Bất ngờ về bà mẹ chồng... “khó chịu”

Chia sẻ

Ngày tôi theo anh về ra mắt bố mẹ anh, tôi đã hồi hộp nghĩ về người mẹ mà anh hết lời ca ngợi “yêu thương chồng con hết mực”. Thế nhưng tôi đã bị mẹ chồng tương lai “dội một thau nước đá” đến lạnh buốt cả tâm can...

Đó là khi anh nắm chặt tay dắt tôi vào nhà. Bố mẹ anh đã ngồi ở phòng khách, có lẽ chờ đón chúng tôi nhưng ông bà ăn mặc nghiêm túc như... đi dự hội nghị. Tôi run quá, lí nhí chào. Bố anh chưa thấy phản ứng gì, nhưng mẹ anh thì thuộc “đội phản ứng nhanh”, bà nhìn tôi, giọng nghiêm khắc: “Cháu chào to lên! Bác chả nghe thấy gì!”. Tôi hoảng sợ, chào lần nữa, nhưng lần này tôi run đến nỗi cố gắng nói chẳng ra hơi. Bố anh thấy vậy đỡ lời: “Thôi được rồi, 2 con ngồi xuống đi”.

Ấn tượng sợ hãi mẹ chồng từ buổi gặp đầu tiên khiến tôi luôn sợ bà. Mọi việc sau khi về làm dâu, tôi thường chỉ bí mật hỏi ý kiến bố chồng, nếu việc gì nhất định phải hỏi mẹ chồng thì tôi “nhờ” chồng hỏi. Nhưng tôi làm sao khôn ngoan “đấu lại” được bà, thành ra có không ít lần bà cố ý nói thật to với chồng tôi nhưng là để cho tôi nghe thấy: “Cái Duyên nó muốn gì thì nó nói thẳng với mẹ, sao phải thông qua con?”, hoặc “Cái Duyên nó lại nhờ con hả?”... Càng ngày tôi càng sống khép nép vì sợ bà.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi tôi có bầu, chả hiểu sao tôi ốm nghén khủng khiếp. Ăn chả được, suốt ngày nôn oẹ, người gầy rộc đi. Chồng tôi thương vợ bảo: “Hay em nghỉ việc, ở nhà thai nghén nghỉ ngơi cho khỏe. Đẻ cho anh thằng cu tý là ngon! Anh đi làm thừa sức nuôi 2 mẹ con”. Mẹ chồng tôi nghe thấy thế, ngay lập tức lên tiếng: “Con cứ để cho vợ đi làm. Chửa đẻ ai chả nghén. Nghén ít hôm, hết nghén thì ăn được lại khỏe lên ngay. Con thương vợ thì từ sáng mai dậy sớm đưa vợ đi làm”. Mẹ chồng khẳng định thế, nên sáng hôm sau bà để chuông đồng hồ gọi chồng tôi dậy. Anh mắt nhắm mắt mở mãi mới dậy nổi, vì nghề của anh là nghiên cứu khoa học, hay thức khuya nên thường dậy muộn. Thế nên từ đó tôi đi làm bị muộn giờ vì phụ thuộc chồng đưa đón. Chị trưởng phòng bảo: “Cả phòng mình thông cảm cho cô Duyên, dạo này thường xuyên đi muộn nửa tiếng vì đang bầu bí nghén ngẩm. Hy vọng sau sinh thì Duyên sẽ trở lại đến sớm 5 phút như xưa nhé”. Tuy có chị bênh thế nhưng mà tôi vẫn thấy ngại. Mà chống lệnh mẹ chồng thì tôi không dám!

Nhiều hôm ngồi sau xe máy của chồng, tôi buồn nôn quá, bảo anh tấp vào lề đường nôn thốc nôn tháo. Tối về tôi kể cho mẹ chồng, và nói muốn xin nghỉ mấy tháng cho qua cơn nghén ngẩm rồi tính sau. Mẹ chồng nghe xong bảo tôi: “Ai nghén cũng buồn nôn thế cả. Ngày trước mẹ sinh chồng con và cả chị gái nó, mẹ đều nghén nặng. Hồi đó bố con chở mẹ đi làm bằng xe đạp, có lần mẹ bảo dừng xe vì buồn nôn quá, nhưng đường đông, ông ấy tạt mãi không vào bên trong lề đường được, mẹ sợ nôn phải người đi đường, nên gục vào lưng chồng mà nôn. Thế là sáng hôm ấy, bố con đưa mẹ đến cơ quan rồi đạp xe về cơ quan mình, nhờ bảo vệ báo lãnh đạo là ông ấy có việc đột xuất, xin đi khỏi cơ quan 1 tiếng. Thực ra là bố con đạp xe về nhà tắm và thay bộ đồ. Thời các con bây giờ sướng hơn nhiều rồi. Cứ cố gắng ít hôm, hết thời gian nghén là nó tự khỏe. Thời gian mang bầu còn chưa vất vả bằng nuôi con thơ đâu con”. Nghe mẹ chồng nói xong thì vợ chồng tôi “quên” khẩn cấp ý định cho tôi nghỉ làm, ở nhà dưỡng thai.

Thế rồi khi tôi sinh con, chả hiểu sao thằng bé cứ “ngủ ngày cày đêm”, cứ 1- 2h đêm là con dậy, cứ khóc ngằn ngặt, kể cả mẹ cho bú no rồi nó vẫn không chịu ngủ, không bế nó trên tay là nó lại khóc. Để cho cả nhà bớt mất ngủ vì con khóc, tôi cứ phải bế nó đi đi lại lại trong phòng. Tôi mất ngủ triền miên thế nên nhiều đêm bế con ru cho nó nín mà tôi đứng không vững, chân tay rã rời. Thời gian cũng trôi vèo, thoắt cái đã hết kỳ nghỉ sinh, tôi quay lại đi làm. Sáng tôi được đi muộn nửa tiếng theo quy định phụ nữ nuôi con nhỏ, nhưng tôi quẩn mãi không xong, toàn đi muộn cả tiếng. Trưa vội vã chạy về cho con bú, ăn vội bát cơm rồi lại chạy đến cơ quan. Kể thế cũng đã vất vả rồi, nhưng khổ nhất là những ngày con ốm, con sốt mọc răng, sốt dịch, cúm mùa, viêm đường hồ hấp... ôi cực khổ. Những đêm con sốt, tôi không dám ngủ, cứ ngồi tựa lưng vào tường ngủ gà ngủ vịt, để nếu con sốt lại thì còn kịp cho uống hạ sốt.

Ngày hôm sau, chồng tôi vừa thương vợ, vừa bị mất ngủ vì con sốt quấy khóc, anh lại đặt vấn đề vợ nên nghỉ hẳn việc ở nhà chăm con. Tôi thấy cũng phải. Lương tôi theo ngạch bậc nhân lên chỉ có hơn 3 triệu, cộng với cơ quan cố gắng thêm thắt cho cán bộ bình quân thêm 1 triệu nữa, thì mỗi tháng tôi cũng chỉ có hơn 4 triệu, chỉ đủ để ăn sáng và chi tiêu mua sắm lặt vặt cho bản thân. Bây giờ tôi đi làm, thuê osin trông con đã mất 4 triệu, vậy thì tôi cứ nghỉ việc quách đi, sau này con lớn đi nhà trẻ hay lớp mầm thì tính sau, cũng là hợp lý. Chồng tôi làm nghiên cứu khoa học, tuy không giàu nhưng có thêm thu nhập từ các đề tài, thừa sức nuôi vợ con. Nhưng khi vợ chồng tôi nói ra ý định, mẹ chồng lại gạt đi ngay. Mẹ nói, phụ nữ cũng nên đi làm, nhiều người muốn có việc làm ổn định như tôi mà không có. Mẹ ngày xưa cũng sinh và nuôi 2 con nhỏ, mẹ cũng đi làm, mà còn không có ông bà nội ngoại gì ở cùng mà đỡ đần. Nay tôi có cả chồng và ông bà đỡ đần, cứ phải tự tin mà đi làm. “Lệnh” mẹ chồng ban ra rồi, vợ chồng tôi cứ thế thực hiện, nhưng trong lòng tôi ngày càng cảm thấy quá khó chịu với bà.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tuy thế, những khó khăn nuôi con nhỏ rồi cũng trôi qua. Khi con trai tôi tròn 1 tuổi thì cũng là ngày bố chồng tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Đây là niềm mong đợi, ấp ủ suốt từ thời trẻ của ông bà, nay ông mới biến mơ ước đó thành sự thật, nên ông bà rất phấn khởi, tự hào. Bà bèn tổ chức liên hoan vừa mừng cháu đích tôn thôi nôi vừa mừng ông nội cháu thành “Ông Nghè”. Ông bà không mời rộng, chỉ họ hàng, thông gia, và có thêm lãnh đạo 2 cơ quan của ông bà, lãnh đạo 2 cơ quan của vợ chồng tôi. Hôm đó bố mẹ ruột tôi ngồi cùng bàn với bố mẹ chồng, anh phó giám đốc cơ quan tôi lại nâng ly “chúc mừng các cụ”. Mẹ chồng tôi hỏi: “Sao hôm nay anh Hùng không đưa chị nhà đi cùng? Tôi nhớ chị rất xinh và dịu dàng”. Anh Hùng lắc đầu: “Vợ cháu bây giờ như mẹ bổi. Nghỉ việc ở nhà chăm 2 đứa con, loanh quanh xó bếp nhiều năm rồi, giờ đi đâu cũng ngại”.

Câu chuyện thoáng qua tai, tôi bất ngờ vô cùng. Vợ sếp vốn xinh đẹp giỏi giang, đã học xong thạc sĩ, ngày sếp cưới được chị ấy, có nhiều người còn bảo sếp quá may, lấy được vợ đúng nghĩa “ngoan, hiền, giỏi, xinh”. Nhưng do chị sinh 2 con liên tiếp nên chăm con quá vất vả, sếp ép vợ nghỉ làm ở nhà chăm con, sau này con lớn rồi đi làm tiếp có sao đâu. Ban đầu chị không chịu, nhưng cuối cùng cũng rớt nước mắt nghe chồng. Thế mà bẵng đi dăm năm, hôm rồi ở cơ quan, tôi loáng thoáng nghe sếp nói “Vợ anh ăn bám chồng quen rồi. Mà đã ăn bám rồi còn không thông cảm những hôm chồng đi tiếp khách, về bị vợ giận vì để vợ con chờ cơm. Nhiều lúc chán chả muốn về nhà”. Cứ tưởng anh nói đùa, trà dư tửu hậu nói cho sướng mồm. Không ngờ hôm nay anh còn nói thẳng rằng vợ “trông như mẹ bổi”, anh còn ngại đưa vợ đi cùng chắc không muốn đi bên “mẹ bổi”. Chả nhẽ đàn ông bạc đến thế! Tự nhiên tôi thấy trong lòng chùng xuống. Vợ sếp mới xấp xỉ 40, nếu biết chăm sóc thì sắc đẹp của chị cũng “nữ hoàng” đấy chứ. Thế mà chị chấp nhận hy sinh chăm con cho chồng thênh thang sự nghiệp, bây giờ lại bị chồng hắt hủi ra mặt.

Sáng hôm sau, cả nhà có chút thảnh thơi, mẹ chồng tôi mới nói với tôi: “Hôm qua con nghe anh Hùng nói về vợ rồi đấy! Phụ nữ mà nghỉ làm ở nhà, chỉ loanh quanh bếp núc là nhanh xuống mã, lại không đi đâu nên không chăm chút sắc đẹp, rồi không đi làm không có giao tiếp, dần dà trở thành “mẹ bổi” trong mắt chồng. Anh chồng ra ngoài đi tiếp khách, tiếp xúc nhiều mỹ nữ, sẽ chán về nhà. Thế là dễ tan vỡ gia đình. Mà gia đình tan vỡ thì vợ khổ, chồng cũng khổ, bố mẹ hai bên nội ngoại cũng khổ lây, nhưng khổ nhất là con cái, chúng lớn lên trong đau khổ, dễ sinh hận đời, dễ hư, đánh mất tương lai của trẻ. Thế nên ngày con sinh con, mẹ không muốn con nghỉ làm vì vậy. Mẹ sợ con thích nhàn nhã rồi sau này chỉ biết việc nhà, sẽ tuột mất chồng lúc nào không biết. Mẹ cũng không muốn con trai mẹ đánh mất hạnh phúc. Vả lại vợ chồng cùng nhau vượt qua khó khăn mới thực sự cảm nhận được hạnh phúc, cảm nhận sự quý giá của tình yêu và chồng mới biết thương vợ mang nặng đẻ đau, dứt ruột cho mình những đứa con. Giá trị bền vững của gia đình chính là thế con ạ”...

Tôi nghe mẹ chồng nói mà thấy kinh ngạc. Bà thực sự đã gây cho tôi bất ngờ khủng khiếp! Bình thường bà không nói nhiều, tôi cứ nghĩ bà quá nghiêm khắc, nhưng hôm nay thì tôi hiểu, bà ở tuổi “tri thiên mệnh” nên bà đã nghĩ sâu nghĩ xa cho cả con cháu. Nhưng lúc trước nếu bà có nói với tôi những điều như hôm nay thì tôi sẽ chẳng nghe thủng tai, sẽ cho là bà “dạy đời”. Bà để cho tôi tự nếm trải cuộc sống, rồi bà mới “giảng đạo”. Bài học của mẹ chồng tôi thật thấm thía. Tôi giờ đây đã hiểu mẹ không chỉ giúp chúng tôi có được hạnh phúc, mà còn tinh tế dạy tôi phải biết giữ gìn, vun đắp hạnh phúc như thế nào.

TRẦN THÁI HÒA
(Ghi theo lời kể của chị Hải Duyên)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.