Sau những lời khó nghe
(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.
Căn bếp nhà Phương nằm ngay sau phòng khách. Sáng nào cũng là nơi phát ra âm thanh đầu tiên của ngày: tiếng xoong nồi va nhẹ, tiếng nước chảy lách tách và giọng bà Bích - mẹ chồng cô vọng ra từ bồn rửa.
- Phương ơi, cái đĩa này rửa rồi hả con? Vẫn còn vệt dầu. Nhà có khách đến chơi là họ nói mình ở dơ đấy.
Không phải mắng, không gắt, nhưng kiểu nói đó của mẹ chồng khiến Phương cảm thấy không thoải mái. Phương đang loay hoay cắm cơm, tay khựng lại một chút, rồi nhẹ nhàng bước tới nhận lại cái chén.
- Dạ, để con rửa lại
Bà Bích không nói nữa, chỉ lắc đầu nhẹ rồi quay lưng đi, cái lắc đầu rất khẽ thôi mà khiến lòng người phía sau cứ hụt hẫng.
Ông Hòa - bố chồng Phương ngồi bên bàn nước sát cửa sổ, lặng lẽ nhấp ngụm trà, ánh mắt không rời trang báo mở dang dở. Ông vẫn vậy, sống trầm, nói ít và gần như không can dự vào những chuyện giữa mẹ và con dâu. Nhưng không ai biết rằng ông nghe hết và hiểu hết, chỉ là không chọn cách lên tiếng.
Phương chỉ biết nhẫn nhịn. Chồng cô - Hòa, thường xuyên đi công tác, không có mặt ở nhà để giúp đỡ. Cô cũng hiểu công việc của anh rất bận rộn nên chưa bao giờ dám than vãn, dù những lời nói của mẹ chồng đôi khi khiến cô cảm thấy như mình làm gì cũng không đủ tốt.
Mối quan hệ giữa Phương và bà Bích giống như một sợi dây dai, lúc nào cũng căng vừa đủ để không đứt, nhưng cũng chẳng bao giờ chùng. Từ khi về làm dâu, Phương chưa từng bị quát mắng thẳng thừng. Mẹ chồng cô không độc đoán, cũng không khắt khe một cách dữ dằn, chỉ là những câu nói, những ánh mắt, những cái nhíu mày đủ khiến cô cảm thấy mình… không bao giờ làm bà vừa lòng.

Có lần, Phương mua trái cây về sau buổi dạy thêm buổi tối. Vừa đặt túi nho xuống bàn, bà Bích đã nói:
- Nho nhiều thuốc bảo quản lắm, tốt nhất là đừng mua nữa nhé!
Phương cười gượng, không đáp lại. Túi nho ấy cô mua trong siêu thị hoa quả sạch, giá không rẻ. Nhưng bà Bích đâu hỏi kỹ. Bà chỉ buông một câu nửa chê, nửa lo rồi lại tiếp tục làm việc của mình.
Một hôm, khi Phương vừa đi chợ về, bà Bích nhìn vào giỏ đồ cô mua, chỉ tay vào mấy quả dưa hấu và quả cà chua.
- Dưa này quả không tươi. Con không biết chọn đồ sao? Nhìn quả này như là để lâu lắm rồi, chắc lại rẻ quá.
Phương cảm thấy đôi chút tủi thân. Cô đã cố gắng chọn đồ tươi, nhưng bà Bích vẫn không hài lòng. Dù đã nghe mẹ chồng nói nhiều lần về việc lựa chọn thực phẩm, cô vẫn không thể làm vừa lòng bà.
Lúc Phương dọn dẹp nhà cửa, bà Bích lại đứng ở cửa phòng, quan sát. Bà không nói gì nhưng ánh mắt luôn như thể đang tìm kiếm điều gì đó chưa ổn.
- Con lau nhà thế này à? Nhà mới lau mà nhìn chỗ này vẫn còn bụi. Sao không lau cho kỹ?
Phương cười gượng, khẽ lau lại chỗ đó. Cô cảm thấy mỗi lần dọn dẹp xong, bà Bích luôn có thể tìm ra một chỗ nào đó chưa được hoàn hảo. Mỗi lần như vậy, cô lại tự hỏi liệu mình có thể làm tốt hơn được không.
Một buổi tối, trời mưa. Phương đón xe về muộn vì kẹt xe. Cô vừa mở cổng, chưa kịp cất lời, bà Bích từ bếp đi ra:
- Đi dạy thôi mà hơn 7 giờ mới về.
Phương đứng ướt mèm, áo còn lấm vài giọt nước bẩn. Cô chỉ kịp nói nhỏ:
- Trời mưa kẹt xe quá mẹ. Con có gọi về để bố mẹ ăn cơm trước nhưng mẹ không nghe máy.
Bà Bích không trả lời, chỉ rút khăn lau tay rồi quay lại bếp. Trên bàn đã bày cơm, ông Hòa vẫn ngồi đó, đưa mắt nhìn vợ rồi nhìn sang con dâu.
Một lúc sau, khi chỉ còn hai người trong gian bếp, ông mới khẽ nói:
- Lần sau mưa lớn, con cứ chờ cho bớt hãy về.
Phương ngẩng lên, hơi bất ngờ. Hiếm khi cô thấy bố chồng nói gì đó liên quan đến cô - không trách, không bênh, chỉ như một lời nhắc dịu dàng.

Vào một ngày cuối tuần, Phương dậy từ sớm, lặng lẽ vào bếp nấu bún bò Huế. Cô đã chuẩn bị từ hôm qua, giò bò để tủ lạnh, xương rửa sạch, hành gừng nướng sẵn. Cô muốn làm cho đúng vị Huế như mẹ chồng hay nấu, nhưng không hỏi gì, chỉ nhớ lại từng chi tiết trong những lần quan sát trước đây. Nước dùng vừa sôi, mùi sả, mắm ruốc và ớt sa tế đã lan ra khắp nhà.
Khi dọn lên bàn, bà Bích nhìn tô bún không nói gì. Bà nếm một muỗng, rồi nhẹ nhàng đặt đũa xuống, giọng đều đều:
- Mắm hơi nhiều, nước chưa ngọt lắm.
Phương gật đầu. Cô không cãi, cũng không giải thích. Bữa ăn trôi qua trong im lặng. Không ai hỏi, không ai bình luận. Chỉ có tiếng muỗng chạm vào thành tô, và tiếng quạt trần quay đều trên trần nhà.
Sau bữa, bà Bích lên phòng. Phương dọn dẹp, lòng hơi chùng xuống. Cô biết nấu ăn cho bà là khó, nhưng hôm nay cô thật sự cố gắng.
Buổi chiều, Phương mang đồ ra phơi ở sân sau. Khi đi ngang tường rào, cô nghe mẹ chồng đang nói chuyện với bà Hạnh - hàng xóm cạnh nhà. Giọng bà không lớn, nhưng đủ để nghe rõ:
- Sáng nay nó nấu bún bò. Làm cũng gần giống tôi. Tôi không dạy gì hết, mà nó để ý rồi tự làm. Vị chưa tới nhưng được cái chịu khó. Nó đi dạy suốt tuần, còn nhận thêm giờ buổi tối, vậy mà vẫn lo cơm nước, nhà cửa chu đáo.
Bà Hạnh cười:
- Cô con dâu vậy là hiếm đó chị Bích. Có phước rồi.
Bà Bích đáp, giọng chậm rãi:
- Ừ, không phải khéo miệng, nhưng biết sống. Nói chung là cũng được bà ạ. Chứ tôi là sợ nhất mấy nàng dâu chỉ biết ăn diện, nói thì cãi như chém chả.
Phương đứng yên một lúc. Cô không ngờ mẹ chồng lại nói về mình như vậy. Những lời bà chưa bao giờ nói trước mặt, giờ lại kể ra cho người khác, mà giọng thì nhẹ nhàng, không một chút gắt gỏng thường ngày.
Tối hôm đó, Phương đi dạy về trễ, cổ họng hơi rát, người hơi lạnh. Phương ăn chút cơm rồi lên phòng nằm nghỉ. Một lúc sau thấy mẹ chồng gõ cửa, trên tay cầm một ly nước gừng mật ong còn ấm.
- Uống đi cho ấm người, đừng để cảm.
Phương bất ngờ, cầm lấy cốc nước. Cô không nói gì nhiều, chỉ nhẹ giọng:
- Dạ, con cảm ơn.
Phương nhấp một ngụm, vị cay nơi cổ họng dần dịu, để lại cảm giác ấm áp lan nhẹ. Đưa mắt nhìn quanh căn nhà quen thuộc, mọi thứ vẫn ngăn nắp, chỉnh tề như trước, nhưng lần đầu tiên, cô thấy lòng mình nhẹ nhõm trong chính không gian từng khiến cô sống đầy dè dặt, e ngại.
Từ hôm đó, cách nhìn của Phương với mẹ chồng cũng đổi khác. Cô dần hiểu, người phụ nữ ấy không giỏi bày tỏ, nhưng lại âm thầm để tâm đến từng điều nhỏ nhặt. Sự chăm sóc của bà không dịu dàng, không nhiều lời, nhưng là thật lòng, có phần vụng về mà vẫn đủ đầy.
Phương bớt để tâm đến những lời chê, vì dần hiểu rằng sau đó có thể lại là một hành động quan tâm không nói ra. Cũng từ đó, bữa cơm của cả nhà không còn lặng lẽ như trước. Mẹ chồng hay kể vài chuyện cũ, hỏi qua loa chuyện trường lớp, còn Phương thì đáp lại nhẹ nhàng. Dù đôi khi bà vẫn cằn nhằn: Canh mặn, nhà chưa sạch, áo còn nhăn… nhưng Phương không còn để ý. Cô học cách nhìn nhận kiểu yêu thương ấy - không mềm mỏng, không ngọt ngào, nhưng chân thành.