Biến vợ con thành bung xung trút giận

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vừa nghe tiếng bố về đến cửa, hai đứa con Lam đang chơi đùa vui vẻ trong nhà bỗng mặt mày nhớn nhác rồi im bặt. Rồi chúng rủ nhau vào phòng, đóng cửa lại.

Vậy mà chúng vẫn không thoát được cơn thịnh nộ của bố. Không thấy có ai ra đón mình, Thản bước vào nhà, lấy chân đá mạnh chiếc ghế salon rồi quát lớn: “Con với cái, hai đứa đâu, bố mày đã chết đâu mà chúng mày không ra chào?”.

Hai đứa trẻ mở cửa, dắt nhau ra chào bố. Con bé út sợ quá, miệng lắp bắp rồi òa lên khóc nức nở. Lam thấy tiếng chồng quát, con khóc, không chần chừ hơn được, đành tắt bếp chạy ra ngoài. Biết là chồng đang giận, nhưng cô cũng không nhẫn nhịn hơn được nữa mà nói:

- Anh hay thật, hai đứa làm gì mà anh trút giận lên chúng? Anh xem có đứa trẻ nào thấy bố mà sợ như sợ cọp vậy không. Rồi anh còn mày tao, rồi đủ chuyện ra nói trước mặt con, anh không sợ làm hỏng chúng sao?

- À, tôi thế đấy. Tôi cục cằn, thô lỗ, ngu dốt, vô dụng. Cô thích nói gì thêm nữa thì cứ nói. Biết thế sao ngày trước còn lấy tôi làm gì?!

Từ chuyện con, Thản nói sang chuyện vợ. Thản không cần biết là mình đang rất vô lý.

Biến vợ con thành bung xung trút giận - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bởi, gần 1 năm nay, Thản đã tự cho mình quyền được như vậy. Thích là Thản dằn hắt, bắt nạt, mắng mỏ vợ con. Rồi anh còn dọa đập phá đồ đạc, đốt nhà vì anh chẳng còn thiết gì nữa.

Thản không còn là người chồng thương vợ, hiểu chuyện, yêu con như Thản của ngày còn có việc làm. Hồi đó, Thản đi làm từ sáng tới tối, cuối tháng luôn rất tự hào vì đưa cho vợ một khoản tiền kha khá đủ để nuôi cả gia đình. Cũng nhờ có Thản mà Lam và các con đỡ phải lo nghĩ hơn trong chi tiêu. Thu nhập không phải quá nhiều để hai vợ chồng trở nên giàu có, nhưng cũng gọi là đủ ăn, đủ mặc. 

Biết vậy nên Lam cũng có phần nể trọng chồng, luôn nghe lời anh. Thi thoảng hai vợ chồng về quê, Lam một dạ, hai vâng, lúc nào cũng “nhà cháu thế này”, “nhà cháu thế kia” khiến Thản cũng nở mày, nở mặt.

Song, tai họa ập đến khi giám đốc công ty của Thản vướng vào vòng lao lý, bị bắt giam vì làm ăn không minh bạch. Thản là trưởng phòng công ty được xác định là chỉ làm công ăn lương, không biết gì đến công việc của ban giám đốc nên không bị dính líu. Song, Thản lại bị ảnh hưởng khi mất việc, đồng nghĩa với tiền lương không có.

Đó cũng là khi Thản bước vào tuổi ngoài 40. Ở tuổi này cũng chẳng còn trẻ để mà làm hồ sơ đi xin việc từ đầu. Đặc biệt, so với các bạn trẻ khác, Thản bị mất lợi thế cạnh tranh vì không giỏi ngoại ngữ, không nhanh nhạy công nghệ thông tin, không “thân son mình rỗi”, không còn trẻ khỏe… Ở công ty cũ, do Thản ở lâu lên lão làng, lại đã quen việc nên không ai bì tị. Nay, Thản thuộc diện “cao không được, thấp không xong”, tuyển vào vị trí nhân viên thì Thản thấy không xứng. Mà muốn có công việc ở vị trí trưởng phòng, trưởng nhóm và có lương cao như trước thì nhà tuyển dụng lại có nhiều lựa chọn khác ngoài Thản.

Biến vợ con thành bung xung trút giận - ảnh 2
Ảnh minh họa

Thành thử, Thản cứ kéo dài tình trạng thất nghiệp. Nhiều tháng qua, Thản đã phải xin trợ cấp thất nghiệp để có được một khoản nho nhỏ tồn tại. Còn lại, mọi sinh hoạt phí trong nhà, rồi tiền ăn, tiền học cho các con phải dựa vào Lam. 

Lam thông cảm cho chồng, không dám ca thán nhưng chính Thản lại tự gây áp lực cho mình. Lam thấy vấn đề của chồng là anh không vượt qua được quá khứ, lúc nào cũng nghĩ là mình siêu, mình giỏi nên không chấp nhận việc bị thất nghiệp. Rồi anh chuyển sang trạng thái tiêu cực, luôn phản ứng với tất cả những lời hỏi thăm của mọi người, cảm thấy như tất cả thế giới đang chống đối lại mình. Với gia đình, anh thay đổi thái độ, thích gây sự với vợ con như một cách để khẳng định mình vẫn đang tồn tại trong nhà.

Thời gian đầu, Lam còn cố gắng nhẫn nhịn, bụng bảo dạ ai rơi vào  hoàn cảnh  này cũng sẽ bị sốc như thế. Lam tin dần dần chồng cô cũng sẽ lấy lại bình tĩnh để còn tìm cách sống tiếp. Nhưng Lam đợi mãi mà ngày đó chưa tới. Thản càng ngày càng bi quan hơn. Sự nóng nảy, cục cằn, thô lỗ của anh đã nhấn chìm cả tổ ấm nhỏ bé xuống vũng lầy. Lam nhận thấy các con bắt đầu có biểu hiện của việc bị chấn thương tâm lý do luôn phải sống trong tình trạng sợ bố kéo dài. Nhiều đêm, Lam thấy các con nằm ngủ mơ và vẫn nấc lên những tiếng ú ớ như thể đang khóc vậy.

Lam là người trưởng thành rồi mà cũng còn bị ám ảnh mỗi khi nghe tiếng chồng về. Rồi cô còn phải tránh cả ánh mắt lúc nào cũng gằm gằm như thể sắp đốt cháy người đối diện bằng sự tức giận của Thản. 

Từ ngày bị thất nghiệp, Thản cũng bỏ bê luôn hai gia đình nội ngoại. Giỗ chạp ở quê, bố mẹ Thản gọi các con về thắp hương nhưng Thản lấy đủ lý do từ chối. Lam có thay chồng về quê thì cũng phải tự mình chuẩn bị mọi thứ chứ Thản không quan tâm, không hỏi han một lời. Còn nhà ngoại, ông bà nếu có gửi cho chút quà quê thì Thản quyết không nhận và cấm vợ được nhận. Thản coi đó là sự thương hại. Ý của Thản là dù có chết đói cũng không bao giờ phải ăn xin nhà vợ. Những lời nói thực sự khó nghe cùng cách hành xử ấy của Thản khiến Lam vô cùng đau lòng. Cô cũng cảm thấy thật bất công cho mình khi cứ phải chịu đựng chồng như thể chính cô là nguyên nhân gây ra cơ sự cho anh vậy.

Biến vợ con thành bung xung trút giận - ảnh 3
Ảnh minh họa

Thất nghiệp đã khiến Thản luôn tìm cách phủ nhận thành công của người khác. Có một tối nọ, dù đã rất khuya, tự nhiên, Lam thấy chồng nói với ai đó rất to qua điện thoại. Lúc đó, cô mới để ý câu chuyện của chồng, rồi tự chắp nối lại sự việc. Thì ra, một ai đó trước đây là nhân viên của Thản, nay đã mở công ty riêng. Nghe tin Thản thất nghiệp nên mời anh về làm cùng. Chẳng ngờ, Thản chẳng cảm ơn lòng tốt của đồng nghiệp cũ thì thôi, còn lớn tiếng mắng cậu đó là đểu cáng vì dám xúc phạm, lăng mạ anh. Điện thoại tắt rồi, Lam vẫn còn nghe Thản lẩm bẩm: “Tao mà phải về làm nhân viên cho mày à. Ngày trước, mày còn chưa học hết lời tao dạy. Đời không ai có thể nắm tay từ sáng tới tối”. Lần khác, hình như cũng có ai đó muốn giúp đỡ cũng bị anh mắng té tát. Thản sau đó còn cho rằng, người đó chẳng qua là con ông cháu cha, rồi dựa hơi bố mẹ giàu có để lập nghiệp chứ cũng chẳng giỏi giang, cao siêu gì. Người như Thản thà chịu chết đói còn hơn là về đầu quân cho mấy kẻ ỷ thế như thế.

Lam không biết về những người trong điện thoại kia nên cô không bình luận gì. Song, nhìn khách quan, thì Lam thấy chồng ngày một đi quá xa rồi. Dần dần, xung quanh anh chẳng còn bạn bè nào thân thiết, cũng chẳng còn ai muốn giúp đỡ anh. Càng thế, anh lại càng thấy cô đơn, thấy mọi thứ quay lưng chống lại mình. Suốt ngày  nằm dài, Thản chán chường quay sang trút hết lên đầu vợ, con, rồi đồ đạc trong nhà cũng bị anh quăng quật. Các con chơi vui vẻ thì anh mắng là làm anh đau đầu. Mà chúng im lặng, trốn trong phòng thì anh lại quát là nhà gì im ắng như nhà mồ. Lam cũng thế, cố nhẫn nhịn thì Thản lại bảo cô giả vờ ngoan hiền, chứ trong lòng hết coi trọng chồng đã lâu. Mà đôi lúc cô phản ứng lại thì càng như thêm dầu vào lửa, càng khiến Thản bị kích động hơn vì nghĩ cô trọng tiền hơn chồng.

Bây giờ, Lam thực sự mỏi mệt. Cô chưa bao giờ muốn bỏ rơi chồng lúc khó khăn, nhưng cứ nghĩ tới cảnh sống căng thẳng này không biết bao giờ mới kết thúc, cô lại nghĩ không biết lần thứ bao nhiêu rằng: Hay là mình ly hôn?! 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.