BÊN BỨC TƯỢNG PUSKIN

TRƯỜNG SƠN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trước mắt Xiêm, bức tượng Puskin đứng hiên ngang giữa chiều xuân lộng gió, giữa nền trời xanh và những đám mây trắng nhẹ trôi… "Chẳng phải đi đâu xa, chẳng phải đến tận nước Nga xa xôi, tượng Puskin đặt ngay quê mình!". Xiêm lẩm bẩm. ..

Xiêm đi ngược chiều cơn gió, đón hương thơm của những bông hoa cuối xuân. Chị hít thở không khí trong lành trong công viên rộng thênh thang. Tuy đã cuối xuân,  nhưng những mảnh vườn tiểu cảnh trong công viên vẫn rực rỡ sức sống của mùa. Cơn gió giao mùa đỏng đảnh hất chiếc mũ nan về phía sau. Để lộ mái tóc bồng bềnh theo gió. Trước mắt Xiêm, bức tượng Puskin đứng hiên ngang giữa chiều xuân lộng gió, giữa nền trời xanh và những đám mây trắng nhẹ trôi… "Chẳng phải đi đâu xa, chẳng phải đến tận nước Nga xa xôi, tượng Puskin đặt ngay quê mình!". Xiêm lẩm bẩm. Cũng không hiểu nới với mình hay với cả người ấy. Người mà mỗi khi đọc thơ Puskin hay đặt chân trên những con đường này chị lại nhớ đến anh. Chị đặt bó hoa hồng dưới chân bức tượng, đứng nhìn bức tượng mà lòng xốn xang... Nếu Minh biết bức tượng Puskin được đặt ở đây, chắc anh vui lắm! Xiêm đi về phía sau bức tượng, mắt nhìn không rời vào những dòng chữ. Ôi! Cũng những câu thơ ấy!

“Anh yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình...”

Chị như say sóng, đầu óc lâng lâng. Chị ngồi xuống bậc thềm, bên cạnh vạt hoa cúc tỏa hương thơm dịu. Chị trấn tĩnh lại, ngắm nhìn toàn cảnh công viên trong chiều cuối xuân, những em nhỏ đang trượt pa- tanh trên khoảng sân trước bức tượng. Xa xa hình người đàn bà nâng cánh chim tung bay trên nền trời. Hình tượng hòa bình trong công viên mang tên Hòa Bình.

Cũng tại nơi đây, ngày ấy… 

Trận địa pháo mọc lên giữa cánh đồng, đơn vị pháo cao xạ của Minh được chuyển về đây, ngay cánh đồng của quê hương, với nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Thủ đô. Cũng vào một cuối chiều xuân êm ả…, Xiêm từ trường về, rẽ vào trận địa pháo thăm Minh. Anh rời mâm pháo chạy xuống đỡ chiếc xe đạp cho Xiêm và dựng vào chân ụ pháo. Minh ngồi bên Xiêm. Anh đưa cho cô mảnh giấy và bảo về nhà hãy đọc. Xiêm đón lấy tờ giấy từ tay Minh rồi cất vào trong cặp sách, má nàng bừng đỏ. Những cơn gió cuối xuân làm mái tóc Xiêm bay bồng bềnh, Xiêm lấy chiếc mũ đội lên, xua đi phút giây thẹn thùng, bẽn lẽn. Minh nói to:

- Xiêm có nhớ chỗ này là mảnh ruộng nhà anh không? Mới năm trước trồng màu, em vẫn cắt cỏ bờ ruộng chỗ kia kìa.

 Xiêm nhìn theo tay Minh: 

- Ồ, em nhớ ra rồi! Em còn nhớ hôm dỡ khoai sọ, mẹ anh nấu canh cua, khoai sọ và rau muống ngon lắm! Em vẫn nấu món canh này anh ạ. Hôm nào em nấu cho anh ăn xem có ngon bằng canh mẹ nấu không nhé!

 Hai người chợt lặng đi. Mẹ Minh đã mất từ hồi Minh chưa vào đại học. Từ đó Xiêm hay sang giúp Minh những việc vặt, khi thì vá cho Minh chiếc áo, lúc lại giúp anh việc bếp núc. Cánh đồng mênh mông như gợi lại tuổi thơ của Minh và Xiêm. Từ cái tuổi chăn trâu cắt cỏ họ đã bên nhau. Minh nhớ lại một buổi chiều sau mùa gặt, anh làm một cái diều rất to, vừa thả diều vừa chạy nhanh trên cánh đồng, trên những thửa ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Chạy theo anh là một nhóm trẻ con, trong đó có Xiêm. Xiêm nhỏ tuổi nhất, không theo kịp. Bất chợt Minh nghe thấy tiếng khóc của Xiêm, cô bé bị ngã, tay chống xuống nên bị sai khớp cổ tay. Minh vội vã buông cả dây diều, chạy xuống bế cô bé lên. Ngồi trên bờ mương, Minh đặt cô bé vào lòng, an ủi cho Xiêm đỡ sợ. Minh dịu dàng nói:

- Em chịu đau chút nhé! Em bị sai khớp rồi, anh nắn lại, em sẽ hết đau ngay. 

Xiêm gật đầu, bỗng cô bé hét lên một tiếng, nhưng sau cái hét đau điếng, Xiêm đỡ hơn rất nhiều. Cô bé tỏ ra rất thán phục Minh. Mà chẳng phải chỉ có lúc này, Xiêm vẫn luôn thán phục vì được Minh giảng bài, dạy hát, thích nhất là được nghe Minh đàn. Vào những đêm trăng, bọn Xiêm thường quây quần trên sân nhà Minh, nghe anh đàn và học hát.

Xiêm thấy anh có vẻ trầm tư cô hỏi: 

- Anh đang suy nghĩ gì vậy?

- Anh nhớ đến lần em ngã bị sai khớp tay.

- Em cũng vậy! Nay mai em sẽ thi vào trường Y.

- Nếu gặp bệnh nhân sai khớp, alô cho anh nhé!

Minh vừa nói vừa nháy mắt vẻ tinh nghịch.

- Anh là lính cứ đi hoài!

- Hết chiến tranh anh sẽ về làng, sẽ làm thơ về tuổi ấu thơ, thơ chỉ để em đọc thôi đấy! Em học xong cũng về làng nhé, cô bác sĩ tương lai.

BÊN BỨC TƯỢNG PUSKIN  - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Đêm ấy, Đại đội pháo cao xạ rời Thủ đô đi về miền Trung. Minh ngó về phía trong làng. Làng quê mờ dần trong ánh trăng êm ả. Anh nghĩ không biết Xiêm đang ngủ hay đang đọc bài thơ anh chép cho nàng?

Trong căn phòng nhỏ và yên tĩnh, cơn gió giao mùa tràn qua khung cửa sổ, Xiêm ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Trước khi ngủ cô đọc bài thơ Minh chép và đưa cho cô hồi chiều, mải mê đọc những câu thơ, lòng cảm thấy buồn trống trải.

“Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm chút nữa
Hay hồn em phải gợn sóng u hoài”

Xiêm không hề biết trên con đường thân quen, đoàn pháo cao xạ của Minh lầm lũi đi trong đêm, trong cơn gió đổi mùa cứ mạnh dần lên, tiếng lá lao xao… rồi cơn mưa đầu mùa hạ cũng rơi mỗi lúc một nặng hạt hơn. Xiêm bỗng nhớ đến Minh, nhớ lại cái năm đầu tiên anh vào đại học. Anh hay kể cho Xiêm nghe những câu chuyện ở trường, những bài thơ anh thích, nhất là thơ của Puskin. Xiêm nhớ một buổi tối, dưới ánh trăng thanh của mùa thu hiền dịu, anh đứng bên ô cửa sổ đưa cho Xiêm tờ giấy có chép bài thơ “Sương và Nắng” của Puskin

“Em là sương, sương chỉ tan trong nắng
Dẫu chẳng hình hài nắng vẫn đọng trong sương

Em là sương, sương chỉ tan trong nắng
Nắng vô cùng nhưng đọng lại trong sương
Từ mênh mông tia nắng nhỏ bình thường
Gặp sương sớm bỗng ngời lên lóng lánh.

….”
Trái tim non nớt tuổi mới lớn của Xiêm đọc bài thơ một cách hồi hộp say sưa, Minh về lúc nào Xiêm cũng không biết. Xiêm đọc đi đọc lại và thận trọng chép vào quyển nhật ký. Cô thán phục nhà thơ tài hoa, thấy yêu hơn những giọt sương sớm long lanh trong nắng ban mai. Rồi mấy hôm sau, Minh kể cho Xiêm nghe về nhà thơ Puskin, anh tỏ ra rất tiếc cho một thiên tài với cuộc sống ngắn ngủi. Nhớ đến đây, đôi mắt Xiêm ứa lệ. Tốt nghiệp đại học Y, Xiêm rất muốn về làm ở trạm xá của xã như mong muốn của Minh. Nhưng chiến tranh chưa kết thúc, Xiêm cùng một số bạn bè xung phong vào quân ngũ. Cô viết thư cho Minh và khoe với anh, cô và mấy anh bạn cùng lớp được bổ sung vào đoàn 559, binh đoàn Trường Sơn.

Bốn tháng sau, vào một sớm ở Trường Sơn, khi sương còn phủ kín núi rừng, bên bờ suối đã thấy thấp thoáng bóng Xiêm. Cô ngồi trên phiến đá nổi lên giữa dòng suối. Mùa khô nên con suối hiền hòa chảy róc rách. Xiêm giặt những tấm vải căng trên phòng điều trị. Minh xuất hiện một cách đột ngột, vai đeo ba lô, đầu đội chiếc mũ sắt, anh cất giọng lém lỉnh: 

- Xin chào đồng chí quân y, xin chào đồng hương của tôi, chào cô bé nhà bên của tôi!
Xiêm bối rối, cô đã xa anh hơn 5 năm rồi. Anh không mấy thay đổi, chỉ đen hơn, rắn rỏi hơn. Cô ngắm gương mặt thân quen có vẻ đẹp cương nghị của Minh, còn Minh thì nhìn như thôi miên vào gương mặt trái xoan có đôi mắt mở to đen láy của Xiêm. Minh vẫn nói với giọng hóm hỉnh: 

- Em hợp với Trường Sơn đấy! Xinh hơn cả hồi ở nhà, anh suýt không nhận ra em. 
 Đôi má Xiêm bừng đỏ, nhưng đôi mắt long lanh những giọt nước mắt. Minh biết cô khóc vì vui, nhưng vẫn trêu Xiêm: 

- Thôi nào! Bây giờ là lính, ai lại khóc! Thương binh mà nhìn thấy, người ta cười cho. 

 Sau bữa ăn thân mật với các cô gái quân y và chào mọi người trong trạm quân y của Xiêm, Minh và Xiêm có biết bao nhiêu chuyện muốn tâm sự, nhưng thương binh về hơi nhiều, Xiêm phải túc trực ở lán điều trị thương binh nặng. Trong đoàn thương binh hôm ấy, ngờ đâu lại có Tam, cậu bé người cùng xóm với Minh và Xiêm. Tam bị thương rất nặng, nhưng Tam rất tỉnh táo, Minh và Xiêm động viên Tam cố lên, mổ lấy đạn ra là em sẽ ổn thôi, Tam lắc đầu: 

- Không kịp đâu, chị Xiêm hãy hát cho em nghe một bài đi, giá có cây đàn ở đây để anh Minh đệm như những đêm trăng ở sân nhà anh nhỉ. 

 Có ai đó đưa cho Minh chiếc đàn, gương mặt Minh đanh lại, Minh đàn theo tiếng hát rất xúc động của Xiêm.

“… Rừng ru ta thân yêu như quê nhà, bông hoa rừng thơm ngát, phải đất nước cho ta...”.

Cũng như như Minh, Xiêm cố giấu sự xúc động, hát cho Tam nghe, bởi em chỉ nghe cô hát lần cuối cùng, Xiêm muốn hát như ru em vào giấc ngủ nhẹ nhàng. Quả thật, trong tiếng hát, tiếng đàn Tam như thấy mình ở quê, trong đêm trăng, ánh trăng dịu dàng trải trên xóm nhỏ thân yêu. Tam ngồi bên những người bạn của tuổi thơ, tiếng đàn của anh Minh và giọng hát của người chị rất gần gũi với Tam. Tiếng hát xa dần… Tam ra đi rất thanh thản, trên môi như vẫn giữ nụ cười mãn nguyện. Minh cùng mấy anh em trong trạm lo chuyện mai táng cho Tam, lúc này anh mới khóc. Những giọt nước mắt chia ly người em trong xóm nhỏ thân thương. Hình ảnh Tam lúc nhỏ lẽo đẽo theo anh đi thả diều, và rất sốt sắng trong những đêm anh dạy hát cho các bạn nhỏ, rồi hình ảnh Tam nằm im lắng nghe Xiêm hát và ra đi…

- Hãy yên nghỉ Tam ơi!

Minh và Xiêm đi bên bờ suối cạn, ánh trăng giữa tuần soi xuống dòng suối. Hai người ngồi lên phiến đá nổi lên bên dòng suối cạn, những nhành hoa rừng rủ xuống thật đẹp và thơ mộng, Xiêm ước:

- Giá mà không có chiến tranh anh nhỉ? 

Minh kéo đầu cô vào ngực mình: 

- Chiến tranh rồi sẽ qua, cố lên em ạ, mình đã ở gần nhau rồi! 

Xiêm không trả lời anh, lắng nghe rất rõ nhịp tim anh đập bên tai mình. Cả hai ngồi im lặng. Sự ra đi của Tam khiến không khí chùng xuống. Xiêm khóc, Minh an ủi cô: 

- Thôi nào em, chiến tranh mà! Không thể không có những hy sinh mất mát, phải mạnh mẽ lên. 

 Xiêm ngước nhìn lên những vì sao, bất chợt, cô vừa đứng dậy vừa giục anh: 

- Anh về đơn vị đi kẻo muộn.

 Cô đưa tay nắm lấy tay anh và kéo dậy. Minh lém lỉnh:

- Anh tạm biệt em này! 

Nói rồi Minh hôn lên trán Xiêm. Anh chạy nhanh lên dốc. Đến đầu dốc, anh quay lại đưa hai tay lên miệng và hét thật to: 

- Xiêm ơi! Anh yêu em!

 Những điệp khúc của núi rừng “Anh yêu em” cứ vang lên bên tai Xiêm. Nước mắt Xiêm trào ra. Minh phải đi qua mấy cánh rừng nữa mới đến đơn vị. Xiêm đi về phòng trực, vẫn lắng nghe về phía cánh rừng nơi anh đi qua. Ba tháng sau, Xiêm nhận được thư của Minh có mấy câu thơ anh viết về cuộc gặp gỡ của anh và cô trên cánh rừng Trường Sơn:

“Em có nhớ một chiều Trường Sơn lộng gió
Tiếng suối reo róc rách trong veo
Khu rừng vừa tạm im tiếng súng
Bầy chim lại về vui hót líu lo…”.

Xiêm đọc những câu thơ mà lòng xót xa, nước mắt tràn qua khóe mi. Cô nhận được tin anh hy sinh, trước khi nhận được thư anh. Anh luôn tiếc cho cuộc sống ngắn ngủi của nhà thơ nga Puskin, anh đâu biết anh cũng ra đi ở tuổi thanh xuân như thế. Xiêm thẫn thờ đi bên bờ suối cạn, cô vẫn không thể tin cô đã mất anh mãi mãi. Từ nay trên đường đời chỉ còn mình cô. Cảm giác trống vắng cô đơn xâm chiếm lấy tâm hồn. Xiêm thổn thức viết về anh:

Có một lần anh đàn và em hát
Cho người bạn sắp ra đi
Đàn anh bập bùng xua đi tiếng nấc
Đôi mắt khép run vòm lá cây rừng.
Buổi anh theo bạn ra đi
Em chẳng thể cầm tay anh hát
Run vòm lá cây rừng đôi mắt khép
Anh ơi! Ngày chiến thắng đang về!

Nắng chiều đã tắt, công viên đông đúc hơn, những tốp tập dưỡng sinh, tập nhảy, những tiếng nhạc và cả tiếng reo vui của những em nhỏ trong khu vui chơi làm không khí trong công viên trở nên nhộn nhịp, huyên náo hơn.

Xiêm ngước đôi mắt đẫm lệ nhìn lên bức tượng Puskin. Với chị những kỷ niệm vui, buồn cùng anh chỉ mới như ngày hôm qua… Đó là những kỷ niệm theo chị đi suốt cuộc đời, những lúc vui, buồn chị đều nhớ đến anh, đến những kỷ niệm đã in sâu trong tâm trí. Mỗi kỷ niệm chị đều viết nên những tác phẩm. “Không ngờ em lại là người viết về anh. Mỗi con đường anh đi qua, mỗi câu thơ anh chép cho em, mỗi kỷ niệm từ thời ấu thơ cho đến cánh rừng Trường Sơn mênh mang đều có trong tác phẩm của em”, chị thầm nghĩ. Cơn gió mơn man trên tóc chị, chị cảm thấy anh như đang ở đây cùng chị, cùng ngắm bức tượng của Puskin, cùng đọc bài thơ ấy!

Xiêm ngồi lặng, nhìn đàn em bé đang vui chơi trong khoảng sân trước mặt, khẽ mỉm cười. Chị nhớ đến những đêm trăng trước sân nhà anh, nhớ tiếng đàn của anh đã đệm cho chị và các bạn hát vang trong xóm nhỏ, chị thì thầm:

Từ đó mỗi khi em hát
Vẫn theo tiếng đàn bay bổng thiết tha
Xóm nhỏ đã bình yên trở lại
Nỗi nhớ tiếng đàn theo tiếng hát bay xa…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tự chủ là sống có trách nhiệm

Tự chủ là sống có trách nhiệm

(PNTĐ) - Trung ương Hội LHPN Việt Nam xác định nội hàm của người phụ nữ thời đại mới hiện nay là Tri thức - Đạo đức - Sức khỏe - Trách nhiệm. Trong đó, riêng yếu tố “Trách nhiệm” được làm rõ, không phải là trách nhiệm chung chung, mà là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. Người phụ nữ hiện đại có định hướng bản thân và tự lập thì trước hết phải có trách nhiệm với mình.
Để phụ nữ hiện đại tỏa sáng thời công nghệ số

Để phụ nữ hiện đại tỏa sáng thời công nghệ số

(PNTĐ) - Chủ đề toàn cầu của ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay là “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới” và hưởng ứng chủ đề ưu tiên của Khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ của Liên hợp quốc (CSW67) “Đổi mới, công nghệ và giáo dục trong thời đại kỹ thuật số để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”. Điều này cho thấy chuyển đổi số với tiềm năng lớn, được tin rằng sẽ trở thành một “động lực thay đổi” quan trọng đối với bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ.
Một giấc mộng dài

Một giấc mộng dài

(PNTĐ) - Suốt mấy năm nay, chưa ngày nào Thùy thôi nhớ về người ấy. Một mối quan hệ không thể gọi thành tên, mà sao lúc nào cũng làm cô day dứt, khát khao được một lần quay trở lại.