Cái giá phải trả cho “quái xế”

HUYỀN TRANG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với sự ngông cuồng, liều lĩnh, nhóm 24 quái xế đã lái xe máy lạng lách, vượt đèn đỏ tông chết người dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu. Vụ án thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội bởi hành vi coi thường pháp luật của các “quái xế”, đòi hỏi phải được xét xử nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, nhằm giáo dục, cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung.

Nỗi ân hận muộn màng

Ngày 22/4, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử 24 bị cáo trong vụ án gây rối trật tự công cộng, đua xe trong đêm và đâm xe vào cô gái dừng đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (Hà Nội) khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Hồng Nhung, 20 tuổi và Nguyễn Tá M.K, 17 tuổi (phạm tội khi 16 tuổi 10 ngày) bị đưa ra xét xử về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và Gây rối trật tự công cộng, theo khoản 2 Điều 260 và khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự. 22 bị cáo còn lại, từ 17 đến 23 tuổi bị xét xử về tội Gây rối trật tự công cộng, theo khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Ngay từ 9h sáng, gần 50 cảnh sát thuộc lực lượng hỗ trợ tư pháp dẫn giải các bị cáo bị tạm giam đến tòa. Bên ngoài cổng tòa, rất đông người thân của các bị cáo đã đứng chờ từ sớm. Nhiều người không kìm được nước mắt khi chứng kiến con - em mình cúi đầu bước vào phòng xử án. Một hàng rào an ninh được thiết lập trước cổng tòa. Một số bị cáo dưới 18 tuổi có người giám hộ đi cùng. Khi cánh cửa toà khép lại, phía ngoài, những ánh mắt đượm buồn xen lẫn lo lắng ấy vẫn dõi theo bóng dáng của con em mình, khi chỉ vì sự thiếu hiểu biết pháp luật, hành động bốc đồng thiếu suy nghĩ của tuổi trẻ mà đã gây ra hậu quả đau lòng cho người khác.

Cái giá phải trả cho “quái xế”  - ảnh 1
Các bị cáo tại toà

Theo cáo trạng, đêm 2/11/2024, Nguyễn Hồng Nhung điều khiển xe máy để đón Nguyễn Phương Anh cùng đi dạo trên các tuyến phố của trung tâm Hà Nội. Đến 23h30, khi di chuyển đến khu vực vườn hoa Tao Đàn trên phố Phan Chu Trinh (Hà Nội), Nhung gặp một nhóm thanh niên đang điều khiển xe máy chạy tốc độ cao.

Thấy vậy, Nhung liền tăng tốc nhập vào nhóm, điều khiển xe chạy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bấm còi, vượt đèn đỏ trên các tuyến phố trung tâm của Hà Nội. Trong quá trình tham gia đoàn xe, Nhung liên tục lạng lách, không chấp hành tín hiệu giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Đến khoảng 00h15 ngày 3/11/2024, cả nhóm di chuyển đến phố Trần Hưng Đạo và vượt đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu. Lúc này, Nhung không chú ý quan sát, điều khiển xe với tốc độ cao nên đâm vào xe của chị N.H.Q đang dừng chờ đèn đỏ. Cú va chạm khiến chị Q ngã khỏi xe, văng xuống đường. Cùng lúc, Nguyễn Tá M.K điều khiển xe phía sau tiếp tục đâm vào người chị Q khiến chị tử vong tại chỗ. Sau khi xảy ra tai nạn, Nhung cùng Phương Anh và một số đối tượng khác dựng xe rồi nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Thời điểm đó, Nhung, M.K chưa có giấy phép lái xe.

Tại phiên tòa, Nguyễn Hồng Nhung thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo khai hôm xảy ra sự việc, bị cáo chỉ định đi dạo phố và uống nước chứ không có ý định đua xe. Tuy nhiên, sau khi “nhập hội” cùng nhiều xe khác, Nhung điều khiển phương tiện với tốc độ cao, bấm còi liên tục, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, không quan sát những phương tiện khác. Thậm chí, Nhung không biết mình điều khiển phương tiện với tốc độ bao nhiêu km/h.

Bị cáo Nguyễn Tá M.K thì cho biết, chiếc xe máy bị cáo sử dụng là mượn của mẹ để đi uống nước và lượn phố cùng bạn. Đến ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, xe của M.K vượt đèn đỏ, đâm trúng chị Q. Do hoảng sợ, nên sau khi gây tai nạn, K dựng xe tiếp tục bỏ chạy.

Cũng tại toà, các bị cáo còn lại đều thừa nhận hành vi phạm tội và bày tỏ sự ăn năn, hối hận. Đại diện Hội thẩm nhân dân bày tỏ sự tiếc nuối khi 24 bị cáo phạm tội “đều đang ở độ tuổi đẹp nhất” nên phí hoài thanh xuân. Nữ hội thẩm nhân dân cũng đề nghị các phụ huynh cần chú ý hơn nữa việc giáo dục con em, không giao xe khi chưa đủ điều kiện.

Cái giá phải trả cho “quái xế”  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nỗi đau của những người làm cha mẹ

Có lẽ, đau đớn nhất trong phiên xét xử này, chính là mẹ của bị hại N.H.Q. Bà P, mẹ bị hại đến toà từ sớm cùng con gái cả và một vài người họ hàng. Suốt phiên xét xử, gương mặt người phụ nữ trạc 50 tuổi đẫm nước mắt. Không ít lần, trước lời khai của các bị cáo, bà không thể ngồi vững, phải nhờ người thân dìu sang phòng bên cạnh để dự phiên toà bằng hình thức trực tuyến.

Sau mỗi lời khai của các bị cáo, bà lại nấc lên nghẹn ngào. Bà cho biết, từ khi con gái qua đời, bà thường xuyên phải dùng thuốc co thắt phế quản. Còn chồng bà, để quên đi nỗi đau mất con, ông lao vào công việc không ngừng nghỉ. Nhưng cứ đêm về là hai vợ chồng lại ôm nhau khóc. Bởi nếu không có vụ việc này, con gái bà giờ đã có một đám cưới hạnh phúc. Buổi tối định mệnh ấy, gia đình bạn trai của Q đến nhà bà để bàn chuyện tương lai cho đôi trẻ. Sau khi tiễn khách ra về, Q xin phép mẹ đi chơi với bạn một lúc. Thế mà, chỉ vài giờ sau đó, cô đã mãi mãi ra đi. “Thỉnh thoảng người yêu Q vẫn qua nhà thắp hương cho con bé. Hôm qua cậu ấy còn xin tôi được đến tòa dự”, bà P kể.

Khi tòa cho phép, bà P quay lại phòng xử án trình bày ý kiến. Người mẹ nạn nhân bật khóc nức nở, nói không thành tiếng. Mãi 1 lúc sau, nén nỗi đau, bà P mới đề nghị toà xử đúng người đúng tội. Chị gái của nạn nhân ngồi cạnh mẹ, tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đề nghị phải xử nghiêm các bị cáo để đủ sức răn đe, bởi sau sự việc thương tâm của em gái, chị vẫn thấy nhiều quái xế “không biết sợ” khi vẫn tụ tập đi thành đoàn, lạng lách, đánh võng trên các tuyến phố.

Cũng tại phiên toà, HĐXX triệu tập 11 người giám hộ của 11 bị cáo phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi. Mỗi khi thấy con đứng dậy trả lời xét hỏi, nhiều bà mẹ đã bật khóc. Mẹ bị cáo Nhung và M.K đều nói “con dại thì cái mang”, gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại, đồng thời sẽ cố gắng sắp xếp bồi thường số tiền còn lại sau khi đã bồi thường 1 phần trước đó.

HĐXX nhận định: Quyết định áp dụng hình phạt tù đối với nhiều bị cáo nhằm răn đe, phòng ngừa tình trạng tương tự xảy ra, đồng thời, nâng cao biện pháp giáo dục cho các bậc phụ huynh đối với con em mình trong việc chấp hành các quy định đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Theo HĐXX, các bị cáo bất chấp pháp luật, điều khiển phương tiện vi phạm quy định về an toàn giao thông, gây tai nạn khiến 1 người bị tử vong, làm mất trật tự an ninh xã hội. Đây là sự việc hết sức đau xót và là bài học đối với tất cả bị cáo, gia đình các bị cáo trong quản lý, giáo dục cũng như giao phương tiện cho con em chưa đủ điều kiện, gây hậu quả nghiêm trọng.

HĐXX còn khuyến cáo, sau này khi thi hành xong bản án, Tòa đề nghị các bị cáo hãy trở thành người có ích cho xã hội, không tái phạm. Các bậc phụ huynh có con em liên quan vụ án cần tăng cường quản lý, giáo dục con cái giúp họ sớm hoàn lương, không tiếp tục sa đà vào vòng lao lý.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hồng Nhung 8 năm 6 tháng tù, Nguyễn Tá M.K 6 năm 6 tháng tù cùng về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và “Gây rối trật tự công cộng”. Bị cáo Nguyễn Phương Anh bị tuyên phạt 12 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Cùng với bản án 28 tháng tù trong vụ án trước đó (do TAND quận Hoàn Kiếm xét xử), tòa buộc bị cáo Phương Anh phải chấp hành hình phạt chung của 2 bản án là 40 tháng tù. 21 bị cáo còn lại trong độ tuổi từ 16-17 bị tuyên mức án từ 5 - 7 tháng tù theo đúng tội danh bị truy tố. Trong số này, nhiều người bị tạm giam đã chấp hành xong hình phạt, được tòa tuyên trả tự do.

Phiên toà khép lại với một bản án thích đáng, đúng người đúng tội, là bài học cho mỗi gia đình trong việc giáo dục con em và nâng cao nhận thức pháp luật cho thế hệ tương lai.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn phòng chống xâm hại trẻ em trước khi vào hè

Tập huấn phòng chống xâm hại trẻ em trước khi vào hè

(PNTĐ) - Bạo lực, xâm hại trẻ em là một vấn đề nhức nhối đang diễn ra ở nhiều nơi và nhiều hình thức, để lại hậu quả nghiêm trọng về cả vật chất và tinh thần cho trẻ. Vừa qua, các địa phương trên cả nước đã liên tục có các buổi tập huấn, ngoại khoá tại các trường học, cung cấp cho các em học sinh kiến thức để phòng, chống xâm hại.
Đêm trăng suông

Đêm trăng suông

(PNTĐ) - Vừa bước xuống sân khấu, Diệp Linh nghe ai đó gọi tên mình, và một cánh tay giơ lên vẫy vẫy, Diệp Linh chưa kịp nhận ra ai thì cô nhận được cái bắt tay thật chặt, “Anh Nam đây! Lâu quá rồi! Anh vẫn nhận ra em, em không thay đổi mấy”.
Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

(PNTĐ) -  Cháu tôi có vay nợ một khoản tiền, đến hạn nhưng chưa trả đủ. Vừa rồi, khi cháu đang đi trên đường thì bị chủ nợ cho người chặn đường lấy xe máy để trừ nợ. Xin hỏi hành vi trên của chủ nợ có bị xử lý theo quy định pháp luật không? Lê Hồng Khanh (Sóc Sơn, Hà Nội)