Cả một đời ki cóp

Chia sẻ

Ông Hiệu cả đời ki cóp, giữ khư khư, không cho ai, kể cả vợ con một tí gì. Giờ cuối đời, ông được toại nguyện. Nhà cửa, đất đai, tiền bạc, không ai lấy của ông dù chỉ là một cắc. Người ta chỉ bỏ ông ra đi mà thôi…

Cứ đều đặn qua Rằm vài hôm là ông Hiệu lại đóng bộ quần áo, lái xe máy đi thu tiền thuê đất. Cả tháng nhàn nhã đi ra đi vào, chỉ có dịp ấy là được oai oách, số tiền cho thuê 2 miếng đất cũng lên đến hơn chục triệu, thừa sức ông tiêu. Ông hiên ngang đi trên đường làng. Cái dáng vẻ ấy, vào đúng cái ngày ấy mỗi tháng, đã trở thành điều quá quen thuộc với người làng rồi.

Xuống xe, ông thường không lòng vòng, vào việc luôn, lấy tiền rồi quay đi thẳng, chẳng hỏi thăm thêm câu nào. Nhưng lần này, sự tình không được suôn sẻ cho lắm.

Người thuê 2 miếng đất chính là 2 con trai ruột của ông Hiệu. Nhưng với ông, chuyện tiền bạc phải phân minh, nó thuê đất làm cửa hàng thì nó phải trả tiền, thậm chí đầy đủ, đúng hạn, không có chuyện vì là bố con nên được nhân nhượng. Vậy nên hơn 10 năm nay, dù là những ngày đầu phải đi vay mượn hay sau này có của ăn của để, 2 anh con trai ông vẫn chưa dám trả thiếu cho bố một hào nào.

2 năm nay dịch bệnh, việc kinh doanh gặp nhiều bế tắc, lỗ nhiều hơn lãi. Một anh mở cửa hàng bán đồ nước ngoài, một anh thì làm xưởng chế biến thực phẩm, đều không buôn may bán đắt như trước nữa. Ở vùng quê nghèo này, dù có mang tiếng là buôn bán thì may lắm là dư dả được ít, còn không cũng chỉ đủ ăn. Ai vào thời điểm dịch bệnh này cũng thế. 2 anh đều tìm cách nói khó với ông Hiệu, xin bố cho khất ngày nộp tiền thuê đất…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng ông Hiệu không đồng ý! “Chúng mày vớ vẩn, làm ăn cả tháng, cả năm mà bảo không có tiền! Chỉ có tao mới không có nhé, tiền tao sống chỉ trông chờ vào cho thuê 2 cái miếng đất này. Chúng mày không trả là chúng mày giết bố đấy con ạ!”.

Ông hằn học, rồi nhất quyết phải được trả tiền mới đi. Sau đó, 2 con trai xin bố bớt tiền, khi nào khá hơn sẽ trả bù, ông cũng không đồng ý. “Lúc tao cho chúng mày thuê, tao có xén tí nào không? Không trả, tao chửi lên cho cả làng biết 2 đứa mày là loại bất hiếu!”.

Rầu hết cả người, anh cả gọi điện cho mẹ, nhờ bà nói giúp với ông một câu, cho ông bớt nóng mà thông cảm. Nhưng con ông – máu mủ của ông, ông còn chả quan tâm, chỉ nghĩ đến tiền, thì một lời nói nữa của vợ mình, có đáng để ông thay đổi ý kiến không?

Rồi cũng lấy được tiền, ông Hiệu dắt kỹ vào túi, hý hửng đi về, bỏ lại phía sau 2 người con không hiểu bố nghĩ gì nữa…

Tính ông Hiệu là vậy, nên cả làng chẳng ai chơi, vì đâu nhờ vả được gì. Người ta bảo, chưa bao giờ thấy ông chi một đồng nào cho việc gì không phải của mình cả! Tất cả các khoản đóng góp, từ thiện cộng đồng, mọi người đều có tinh thần gom góp, không tiền thì vật chất khác, duy chỉ nhà ông là không! Ông ưỡn ngực bảo: “Tôi chả liên quan gì tới mấy cái trò đó cả! Có quyên góp, người ta cũng có biết mình là ai đâu! Chỉ có điên mới đi ném tiền như thế!”.

Vợ con ông không ai gàn nổi cái tính xấu ấy. Đấy, đến đất đai cho con cái thuê, lúc nó khó mà ông vẫn rạch ròi, không thông cảm, thì thử hỏi, ông cho ai được cái gì. Vợ ông – mang tiếng chồng có lắm tiền, lắm đất nhưng quanh năm không mua nổi vài ba manh áo mới, cứ lầm lũi, đôi lúc ra đường phải co rúm người lại kẻo thiên hạ trách chồng rồi chửi lây sang mình…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Về đến nhà, ông thấy có khách. Ông Hiệu ngờ ngợ nhưng không đoán ra được ai, dù quen lắm. Thấy người ta ra bắt tay, rồi ôm mình, ông còn đẩy vội ra: “Đang dịch bệnh, ông tránh xa xa ra! Mà ông là ai thế?”.

- Em là Cường đây bác. Em ở chi dưới, gọi bác là anh họ mà, lâu em không về để bác quên, thiếu sót quá!

Ông Hiệu nhớ ra rồi! Chú em trước mặt mình, rời làng đi cũng đã mười mấy năm, tưởng biệt tích mà lại quay về, không hiểu có ý đồ gì! Nhưng thôi, cứ ngồi xuống xem sao đã!

- Nhiều năm không gặp, bác có cơ ngơi hoàng tráng quá! – ông Cường nhìn một vòng nhà, thấy bộ bàn ghế, phản toàn bằng gỗ xịn, cây cảnh trang trí đẹp mắt, trầm trồ khen!

Ông Hiệu chẳng nói gì, chậm rãi rót nước. Cũng đúng thôi, tiền ông có cho ai đồng nào bao giờ đâu mà chả dành hết để vun vén nhà cửa!

Ông Cường hỏi thăm nhiều, nhưng chủ yếu là vợ ông Hiệu trả lời hộ chồng. Tâm trí ông đang để chỗ khác. Ông bắt đầu “ngược dòng thời gian”: “Thằng này là trưởng chi dưới, vậy thì nó bỗng dưng về chỉ có thể là nhòm miếng đất ngoài đầu làng các cụ để lại. Chả tốt đẹp gì, phải tiễn sớm thôi!”.

Vợ ông Hiệu vừa xuống bếp làm cơm đãi em chồng. Thì ở nhà trên, ông Hiệu vào thẳng vấn đề luôn: “Tôi nói chú này, miếng đất các cụ để lại, ở đầu làng, giờ nó là mặt phố, đúng là ăn nên làm ra thật! Nhưng tôi là trưởng, tôi mới có trách nhiệm trông coi. Chú dù sao cũng chỉ là chi dưới, muốn cũng không được. Đấy, tôi cứ nói thẳng thế cho nhanh, đỡ phải lằng nhằng!”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ông Cường như bị dội một gáo nước lạnh vào người. Lòng ông chùng hẳn xuống. Ông đâu có ý đồ gì tới miếng đất. Ông là cán bộ về hưu, có lương, nay rảnh rang muốn về chơi quê, thăm họ hàng, tìm cảm hứng làm thơ, văn… chỉ thế thôi chứ có đòi gì tới đất cát? Quá xấu hổ và thấy bị xúc phạm, ông đứng lên, bỏ đi một mạch.
Cả một đời chẳng bạn bè, thân thích. Con cái cũng ngại đến gần, nay đến em út xa xôi tìm về cũng bị đẩy đi, nhưng ông Hiệu vẫn vui vì chẳng phải hy sinh cho ai cả. Nhưng nhân quả kiểu gì cũng đến, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Ông Hiệu phải lòng bà hàng xóm ở thành phố chăm cháu mấy năm, nay về lại quê nhưng có chút phấn son nên trẻ trung ra hẳn.

Không hiểu trúng bùa gì mà ông mê mệt, ngày ngày sang chơi, có khi ở lì nhà bà ấy chẳng về. Vợ ông uất quá, xách quần áo về nhà con trai ở. Các con tức thay cho mẹ, khuyên can nhưng ông đều bỏ ngoài tai. “Tao già rồi, muốn làm gì là quyền của tao!” – ông bảo thế. Vậy là, cả một đời ki cóp với vợ con, họ hàng, làng xóm, nay “bồ già” bảo gì ông cũng nghe, xin gì ông cũng cho. Càng ngày càng chối mắt, các con ông trả lại đất cho bố, tuyên bố có nghèo cũng không thèm đụng vào đất của ông nữa. Ông mất đi một khoản, bồ già lại ham bài bạc, nên bòn dần đến tiền tiết kiệm, rồi hốt cả cái nhà của ông luôn. Ông Hiệu rạch ròi với vợ con nhưng u mê với những lời đường mật, nên đời ông, đến lúc mất hết vẫn chưa hề biết…

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.