Băn khoăn, lo âu trước người chồng “quá tốt”

CHUYÊN GIA TÂM LÝ ĐINH ĐOÀN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cháu thật sự khó hiểu, chồng cháu tốt quá cháu cũng lo lắng. Bây giờ anh ấy muốn chúng cháu chuyển về Thái Nguyên sinh sống, làm việc, cháu lại đắn đo dù được về với mẹ, sống trong gia đình mình đã là mơ ước của cháu trước đây. Chuyện này cháu lại không chia sẻ với ai được, kể cả mẹ đẻ cháu. Cháu mong các cô, các chú cho cháu một hướng đi. Cô gái sinh năm 1992 đến văn phòng tư vấn tâm lý chia sẻ câu chuyện mà cô cho là “lạ” của mình như vậy.

Cô kể rằng cô quê ở Thái Nguyên, bố mất sớm, nhà chỉ có hai chị em gái, chị gái đã lấy chồng và theo chồng vào Nam sinh sống. Chính vì vậy, ngay sau khi học xong phổ thông, cô đã định hướng sẽ không học tiếp mà đi làm để kiếm sống. Cô cũng muốn lấy chồng cùng quê, được người chồng chấp nhận ở rể lại càng tốt. Vậy mà cuộc đời không đi theo dự định của cô. Cô đi làm công nhân trong một công ty của nước ngoài ở khu công nghiệp Bắc Ninh, rồi sau này chuyển về ngoại thành Hà Nội.

Cô gặp gỡ và yêu, rồi kết hôn với một chàng trai là người Hà Nội, cũng là công nhân làm trong công ty của cô. Anh là con út của một gia đình có 5 anh em trai. Tuy gia đình không khá giả, con cái cũng chỉ làm công nhân, làm ruộng hoặc buôn bán tự do, nhưng bố anh luôn luôn có mong muốn con cái lấy vợ gần, ở gần bố mẹ, khi có việc “ới một câu” là con cháu tập trung đông đủ. Cưới xong, cô cũng nói với chồng và bố mẹ chồng về hoàn cảnh gia đình của mình, mong muốn ông bà đồng ý cho vợ chồng cô chuyển về làm và ở gần mẹ đẻ cô, bởi ở đấy cũng có chi nhánh của công ty mà vợ chồng cô đang làm, nhưng không được ai ủng hộ.

Cô và chồng lấy nhau được 6 năm, đã có cậu con trai 5 tuổi.

Băn khoăn, lo âu trước người chồng “quá tốt” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cô phấn đấu từ một công nhân, rồi lên tổ trưởng, trưởng ca, trưởng dây chuyền, bây giờ là một cán bộ quản lý bộ phận. Chồng cô là một công nhân bình thường và đến giờ vẫn vậy. Anh không tháo vát, không năng nổ, hay ỷ lại cho vợ, không có chí tiến thủ, đi làm không nộp lương do thấy vợ có thể lo cho cuộc sống của gia đình, thậm chí còn hỗ trợ cha mẹ chồng ít nhiều nữa. Là con út, trong đời sống, chồng cô chưa phải lo lắng gì, nên rất thanh niên tính, ngoài đi làm ca, anh chơi với con một lúc rồi… nghịch điện thoại.

Cuối năm trước, do dịch Covid-19, công ty của cô thu hẹp quy mô sản xuất, chồng cô được “nghỉ ở nhà”, nhưng cô là cán bộ quản lý, nên vẫn đi làm bình thường. Trong thời gian đó, cô quen và nảy sinh tình cảm với một bạn trai hơn cô 2 tuổi, đã ly dị vợ, có một con trai đang ở với bố. Hai người quan tâm, hỏi han, trò chuyện, nhắn tin, hẹn nhau đi uống nước. Cô còn về nhà bạn trai chơi cho biết nhà, thăm mẹ và con trai anh ấy và có “đi quá giới hạn” một vài lần.

Càng ngày cô càng cảm nhận thấy sự thân mật, gần gũi, hợp nhau giữa mình với anh bạn trai. Anh bạn trai không hối thúc cô ly hôn chồng để đến với nhau, mà anh ấy nói tôn trọng quyết định của cô, nhưng nhắc cô nên suy nghĩ kỹ. Cô thật sự có cảm mến với bạn trai này, nhưng cũng không ghét bỏ chồng tới mức muốn gia đình tan vỡ. Cô cũng nghĩ, nếu bỏ chồng, rồi lại lấy anh bạn này, cuộc sống cũng không có gì thay đổi, mà lại phức tạp thêm vì họ sẽ phải sinh con chung, sẽ lại rơi vào tình cảnh con anh, con em, con chúng ta. Đặc biệt, mẹ cô sẽ rất buồn.

Đang còn băn khoăn về việc “tiến hay lùi”, hay “duy trì mối quan hệ ở mức trên tình bạn, dưới tình yêu” thì chồng cô phát hiện ra mối quan hệ ngoài luồng này. Tất cả là do những tin nhắn trên điện thoại và máy tính ở nhà đồng bộ với nhau, những gì cô và bạn trai trao đổi, hẹn hò, chồng cô đều đọc được ở máy tính do cô chưa kịp thoát ra. Chồng cô đã hẹn cô đi uống nước để hỏi về mối quan hệ này. Là người trung thực, lại thấy chồng cũng đã biết nhiều thứ, nên cô thú nhận mình có lỗi, rồi cô nói tôn trọng quyết định của anh, “kiểu gì em cũng chấp nhận”, cô đã nói với chồng như vậy.

Khác với những gì cô nghĩ, những gì cô thấy ở xung quanh cũng như trên mạng xã hội, chồng cô buồn, nhưng không nổi nóng, không bạo lực, không làm ầm ĩ, không dọa ly hôn hay trả thù. Anh ấy bảo lỗi do anh ấy một phần vì anh ấy chưa quan tâm đến vợ đúng mức. Anh ấy cũng nói không muốn chuyện vỡ lở, không muốn cho ai biết, chỉ hai vợ chồng giải quyết với nhau. Anh cũng chỉ có một yêu cầu rằng cô phải “chấm dứt hoàn toàn” mối quan hệ với anh bạn trai kia. Sau đó chồng cô bàn sẽ chuyển về quê cô sinh sống cùng với mẹ, vừa là để cô quên được “người kia”, vừa có cơ hội gần gũi, chăm sóc bà ngoại…

Sau hôm cô thú nhận tất cả với chồng, cô không bị rầy rà gì, ngược lại, chồng cô còn quan tâm đến cô hơn. Anh gọi điện, nhắn tin thường xuyên cho vợ hơn. Khi được hỏi nếu bố mẹ không đồng ý cho vợ chồng anh chuyển về sống với mẹ vợ, thì anh giải quyết thế nào, anh đã nói quyết tâm tự quyết định. Anh định gọi điện nói chuyện ngay với mẹ vợ về quyết định của mình, nhưng cô can ngăn. Cô nói, nếu trước đây, vừa lấy chồng xong, hoặc khi không có chuyện xảy ra, mà anh quyết định về ở cùng cô bên ngoại, cô sẽ vô cùng cảm động. Nhưng bây giờ cô phải suy nghĩ rồi… quyết định sau.

Vấn đề thứ nhất cô băn khoăn khi chia sẻ câu chuyện với các nhà tư vấn là “tại sao chồng cô lại tốt, lại mềm tính khi cô thú nhận chuyện mình có bồ?”, khác với “lẽ thường”. Các chuyên viên tư vấn khơi gợi để cô suy nghĩ và tự kết luận xem tại sao như vậy. Câu trả lời có nhiều, chứ không chỉ là một. Thứ nhất, anh ấy là người “không nóng tính”, lại rất yêu vợ, không muốn mất vợ.

Thứ hai, cái thế của anh ấy cũng khiêm tốn so với vợ. Không phải là người trụ cột gia đình, không phải người có uy tín, uy lực, đóng góp tài chính cho gia đình, nên cũng không thể “mạnh miệng” được. Nếu anh ấy căng thẳng, làm to chuyện, rất có thể anh sẽ mất vợ, bởi anh ấy biết vợ anh ấy là người khảng khái, tự lập, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thứ ba, anh ấy có chút sĩ diện. Nếu anh ấy làm to chuyện, mọi người sẽ biết anh ấy “bị cắm sừng”, thì người xấu hổ chính là anh ấy. 

Còn anh ấy muốn vợ chồng chuyển về sống với mẹ vợ cũng có nhiều lý do. Thứ nhất, anh ấy nghĩ nông cạn rằng cứ “xa mặt sẽ cách lòng”, hai người không làm cùng nữa thì cơ hội thích nhau, gặp nhau cũng khó. Thứ hai, ở gần mẹ đẻ, mẹ cũng sẽ là một trong những người cùng anh ấy “canh chừng” vợ khi nảy sinh các mối quan hệ ngoài luồng. Ở với mẹ đẻ, cô sẽ bận rộn hơn, không còn nhiều thời gian để nghĩ đến “chuyện linh tinh”. Chắc anh ấy không có “âm mưu” gì lớn đâu!

Băn khoăn, lo âu trước người chồng “quá tốt” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Dù sao đây cũng là cơ hội để quyết định tương lai cho chính mình và gia đình. Bản thân cô gái cần xác định mối quan hệ với chàng trai ly hôn vợ kia chỉ là “cơn cảm nắng”, không có động cơ gắn bó lâu dài. Chính anh chàng kia cũng không mặn mà, không nói rằng yêu tới mức bất chấp mọi điều, miễn là có nhau. Bản thân cô gái cũng thấy chồng mình còn tốt, còn tử tế, chưa đến mức “vứt bỏ”. Khi lòng đã quyết “dừng tại đây”, thì coi việc chồng ứng xử tốt, khéo léo, không làm to chuyện là một điều “may mắn” đối với mình, không suy diễn quá nhiều.

Vợ chồng còn trẻ, việc chuyển về sinh sống với mẹ đẻ cũng không đến mức độ phức tạp, lại còn sẽ được lợi khá nhiều. Nếu chồng đã quyết định vậy, hãy tranh thủ cơ hội, ủng hộ anh ấy, chuẩn bị một vài việc để lựa ngày chuyển đi. Việc xin phép bố mẹ chồng, hãy để người chồng thực hiện. Còn bản thân cô gái, hãy nói trước cho mẹ đẻ biết quyết định của hai vợ chồng, nhưng không cần nói rõ lý do thực sự. Thứ hai, cũng báo cáo bên công ty, bộ phận nhân sự để họ ủng hộ, bố trí người thay mình và giới thiệu cho bộ phận nhân sự ở nơi mới.

Việc có bạn trai như vừa qua phải coi như “bài học rút kinh nghiệm”. Hãy trân trọng cuộc sống gia đình, ghi nhận những tính tốt, tích cực của người chồng. Cùng nhắc anh ấy có những điều chỉnh cho phù hợp trong công việc cũng như lối sống hàng ngày. Người chồng hiền lành, ít khát vọng, an phận, tôn trọng vợ, sợ mất vợ… cũng đáng yêu. 

Sau khi phân tích, phán đoán mọi vấn đề, cô gái nói rằng cô may mắn khi có người chồng mềm tính. Nếu chồng cô cũng là những người đàn ông gia trưởng, nóng tính, cạn nghĩ, thù hận, sẽ làm cho cuộc sống gia đình đảo lộn, không biết cuộc sống của cô giờ sẽ như thế nào. Cô nói với các chuyên gia tư vấn rằng: “Cháu cảm ơn các cô, các bác, cháu sẽ quyết định theo tinh thần đã thống nhất trong buổi nói chuyện hôm nay. Nếu trong quá trình thực hiện có vấn đề nảy sinh, cháu xin phép được gọi điện hỏi ý kiến các cô, các bác, chứ không phải lúc nào cháu cũng có thể đến văn phòng trực tiếp được ạ”. Chia tay cô gái, chúng tôi nhắc “hãy coi chúng tôi như những người thân trong gia đình, hãy chia sẻ khi thấy cần thiết”!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội Phụ nữ tham gia thực hiện bình đẳng giới

Hội Phụ nữ tham gia thực hiện bình đẳng giới

(PNTĐ) - Sau 5 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng: 13/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025. Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến trong tham gia triển khai Chiến lược, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Cảnh giác với thực phẩm bẩn

Cảnh giác với thực phẩm bẩn

(PNTĐ) - Vừa qua, cảnh sát Kinh tế Hà Nội triệt phá 9 vụ buôn bán thực phẩm bẩn chỉ trong chưa đầy 1 tháng. Cụ thể, Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố phối hợp Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 9 vụ thực phẩm bẩn, khối lượng lớn.