Bà cụ bán cam

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hôm đó, tôi và cô bạn đang ngồi đợi đón con trước cổng trường thì bà từ đâu xuất hiện, tay bưng rổ cam nặng trĩu hướng về phía tôi. “Các con ơi mua hộ cho bà ít cam. Hôm nay cháu bà ốm, bà muốn về sớm xem nó thế nào!”.

Tôi định hỏi giá bán thì cô bạn níu lấy tay tôi, lắc đầu. Rồi bạn nói nhỏ vào tai tôi: “Mua làm gì, cam này nhìn đã không thấy ngon. Thích mua cam thì vào siêu thị, vừa tươi, vừa rẻ. Chưa kể mua ở đây còn cân điêu không biết chừng”.

Tôi chùn lại, định trả lời không mua để bà đi chỗ khác. Tôi chỉ áy náy thấy bà trông tội nghiệp, dáng người thì nhỏ thó, lưng đã còng. Hai bàn tay gầy guộc, gân guốc bê được rổ cam này chắc cũng mỏi lắm. Cô bạn như thể đọc được suy nghĩ của tôi, lại nói tiếp: “Ai đi bán hàng mà chẳng nói mình khổ. Thời buổi này không tin được ai đâu, mình bị lừa đầy lần rồi. Họ chỉ cốt bán được hàng thôi bạn ạ”.

Lần này thì bà cụ đã nghe thấy lời cô bạn tôi nói. Bà vội đặt rổ cam xuống đất, xua tay, miệng móm mém: “Bà nói thật, các con mua ủng hộ cho bà. Cam này do bà ngồi nắng cả ngày nó héo thôi chứ không hỏng. Cháu bà ở nhà đang sốt cao, bà ngồi đây mà sốt ruột. Bà hứa lần tới sẽ mang thêm cam ngon đến để bù”.

Bà cụ bán cam - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhìn bà, tôi như thấy hình ảnh của bà tôi. Hồi bà còn sống, bà cũng thường chạy chợ kiếm thêm đồng ra đồng vào. Cho tới mấy năm cuối trước khi qua đời, ở tuổi ngoài 80, khi không đủ sức đi chợ, bà vẫn túc tắc muối dưa rồi đặt cái vại sành trước cửa nhà để bán đỡ đần thêm cho con cháu. 

Tôi nghĩ là bà cụ bán cam cũng chẳng dối tôi đâu. Có người bà nào còn mang việc con cháu ra bị bệnh để lừa người, chẳng hóa để cái rủi vận vào cháu mình hay sao. Tôi liền bảo bà cụ: “Vậy thì bà cân chỗ cam lên còn bao nhiêu cân, cháu và bạn sẽ mua nốt cho bà. Cháu cũng muốn giúp cho bà về sớm trông cháu”. 

Bà cụ mừng quýnh, trút cam vào túi, đặt lên cân rồi nói giá. Tôi chẳng mặc cả làm gì liền trả bà tiền, dư một chút tôi biếu bà cụ luôn. Đúng lúc đó thì con tôi tan học, tôi chia cho bạn một nửa cam rồi vội đèo con về.

Tối đó, bạn tôi gọi tới. “Cậu ơi, mình biết ngay mà. Cam cậu mua cho tớ vừa non, vừa chua, vừa héo, lại có mấy quả hỏng. Mình sợ không dám ăn, bỏ đi cả rồi cậu nhớ lần sau, đừng có mua bán kiểu này. Đừng để mấy người bán hàng vô lương tâm qua mặt mình. Cậu chưa ăn thì thôi đừng ăn nữa nhé”.

Tôi nghe bạn nói vậy giận quá, tự trách mình đã cả tin. Ngày hôm sau, tôi lại đến trường đón con, và hồi hộp đợi xem, liệu bà bán cam có quay lại như lời hẹn không. Nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng của bà. Tôi lại càng tin vào lời bạn nói, trách cụ già bề ngoài trông tội nghiệp và hiền lành, mà sao lại cư xử như vậy.

10 ngày trôi qua, tôi đã không còn nhớ đến việc mua cam thì đột nhiên bà cụ xuất hiện, trên tay lại bê rổ cam. Bà gặp tôi mừng mừng tủi tủi như thể ngóng tôi lâu rồi. “Ơn trời, gặp lại con ở đây”. Lần này, tôi không để cho bà nói thêm, lập tức trút vào bà bao nhiêu tức tối, kèm lời khẳng định chắc nịch sẽ không bao giờ mua cam cho bà, dù bà có đưa ra lý do gì đi nữa. Mặt bà cụ nghển ra một hồi, rồi hình như trong khóe mắt đục của bà chảy ra hai giọt nước mắt. 

Bà cụ bán cam - ảnh 2
Ảnh minh họa

Bà đặt rổ cam xuống, bíu lấy tôi: “Con ơi, bà xin lỗi. Bà biết là lần trước cam bà bán chưa ngon nên lần này bà có ý đến đây vào giờ trường tan học để bù cho cam cho con. Con thông cảm, lần trước bà cần tiền chữa bệnh cho cháu nên không hạ giá bán, cũng không dám bỏ cam đi, và may là có con mua ủng hộ. Cả tuần rồi cháu bà vào viện, bà phải vào trông cháu nên cũng không đi bán cam. Giờ thì mọi việc tạm ổn rồi…”.
Lần này thì đến lượt tôi chùng xuống. Tôi nghĩ liệu tôi có đang nghi oan cho bà cụ không? 

“Con ơi, lúc nào con ghé qua nhà bà cho biết là bà không nói dối con. Chỉ có vậy chắc con mới tin được bà”.

Bà cụ đưa cho tôi địa chỉ. “Con cứ qua nhé, bà sẽ đợi con”.

Bình thường, tôi ít khi để tâm đến những cuộc hẹn hò qua đường kiểu này. Nhưng vì muốn thử xem liệu tôi có đang tìm nhầm người không nên tôi quyết định ngay cuối tuần đó, tôi qua thăm bà vào giờ mà bà bảo sẽ có nhà. 

Địa chỉ ngôi nhà mà bà cho tôi nằm ở cuối sâu trong con ngõ nhỏ. Đường vào nhà nhỏ và ngoằn ngoèo như địa đạo, không hề có chút ánh sáng tự nhiên nào lọt vào. Nhà bà lại nằm trên nóc của một cái nhà tắm công cộng, sau này tôi nghe bà kể lại là do thương hai bà cháu không có nhà nên người dân đồng ý cho bà “lấn chiếm” không gian chung làm chỗ ở. Cầu thang dẫn lên nóc nhà tắm làm bằng gỗ đã ọp ẹp, tôi cứ nghĩ ngày nào bà cụ già mắt yếu cũng dò dẫm lên xuống thì thật nguy hiểm. Và cả cháu bà nữa, tôi tận mắt thấy đó là một đứa bé gầy gò, xanh rớt. Bà kể con trai, con dâu bà đều đã qua đời do tai nạn giao thông từ khi cháu bà mới được 2 tháng tuổi. Từ đó bà làm bố mẹ của cháu đến bây giờ.

- Con ngồi đây chơi với bà, nếu nóng thì mình xuống dưới ngõ, chỗ cái bể nước kia để trò chuyện. Nhà không có cửa sổ, không có khe thoáng nên cũng có phần bí bách, sợ con không quen, bà nói.

Bà cụ bán cam - ảnh 3
Ảnh minh họa

Lần đến thăm đầu tiên hai bà cháu ấy đã khiến tôi bị ám ảnh mãi. Tôi tự nhiên thấy mình mới là người hẹp hòi khi suy bì từng quả cam với một cụ già đang phải chịu nhiều khổ cực. Cháu ốm nhưng cụ chẳng dám để cam lại cho cháu ăn mà vẫn cố bán lấy tiền vì gạo và thuốc quan trọng hơn với hai bà cháu. Còn tôi và bạn, lại tức tối đem đổ chỗ cam đi vì nghĩ mình đã bị lừa.

Một tuần sau, tôi quay lại, mang theo một ít đồ đạc mà nhà tôi không dùng để cho hai bà cháu. Tiện thể tôi hỏi thêm về cuộc sống của bà. Bà kể, bà bị mắc nhiều bệnh lắm, nặng nhất là khớp và mắt thì mỗi ngày một yếu đi. Nhưng bà mà nghỉ bán hàng thì lấy ai nuôi cháu. Bà cũng chẳng đi khám bệnh vì sợ tốn tiền. “Tôi cứ vậy thôi, lúc nào trời gọi thì tôi dạ, chỉ thương cháu tôi mồ côi”.

Bà lại kể tiếp, đời bà từ nhỏ tới lớn chẳng lúc nào được sung sướng. Lúc nhỏ bà cũng theo mẹ đi mưu sinh khắp nơi. Khi lấy chồng thì chồng vừa vũ phu, vừa nghiện nên của nả trong nhà đội nón ra đi. Đến tuổi con trai lớn lập gia đình, hai vợ chồng nó cũng không được học hành nhiều nên cũng chỉ làm phụ hồ kiếm sống. Các con vất vả chưa báo hiếu bà được ngày nào thì lại sớm qua đời, còn để lại con cho bà nuôi. Giờ đến lượt cháu cũng hay ốm đau, bệnh tật, tiền thuốc nhiều hơn tiền cơm. 

“Cũng may bà còn được bà con, mọi người xung quanh đùm bọc, thi thoảng lại cho đồng quà tấm bánh. Nhưng, cái chính vẫn là bà cháu nuôi nhau thôi. Việc bà bán cam hôm trước có gì sơ suất, mong con tha thứ nhé”.

Lúc này, tôi đã từ bỏ mọi trách cứ, nghi ngờ bà. Ngược lại, tôi ân hận vì đôi khi những mặt trái của cuộc sống, những thông tin cảnh báo lừa đảo đã khiến tâm hồn tôi chai sạn và làm tôi mất đi niềm tin vào con người. 

Tôi đã quên rằng, ở một nơi nào đó, vẫn còn rất nhiều người khổ hơn tôi đang cần được yêu thương và giúp đỡ. 

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.