Cẩm nang nuôi dạy trẻ bướng bỉnh

Thạc sĩ Giáo dục Nguyễn Thu Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Không có đứa trẻ nào sinh ra đã bướng bỉnh. Chúng ta là người lớn, là bậc làm cha làm mẹ phải chịu trách nhiệm nếu con của chúng ta trở nên bướng bỉnh khi lớn lên. Nuôi dạy một đứa trẻ bướng bỉnh đòi hỏi sự kiên nhẫn và hiểu biết từ phía cha mẹ, và nếu không có kiến thức nuôi dạy trẻ và có những chiến lược phù hợp, có thể cha mẹ sẽ làm cho trẻ hư thêm.

Trên thực tế, những đứa trẻ bướng bỉnh thường làm cho cha mẹ bức xúc, bực bội và thậm chí stress. Việc đối xử với chúng như thế nào cho phù hợp dường như là một thách thức hàng ngày đối với các bậc cha mẹ.

Những chuyện nhỏ nhặt mỗi ngày có thể tạo thành một cuộc xung đột mới với con nếu cha mẹ không biết chiến lược phù hợp để giải quyết. Song, trước khi cha mẹ thực hiện bất kỳ hành động nào hãy dừng lại và xem hành vi của con mình có phải gọi là “bướng bỉnh” hay không. Để làm được điều này, cha mẹ thực sự cần phải hiểu được hành vi của con mình. 

Cẩm nang nuôi dạy trẻ bướng bỉnh - ảnh 1
Ảnh minh họa

Sau đây là 8 điều cha mẹ có thể áp dụng nếu có một đứa con bướng bỉnh.

1. Đưa ra sự lựa chọn! 

Cách tốt nhất để quản lý hành vi bướng bỉnh của con chính là chuyển hướng sự chú ý của chúng. Những đứa trẻ bướng bỉnh thường có suy nghĩ riêng. Hãy đưa ra lựa chọn chứ không phải là mệnh lệnh. Việc này sẽ tạo ra hiệu quả trong mọi tình huống. Hãy đừng chỉ đạo con khi chúng tỏ ra bướng bỉnh vì sẽ phản tác dụng, nếu bạn cứ tiếp tục chỉ đạo, bạn có thể sẽ phản ứng bằng các câu trả lời như “Con không làm”, “Con không muốn”, “Con không thích”…

2. Hướng con tới các hoạt động vui nhộn trong những lúc rảnh rỗi

Cách tốt nhất để cho con bớt tính bướng bỉnh là đừng bao giờ để con “nhàn rỗi”. Cha mẹ hãy nghĩ ra những trò chơi, những hoạt động khiến cho trẻ bận rộn. Trò chơi hay đồ chơi càng vui nhộn hay thử thách bao nhiêu thường thu hút những đứa trẻ bướng bỉnh bấy nhiêu. Những đứa trẻ bướng bỉnh hay tò mò, thích những thứ phá cách, thích thử nghiệm những cái lạ, cái mới và thích những sự thách thức. Trẻ nhỏ thì hướng trẻ bằng các đồ chơi, hoạt động trải nghiệm mang tính thử thách. Còn trẻ lớn từ 10 tuổi trở lên thì nên hướng các em vào các kỹ năng sống hoặc các môn học như võ thuật, kỹ năng tự vệ. 

3. Cho trẻ một chút phần thưởng 

Những trẻ bướng bỉnh hay thích được khen và động viên. Cha mẹ nên thường xuyên khen trẻ những câu “Con làm tốt đấy”, “Òa, con đã giải được bài toán này rồi cơ à”… Những câu khen ngợi này sẽ làm cho trẻ phấn chấn và thể hiện thái độ tích cực nhiều hơn. Ngoài ra những phần thưởng nho nhỏ cũng giúp trẻ tiếp tục phát huy những hành vi tốt. Không nhất thiết phải là những phần thưởng vật chất mà đơn giản có thể chỉ là một cái ôm, một cái vỗ vai, một động tác xoa lưng hoặc đập tay cũng có giá trị.

Cẩm nang nuôi dạy trẻ bướng bỉnh - ảnh 2
Ảnh minh họa

4. Giao tiếp chính là chìa khóa 

Những trẻ có tính cách mạnh mẽ hoặc bướng bỉnh thường rất nhạy cảm với cách mà cha mẹ đối xử với chúng. Việc thiếu giao tiếp giữa cha mẹ và con cái đôi khi có thể khiến những hành vi chưa tốt, chưa phù hợp của chúng thậm chí trở nên tệ hơn. Cha mẹ thường hay ra lệnh cho con cái mà ít chịu lắng nghe những gì chúng nói. Sự kết nối thường xuyên giữa cha mẹ và con cái đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của trẻ. Cách tốt nhất là hãy bắt đầu hỏi con những câu hỏi như “Con có cần gì không? Ba/mẹ có thể giúp con được gì? Chuyện gì làm con buồn vậy?...” để cho trẻ chia sẻ với bạn và nhiệm vụ của bạn là chỉ lắng nghe chăm chú, đồng cảm, không phản ứng, không đưa ra ý kiến, không phán xét, không kết luận. 

Tất nhiên giao tiếp không phải chỉ là mỗi việc lắng nghe tâm tư tình cảm của con nhưng điều quan trọng trong mỗi câu chuyện hay hội thoại đừng bao giờ để trẻ cảm thấy chúng luôn bị sai khiến.

5. Hiểu quan điểm của trẻ

Những đứa trẻ bướng bỉnh thường muốn học mọi thứ cùng một lúc và chúng có thể có những ý kiến mạnh mẽ, đôi khi chúng không thực hiện theo một một thói quen đã quy định trong gia đình hoặc thậm chí đôi khi chúng còn làm ngược lại những quy định trong gia đình. Ví dụ, con bạn không chịu đi ngủ sớm nhưng bạn bắt chúng phải đi ngủ sớm. Hãy đừng ép chúng đi ngủ thay vào đó, hãy hỏi con tại sao con không muốn ngủ sớm và lắng nghe con nói để xem thực sự con muốn gì. Hoặc cha mẹ có thể cho con một vài lựa chọn. Ví dụ như “Mẹ có truyện này khá hay, con có muốn đọc chung không? Hai mẹ con đọc 15 phút rồi mình đi ngủ nhé”. Hay là “Con có thích nghe bản nhạc/bài hát này không, mình nghe chung hát chung rồi mình cùng đi ngủ”…

Cẩm nang nuôi dạy trẻ bướng bỉnh - ảnh 3
Ảnh minh họa

6. Tập trung vào những hành vi tốt trước 

Trẻ bướng bỉnh có thể ở mọi lứa tuổi, nhưng đôi khi nó trở thành một phần tính cách nếu không được dạy dỗ đúng cách từ khi còn nhỏ. Chìa khóa để kỷ luật hiệu quả một đứa trẻ bướng bỉnh chính là khuyến khích chúng thể hiện bản thân mình. Dạy cho con cách giải quyết vấn đề hay những căng thẳng theo cách lành mạnh. Cha mẹ luôn nhớ rằng những hình thức kỷ luật trẻ chỉ là để giảng dạy cho chúng những bài học sau những sai lầm chứ không phải là để trừng phạt. Ngoài ra cha mẹ hãy chú ý tới những hành vi tốt trước rồi mới đến những hành vi chưa tốt để trẻ thấy rằng cha mẹ chúng vẫn nhìn nhận chúng theo hướng tích cực. 

7. Kiên nhẫn

Nuôi dạy một đứa trẻ bướng bỉnh đòi hỏi sự kiên nhẫn và sự tập trung nhiều hơn. Nhiều đứa trẻ sẽ cố tình làm một việc gì đó mà cha mẹ nó không thích nó làm vì chẳng qua đó là cách để chúng thử phản ứng của cha mẹ và thậm chí muốn cha mẹ chúng để ý đến chúng. Ví dụ, nếu trẻ đang đập một đồ chơi trên sàn nhà, bạn nhìn thấy những bạn giả bộ phớt lờ đi, nhưng sau đó trẻ bắt đầu đập đồ chơi mạnh hơn và lúc đó bạn phản ứng lại bằng cách mắng trẻ. Trong tình huống này, cách tốt nhất là bạn hãy hít thở sâu và chuyển sự tập trung của bạn sang những thứ khác. Điều này có thể khiến đứa con bướng bỉnh của bạn không phản ứng lại và có thể nó sẽ dừng lại việc nó đang làm. Nếu bạn quát mắng trẻ, trẻ sẽ không hợp tác và sẽ càng tiếp tục hành vi xấu. Bên cạnh đó đừng bao giờ than phiền vế sự bướng bỉnh của con cái mình với người khác trước mặt chúng vì chúng có thể sẽ tiếp tục lặp lại hành vi xấu những lần sau nữa.

8. Hãy gương mẫu

Trẻ được sinh ra không có sẵn các kiến thức về các kỹ năng xã hội. Chúng có xu hướng bắt chước những người trong gia đình. Chúng học mọi thứ từ môi trường xung quanh do vậy việc làm gương là rất quan trọng vì chúng sẽ theo bước chân của cha mẹ chúng. Ví dụ, nếu bạn dạy trẻ không được sử dụng vũ lực nhưng bạn lại đánh đòn chúng khi chúng làm gì đó sai trái như vậy sẽ làm cho trẻ không hiểu thực sự là bạn mong muốn điều gì. Ngoài ra đừng bao giờ đưa ra những lời hứa suông để con bạn bớt bướng bỉnh vì chúng sẽ mất lòng tin vào bạn. Chúng sẽ không bao giờ tin lời hứa của bạn nữa và sẽ tiếp tục hành vi xấu của mình.

Những đứa trẻ bướng bỉnh không khó dạy bảo và không có nghĩa chúng là những đứa trẻ dễ nuôi dạy nhất. Nhưng tất cả những gì bạn cần là cần có chiến lược đúng đắn và cần rất nhiều kiên nhẫn. Hãy tin tưởng vào những cách xử lý khéo léo của bạn để giúp bạn nuôi dạy an nhàn hơn những đứa trẻ tinh nghịch dễ thương này.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì bị vợ quản

Khổ vì bị vợ quản

(PNTĐ) - Hôm nay là ngày anh Toàn và vợ chính thức ra tòa ly hôn, dù vợ anh trước đó vẫn khăng khăng mình yêu chồng, làm tất cả vì chồng vì con. Còn anh Toàn dẫu không phải đã cạn tình với vợ, song anh không thể chịu đựng thêm cái tính “quản phu” gắt gao của vợ mình.
Nếp nhà Việt tại Úc

Nếp nhà Việt tại Úc

(PNTĐ) -Em sinh ra ở Úc vào 14 năm về trước. Em rất thích cái tên Việt Nam mà ông bà ngoại đặt cho em - Việt Hải. Ông bà đặt tên này cho em với mong muốn em luôn nhớ về đất nước Việt Nam và quê hương Hải Phòng, nơi bố mẹ em sinh ra.