Bông cỏ may
Đỗ Thu Yên
Tôi quen em trong những ngày sống và chiến đấu ngay trên quê hương em. Em ở tiểu đội dân quân trực chiến bên trận địa pháo của chúng tôi. Nghe cánh lính trẻ kháo nhau, em tinh nghịch nhất trong tiểu đội dân quân. Trong những đêm hợp đồng tác chiến, tôi thường nghe thấy tiếng cười của em giòn tan sau trận đánh.
Dáng người em bé nhỏ, nhưng khi vác hòm đạn trên vai em rất nhanh nhẹn. Những lúc nghỉ trực chiến, tôi trở lại lán đóng quân ở sát nhà dân, nhà em ở cách đấy một cái ao nhỏ. Có lần tôi đi qua thấy em đang giặt đồ ở cầu ao, tôi nói vui:
- Nhờ em giặt giùm anh chiếc áo, hôm qua quần nhau với bọn giặc lái mồ hội ướt đẫm...
Em nhanh nhảu đáp lại:
- Anh mang ra đây! Cả áo của mấy anh nữa em giặt luôn cho.
Tôi quay lại định nói với em là tôi nói đùa, nhưng em đã đi theo sau vừa đi vừa nói:
- Đổi lại anh dạy em cách bắn súng và tập ngắm cho chuẩn nhé!
Đến chiều, em ra trận địa sớm nhất. Tôi hướng dẫn em cách ngắm, lên đạn. Nhìn cô dân quân bé nhỏ nghiêng đầu ngắm khẩu súng trường, mái tóc mới gội tỏa mùi hương lá bưởi khiến tôi có một cảm giác thích thú kỳ lạ. Dẫu vậy, tôi vẫn lên tiếng nắn chỉnh:
- Em ra trận địa tư thế phải sẵn sàng chiến đấu, tóc để thế này không ổn đâu.
Em vừa cặp lại mái tóc vừa nói:
- Em mới gội mà, chờ cho khô.
Cánh lính trẻ nhao nhao nói:
- Thông cảm với đội quân tóc dài, đại đội trưởng ơi!
Mảnh ruộng nhà em ở gần trận địa pháo của chúng tôi. Em là lao động chính, nhà có hai mẹ con, ngoài giờ trực chiến, em tranh thủ chăm bón mảnh ruộng trồng màu. Cánh đồng mênh mông lộng gió, những lúc không có máy bay địch, cánh đồng và làng quê em thật bình yên. Nhìn dáng nhỏ nhắn của em tát nước gàu sòng một mình giữa trưa, nhìn khom lưng uyển chuyển theo nhịp gàu, nước từ chiếc gàu sòng tát lên chảy vào các rãnh nước em vừa vun sới, tôi ước mình không phải trực chiến để giúp em một tay...
Minh họa sưu tầm
Tôi nhớ có đêm trăng thu, trăng sáng tỏa ngát trên cánh đồng, làn gió thu thổi nhè nhẹ, em và mấy cô trong tiểu đội dân quân mang những quả bưởi của bà con lối xóm gửi cho anh em trực chiến đến. Tay em thoăn thoắt bổ bưởi. Bất ngờ, em nhắm mắt lại, hai tay vỗ hai nửa quả bưởi lại vào nhau và đố mọi người:
- Nào! Cả nhà đoán xem quả này nhiều nước hay ít?
- Nhiều nước vì em hay khóc nhè!
Cậu lính trẻ, tên Bình, là hay trêu em nhất, nên bị mọi người ghép đôi với em.
àng hợp hơn khi tên em là Minh.
Minh cũng vênh mặt lên trả lời cậu Bình:
- Nếu không thì sao nào?
Nói xong Minh tẽ từng múi bưởi và reo lên:
- Anh đã đoán sai rồi!
Cậu Bình chưa trả lời thì có lệnh báo động. Chúng tôi nhanh chóng vào vị trí chiến đấu, khẩu đội nữ dân quân cũng hợp đồng tác chiến rất cừ.
Tôi chỉ huy khẩu đội pháo, vẫn lắng nghe tiếng súng của tiểu đội dân quân phối hợp rất chặt chẽ. Bọn giặc lái muốn thả bom phía bờ đê, nhưng vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân nên tháo chạy. Một chiếc F4 khi tháo chạy, vẫn vội vàng ném bom vào trận địa, nhưng không trúng mục tiêu. Một mảnh bom nhỏ văng qua khẩu đội của Bình, làm Bình bị thương. Minh nhanh nhẹn xách túi cứu thương tới băng bó cho Bình, cậu lính trẻ bị thương không nặng lắm vẫn lém lỉnh nói:
- Anh đoán không sai! Em rất mau nước mắt, anh có sao đâu?
- Không sao thì mặc anh! Em tức cái bọn giặc, chúng ở đâu mà ngang nhiên đến ném bom trên quê mình kia chứ?!
Nói xong, Minh xách túi cứu thương chạy biến về khẩu đội pháo dân quân.
Chiều hôm sau em đem trả tôi chiếc áo. Bắt gặp cái nhìn sâu thẳm của em qua cặp mắt mở to rất đẹp, tôi luống cuống giở chiếc áo và nhìn thấy mấy bông cỏ may dính trên cánh tay áo, liền bảo em:
- Áo anh vẫn còn mấy bông cỏ may, em nhặt giùm anh đi, không thì mặc vào khó chịu lắm!
- Có thế anh mới nhớ em chứ! Em không nhặt đâu...
Em tinh nghịch, lém lỉnh trả lời rồi bỏ chạy. Chẳng hiểu sao tôi cũng không nhặt, cứ thế khoác chiếc áo và đi ra trận địa.
Đêm hôm đó, đại đội của tôi được lệnh chuyển vào miền Trung. Những khẩu pháo rời trận địa, rời xa làng quê em. Nhưng, trong tâm trí tôi, hình ảnh cô dân quân bé nhỏ tinh nghịch mà nhân hậu hình như lại không chịu rời đi. Nhớ đến cặp mắt có cái nhìn sâu thẳm của em, bất giác tôi sờ bên tay áo còn vương lại mấy bông cỏ may mà tôi vẫn để nguyên như vậy. Em nói đúng, tôi đã nhớ em, tôi đã mang theo hình ảnh của em suốt chặng đường binh lửa sau đó. Những lúc lăn lê bò toài dọc chiến hào, những bông cỏ may vướng vào tay áo, tôi lại nhớ đến câu nói của em. Tôi không kịp chia tay em, cũng chưa có dịp nhìn vào đôi mắt em thật lâu, để thầm nói với em rằng tôi đã hiểu được tình cảm của em dành cho tôi.
Minh họa sưu tầm
Một lần tôi và cậu Bình bổ sung sang tổ trinh sát. Trên đường làm nhiệm vụ, pháo sáng của địch bắt đầu thả từng chùm, Bình vội vã hất tôi xuống hố bom cũ và cũng lăn theo... Hai anh em nằm im bên nhau trong đám cỏ may, trên trời máy bay địch gầm rú không ngừng một lúc chừng như thấy yên tĩnh nên cũng bay đi, để lại không gian yên ắng. Nằm trên đám cỏ may, cảm nhận những bông cỏ may bám đầy áo, tôi khe khẽ kể lại câu chuyện của Minh, em đã ví mình như bông hoa cỏ may vương trên áo tôi. Bình nhỏm hẳn dậy nói với tôi:
- Em hay trêu cô bé cho vui, nhưng em biết, người mà cô ấy để ý là anh. Em đã thấy Minh nhìn anh rất đắm say khi anh tập huấn cho tiểu đội dân quân. Em định nói với anh, nhưng anh em mình đi gấp quá. Vả lại đi vào lúc cô ấy chưa trực chiến, đêm ấy bình yên quá anh ạ!
Tôi lắng nghe từng câu của Bình, lòng chợt thấy vừa vui, vừa có chút buồn, khẽ thở dài:
- Nói làm gì cậu, thời chiến thế này… Các cô ấy con gái có thì, anh em mình biết thế nào mà hẹn hò lại khổ người ta chờ đợi.
Nói ra miệng thì vậy, nhưng khi hòa bình trên đường về quê, tôi lại tìm đến nơi đóng quân xưa để tìm gặp em - dù tôi và em chưa nói với nhau lời ước hẹn, nhưng tôi tin em vẫn chờ tôi và dù em không đợi tôi, tôi vẫn muốn biết tin về em. Chiến tranh mà, dẫu có thế nào thì cũng chẳng thể trách em.
Con đê chiều mùa hạ lộng gió, đàn bò thong thả gặm cỏ, mấy cậu bé chăn bò mải mê thả diều, những cánh diều no gió bay cao trên nền trời xanh thẳm. Tiếng sáo vi vu trong làn gió mùa hè làm tôi nhớ tuổi thơ quá chừng, nhớ cả những chiều hè trên quê em. Đã bao mùa hè rồi nhỉ? Tôi dạo bước trên đê, mắt nhìn về phía trận địa cũ. Bỗng có tiếng gọi từ xa:
- Anh Sơn ơi!
Tôi quay lại, cô gái có cái tên là Mây, bạn cùng tiểu đội dân quân với Minh đang chạy lại phía tôi. Cô thở gấp, nước mắt chẳng biết từ bao giờ đã chạy vòng quanh. Mây chưa kịp nói gì với tôi đã đem đến một thông báo khiến tôi chết lặng:
- Anh Sơn ơi! Cái Minh hy sinh rồi... ngay sau cái đêm... các anh hành quân!
Mây nói chưa hết câu, vội lấy tay quyệt nước mắt và chạy nhanh xuống chân đê về phía trận địa.
Tôi cảm thấy đầu óc mình chênh vênh, đôi chân chẳng còn sức lực.
Tôi cố bước theo Mây. Mây ngồi xuống, tay bám vào những bông cỏ may trên mộ của Minh, Mây nói trong nước mắt:
- Minh ơi! Anh Sơn về đây rồi! Tớ sẽ trao cho anh ấy chiếc khăn tay của cậu.
Tôi ngồi xuống, đầu óc trống rỗng, trái tim thắt lại, chẳng nói được nên lời. Mây nói với tôi câu gì đó rồi đi về phía chân đê tôi không rõ. Trong tâm trí tôi, hình ảnh của Minh, một cô gái nhỏ nhắn, nhanh nhẹn khi vác đạn, tinh nghịch khi nói với tôi về bông cỏ may còn vương trên áo, và đôi mắt đẹp mở to có cái nhìn thăm thẳm... tất cả đều vẫn còn nguyên vẹn đâu đây. Vì em mà những bông cỏ may đã trở nên thân thương với tôi tự lúc nào, không biết em có biết điều đó không? Tôi lại chưa kịp nói với em. Tôi giơ tay cho những bông cỏ may ghim vào tay áo. Những bông cỏ may trên mộ em bám đầy tay áo tôi, chích nhè nhẹ vào da thịt. Không chỉ thế đâu Minh ơi, hình ảnh em đã ghim vào trái tim tôi mãi mãi.
Mây đã trở lại từ lúc nào, em đưa cho tôi chiếc khăn tay của Minh vẫn nói giọng đầy xúc động:
- Trước khi đi… nó còn dặn em khi nào anh trở về đưa cho anh chiếc khăn.
Chiếc khăn em thêu đôi chim, một con đậu vào bông hồng và một con đang. Tôi hình dung em đang ngồi thêu chiếc khăn trên chiếc võng phía sau vườn, mái đầu cúi xuống âu yếm... Ước gì hồi ấy tôi không phải hành quân gấp, ở lại thêm vài ngày để tôi nói được với em là tôi cũng muốn là con chim bay đi và sẽ trở về với em. Tôi theo Mây đi về làng. Trước khi đi, tôi đứng lặng trước mộ em thật lâu, nhìn những bông cỏ may trên mộ vươn lên trong nắng hè rực rỡ có vẻ đẹp rất riêng. Tôi thầm nhủ: “Tôi sẽ còn trở lại nơi này, mảnh đất tôi và em đã từng sống và chiến đấu bên nhau, cũng là nơi em nằm xuống, nơi từ bao giờ đã trở nên gắn bó với tôi. Tôi sẽ thay em chăm sóc mẹ”.
Mây như đoán được những suy nghĩ của tôi, chúng tôi rảo bước đi về phía cổng làng. Cảnh vật quen thuộc, con đường quen thuộc đều như có bóng em, tôi bỗng thấy nó gắn bó như chính quê hương của mình.