Cậu quý tử trời đánh

Chia sẻ

Lấy lý do muốn được quây quần bên các con, các cháu nên ông bà Thỏa mới bàn bạc, muốn các con chung tiền để làm một cái nhà thật to, rồi chia thành từng phần, mỗi gia đình nhỏ ở một “khoanh” như thế, hàng ngày vừa sinh hoạt chung, vừa sinh hoạt riêng được, mà lại đầm ấm, vui vẻ.

Ba cô con gái thương bố mẹ nên đồng ý ngay, về động viên chồng gom góp. Được cái các anh con rể rất tốt tính, cũng không lăn tăn nhiều, gia đình nhà chồng cũng thoáng nên chuyện xây nhà ở chung nhanh chóng được tán đồng. Chỉ có cậu con trai út thì vì chưa có vợ con, “nó lại mới đi làm, lương còn ít, chưa dành ra được mấy nên thôi xem như nó ở với bố mẹ, bố mẹ góp tiền luôn cho cả nó nhé”, ông Thỏa tít cả mắt vì được ý, vài tháng nữa, nhà ông có mà to nhất huyện.

Ông bà Thỏa đều là nông dân, quanh năm chân lấm tay bùn, coi như chỉ đủ ăn, nhưng vẫn nuôi giấc mơ đẻ được cậu con trai nối dõi. Trời cũng chiều ông bà, gần 40 tuổi, bà Thỏa đẻ được con trai, sau 3 lần đều là con gái. Ông bà mừng hơn cả trúng số, mở tiệc linh đình, coi như giờ đây mới chính thức được ngẩng đầu nhìn thiên hạ. Từ đó, nhà có một ông “trời con”. Dũng lớn lên – là con nhà nông mà chẳng phải đụng vào gì, kể cả cái chổi quét nhà, chứ chưa nói là cơm nước. Việc nhà đã có 3 cô chị gái lo. Ông bà Thỏa ngày ngày đi làm đồng, ấy vậy mà 3 cô con gái bảo ban nhau, rất ngoan và biết việc, lại chăm chỉ học hành. Nhưng có thế nào, thì với bố mẹ, các cô cũng không bằng móng tay thằng em út. Vì thế, cô cả học hết lớp 12 thì đi làm công nhân, cô thứ 2 được cho học nghề vì vừa học vừa làm đỡ tốn tiền. Cô thứ 3, sau khi đỡ gánh nặng tiền bạc vì có 2 chị gái đầu chu cấp, cô được bố mẹ cho học cao đẳng Sư phạm. Thời gian dần trôi, các cô đều quay về quê, xin việc làm trên huyện rồi lấy chồng, yên bề gia thất…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cô con gái út lấy chồng xong, cũng là khi ông bà Thỏa thấy lo ngay ngáy. Ông bà sức đã yếu, không làm được như ngày xưa. Đã thế, trước đây, các con gái đi làm còn hay gửi tiền về biếu bố mẹ, giờ chúng nó lấy chồng cả rồi, khoản ấy coi như cũng… ra đi. Thế thì biết lấy gì nuôi quý tử? Thói đời là thế, bố mẹ chiều chuộng thái quá, coi con như vua thì khắc nó hư. Dũng từ nhỏ đến lớn không biết làm việc gì, học hành thì lười nhác, chỉ ăn với phá là siêng. Nó không thi đậu cấp 3, ở nhà lêu lổng chơi với bạn xấu rồi sa đà vào cướp giật. Các chị gái mới khuyên đi học nghề, nó chưa kịp kêu thì bà Thỏa đã giật đùng đùng: “Con tao đẹp trai, trắng trẻo, cục vàng cục bạc của tao mà chúng mày bắt nó đi học nghề!”. Ông Thỏa rít điếu cày vẻ tự mãn, chêm vào: “Chả thế, có đi làm cũng phải là cái việc được ngồi điều hòa, làm ít mà lương cao!”.

Các cô con gái không khuyên được, đành bỏ đấy. Giờ các cô đều có gia đình cả, không thể suốt ngày chạy về ngoại lo cho bố mẹ, em út như thế được. Nhưng từ bố mẹ các cô, cho đến Dũng – đều không ai tỉnh mộng, cứ mãi ôm ấp nó thế thì sao mà khá được!

Và thế là ông bà Thỏa nghĩ ra trò góp tiền xây nhà ở chung. Sau nhiều đêm mất ngủ, ông bà “nghiệm” ra là, con gái cũng là con người ta mà thôi, “mình có lấy một tí của nó, thì đời cũng chả trách mình được”. Hôm sau, ông Thỏa đánh điện cho từng con rể một, giọng rất ôn tồn, yêu quý, tha thiết mời các con về uống rượu với bố. Bà Thỏa đi chợ từ sáng sớm, tay xách nách mang, đặt được cái làn xuống sân là ra ngay chuồng gà, vơ những con béo nhất. Hôm ấy, nhà cứ như có tiệc, ăn uống tươi cười hỉ hả. Cuối buổi, khi rượu đã no say, đàn bà con gái xuống bếp rửa bát, dọn dẹp, ông Thỏa mới từ từ bày tỏ với các con rể.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ông Thỏa nói trong rơm rớm nước mắt, rằng bao lâu nay ông bà vì mưu sinh, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà không quan tâm, chăm lo cho 3 cô con gái được. “Đến khi chúng nó đi lấy chồng, bố mẹ mới nhận ra chúng nó thiệt thòi thế nào. Nhỏ thì làm việc đỡ đần bố mẹ, lớn thì đi học, đi làm xa, có ngày nào được mẹ mua cho cái kem, tấm áo mới đâu? Nay bố mẹ già cả rồi, chỉ mong nhất là được sum vầy bên các con, các cháu thôi! Vì thế, bố mới bàn với các con chuyện về ở cùng nhau, cùng bố mẹ, để bố mẹ được cảm nhận một chút niềm vui tuổi già…!”.

3 anh con rể đều là người biết điều, nghe xong cũng ngẫm nghĩ đôi chút, nhưng rồi tất cả đều đồng ý. “Bố mẹ đã nói thế, ta nên nghe theo em ạ! Mình là con cả, phải làm gương cho các em”, vợ chồng con gái cả là người góp tiền nhiều nhất. Hai cô còn lại cũng động viên chồng, cố gom góp xây nhà cho khang trang để bố mẹ vui lòng… Vậy là chỉ sau 1 tháng bàn bạc, hôm nay, mấy xe tải đã chở vật liệu xây dựng đến, sẵn sàng xây sửa nhà, đáp lại “nguyện ước của ông bà Thỏa”.

Dù đã thuê thợ làm hết mọi việc, nhưng rảnh rỗi, các con rể vẫn xắn tay áo lao vào làm giúp. Ông Thỏa vui lắm, hết vỗ vai rể này đến động viên rể kia. Bà Thỏa ngày nào cũng cơm canh, rượu thịt cho các con đầy đủ. Chỉ có cậu út là thi thoảng lại đi đâu mất tăm. Mấy ngày mới về thì ở lì trong phòng, có hôm bà Thỏa còn phải cơm bưng nước rót tận giường.

Nhà mới dần thành hình, ông Thỏa ngày ngày lại đón thêm bạn bè, hàng xóm tới chơi, ngắm nghía. Rồi người ta khen ông có rể quý, có cả quý tử, giờ có thêm nhà to thì sau này tha hồ hưởng phúc. Hôm ấy, khi đã ngà ngà, “rượu vào lời ra” , ông bắt đầu cao hứng, rằng ông sẽ tự đi làm sổ đỏ, chỉ cho đứng tên thằng Dũng. Tất cả cái trò gom góp tiền bạc, công sức của các con gái, con rể này chỉ là để cho thằng con trai út. “Nó là quý tử của tôi, nó phải được hết chứ! Con gái là bát nước đổ đi, hưởng cái gì nữa! Đúng không? Nào, nào, cạn chén!”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ông Thỏa say mèm, còn biết trời trăng gì nữa đâu, nên đâu thấy cảnh 3 anh con rể đứng đó, sững người vì bố vợ. Rồi không ai bảo ai, các anh ném sạch xẻng, cuốc, bảo thợ mang hết vật liệu về nhà mình. Nhà ông Thỏa bỗng chốc náo loạn cả lên. Khách khứa cứ thế lẻn về, ông Thỏa bèm nhèm chửi con rể, nhưng rượu bã người rồi, ông làm sao mà ngăn được!

Thế là cái nhà to dang dở, trông nhếch nhác và như một trò cười. Các cô con gái bị chồng cấm sang nhà bố mẹ đẻ. Ông bà Thỏa làm gì có tiền mà xây tiếp, nhưng không xây cũng không ở được. Thằng Dũng còn phải lấy vợ nữa mà! Nghèo đến mấy cũng phải cho thằng con mở mày mở mặt!

Chuyện đã tạm nguôi, ông bà Thỏa đã quyết định sẽ đi vay ngân hàng để xây nốt cái nhà to. Tối hôm đó, ông bà tính ăn cơm rồi đi nghỉ sớm. Nào ngờ, vừa chạng vạng, cơm vừa dọn ra, thì nhà có khách. Nhưng khách không quen, lại trông hầm hố, bụi đời. Ông bà Thỏa tưởng bạn Dũng, nhưng chúng nó hất hàm, bảo “đến đòi nợ con trai ông bà”. Ôi, mùa bóng đá, thằng con không làm chỉ ăn của ông bà ném vào cá cược không biết bao nhiêu tiền, thua sạch sành sanh, bọn đòi nợ thuê báo ông bà Thỏa gần 1 tỷ. Bà Thỏa choáng váng, ngã đùng ra nhà. Ông Thỏa kêu, làm gì có mà trả…

Căn nhà mới xây được một nửa, giờ tan nát nốt.

CHI MAI

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.