Cái cặp lồng cơm

Chia sẻ

Chiếc đồng hồ báo thức đổ chuông lúc 5h30 phút sáng. Đó là giờ mẹ tôi luôn dậy để chuẩn bị cơm trưa cho bố mang đi làm rồi đi chợ. Nhưng, hôm đó lại khác, mẹ tôi vẫn nán lại giường.

Là tôi nghe có tiếng bố bảo mẹ:

- Em cứ ngủ thêm đi. Hôm nay, anh gọi cơm bên ngoài về phòng ăn là được. Em không cần nấu cơm cho anh.

- Làm vậy có được không anh? mẹ tôi hỏi

- Được chứ sao không? Mọi người ở cơ quan anh đều gọi cơm bên ngoài về ăn, em đừng lo.

Lời nói đó của bố đã giúp mẹ tôi an tâm ngủ thêm một lúc. Cho tới lúc đi làm, bố khẽ khàng bước ra phòng khách, nhắc chúng tôi giữ yên để mẹ ngủ. “Mẹ các con dạo này mệt mỏi và thiếu ngủ nên cứ để cho mẹ ngủ thoải mái nhé”, bố nói.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đó là lần hiếm hoi bố tôi không mang cặp lồng cơm trưa theo người. Và mẹ cũng không mướt mải phải đạp xe đi chợ mua thức ăn cho cả nhà.

Mẹ tôi là vậy, lúc nào cũng muốn chu toàn mọi việc. Dù công việc ở cơ quan mẹ có vất vả, áp lực đến đâu, nhiều hôm mẹ phải đem việc về làm tới rất khuya thì sáng hôm sau, mẹ cũng luôn dậy vào lúc 5h30 phút để lo cho bố và cả nhà. Mẹ thương bố đi làm vất vả, nếu ăn uống tạm bợ bên ngoài thì dễ ốm, chưa kể cơm hàng cháo chợ không đảm bảo vệ sinh như cơm mẹ nấu. Rồi vì muốn cả nhà được ăn tươi ngon mà mẹ giữ nếp đi chợ mỗi sáng sớm thay vì đi chợ mua thức ăn bỏ vào ngăn đá tủ lạnh để ăn trong cả tuần.

Nhưng cũng vì thế mà lúc nào mẹ cũng vội vã, vất vả, mệt mỏi. Những ngày gần đây, mẹ xuống sắc thấy rõ. Có khi, mẹ còn ngủ gật ngay tại bàn làm việc.

Nhìn mẹ vậy, chúng tôi rất thương và muốn chia sẻ với mẹ. Bố tôi quyết định sẽ không mang cơm đi làm. Còn chúng tôi thì nhận đi chợ thay mẹ. Vào buổi chiều, sau khi tan học, chúng tôi rẽ vào siêu thị mua đồ rồi về nhà nấu cơm. Bữa cơm không do tay mẹ chuẩn bị đúng là không hoàn hảo nhưng, đâu có sao, cả nhà tôi vẫn có một bữa cơm sum họp ấm áp.

Tối đó, bố nói với mẹ: Từ nay, em cứ tạm thời buông bỏ một số trách nhiệm với ba bố con. Khi nào mệt, em cứ nghỉ thêm còn anh sẽ gọi cơm hàng. Buổi tối cũng vậy, nếu cả em và con đều bận, cả nhà mình có thể ăn mì ăn liền cũng chẳng sao.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mãi rồi mẹ tôi mới đồng ý. Tất nhiên, mẹ vẫn giữ nếp dậy sớm vì đã quen vậy rồi, nhưng không phải ngày nào cũng vậy. Nếu muốn, mẹ vẫn có thể ngủ tiếp mà không cần lo lắng, áy náy gì. Khi được chồng, con thấu hiểu, mẹ tôi vui vẻ hơn, đỡ hẳn áp lực.

Còn chúng tôi cũng thấy rằng, thật là bất công khi cứ đặt lên vai mẹ quá nhiều trách nhiệm. Tại sao, chỉ có mẹ phải nấu cơm cho bố mang đi làm và đi chợ mà không phải ngược lại? Vì thế, không chỉ đi chợ giúp mẹ, chúng tôi bắt đầu nghĩ tới việc thi thoảng sẽ nấu cơm cho cả bố và mẹ cùng mang đi làm. Vì buổi sáng rất bận rộn nên chúng tôi chuẩn bị thức ăn từ tối, bỏ vào tủ lạnh. Hôm sau, hai chị em bỏ vào hai cái cặp lồng cho cả bố và mẹ mang đi. Lần đầu tiên xách cặp lồng cơm đi làm, bố mẹ tôi đều ngạc nhiên và rất vui. Chỉ một hành động nho nhỏ vậy thôi, nhưng đã thể hiện một sự sẻ chia, hỗ trợ, cả nhà cùng san sẻ việc nhà.

Và mẹ tôi đã không còn là người duy nhất phải lo cho mọi người.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.