Các biện pháp phòng ngừa bệnh cúm

Chia sẻ

Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường tăng nhiều hơn vào thời điểm giao mùa đông xuân. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, người dân nên chú ý và có biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Bệnh cúm có những loại nào?

Có 3 loại virus gây cúm là A, B và C trong đó cúm A nguy hiểm nhất với nhiều chủng gây bệnh như A/H5N1, A/H3N2, A/H1N1, A/H7N9/… Cúm B lành tính hơn và thường gây bệnh nhẹ. Cúm C gần giống với cảm lạnh thông thường.

Bệnh cúm thường được chia thành: Cúm mùa do các chủng cúm A/H3N2, A/H1N1, cúm B, cúm C gây ra; cúm gia cầm do những chủng cúm A có nguồn gốc từ gia cầm như cúm A/H5N1, A/H7N9 gây ra.

Bệnh cúm lây truyền như thế nào?

Với bệnh cúm mùa, virus cúm lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi nói chuyện, ho, hắt hơi… hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus, qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
Các chủng cúm gia cầm như cúm A/H5N1, A/H7N9 từ gia cầm hoặc chim hoang dã mang virus lây sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc, giết mổ, vận chuyển hoặc tiêu hủy, ăn phải những sản phẩm gia cầm có chứa virus chưa được nấu chín như tiết canh, hoặc sống trong vùng có dịch cúm trên gia cầm.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh cúm - ảnh 1

Biểu hiện của bệnh cúm

Sau khi bị nhiễm virus cúm từ 2 - 4 ngày (giai đoạn ủ bệnh), người bệnh bắt đầu biểu hiện các triệu chứng: Sốt cao đột ngột 39 - 400C, rét run, nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức toàn thân. Ngoài ra có thể có các triệu chứng viêm long đường hô hấp như: sổ mũi, hắt hơi, đau rát họng, ho khan, mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng. Một số bệnh nhân có thể có viêm thanh khí quản, tiếng ho ông ổng, người bệnh mệt nhiều, ăn ngủ kém.

Tình trạng sốt cao liên tục kéo dài 3-4 ngày, sau đó sốt lui dần nhưng mệt mỏi còn có thể kéo dài hàng tuần sau đó rồi đa số tự hồi phục. Những người mắc các bệnh mạn tính kèm theo hay trẻ nhỏ và người già có thể bị bội nhiễm thêm các vi khuẩn gây viêm họng, viêm áp-xe ở họng hầu, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản phổi…

Một số ít người bệnh có thể mắc cúm ác tính (thường do virus cúm gia cầm gây nên). Thể bệnh này nguy hiểm và diễn biến rất nhanh. Sau khi xuất hiện sốt cao, người bệnh vật vã, mê sảng, có thể co giật, da xanh xám, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt. Nếu không được điều trị thích hợp, bệnh nhân có thể tử vong sau 1-3 ngày.

Phòng ngừa bệnh cúm như thế nào?

Để phòng ngừa bệnh cúm cho bản thân, gia đình và cộng đồng chúng ta cần thực hiện các biện pháp chủ động và thụ động sau:

Các biện pháp phòng bệnh thụ động: Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ khoảng cách an toàn (>1m) và tránh tiếp xúc với người nhiễm khuẩn hô hấp cấp; mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người có nguy cơ cao mắc cúm như bệnh viện, bến xe, siêu thị…; tăng cường tập thể dục, ăn uống điều độ, nhiều rau xanh và trái cây giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt, tránh tiếp xúc gia cầm bị bệnh ốm chết hoặc đi vào vùng có dịch khi không cần thiết, tuyệt đối không ăn các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín.

Phòng ngừa chủ động bằng tiêm vắc-xin cúm hàng năm. Vắc-xin cúm được chỉ định sử dụng cho người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên. Việc tiêm ngừa không chỉ giúp phòng các chủng cúm mùa đang lưu hành (trong đó có chủng cúm A/H1N1 gây đại dịch) mà còn giúp giảm nhẹ triệu chứng nếu mắc phải các chủng cúm A khác do tính miễn dịch chéo trong vắc-xin. Những người bị di ứng với trứng gà hay thịt gà thì không nên tiêm vắc-xin cúm do có khả năng bị dị ứng.

Khi có dấu hiệu bị cúm như sốt, ho, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi nên đi khám kịp thời, đeo khẩu trang, vệ sinh khi ho, súc miệng họng bằng nước muối sinh lý, sau khi chẩn đoán mắc cúm cần cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác và cộng đồng.

ThS.BS Nguyễn Danh Đức
Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.