Cấy tóc tự thân, cần chú ý gì?
(PNTĐ) - Thời gian gần đây, trào lưu cấy tóc được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là với những người rụng tóc nhiều, với mong muốn thay đổi ngoại hình của bản thân. Tuy nhiên, cấy tóc tự thân có thực sự hiệu quả và người có nhu cầu cấy tóc cần chú ý điều gì?
Cấy tóc tự thân có tốt không?
Theo TS.BS Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương: Cấy tóc là một kỹ thuật chuyên sâu, nhiều độ khó và đặc thù trong việc điều trị rụng tóc cũng như cải thiện các tình trạng thiếu hụt tóc, mỏng tóc, hói đầu.
Kỹ thuật cấy tóc đòi hỏi những tiêu chuẩn riêng về tình trạng tóc và da đầu của bệnh nhân, chẳng hạn: Số lượng, chất lượng nang tóc tại vị trí lấy (thường vùng gáy) cần đảm bảo số lượng tối thiểu trên 100 nang tóc/cm2; vị trí cấy tóc số lượng nang tóc thường từ 30-60 nang/cm2, chất lượng da đầu (không có viêm nhiễm…).
Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất vô trùng, vô khuẩn, trang thiết bị đi kèm, bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên khoa sâu… để triển khai kỹ thuật lấy và cấy nang tóc cũng có những quy định nghiêm ngặt mà không phải cơ sở nào cũng đảm bảo được.
Hiện nay, cấy tóc tự thân là phương pháp thẩm mỹ giúp cải thiện các vùng tóc hói, tóc thưa nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại. Để thực hiện, bác sĩ sẽ chọn lọc các nang tóc xen kẽ hoặc một mảng tóc ở sau đầu của khách hàng, sau đó tách lấy các nang tóc khỏe mạnh. Cuối cùng, bác sĩ dùng bút cấy tóc chuyên dụng với đầu kim siêu nhỏ để cấy nang tóc đã chọn vào vị trí thiếu tóc.
“Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, ngày càng nhiều cơ sở spa, thẩm mỹ triển khai và đẩy mạnh quảng cáo về dịch vụ cấy tóc làm đẹp. Tuy nhiên không phải cơ sở nào cũng có thể thực hiện được việc cấy tóc đảm bảo an toàn” - TS.BS Vũ Nguyệt Minh khuyến cáo.

Cách điều trị rụng tóc
Đối với việc cấy tóc tự thân, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ luôn coi đó là giải pháp cuối cùng sau khi thất bại với các phương pháp khác tối giản hơn… Bởi lẽ, khi chúng ta đã lấy nang tóc vùng cho, thì tại đó sẽ mất vĩnh viễn nang tóc. Và người có nhu cầu cấy tóc cần được bác sĩ thăm khám đánh giá tổng thể xem tình trạng bệnh nhân có phù hợp với việc cấy tóc hay không…
Hiện nay, tỉ lệ sống sau cấy tóc một lần cũng chỉ khoảng từ 30-50% số nang đã cấy tại các cơ sở chuyên khoa. Song song vẫn cần dùng các thuốc để điều trị tiếp theo nguyên nhân (ví dụ rụng tóc kiểu hói thì vẫn cần sử dụng tiếp các loại thuốc uống, xịt tại chỗ…).
Không chỉ các chị em mà cả cánh mày râu cũng cảm thấy lo lắng rất nhiều về vấn đề rụng tóc. Đặc biệt vào giai đoạn thu đông, tóc có thể rụng nhiều hơn, dễ dẫn đến hói đầu, gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
Với người bị rụng tóc, TS.BS Vũ Nguyệt Minh cho biết: Hiện có nhiều phương pháp điều trị đa dạng khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ rụng tóc. Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc uống, xịt theo hướng dẫn điều trị và đã được phê chuẩn (ví dụ Finasteride, Minoxidil cho điều trị rụng tóc kiểu hói…) thì các phương pháp hỗ trợ điều trị khác cũng đem lại nhiều kết quả khả quan cho người bệnh.
Chẳng hạn, việc đưa các thiết bị năng lượng công suất thấp, liệu pháp lăn kim sử dụng song vô tuyến tác động vào nang tóc; hay liệu pháp Mesotherapy nhằm đưa trực tiếp thuốc và các hoạt chất kích thích mọc tóc như PRP, peptide, vitamin… vào nang tóc và cấu trúc mô quanh nang tóc cải thiện đáng kể tình trạng rụng tóc.