“Cao tay” ứng phó, chẳng lo ngày nồm

NGỌC VĂN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cuộc sống của nhiều người dân miền Bắc đảo lộn mỗi khi thời tiết chuyển sang mùa nồm ẩm vốn là không tránh khỏi, thậm chí đã trở nên quen thuộc. Có lẽ vì thế, để không loay hoay trước những biến đổi, nhiều người đã sớm hình thành cho mình thói quen chuẩn bị sẵn sàng giải pháp ứng phó trong những ngày nồm.

Chuẩn bị sẵn sàng cho sức khỏe

Là nhân viên y tế trong một phòng khám đa khoa, chị Lý Thu Mai (Hà Đông, Hà Nội) hiểu hơn ai hết thực trạng cứ tới mùa nồm là lại có đông bệnh nhân, đặc biệt trẻ nhỏ và người già tới bệnh viện thăm khám, điều trị các bệnh lý về đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa. Mới đây chị Mai đọc trên báo thấy ở Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày đều tiếp nhận khoảng 3.500-4.500 bệnh nhi. Trên ti-vi, báo chí cũng cập nhật liên tục các trường hợp ngộ độc thực phẩm hay các loại bệnh khác nhau chỉ vì nồm ẩm gây ra… May mắn có chút kiến thức y khoa nên từ trước mỗi mùa nồm ẩm, chị đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng để sức khỏe của cả gia đình luôn được đảm bảo.

Hiện chị Mai có một con trai 7 tuổi và một bé gái 5 tuổi. Những lúc rảnh rỗi, chị thường phân tích, chia sẻ, thậm chí minh họa bằng hình ảnh, câu chuyện hoạt hình sinh động để các con hiểu và nhận thức được rằng do nồm, ẩm nên các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển mạnh. Chúng lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu... khiến nhiều người, đặc biệt trẻ nhỏ rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp. Vì thế, việc vệ sinh thân thể (nhất là tai, mũi, họng), vệ sinh nhà cửa đảm bảo khô ráo, sạch sẽ cần được xem trọng hàng đầu. Chưa kể, trong tiết trời nồm ẩm, thực phẩm, thức ăn nếu không bảo quản đúng cách cũng dễ bị ôi thiu, khi chúng ta ăn phải sẽ gặp các chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy...

“Cao tay” ứng phó, chẳng lo ngày nồm - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trời nồm, trẻ có thể ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, khó ngủ hơn, nên sức đề kháng cũng kém hơn và dễ ốm. Ngoài giúp con chọn những bộ đồ ngủ thoáng mát, loại chăn đắp phù hợp nhiệt độ thời tiết, chị còn cẩn thận nửa đêm tự mình hoặc dặn chồng sang phòng con kiểm tra, nếu con đổ mồ hôi nhiều thì dùng khăn mềm lau khô. Thế nên từ khi các con chị còn bé tới nay, chưa lần nào các con chị phải nhập viện do thời tiết nồm.
Với bố mẹ hai bên nội ngoại của chị Mai cũng vậy, năm nào Tết về quê, trước lúc lên Hà Nội chị Mai cũng dặn dò rất kỹ lưỡng, đặc biệt về vấn đề ăn uống, giờ giấc sinh hoạt.

Vì chẳng phải riêng ai, bố mẹ và cả chị Mai đều có những thay đổi nhất định trong thói quen sinh hoạt vào mỗi dịp lễ, Tết, đơn cử như việc tiêu thụ nhiều thực phẩm ngọt, chứa nhiều chất béo, tinh bột, không tốt cho sức khỏe; chưa nói tới sự thiếu đều đặn trong dùng thuốc trị bệnh, khiến người cao tuổi, người có bệnh mạn tính dễ trở nặng. Sau Tết là lúc vào mùa nồm ẩm, nếu không giữ gìn sức khỏe, tăng đề kháng tốt thì nguy cơ mắc bệnh khi giao mùa, thời tiết thay đổi là rất lớn.

Chắc do Mai cẩn thận, dặn đi dặn lại nhiều lần nên có hôm trước khi Mai lên xe đi về Hà Nội, như hiểu được sự lo lắng của con dâu, không đợi Mai mở lời, mẹ chồng chị đã cười toe toét, nhanh nhảu nói: “Mẹ biết rồi, con lên xe kẻo đường ngày này đông, về tới nhà lại muộn. Bố mẹ ở nhà sẽ giữ ấm khi trời lạnh, dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa từ trong ra ngoài; đảm bảo nhà thoáng khí nhưng không mở toang các cửa mà đóng kín cửa sổ để hạn chế không khí ẩm vào nhà đúng như con hướng dẫn. Bố mẹ tuyệt đối không phơi đồ ẩm trong nhà, lại còn có máy sấy vợ chồng con mua, thoải mái đồ mặc. Những điều con tư vấn, mẹ học thuộc mấy năm nay rồi, con đừng lo”.

“Cao tay” ứng phó, chẳng lo ngày nồm - ảnh 2
Ảnh minh họa

Bảo quản, giữ gìn tốt đồ điện
Lo sức khỏe đã đành, nhưng ngày nồm ẩm còn một nỗi lo khác cũng luôn thường trực trong các gia đình ấy là bảo quản, giữ gìn đồ điện tử làm sao để không bị hỏng. Mà những việc này, thường sẽ do các ông chồng, đấng mày râu trong nhà xử lý thay các chị em.

Kinh tế khấm khá, chất lượng cuộc sống đi lên kéo theo nhu cầu sử dụng thiết bị gia dụng chất lượng trong các gia đình cũng tăng dần. Mỗi năm sắm sửa một ít, thế mà tới giờ, căn bếp nhà chị Dung (Thanh Xuân, Hà Nội) nhìn đâu cũng thấy đồ điện tử thông minh, từ nồi cơm điện, máy xay sinh tố, máy ép, nồi áp suất, bếp từ; ra tới phòng khách thì lại ti-vi màn hình cong, máy lọc không khí, robot hút bụi… Mấy hôm nồm ẩm, chị Dung hay trêu anh Dũng chồng mình rằng: Tử vi của em có sao hỏng đồ điện nên anh xem thế nào, thời tiết này là mọi thứ hay “chập cheng” lắm. Anh Dũng lém lỉnh, cười khoái chí đáp: Có anh lo. Tử vi của anh có sao khắc với bệnh của đồ điện nên không hỏng được. Em nói xem đúng thế không, “đúng nhận, sai cãi” nhé.

Được cái chồng chị Dung thuộc tuýp người nói là làm, lại còn làm rất tốt. Đồ điện, nước trong nhà đều do một tay anh thiết kế, bố trí lắp đặt, sửa chữa khi hỏng hóc. Không phải lo lắng mấy việc đó, cũng chẳng cần bận tâm nhưng chị Dung vẫn rất thích quan sát và luôn chăm chú nghe mỗi khi anh Dũng hướng dẫn cậu con trai đang tuổi dậy thì xử lý những vấn đề điện nước. Chị nghe để bổ sung thêm kiến thức cho mình, và bất cứ lúc nào có người cần tới là chị có thể tư vấn cho họ.

Bây giờ chị hoàn toàn tự tin rằng, kể cả anh đi công tác, nhà không có ai cũng xử lý tốt vấn đề nồm ẩm và bảo quản đồ điện hiệu quả. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà anh Dũng hay nhắc với chị là kiểm soát mức nhiệt và độ ẩm trong nhà khi trời nồm: Nhiệt độ không quá 350C và độ ẩm bảo quản đồ điện tử tốt nhất không vượt quá 60 - 70%. Chị nhớ nguyên tắc đó và cứ thế áp dụng.

“Cao tay” ứng phó, chẳng lo ngày nồm - ảnh 3
Ảnh minh họa

Còn những vấn đề khác như không để các đồ điện tử, đặc biệt là ti-vi, case máy tính, loa… trực tiếp xuống sàn hoặc đặt quá sát tường; hay khoảng cách tốt nhất là cách tường một khoảng ít nhất 10 - 15cm, giúp hạn chế nấm mốc từ tường ẩm phát tán và lây lan sang các thiết bị điện trong nhà… thì chồng chị đã bố trí cố định ngay từ đầu. Việc của chị Dung có chăng là vào những ngày mưa phùn, khi độ ẩm không khí cao sẽ thường xuyên kiểm tra, dùng khăn khô, mềm để lau và vệ sinh các đồ điện tử trong nhà để bảo quản đồ điện luôn khô ráo và sạch sẽ; bật quạt thông gió để thanh lọc không khí, làm thoáng không gian. 

Một điều chị Dung luôn tự hào đó là nhờ học mót được chút kiến thức về điện tử, máy móc thiết bị; lại được chồng chăm sóc kỹ lưỡng nên bất luận thời tiết thế nào, ở nhà hay đi ra đường chị đều rất yên tâm. Hầu như trước khi đi làm, ngày nào anh Dũng cũng ngó nghiêng một lượt giúp vợ, từ lốp tới gương, hệ thống đèn, phanh, còi xe... Anh bảo những chi tiết này tuy nhỏ nhưng rất quan trọng, giúp chị tham gia giao thông an toàn hơn, nhất là khi thời tiết ẩm thấp, đường trơn trượt. 

Có ông chồng “100 điểm” như anh Dũng nên thi thoảng chị Dung vẫn khoe với đồng nghiệp: “Ai ghét trời nồm thì ghét, tớ là tớ thấy thời tiết này đáng yêu vô cùng, lại thơ mộng, lãng mạn, vì nhờ nó mà cảm nhận được nhiều hơn sự chăm lo, yêu thương của chồng, cứ như hồi mới yêu nhau. Nồm có gì mà sợ, quan trọng là mình “cao tay” ứng phó”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.