Cây lúa

Chia sẻ

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại (sinh năm 1955) quê Hà Tĩnh, từng tham gia quân đội trong chiến tranh chống Mỹ, có thơ đăng báo từ năm 1975. Trong số nhiều bài thơ hay của anh, tôi đặc biệt ấn tượng với bài “Cây lúa” đăng trong tập “Trái tim người lính” (NXB Thanh niên 1998).

Mảnh mai cây lúa quê nhà
Nghìn năm bão lũ xoáy qua đất này
Mẹ cha nghiêng xuống rãnh cày
Lật hai phía đất mà xây mùa màng

Phất cờ trụ với thời gian
Qua trăm bồi lở vượt ngàn bom rơi
Lá xanh vút thẳng lên trời
Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay
Rễ bền hút chặt đất đai
Mà nên cổ thụ với đời, lúa ơi
Nợ nần nước mắt, mồ hôi
Thuỷ chung toả xuống vai người ấm no

Rưng rưng cây lúa quê nhà
Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời.
                                             Tháng 2/1983
                                             Nguyễn Sĩ Đại

Cây lúa - ảnh 1

Lời bình

Thi phẩm vừa tái hiện lại hình ảnh cây lúa – một loại cây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống của người Việt Nam – vừa ngợi ca, tri ân người nông dân và loài cây lương thực đứng đầu trong các loại ngũ cốc này.

Từ xa xưa, cây lúa đã gắn bó và trở thành người bạn thân thiết của người Việt. Đi suốt từ Bắc vào Nam, nơi đâu ta cũng gặp màu xanh đang lên hoặc chín vàng của lúa. Tạo nên những thửa ruộng, những cánh đồng thẳng cánh cò bay ấy là muôn vạn cây lúa “mảnh mai” hợp thành. Chọn thể thơ lục bát chân phương, bài thơ mở đầu là những câu thơ dịu êm như lời ru của mẹ nhưng đầy ám ảnh: “Mảnh mai cây lúa quê nhà/ Nghìn năm bão lũ xoáy qua đất này/ Mẹ cha nghiêng xuống rãnh cày/ Lật hai phía đất mà xây mùa màng”.

Nước Việt nói chung, miền Trung, và mảnh đất Hà Tĩnh quê hương tác giả nói riêng, khí hậu rất khắc nghiệt. Hàng nghìn năm, nơi đây phải hứng chịu không biết bao nhiêu trận bão lũ xoáy qua đất này. Động từ “xoáy” tác giả dùng thật chính xác, gợi tả rõ những trận cuồng phong xoay tròn và di chuyển rất mạnh, nhiều khi đến cuốn trôi cả nhà cửa, xóm thôn. Để làm nên hạt lúa, người nông dân phải bám đất, đổ mồ hôi sôi nước mắt xuống luống cày. Bài thơ - với sự hàm súc của ngôn từ - đã gợi ra hai lớp nghĩa: Vừa nói về cây lúa vừa nói tới con người. Cả hai hình tượng có sự đan cài, hoán cải, bổ sung, đắp đổi làm rõ về nhau. Mấy câu thơ tiếp càng rõ hơn điều ấy: “Phất cờ trụ với thời gian/ Qua trăm bồi lở vượt ngàn bom rơi”. Phất cờ là hình ảnh nói về sức trỗi dậy mãnh liệt của cây lúa khi gặp trời mưa. Hình ảnh này được tiếp thu từ ca dao thật sáng tạo (“Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”).

Ảnh minh họa.Ảnh minh họa.

Câu thơ gợi lên quyết tâm vượt khó để trụ vững trên đất của cây lúa và cả con người. Không chỉ chiến thắng thử thách với hàng “trăm bồi lở” của “kẻ thù bốn chân” là thiên nhiên, lúa và người còn dũng cảm “vượt ngàn bom rơi” của “kẻ thù hai chân” (chữ dùng của M. Gorki) là bọn giặc ngoại xâm đầy hiểm ác. Câu thơ sau có hai hình ảnh đối ngẫu rất cân chỉnh giữa lá và bông cây lúa, tạo được sự chú ý ở người đọc: “Lá xanh vút thẳng lên trời/ Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay”. Lá lúa dẹt và mỏng, thường hướng thẳng lên cao để đón ánh nắng trời, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và ý chí kiên cường, đối lập với hình ảnh “bông vàng trĩu xuống”, biểu tượng của sự đền đáp, dâng hiến khi lúa vào mùa thu hoạch. Sở dĩ cây lúa có được sức mạnh bền bỉ, kiên cường như vậy là nhờ: “Rễ bền hút chặt đất đai/ Mà nên cổ thụ với đời, lúa ơi/ Nợ nần nước mắt, mồ hôi/ Thuỷ chung toả xuống vai người ấm no”.

Cây lúa trong bài đã được nhân hóa, thành đối tượng thẩm mỹ để nhà thơ sẻ chia, gửi gắm những cảm xúc và nghĩ suy. Lúa là loại cây có rễ chùm, bám chặt trong đất. Nhờ đó mà “nên cổ thụ với đời”. Hình ảnh thơ này thật táo bạo và rất độc đáo bởi khác với quan niệm thông thường, cổ thụ thường chỉ loại cây thân gỗ (mộc) cao lớn, còn lúa chỉ là cây thân mềm (thảo), độ cao chỉ trên dưới một mét, vậy mà nên cổ thụ với đời. Cách nói này có lý bởi cây lúa được xếp hàng đầu trong số các loại cây lương thực ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, lúa có vai trò tối quan trọng nuôi sống con người. Bài thơ kết thúc với sự xuất hiện của nhân vật trữ tình: “Rưng rưng cây lúa quê nhà/ Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời”.

Từ láy “rưng rưng” gợi tả nỗi niềm xúc động đến đến ứa nước mắt và nước mắt ấy chỉ trực rơi xuống. Đặc biệt hình ảnh khép lại bài thơ: “Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời” là lời ngợi ca và tri ân cao nhất đối với loại “ngọc thực” nuôi sống con người biết bao nhiêu thế hệ.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

(PNTĐ) - Nữ cựu chiến binh Trần Thị Kim Dung, chi hội trưởng Cựu chiến binh Tổ dân phố Kim Bài - thị trấn Kim Bài là một trong những tấm gương sáng trên địa bàn huyện Thanh Oai trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong cuộc sống, bà là tấm gương bình dị, luôn tận tâm, trách nhiệm, vì công việc chung, vì cộng đồng. Trong gia đình, bà là người mẹ hiền, người vợ đảm đang.
Cần mạnh mẽ hơn trong bảo vệ trẻ em

Cần mạnh mẽ hơn trong bảo vệ trẻ em

(PNTĐ) - Tình trạng bạo lực đối với trẻ em, nhất là trẻ em gái vẫn diễn ra nghiêm trọng, được xem là những trở ngại lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh ở Việt Nam. Việc "lên tiếng” và giải quyết các vụ việc này cần phải được coi trọng hơn nữa, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và can thiệp nhanh chóng.
Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

(PNTĐ) - Hơn 20 năm công tác trong ngành, cô giáo Phan Thị Thúy An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Mới đây, cô là một trong các cá nhân được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024.