Năm tháng qua đi, tình yêu nghệ thuật ẩm thực đã nảy nở và lớn dần. Đến tuổi đôi mươi, bà Tuyết vào làm trong ngành dịch vụ ăn uống. Thời đó, những năm 80-90 thế kỷ XX, xã hội phần đa có cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, ngoài giờ hành chính, bà Tuyết gói giò, làm chả đem gửi bán tại các cửa hàng thực phẩm ở chợ Hàng Bè. Các món ăn nhanh chóng thuyết phục được thực khách, bà đã quyết định mở một cửa hàng nhỏ để kinh doanh và quảng bá văn hóa ẩm thực Hà Thành.

Nơi gác nhỏ trong phố cổ Mã Mây, các món ăn truyền thống như: riêu cua, bún thang, canh bóng, cá quả cuốn thịt, xôi, giò, chả, nhất là nem Hà Nội 20 hương vị đã phục vụ biết bao thực khách Việt và người nước ngoài rồi gieo thương nhớ vào lòng người xa xứ.

Từ đó tới nay, Hà Nội thay đổi biết bao, ẩm thực Hà Nội cũng trở nên phong phú bởi du nhập rất nhiều món ăn từ khắp các vùng miền cũng như các nước trên thế giới. Ấy vậy mà bà Tuyết vẫn giữ nguyên một niềm đam mê với món ăn truyền thống và phục vụ khách sành ẩm thực Hà Thành. “Tôi như có duyên với gian bếp nên cả đời làm nghề tỉ mẩn với món ăn cổ truyền mà chưa bao giờ biết chán” - bà Tuyết chia sẻ.

Truyền lửa cho thế hệ sau

Hiện nay, Nghệ nhân Ánh Tuyết có 3 nhà hàng ẩm thực, bên cạnh kinh doanh bà còn truyền nghề, dạy nghề nấu món ăn truyền thống của người Hà Nội cho nhiều người, trong đó phần đa là người trẻ. Không chỉ người Việt Nam mà nhiều người nước ngoài như: Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nam Phi… cũng rất hứng thú học nấu món ăn cổ của người Hà Thành. “Hữu xạ tự nhiên hương”, nữ Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Ánh Tuyết cùng những món ngon đặc sản của Hà Nội đã đến với bạn bè quốc tế qua các kênh truyền hình nổi tiếng như: Discovery, BBC (Anh), CNN (Mỹ)… Ước tính học trò học nấu ăn của nghệ nhân Ánh Tuyết đã lên đến hàng chục nghìn người và đến từ nhiều quốc gia.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Ánh Tuyết - người giữ hồn ẩm thực Hà Thành.Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Ánh Tuyết - người giữ hồn ẩm thực Hà Thành.

60 năm đứng bếp, với kiến thức sâu rộng và kỹ năng điêu luyện, bà Ánh Tuyết đã được mệnh danh “đệ nhất Hà thành” trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Với những đóng góp trong việc gìn giữ văn hóa ẩm thực Hà Nội, bà đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân ẩm thực dân gian Việt Nam, danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cùng hàng loạt Huy chương Vàng tại các liên hoan, hội chợ ẩm thực trong nước và quốc tế. Bà từng được tín nhiệm lên thực đơn, nấu tiệc đãi 21 lãnh đạo các nền kinh tế tham dự Hội nghị APEC tổ chức tại Đà Nẵng năm 2017. Năm 2018, bà được trực tiếp chỉ đạo thực hiện món ăn phục vụ cho 61 phu nhân đại sứ quán tại Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải. Cũng trong năm bà đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam tặng danh hiệu “Nghệ nhân hàng đầu Việt Nam” và nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô Ưu tú” thành phố Hà Nội trao tặng.

Giờ đây, Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết đã 69 tuổi, nối nghiệp bà là hai con gái quản lý nhà hàng, song bà vẫn luôn vào bếp, luôn sát sao, luôn trăn trở để các món ăn luôn giữ được hương vị truyền thống. “Tôi mong muốn giúp cho các bạn trẻ, nhất là nữ, nấu được món ăn truyền thống, gìn giữ, lưu truyền được văn hóa ẩm thực của Việt Nam để chăm sóc sức khỏe cho gia đình”.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Tự chủ là sống có trách nhiệm

Tự chủ là sống có trách nhiệm

(PNTĐ) - Trung ương Hội LHPN Việt Nam xác định nội hàm của người phụ nữ thời đại mới hiện nay là Tri thức - Đạo đức - Sức khỏe - Trách nhiệm. Trong đó, riêng yếu tố “Trách nhiệm” được làm rõ, không phải là trách nhiệm chung chung, mà là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. Người phụ nữ hiện đại có định hướng bản thân và tự lập thì trước hết phải có trách nhiệm với mình.
Để phụ nữ hiện đại tỏa sáng thời công nghệ số

Để phụ nữ hiện đại tỏa sáng thời công nghệ số

(PNTĐ) - Chủ đề toàn cầu của ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay là “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới” và hưởng ứng chủ đề ưu tiên của Khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ của Liên hợp quốc (CSW67) “Đổi mới, công nghệ và giáo dục trong thời đại kỹ thuật số để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”. Điều này cho thấy chuyển đổi số với tiềm năng lớn, được tin rằng sẽ trở thành một “động lực thay đổi” quan trọng đối với bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ.
Một giấc mộng dài

Một giấc mộng dài

(PNTĐ) - Suốt mấy năm nay, chưa ngày nào Thùy thôi nhớ về người ấy. Một mối quan hệ không thể gọi thành tên, mà sao lúc nào cũng làm cô day dứt, khát khao được một lần quay trở lại.