Cần quyết liệt dọn “rác” mê tín dị đoan trên mạng

MỘC THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vụ việc gây xôn xao dư luận, không chỉ bởi cái “trend”* chả đâu vào đâu mà cô đồng bổ cau tạo nên mà còn bởi nó khiến dư luận giật mình. Hoá ra lâu nay nhiều người, trong đó phần đông là giới trẻ lại thường bị cuốn theo những trào lưu, những biểu hiện lệch chuẩn văn hoá đang lan tràn trên mạng xã hội. Việc trục lợi để truyền bá mê tín dị đoan trên mạng, dưới nhiều hình thức đang là thứ “rác” cần dọn sạch.

Không phù hợp thuần phong mỹ tục

Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trương Thị Hương - cô đồng bổ cau với câu nói "đúng nhận sai cãi", tạo trend nhảm nhí trong dư luận những ngày qua. Cô đồng bị xử phạt với hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” với số tiền 7,5 triệu đồng.

Trương Thị Hương đã lập điện thờ và tổ chức xem bói tại nhà. Khi mọi người đến sẽ đưa trầu và cau cho Hương xem. Trong quá trình xem, Hương sẽ bổ cau và nhìn vào đó để phán đoán về tình duyên, tài lộc, sức khỏe, vận hạn của mọi người ở quá khứ, hiện tại và tương lai. Các video xem bói đã được Hương đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội và thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng với hình thức vừa bổ cau vừa phán và liên tục nói câu “đúng nhận sai cãi”. Tại cơ quan công an, cô đồng đã thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình và cho biết việc quay, phát các video có nội dung mê tín như trên đều do cô tự làm.

Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã tiến hành lập biên bản vụ việc, biên bản vi phạm hành chính, biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính đối với cô đồng này. Đồng thời, yêu cầu Trương Thị Hương gỡ bỏ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc do hành vi vi phạm gây ra.

Cần quyết liệt dọn “rác” mê tín dị đoan trên mạng - ảnh 1
Hình ảnh cô đồng Trương Thị Hương lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Một bản án dù còn đưa đến nhiều ý kiến trái chiều nhưng ít nhất cũng đã bộc lộ tính răn đe. Nhưng từ đây, dư luận không khỏi giật mình, nhiều bậc phụ huynh té ngửa khi câu nói cửa miệng của con cái “đúng nhận, sai cãi” lại bắt nguồn từ địa chỉ này - một vụ việc mang tính chất truyền bá mê tín dị đoan, hơn nữa lại rất “thịnh hành” trên mạng. Câu hỏi được đặt ra là, vì sao những đường ray lệch chuẩn đến vậy lại có thể “lộng hành” trên nhiều nền tảng số, khi mà những nền tảng này chỉ trong một chốc một lát cũng có thể lan truyền cái hư, cái xấu với tốc độ chóng mặt? Thậm chí, có những video cô đồng này còn văng tục, chửi bậy đối với khách xem rất phản cảm. Trước đây, Youtuber Thơ Nguyễn cũng từng nhận mức phạt 7,5 triệu đồng khi có hành vi cổ súy mê tín dị đoan.
Dư luận cho rằng, theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì mức phạt đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan còn cao hơn nhiều so với án phạt đối với cô đồng bổ cau, xem bói. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác nhấn mạnh, điều nguy hiểm hơn những mức phạt hành chính là hiện có không ít cá nhân đã lợi dụng mạng xã hội để tổ chức hoạt động bói toán nhằm thu lợi bất chính, gây hoang mang cho người dân mà thực chất đây là hoạt động mê tín dị đoan. Nếu cơ quan chức năng không vào cuộc thì không biết rằng những hành vi lệch chuẩn, không phù hợp thuần phong mỹ tục này sẽ còn tiếp tục lan tràn và dẫn dắt giới trẻ đến tận đâu?

Cần một barie hữu hiệu

Trước đó, trả lời báo chí về sự việc này, lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, với trách nhiệm quản lý, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) có ý kiến yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ những video, clip có nội dung vi phạm pháp luật liên quan đến bói toán, mê tín dị đoan của cô đồng bổ cau xem bói. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan, kinh doanh tâm linh.

Trong năm 2022, các đơn vị chức năng của Bộ TTTT đã nâng cao tỉ lệ chặn, gỡ thông tin giả, sai sự thật trên các nền tảng xuyên biên giới với tỉ lệ trên 92%. Mới đây, Bộ TTTT cũng đã xây dựng và công bố Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Cẩm nang nhằm cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật có xu hướng tăng trên không gian mạng hiện nay. Theo Bộ TTTT, năm 2023, Bộ sẽ tập trung xử lý vi phạm trên mạng Internet; đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm các thông tin trên mạng.

Cần quyết liệt dọn “rác” mê tín dị đoan trên mạng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) Ninh Thị Thu Hương cho biết, chúng ta đã có Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TTTT ban hành, trong đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt thay vì chia sẻ những thông tin xấu, độc hại, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. Đây là cơ sở để định hướng và làm trong sạch môi trường mạng xã hội. Sự việc cô đồng bổ cau xem bói được thực hiện thông qua mạng xã hội nên có tốc độ lan truyền rất nhanh, gây nguy hiểm đối với xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, Cục nhấn mạnh, mỗi người dân khi tham gia vào mạng xã hội phải chấp hành các quy định của pháp luật về trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội cũng như nâng cao nhận thức đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. 

Nhiều chuyên gia, người dân cho rằng, cần có một hành lang pháp lý hữu hiệu hơn nữa; đồng thời cần nâng cao mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe. Vụ việc trên không chỉ đơn lẻ mà có thể khái quát thành hiện tượng, cho thấy việc hành nghề mê tín dị đoan vẫn còn xảy ra nhiều trên thực tế, đặc biệt là nguy cơ lan tràn trên mạng xã hội, tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc kịp thời. Thực tế cũng cho thấy, ranh giới giữa niềm tin tâm linh và mê tín dị đoan rất mong manh, nếu việc bói toán để trục lợi bị đẩy thành các trào lưu trên mạng xã hội rất nguy hiểm. Tuy nhiên để có thể đồng bộ đẩy lùi, bài trừ mê tín dị đoan thì cần có sự chung tay của nhiều bộ, ngành và cả người dân mới có thể đẩy lùi những hiện tượng “rác mạng”, tác động nguy hiểm đến lối sống, ứng xử văn hóa của người theo dõi mạng xã hội.

(*trend: Xu hướng)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.