Bí mật ẩn sau sự ra đời chùa Một Cột

Chia sẻ

Chùa Một Cột hay còn gọi là chùa Diên Hựu không chỉ là một thắng cảnh đẹp mà còn là niềm tự hào của người dân thủ đô với gần một ngàn năm tuổi. Ai yêu mến ngôi chùa có kiến trúc độc đáo như một tòa sen này đều biết Hoàng đế Lý Thái Tông đã cho xây dựng ngôi chùa. Nhưng bí mật thực sự lý do xây chùa thì ít ai biết…

Như lời ca ngợi của Huyền Quang, Đại thiền sư Việt Nam, người từng làm quan trong triều nhà Trần và là tổ thứ 3 dòng Trúc Lâm Yên Tử: “Muôn duyên chẳng vướng: xa trần tục/ Một mảy nào lo: rộng nhãn quan/ Thấu hiểu thị phi đều thế cả/ Dầu ma dầu Phật, chốn nào hơn?”. Chùa Một Cột từ khi khởi dựng tới nay, trải qua 972 năm vẫn là nơi danh lam thắng cảnh bậc nhất cả nước và là nơi thăm viếng của muôn dân thiên hạ.

Từ lâu chùa Một Cột đã trở thành một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Cùng với quần thể chùa Diên Hựu xưa chùa Một Cột và chùa Diên Hựu hiện đại được công nhân là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên (năm 1962); năm 2006 chùa được xác lập là “Kỷ lục VN”; năm 2012 Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã xác lập “Kỷ lục châu Á” cho chùa Một Cột là: “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất”.

Chùa Một Cột đã trải qua nhiều lần tu sửa, dựng lại do những tác động của thời gian và chiến tranh nhưng hầu hết những ai yêu mến ngôi chùa này đều rất muốn biết về ý tưởng đầu tiên cho lần khởi dựng chùa. Qua nhiều nguồn tài liệu, chúng ta đều biết chùa Một Cột do Hoàng Đế Lý Thái Tông sáng lập vào mùa đông năm 1049 qua một giấc mơ của ngài khi được Quan Âm Bồ Tát dắt tay lên đài hoa sen. Nhưng ít ai biết những chi tiết cụ thể về giấc mơ này.

Bí mật ẩn sau sự ra đời chùa Một Cột - ảnh 1

Trong “Đại Việt Sử ký Toàn thư” cho biết: “Mùa đông, tháng 10 (năm 1049), dựng chùa Diên Hựu. Trước đây vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với bầy tôi, có người cho là điềm không lành. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, làm tòa sen của Phật Quan Âm đặt trên cột đá như đã thấy trong mộng. Cho các nhà sư đi vòng lượn chung quanh tụng kinh cầu vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu (Diên Hựu nghĩa là kéo dài cõi phúc hay kéo dài tuổi thọ)”.

Như vậy, lâu nay, qua các tài liệu chúng ta chỉ biết chùa Một Cột được Hoàng Đế Lý Thái Tông cho xây dựng khi ngài mơ thấy Phật Bà Quan Âm dắt lên tòa sen mà không biết tới những chi tiết bầy tôi cho là điềm không lành và khi xây chùa xong đã có các nhà sư đi vòng quanh tụng kinh cầu vua sống lâu. Trong các tài liệu lịch sử để lại đều cho biết Hoàng Đế Lý Thái Tông là người thông minh, nhân hậu, văn võ song toàn và rất mộ Phật. Nhưng cũng vì mộ Phật mà ngay cả khi Nùng Trí Cao phản nghịch, gây loạn ở biên giới cũng tha cho mà Sử thần Ngô Sĩ Liên đã phê phán: “Mê hoặc bởi cái thuyết từ ái của Phật mà tha tội cho bề tôi phản nghịch thì lòng nhân ấy thành ra nhu nhược, đó là chỗ kém”. Vậy tại sao khi vua mơ được Phật Bà Quan Âm dắt lên tòa sen mà bầy tôi lại cho là điềm không lành? Vua Lý Thái Tông khi sinh ra có bảy nốt ruồi sau gáy xếp hình chòm sao Bắc Đẩu và vua được xem là Bắc Đẩu giáng trần sao cũng được Phật Bà Quan Âm dắt tay lên đài sen? Có thể do vậy mà các quan đại thần đã lo lắng vua sẽ theo Phật Bà Quan Âm về cõi Phật nên đã tư vấn vua xây chùa Một Cột nhằm kéo dài tuổi thọ.

Ban đầu, chùa Một Cột chỉ có một cột đá được dựng lên trên mặt đất và có điện thờ Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được thiết kế tựa một tòa sen ở bên trên. Đến năm 1105, vào tháng 9, vua Lý Nhân Tông cho trùng tu lại đẹp hơn và đào hồ Liên Hoa Đài (tức là hồ ở dưới đài hoa sen). Cũng trong “Đại Việt Sử Ký Toàn thư” cho biết: “Mùa thu, tháng 9, làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu, ba ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn. Bấy giờ vua sửa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, đào hồ Liên Hoa Đài, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ gọi là hồ Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp. Hàng tháng cứ ngày rằm, mồng một và mùa hạ, ngày mồng 8 tháng 4, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm lấy làm lệ thường”.

Tuy nhiên, chùa Một Cột ngày nay đã không còn giữ được nguyên bản của thời Lý mà là một phiên bản mới đã qua chỉnh sửa nhiều lần bởi thăng trầm của lịch sử và chiến tranh. Từ thời: Trần - Lê - Nguyễn ngôi chùa đã được sửa mới trên nền cũ. Tới ngày 10/9/1954 thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội và đã đặt mìn phá hủy ngôi chùa. Vào năm 1955 chùa Một Cột được dựng lại bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng theo kiến trúc thời Nguyễn.

BẠC KHAO LAN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.