Bà ngoại

Nguyễn Thị Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tháng trước, trong bữa cơm, mẹ nói với chúng tôi: “Sắp tới mẹ gọi thợ vào sửa phòng tầng 1. Sửa xong thì mẹ đón bà ngoại về ở cùng...”.

Việc bà ngoại ở cùng nhà, với các gia đình khác có thể rất đỗi bình thường, nhưng với gia đình tôi, lại là điều gì đó khác lạ. Bởi, nhiều năm rồi, mẹ tôi và bà ngoại thi thoảng mới qua lại, gặp mặt nhau. Bà tôi vẫn đang ở với cô chú trong một ngôi nhà rất to. Và mẹ tôi thì chưa từng đưa chúng tôi bước vào ngôi nhà đó...

Bà tôi sinh được 3 người con, mẹ tôi là con gái cả, dưới mẹ còn 2 chú. Cùng là con ruột nhưng bà tôi lại có tư tưởng “trọng nam khinh nữ” nên có gì hơn cũng dành cho 2 con trai, còn mẹ tôi thì phải chịu thiệt thòi. Lên lớp 7, bà cho mẹ tôi nghỉ học dù học lực của mẹ tốt và bản thân mẹ vẫn muốn tiếp tục được tới trường. Nhưng, mẹ kể, bà ngoại nói chỉ đủ sức nuôi 2 con trai ăn học.

Bà muốn mẹ tôi ở nhà để phụ bà làm đồng, ra chợ bán rau kiếm thêm tiền nuôi em. Mẹ tôi không còn cách nào khác là phải đồng ý nhưng không chút giận dỗi bà. Mẹ thương bà vất vả, thân cò lặn lội nuôi con vì ông ngoại tôi không may mất sớm.

Cũng vì ít học nên sau này, cuộc đời mẹ tôi khá lận đận. Mẹ suốt ngày bán mặt ngoài chợ, nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ từ gánh hàng rau. Rồi mẹ lấy bố, một thợ điện cũng lam lũ không kém. May mà mẹ được nhà chồng thương yêu, đùm bọc. Ông bà nội cho bố mẹ một phần đất ở bên rìa cánh đồng xa. Hai bố mẹ dựng tạm ngôi nhà nhỏ, từ đó có chỗ chui ra chui vào.

Bà ngoại - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chị em tôi lần lượt ra đời. Tôi vẫn còn nhớ có những lúc mẹ ế hàng, không có tiền mua thức ăn cho con. Cả nhà tôi ăn cơm trắng với rau chấm muối. Mẹ ngồi bên mâm, phe phẩy chiếc quạt nan cho đàn con khỏi muỗi, rồi nói giọng trầm buồn: “Giá mà ngày xưa, mẹ được học lên cao thì có lẽ đã không để các con phải khổ thế này. Các con thương thì học bù cho cả phần của mẹ nhé”.

Năm tôi lên lớp 6, bố tôi không may qua đời. Khi ấy, 3 mẹ con đang ở nhà thì có người đạp xe tới báo tin bố tôi bị ngã từ trên cột điện xuống, chết ngay tại chỗ. Mấy mẹ con tôi khóc không thành tiếng, thương bố và thương cả thân mình.

3 ngày sau đám tang bố, mẹ tôi gạt nước mắt, đi chợ trở lại để kiếm tiền nuôi con. Chúng tôi thương mẹ, cố gắng học tập thật tốt, bụng bảo dạ sau này sẽ báo hiếu mẹ. Sau đó một thời gian, trong lần theo mẹ về thăm nhà ngoại, tôi thấy có người đến đo đạc trong vườn nhà bà. Hỏi thì bà bảo là bà bán đất để chia cho 2 chú làm ăn.

Mẹ tôi là con gái, lại sớm mất chồng, một mình đang nuôi con thơ nhưng bà lại không chia cho mẹ phần đất nào. Bà ngoại bảo đất là thừa kế của bà từ cụ ngoại nên bà muốn chia cho con nào là quyền của bà. Trong mắt bà, mẹ tôi là phận gái, đã đi lấy chồng rồi nên tuổi già của bà chỉ trông cậy hết vào hai con trai.

Các chú tôi được thể, thoải mái nhận phần đất lớn đất bé, coi mẹ tôi không tồn tại. Tất cả những gì mẹ có chỉ là một chút tiền nhỏ nhoi do bà gói trong chiếc khăn vải đưa cho mẹ gọi là “lộc tổ tiên”. Hai chú có đất, người bán lấy tiền, người xây ngôi nhà rất to, trông từ xa đã thấy thật hoành tráng. Rồi sau đó, nghe theo lời chú, bà có ý xua đuổi mẹ con tôi. Bà bảo từ nay ai có phận của người đó, mẹ tôi cũng không cần qua lại nhiều làm gì. Mẹ tôi giận bà và càng không muốn bị mang tiếng là nài nỉ tiền từ mẹ già. Mỗi lần thăm, mẹ chỉ đứng ngoài cổng nhà của chú nói chuyện với bà vài câu rồi đi chứ không bước chân vào trong.

Qua thời gian, khu vực mà chúng tôi sống sầm uất hơn. Mẹ tôi không còn phải đi bán rau mà có thể tự mở cửa hàng bán tạp hóa nho nhỏ ngay tại nhà, thu nhập vì thế cũng được cải thiện. Ba mẹ con tôi không giàu nhưng cuộc sống cũng êm đềm, hạnh phúc.

Bà ngoại - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cuộc sống của các chú và bà tôi lại không tốt đẹp như trước. Chú út từ ngày có tiền bán đất sinh ra cờ bạc, không những mất hết tiền mà còn vay nợ bên ngoài, thường hay bị bọn côn đồ kéo tới đòi nợ nên phải bỏ đi biệt xứ. Bà ngoại thì mỗi năm mỗi yếu, bị chú thứ 2 coi như tội nợ, thường xuyên nặng lời, rỉa rói bà.

Biết chuyện, tôi thấy mẹ suy nghĩ rất lâu, nhiều hôm đêm xuống mà mẹ vẫn trằn trọc. Rồi mẹ quyết định đón bà về như trong câu chuyện mẹ nói với chúng tôi.

- Mẹ sai rồi, lẽ ra ngày trước mẹ không nên đối xử bất công với con. Mẹ không nên coi thường con gái, để rồi bây giờ, con gái và cháu gái lại đón mẹ về những năm tháng cuối đời.

Bữa cơm đầu tiên ở nhà tôi, bà ngoại vừa khóc, vừa nói.

Mẹ tôi vờ như không nghe thấy gì, quay sang giục chúng tôi mau ăn cơm kẻo nguội.

Có lẽ, vết thương lòng, những tủi thân của mẹ sẽ cần thêm thời gian để xóa bỏ nhưng tôi biết, trong sâu thẳm, mẹ vẫn luôn thương yêu bà. Tôi liền thay lời mẹ, nói:

- Bà về ở với chúng cháu cho vui. Bà luôn là bà ngoại của chúng cháu. Cái gì đã qua thì cho qua, bà ạ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.