Những thôn làng với sức sống mới

Giang Nam
Chia sẻ

(PNTĐ) - Kể từ khi hợp nhất với Thủ đô, đồng bào dân tộc ở những “vùng xa” như Thạch Thất, Ba Vì, Mỹ Đức… ngày một đổi khác. Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... được đầu tư khang trang.

 Cùng với đó, triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn I: Cuối năm 2022 - 2025 mà Hội LHPN Hà Nội đang triển khai, thời gian qua, vai trò và tầm quan trọng của người phụ nữ cũng được khẳng định hơn, nhiều chị đã hăng hái tiên phong thay đổi nếp nghĩ cách làm, xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu.

Nữ “thủ lĩnh” tiên phong thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”

Khó có thể hình dung rằng, chỉ hơn 10 năm trước, xã Tiến Xuân cùng với Yên Trung, Yên Bình, Đông Xuân của huyện Thạch Thất vẫn còn là những vùng đất xa xôi, heo hút. Đường đi gập ghềnh, núi đồi trùng điệp, đêm xuống chỉ le lói ánh đèn dầu đơn sơ vì chưa có điện lưới. Ấy vậy mà hôm nay, những cung đường thẳng tắp, trải nhựa êm ru đã mở ra trước mắt, đưa ôtô, xe máy bon bon qua ruộng đồng mênh mông, những đồi sắn xanh ngút ngàn trải dài đến tận chân trời.

Không chỉ những tuyến quốc lộ, đường liên huyện, liên xã mà từng con ngõ, từng xóm nhỏ của Tiến Xuân nay cũng đã được bê tông hóa sạch đẹp. Xen giữa màu xanh của núi rừng là những ngôi nhà cao tầng khang trang, kiên cố, minh chứng sống động cho sự đổi thay từng ngày. Điện lưới quốc gia về từng hộ gia đình, ánh đèn đêm rực sáng khắp thôn làng, tiếng ti-vi, tiếng loa truyền thanh rộn ràng khắp nơi, như thắp sáng những giấc mơ mới cho người dân nơi đây.

Những thôn làng với sức sống mới - ảnh 1
Xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất hôm nay.

Ông Đinh Công Lực – Trưởng thôn 3, xã Tiến Xuân không giấu được niềm tự hào khi nhắc đến những đổi thay ấy. Ông kể, chỉ trong vài năm, nhờ sự quan tâm, đầu tư từ Thành phố và huyện cùng với sự đồng lòng của người dân theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", Tiến Xuân đã huy động hàng chục tỷ đồng và hàng ngàn ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng. Hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế, công trình phúc lợi đều được tu sửa, xây dựng khang trang, từng bước nâng cao đời sống người dân.

Không chỉ đổi thay về kinh tế, hạ tầng giao thông, phụ nữ ở vùng xa của Hà Nội hiện cũng có những thay đổi mạnh mẽ về tư duy và nhận thức nhờ vào những hoạt động truyền thông từ cộng đồng. Bình đẳng giới giờ đây trở thành chủ đề thường xuyên được bàn bạc trong thôn, bản.

Chị Quách Thị Tuyết, xã Tiến Xuân chia sẻ: Trước đây trong thôn còn có hiện tượng đàn ông uống rượu về gây gổ vợ con. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào tổ truyền thông, tuyên truyền viên bình đẳng giới thì chị Tuyết cùng đông đảo phụ nữ trong thôn có thể góp lên tiếng nói của mình trong phòng chóng bạo lực. Bản thân chị Quách Thị Tuyết cũng ngày càng tự tin trong các hoạt động chung của địa phương. Đây cũng là một trong những mục tiêu đạt được của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn I: Cuối năm 2022 – 2025 do Hội LHPN Hà Nội đang triển khai.

Không chỉ Tiến Xuân, xã Yên Bài của huyện Ba Vì cũng đang có những thay đổi rõ nét. Là xã miền núi nằm ở phía Nam của huyện Ba Vì, Yên Bài có 8 thôn với 40% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mường. Tuy nhiên, ở Yên Bài có nhiều nét đặc biệt ở chỗ, những người phụ nữ dân tộc thiểu số đã tham gia nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chẳng hạn, hiện ở Yên Bài nhiều chị đã và đang làm chủ mô hình phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho gia đình. Đơn cử như chị Hoàng Thị Ánh cùng các chị Lê Thị Hợi, Hoàng Thị Lịch, Hoàng Thị Hoa... (đều là người dân tộc Mường ở thôn Chóng) đã kết hợp cùng nhau thực hiện mô hình du lịch cộng đồng Thung lũng Bản Xôi.

Với mô hình này, các gia đình tham gia mô hình đều đã xây được nhà kiên cố 2 - 3 tầng, mua ôtô, xe máy và mỗi hộ đầu tư 1 - 2 xe điện để làm dịch vụ đưa, đón khách du lịch. Các thành viên trong mỗi gia đình đều có việc làm, thu nhập ổn định từ 25 - 30 triệu đồng/hộ/tháng.

Thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, bên cạnh việc nỗ lực thay đổi, cải thiện đời sống kinh tế cho người dân, nhiều phụ nữ đã trở thành “thủ lĩnh” tinh thần, góp phần phát triển nông thôn mới thay đổi nếp nghĩ, cách làm tại địa phương.

Bà Kiều Thị Hoạt ở thôn Cua Chu, xã Tản Lĩnh là ví dụ. Theo đó, thôn có 290 hộ, trên 1.200 người thì có tới 2/3 là người dân tộc thiểu số (Mường, Dao), bà Hoạt là một trong những người tiên phong thuyết phục bà con chuyển sang trồng cây 3 vụ; phối hợp cùng chính quyền, các ban, ngành liên quan hỗ trợ để người dân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đứng ra thành lập đội cồng chiêng để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường…

Những thôn làng với sức sống mới - ảnh 2
Phụ nữ dân tộc thiểu số giới thiệu món ăn truyền thống của dân tộc

Gần 20 năm đảm nhiệm cương vị Trưởng thôn, bà Hoạt thuộc lòng gia cảnh từng hộ dân. Bất cứ lúc nào người dân trong thôn cần tới là bà có mặt, dù là ngày nghỉ hay lúc nửa đêm, gà gáy. Chính nhờ sự tận tụy, hết mình vì việc chung, bà Hoạt trở thành nữ trưởng thôn có thâm niên lâu nhất ở xã Tản Lĩnh. Dù đã có những nỗ lực làm thay đổi bộ mặt cả vùng quê nghèo nhưng bà Hoạt vẫn ấp ủ nguyện vọng, nếu có thể, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa hạ tầng giao thông và nâng cao đời sống văn hóa cho người dân miền núi.

Được biết, hiện tại, Cua Chu đang đẩy mạnh xây dựng mô hình “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”, “Đoạn đường phụ nữ nở hoa”… Ngay khi có những chủ trương này, Trưởng thôn Kiều Thị Hoạt đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động người dân cùng tham gia, chung tay để thôn xóm ngày một đẹp hơn. Đến nay, các loại hoa như mười giờ, đồng tiền… đang đua nhau khoe sắc, tô điểm thêm vẻ đẹp của Cua Chu. Việc làm này đã hạn chế nạn xả rác thải bừa bãi, làm đẹp cảnh quan nông thôn, góp phần để Cua Chu nói riêng và Tản Lĩnh nói chung hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Quyết sách cho kỷ nguyên mới

Thực tế, những năm qua, việc thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Thành phố đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, các chính sách dân tộc của Nhà nước để chỉ đạo, triển khai thực hiện linh hoạt, phù hợp, nhằm phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Theo tìm hiểu từ Sở Dân tộc và Tôn giáo thành phố Hà Nội, thời gian qua, Thành phố đã đầu tư, hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng thực hiện chính sách dân tộc, góp phần tạo chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực. Các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm gần 11%; thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm (năm 2008 là 7 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng dân tộc thiểu số giảm còn 0,72%/năm 2023 (năm 2008 trên 20%); 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

Trở lại câu chuyện phát triển đời sống kinh tế ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô, có tận mắt chứng kiến mới thấy, nhờ huy động được nhiều nguồn lực, đồng thời khai thác tốt lợi thế, tiềm năng, đến nay, cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi của các xã nơi có đồng bào dân tộc thiểu số đều đã được xây dựng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc được nâng cao rõ rệt.

Trong tương lai, nhiều xã, nhiều huyện nơi có đồng bào dân tộc thiểu số của Hà Nội cũng đang và sẽ tiếp tục chuyển mình. Tất cả đều hướng đến mục tiêu để mỗi miền quê trên địa bàn Thành phố thật sự trở thành những miền quê đáng sống.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.