Bố vợ “phiền phức”
(PNTĐ) - Sống trên đời này đã là một điều khó khăn. Tồn tại được ở một thành phố lớn càng khó khăn gấp nhiều lần. Thấu hiểu được điều đó với một tuổi thơ vất vả, tôi càng thấm thía và nhủ lòng mình không ngừng cố gắng để có được cuộc sống thoải mái nhất có thể.
Những nỗ lực, phấn đấu của tôi dần được đền đáp. Có công việc ổn định với vị trí mà nhiều người mong ước, cùng với người bạn đời luôn thấu hiểu, dịu dàng và ân cần. Công việc trên đà thăng tiến, thu nhập cũng khá khẩm. Vài năm sau đám cưới, hai vợ chồng tôi đã có một căn hộ đầy đủ tiện nghi, một mái ấm đúng nghĩa. Với tài thu vén, cách ăn ở tiết kiệm của vợ mà chúng tôi cũng có một khoản nhỏ. Tôi tạm hài lòng với mọi điều.
Hai vợ chồng tôi tính đến kế hoạch trong một vài năm tới sẽ mua ôtô. Khoản tiền tiết kiệm cũng khá tuy nhiên nếu để mua ôtô thì nó lại chỉ là một phần không đáng là bao. Công ty chuyển trụ sở, khá xa nhà nên việc mua ôtô lúc này đối với gia đình tôi là nhu cầu bức thiết. Biết chuyện gia đình con gái có ý định, bố vợ tôi nhiệt tình mở lời giúp đỡ. Ông rất vui vẻ vì cuối cùng vợ chồng con gái cũng đã ổn định.
Một năm sau, chúng tôi gom góp đủ số còn thiếu để gửi lại bố vợ, nhưng ông lại nói rằng coi như ông cho, không nhận lại. Vợ chồng tôi thật sự rất ngại với bố vợ vì dự định chỉ là vay mượn chứ không phải xin. Vậy nhưng ông luôn gạt phắt đi mỗi khi tôi muốn hoàn lại số tiền đã vay mượn trước đó. Nhiều lúc ngồi trên chiếc xe hằng mơ ước mà tôi cảm thấy như xe đi mượn, không hề có một chút thoải mái nào.

Từ ngày có ôtô, ngày ngày đi làm và đưa đón các con đi học về, ăn uống xong tôi chưa kịp tắm rửa, bố vợ tôi đã gọi sang đưa ông đi gặp người này người kia. Lúc thì gặp tại nhà trong thành phố, lúc lại phải đưa ông đi gặp bạn ở ngoại ô hay ở tỉnh lân cận. Thời gian đầu, tôi còn vui vẻ vì nghĩ rằng ông có việc nên mới cần đến mình, hoặc ông tự hào vì có con rể chiều chuộng gia đình vợ. Nhưng rồi càng ngày, tôi thấy rõ nỗi phiền phức và mất thời gian từ những chuyến đi liên miên của ông. Khi những câu chuyện bố vợ nói với bạn bè chỉ là những chuyện phiếm, có thể giải quyết nhanh gọn qua điện thoại chứ không cần kíp đến nỗi phải gặp mặt trực tiếp. Vậy là từ đó, ngoài những bận bịu thường ngày, tôi lại có thêm công việc nữa: Đưa bố vợ đi dạo và gặp bạn bè.
Ngày nào tan làm cũng đưa bố vợ đi dạo, hóng mát, đến 9 giờ tối, có hôm 10 rưỡi, 11 giờ đêm, tôi trở về nhà với cái đầu đau như búa bổ và đôi chân mỏi nhừ. Có những hôm ngồi ở nhà bạn bố vợ mà lòng tôi như lửa đốt khi hôm sau có cuộc họp quan trọng của công ty, bắt buộc phải có sự chuẩn bị thật cẩn thận từ tối hôm trước. Vậy mà chỉ vì chiều lòng bố vợ mà tôi cắn răng chịu đựng ngồi đến 10 giờ tối. Về nhà là ngồi luôn vào bàn làm việc, 3 giờ sáng mới đi ngủ. May mà lần đó cuộc họp diễn ra suôn sẻ, tôi không bị phạm lỗi. Nhưng cũng chính vì vậy mà tôi gặp chứng thiếu ngủ. Có không ít lần tôi cảm thấy cơ thể này không còn là của mình nữa, nhưng vẫn cố gắng làm cho bố vợ được vui. Vì biết rằng gần đây sức khỏe của ông không được tốt như trước. Hơn nữa ông cũng là người giúp đỡ hai vợ chồng lúc khó khăn. Chẳng có lý do gì mà tôi có thể từ chối ông.
Tôi mắc kẹt trong sự việc này mà chẳng tìm được lối thoát. Có những buổi tối đang nằm ôm vợ, lại nghe bố vợ gọi chở ông ra chỗ này chỗ kia. Vợ tôi ái ngại với chồng nhưng không nghĩ được cách để từ chối khéo những lời đề nghị của bố mình. Cô ấy chỉ biết động viên tôi bằng cách cố gắng thu xếp công việc nhà một cách tỉ mỉ, cần mẫn để chồng chỉ việc đi làm và làm “tài xế” cho bố mình.

Một ngày mưa, vẫn như thường lệ tôi đưa bố vợ đi chơi loanh quanh cho “tiêu cơm”. Mới đi được nửa đường, vợ tôi gọi bằng giọng vô cùng gấp gáp:
- Anh ơi đang đi đâu thế, về đưa em đi bệnh viện đi... em đau bụng quá không chịu nổi rồi...!
Tôi cuống quýt, lắp bắp:
- Đây, anh đang về đây, chờ anh một lát nhé!
Tôi quay sang bố vợ vẻ cầu cứu. Ông chỉ có một đứa con gái, cũng chiều chuộng lo lắng không kém. Tôi vòng xe về nhà, vội vã đưa vợ lên xe đi bệnh viện. Trong gương chiếu hậu, tôi thấy bố vợ vẫy:
- Khám đầy đủ đi nhé! Xong thì gọi điện báo bố luôn nhé!
Vợ tôi nhìn thấy bố mình thế, cười lăn lộn. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, đang định mắng vợ một trận vì làm mình lo lắng phóng như bay về nhà thì cô ấy nói:
- Không có chiêu này của em thì làm sao mà anh thoát được bố! Anh yên tâm đi, sau vụ này là bố biết nhà không có đàn ông sẽ vất vả như thế nào rồi. Yên chí đi là từ mai ông mà không có việc quan trọng cũng sẽ không gọi anh nữa đâu.
Tôi bái phục chiêu trò cao tay của vợ. Hai vợ chồng rủ nhau đi hóng mát, bù cho những buổi tối dành hết thời gian rảnh cho ông ngoại bọn trẻ. Vợ chồng tôi bàn nhau về việc phải hoàn trả số tiền vay của bố mẹ vợ để mua xe. Sau này bố mẹ vợ già yếu, chắc chắn sẽ phải có một khoản để dưỡng già cũng như thuốc men lúc ốm đau bệnh tật. Vợ tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của chồng.

Thực ra việc chiều chuộng gia đình chồng hoặc vợ không hề sai, chỉ có điều nếu nó ảnh hưởng đến đời sống riêng của hôn nhân thì nên cân nhắc. Vợ chồng tuy không còn là vợ chồng son nhưng vẫn cần không gian và thời gian riêng tư dành cho nhau. Sau một ngày dài làm việc vất vả, ai cũng muốn được nghỉ ngơi, thư giãn cùng người bạn đời của mình. Không chỉ là tận hưởng hạnh phúc lứa đôi, mà còn là tâm sự, trò chuyện để cùng nhau giảm bớt những căng thẳng, âu lo trong cuộc sống.
Một điều quan trọng nữa là thời gian cho những đứa con. Quỹ thời gian một ngày của chúng ta đã dành ra hẳn một nửa, thậm chí là hơn một nửa để phục vụ công việc và đồng nghiệp. Số thời gian còn lại ta dành cho người nhà, chỉ là vài tiếng đồng hồ ít ỏi không đủ cho những đứa trẻ lúc nào cũng cần cha mẹ bên cạnh hỗ trợ chúng trong học tập, cũng như đồng hành chúng khám phá thế giới xung quanh...
Cho dù cuộc sống hôn nhân hiện đại chẳng cần vợ chồng lúc nào cũng ở bên nhau, có thể hôm nay chồng ăn cơm khách với đối tác, mai vợ đi tụ tập với bạn bè. Thế nhưng việc dành cho nhau thời gian rảnh của mình luôn cần thiết. Vì chỉ có những đụng chạm về tâm hồn cũng như thể xác mới là chất keo gắn hoàn hảo cho mối quan hệ hôn nhân. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần thấu hiểu để bớt “làm phiền” các con thái quá, cũng là cách cùng con giữ gìn hạnh phúc gia đình.