Bước chuyển đổi mang lại hiệu quả lớn

Bài và ảnh Giang Nam
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực của đời sống, nhưng khoảng cách số vẫn là rào cản lớn đối với nhiều người dân, đặc biệt là ở khu vực cơ sở. Trước thực tế đó, phong trào “Bình dân học vụ số” do thành phố Hà Nội triển khai đã mang đến một hướng đi thiết thực và gần gũi. Không chỉ phổ cập kiến thức cơ bản về công nghệ và kỹ năng số, phong trào còn góp phần lan tỏa tinh thần chuyển đổi số toàn dân, toàn diện - nơi không ai bị bỏ lại phía sau.

Phổ cập kỹ năng số

Khi phong trào “Bình dân học vụ số” được triển khai, chuyển đổi số không còn là một khái niệm xa vời mà đã đi vào từng góc phố, từng ngõ nhỏ của Hà Nội. Những điểm phát wifi miễn phí xuất hiện ở các khu dân cư, mang lại cơ hội kết nối với thế giới số cho những người dân chưa từng tiếp cận công nghệ. Đặc biệt, tại Khu 7,2ha Vĩnh Phúc, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, không khí sôi động hơn bao giờ hết, khi những người dân từ nhiều lứa tuổi, từ trẻ em đến người cao tuổi, đều có thể cùng nhau trải nghiệm thế giới số qua chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng.

Tại một góc ghế đá gần khu vui chơi, bà Nguyễn Thị Bình (68 tuổi) đang chăm chú với chiếc điện thoại smartphone, luyện tập từng thao tác với ứng dụng VNeID. Dù đôi mắt đã mờ và tay đã run, bà không ngần ngại thử nghiệm, dù đôi lúc gặp khó khăn. Bà Bình chia sẻ, không chỉ đăng ký định danh điện tử, mà gần đây bà còn học cách nộp tiền điện, tiền nước qua app ngân hàng - điều mà trước đây chỉ con cháu mới làm giúp bà.

Bước chuyển đổi mang lại hiệu quả lớn  - ảnh 1
Phong trào “Bình dân học vụ số” đang từng bước lan tỏa sâu rộng.

“Bình dân học vụ số” không chỉ giúp người cao tuổi như bà Bình tiếp cận công nghệ, mà còn tạo ra một môi trường học hỏi thân thiện và dễ tiếp cận cho mọi lứa tuổi. Những điểm wifi miễn phí tại các khu vực công cộng như Khu 7,2ha Vĩnh Phúc không chỉ đơn thuần là kết nối internet, mà còn là một phần trong chiến lược đưa kỹ năng số đến gần người dân, thúc đẩy sự phát triển công nghệ đồng đều, không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng số toàn quốc.

Dưới tán cây cổ thụ rợp bóng mát, anh Lê Văn Hùng, 32 tuổi, một nhân viên văn phòng say sưa học tiếng Anh qua ứng dụng di động trên chiếc điện thoại thông minh. Mặc dù công việc khiến anh khá mệt mỏi sau một ngày dài, nhưng anh Hùng vẫn tranh thủ tận dụng khoảng thời gian này để nâng cao tay nghề.

Anh chia sẻ: "Chúng tôi làm việc suốt ngày, về nhà là muốn nghỉ ngơi, nhưng nếu không học hỏi thêm thì làm sao phát triển được. May mắn có wifi miễn phí, tôi có thể học tiếng Anh và tìm kiếm những thông tin hữu ích như cách sửa chữa đồ điện trong nhà hay cách mua sắm trực tuyến…".

Câu chuyện của anh Hùng cùng bà Bình phản ánh thực tế rằng, wifi miễn phí đã trở thành cầu nối quan trọng, giúp người dân tiếp cận và làm chủ công nghệ số một cách dễ dàng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những người lao động như anh Hùng, khi mà thời gian học hỏi và phát triển nghề nghiệp luôn là một thách thức.

Giúp người dân tự tin bước vào kỷ nguyên số

Phong trào “Bình dân học vụ số” đã được phát động trên phạm vi toàn quốc, hướng tới mục tiêu phổ cập tri thức số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số. Phong trào này được triển khai nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57.

Tại Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã ký ban hành Kế hoạch số 05-KH/BCĐ57 của Ban Chỉ đạo Thành ủy, nhằm triển khai sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số” trên toàn Thành phố.

Kế hoạch này xác định rõ mục tiêu: Nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất hành động trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò then chốt của chuyển đổi số, đồng thời khơi dậy động lực tự thân trong học tập, rèn luyện kỹ năng số ở mỗi người dân. Hưởng ứng kế hoạch của Thành ủy, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đã đồng loạt phát động phong trào “Bình dân học vụ số” tới đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và toàn thể nhân dân. Trong đó, quận Ba Đình nổi bật với mô hình “xã hội hóa wifi”, coi đây là một trong những giải pháp thiết thực để đưa chuyển đổi số đến gần hơn với cộng đồng.

Bước chuyển đổi mang lại hiệu quả lớn  - ảnh 2
Người dân quận Ba Đình hào hứng tham gia phong trào “Bình dân học vụ số”.

Bà Ngô Thị Thúy Lan - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình cho biết: Việc lắp đặt wifi miễn phí tại các khu vực công cộng là một trong những bước đi quan trọng nhằm thực hiện chỉ đạo của quận về chuyển đổi số, nhất là trong việc tạo điều kiện để người dân tiếp cận và làm chủ công nghệ.

Wifi miễn phí không chỉ là công cụ kết nối, mà còn là nền tảng khuyến học thời đại số, giúp người dân nâng cao năng lực công nghệ, rút ngắn khoảng cách số giữa các nhóm đối tượng. Mô hình “xã hội hóa wifi” của Ba Đình vì thế không chỉ góp phần thực hiện thành công các nghị quyết quan trọng của Đảng và Chính phủ, mà còn lan tỏa mạnh mẽ tinh thần “Bình dân học vụ số” - đặt con người ở trung tâm của chuyển đổi số, vì một xã hội số bao trùm và nhân văn.

Tại quận Tây Hồ, phong trào đã được triển khai linh hoạt và sáng tạo thông qua các hoạt động của Quận đoàn Tây Hồ. Theo chia sẻ của chị Lương Mai Ngân, Ủy viên Ban Chấp hành, chuyên viên Quận đoàn Tây Hồ, một trong những điểm nhấn nổi bật là việc hình thành đội hình “Bình dân học vụ số” hỗ trợ người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố, chi nhánh Tây Hồ. Tại đây, đoàn viên thanh niên đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến - một phần không thể thiếu của quá trình chuyển đổi số.

Không dừng lại ở hỗ trợ trực tiếp, Quận đoàn còn chủ động ứng dụng công nghệ trong công tác tuyên truyền và giáo dục đoàn viên, thể hiện qua việc sản xuất các ấn phẩm infographic, video clip sáng tạo về các sự kiện lớn như: Lễ hội Sen Hà Nội 2024, 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, 110 năm ngày sinh Anh hùng Lý Tự Trọng… Những nội dung số này được lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội như tikTok và facebook - nơi có đông đảo đoàn viên, đặc biệt là thế hệ Gen Z, đang hiện diện và tương tác hàng ngày.

Một điểm sáng đáng ghi nhận là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để số hóa hình ảnh di tích, làng nghề truyền thống trên địa bàn quận – một cách làm vừa mới mẻ, vừa hiệu quả trong việc gìn giữ di sản văn hóa và đưa di sản đến gần hơn với cộng đồng trẻ.

Bên cạnh việc sáng tạo nội dung, đoàn viên, thanh niên Tây Hồ còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân, nhất là nhóm đối tượng ít tiếp xúc với công nghệ. Từ việc hướng dẫn sử dụng internet an toàn, nhận diện và phòng ngừa thông tin độc hại, đến việc khuyến khích sử dụng mã QR thanh toán không tiền mặt, tuổi trẻ Tây Hồ đang góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại và số hóa toàn diện.

Những nỗ lực này cho thấy, phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, mà còn là sân chơi, môi trường rèn luyện và khẳng định vai trò của tuổi trẻ, với sứ mệnh trở thành lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số và phổ cập tri thức cho cộng đồng.

Nhìn từ các địa phương trên địa bàn Hà Nội cho thấy, phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ là sự tiếp nối tinh thần học tập suốt đời từ phong trào “Bình dân học vụ” năm xưa, mà còn là bước đi chiến lược, mang tính thời đại trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Từ việc đầu tư hạ tầng, phổ cập internet miễn phí đến những hoạt động sáng tạo, thiết thực của tuổi trẻ Thủ đô, phong trào đang từng bước lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, khơi dậy ý thức chủ động học hỏi, làm chủ công nghệ trong mỗi người dân. Với cách làm linh hoạt, sáng tạo và quyết tâm cao từ các cấp chính quyền, đoàn thể và từng người dân, “bình dân học vụ số” tạo nền tảng vững chắc cho một xã hội số toàn diện, bao trùm và nhân văn, nơi không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình phát triển của đất nước.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ già

Mẹ già

(PNTĐ) - Một năm trước, khi sắp kết thúc thời gian nghỉ sinh, Thoa bàn với chồng: “Mình thuê người trông con thêm đôi tháng. Em tính khi con được ngoài năm thì gửi con đi trẻ. Gần nhà mình cũng có địa điểm trông trẻ nhỏ anh ạ”.
Chọn hiếu hay tình?

Chọn hiếu hay tình?

(PNTĐ) - Cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi tôi. Kinh tế chật vật, cuộc sống khó khăn vất vả, mẹ đã hy sinh và sống vì tôi. Vì thế ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nguyện sau này bằng bất cứ giá nào cũng sẽ sống cho mẹ nhiều hơn. Thế nhưng đến giờ phút này, tôi cảm thấy cuộc đời mình sẽ gặp nhiều bất hạnh nếu như sống đúng với tâm nguyện ấy.
Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

(PNTĐ) - Sau 3 năm phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” đã được triển khai thực hiện rộng khắp, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị và đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của các tầng lớp phụ nữ cả nước.