Cha mẹ cùng con vượt sốc “hỏng thi”

Hoàng Lan (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cứ sau mỗi mùa thi, lại có không ít câu chuyện buồn xảy ra. Có em đã tìm đến cái chết vì thi trượt vào trường yêu thích. Có em tuyệt vọng, bỏ nhà đi lang thang, tự oán trách mình làm ảnh hưởng tới danh dự của gia đình.

Vậy, bố mẹ thể làm gì để cùng con vượt qua cú sốc “hỏng thi”, không có những suy nghĩ và hành vi tiêu cực? Chia sẻ của TS.BS Ngô Thị Thanh Hương, nhà đồng sáng lập nền tảng hỗ trợ sức khoẻ tinh thần Safe and Sound, thuộc Viện Ứng Dụng công nghệ Y tế với độc giả của Đời sống gia đình...

Thưa bà, bà cảm thấy thế nào khi cứ sau mỗi mùa thi, chúng ta lại phải nhận những tin đáng tiếc sĩ tử hỏng thi tự làm hại bản thân, vừa mới đây là sự việc một em nhỏ tự vẫn chỉ vì thiếu điểm vào trường chuyên?

TS.BS Ngô Thị Thanh Hương: Chỉ mới trưa hôm qua 1 phụ huynh ở cùng tầng với nhà tôi sang và chia sẻ về 2 trường hợp ở cùng lớp với con cô ấy đã nhảy lầu do thiếu 1 điểm vào chuyên. Tôi nghe và cảm thấy cực kỳ đau lòng và xót xa trước những câu chuyện thương tâm như thế, mà trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng sau mỗi mùa thi. Không có thành tích nào đáng để đánh đổi bằng sinh mạng hay tuổi thơ của một đứa trẻ. Việc một em học sinh chọn cách kết thúc cuộc đời chỉ vì thiếu 0,5 hay 1 điểm vào trường chuyên là một hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội. Và tôi cũng rất lo lắng và trăn trở liệu chúng ta - những người lớn có đang vô tình trở thành áp lực thay vì là chỗ dựa cho các con của mình. Có phải chúng ta đang đặt kỳ vọng quá cao mà quên mất rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, không phải bản sao của những “thành tích”. Làm cha mẹ, ai cũng mong con thành công, nhưng thành công không thể đến từ sự sợ hãi hay áp lực. Nó chỉ có thể được nuôi dưỡng bằng sự yêu thương, đồng hành và thấu hiểu.

Cha mẹ cùng con vượt sốc “hỏng thi” - ảnh 1
TS.BS Ngô Thị Thanh Hương.

Theo bà, nguồn cơn của những hiện tượng trên là từ đâu?

Tình trạng học sinh gặp khủng hoảng tâm lý sau mỗi mùa thi là hệ quả của nhiều nguyên nhân sâu xa trong xã hội hiện nay, cá nhân tôi thấy có 4 nhóm nguyên nhân chính bao gồm:

Thứ nhất, áp lực thành tích và tư tưởng chạy đua vào trường chuyên, lớp chọn vẫn còn rất rất nặng nề. Nhiều phụ huynh xem điểm số là thước đo duy nhất để đánh giá giá trị của con, trong khi xã hội lại tôn vinh quá mức các trường top đầu và gắn những giá trị về con người cái mác đó.

Thứ hai, các con của chúng ta thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc và chăm sóc sức khỏe tâm lý, các con chưa được dạy cách đối mặt với thất bại, áp lực hay sự từ chối, và thường không có ai để chia sẻ, lắng nghe đúng cách.

Thứ ba, sự đồng hành từ gia đình và nhà trường còn nhiều hạn chế, một số phụ huynh chỉ quan tâm đến kết quả mà bỏ qua quá trình, trong khi nhà trường đôi khi cũng vô tình tạo áp lực qua các bảng xếp hạng và thành tích.

Cuối cùng, hệ thống hỗ trợ tâm lý học đường của chúng ta còn yếu. Thử hỏi hiện có bao nhiêu trường học có cán bộ chuyên trách tâm lý học đường? Thực tế thiếu nhân lực có chuyên môn và chưa được đầu tư đúng mức, khiến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh chưa được coi trọng đúng mức.

Ngược lại với hiện tượng trên, cũng vào mùa thi, nhiều cha mẹ có con thi điểm cao lại háo hức khoe con, đăng ảnh và thành tích của con trên mạng và bày tỏ niềm tự hào. Bà bình luận gì về cách ứng xử này bởi đúng là các cha mẹ hoàn toàn có quyền tự hào về con mình.

Việc cha mẹ chia sẻ thành tích của con trên mạng xã hội là điều hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu, bởi đó là cách thể hiện niềm tự hào, sự vui mừng sau những nỗ lực học tập của con cái mình sau 1 hành trình vất vả. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một phụ huynh và một người quan sát xã hội, tôi cho rằng cách ứng xử này cần sự cân nhắc và tiết chế.

Đúng là “khoe” con là quyền cá nhân của mỗi gia đình, nhưng trong bối cảnh xã hội đang có nhiều trẻ em chịu áp lực thi cử, thậm chí có em rơi vào khủng hoảng tâm lý vì điểm số, thì việc khoe thành tích quá mức có thể vô tình tạo ra sự so sánh, áp lực và cảm giác tự ti cho những đứa trẻ khác – và cả những phụ huynh khác. Trẻ em không phải lúc nào cũng hiểu rằng mỗi người có một hành trình riêng, giá trị và sức mạnh riêng, nên việc thấy bạn bè được khen ngợi rầm rộ có thể khiến các em cảm thấy mình “kém cỏi” dù đã rất cố gắng.

Cha mẹ cùng con vượt sốc “hỏng thi” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Và cũng không thể phủ nhận hành động này có thể tạo ra tác động ngược với ngay chính con cái của họ cụ thể là điều này dễ tạo ra áp lực vô hình, khiến trẻ cảm thấy mình phải luôn đạt kết quả cao để “xứng đáng” với sự kỳ vọng và lời khen của cha mẹ, từ đó dẫn đến lo âu, sợ thất bại và mất đi niềm vui trong học tập. Bên cạnh đó, trẻ có thể hình thành tư duy sai lệch rằng giá trị bản thân gắn liền với thành tích, và chỉ khi đạt điểm cao mới được yêu thương, công nhận – điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự trọng và khả năng chấp nhận bản thân. Ngoài ra, nếu từng được “khoe” rầm rộ khi thành công, trẻ có thể cảm thấy xấu hổ, tự ti hoặc sợ bị so sánh khi không đạt kết quả tốt ở lần sau, khiến các em dễ thu mình và không dám chia sẻ với cha mẹ. Cuối cùng, việc công khai hình ảnh, điểm số hay tên trường mà không hỏi ý kiến có thể xâm phạm quyền riêng tư của trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi đang hình thành cá tính và nhu cầu được tôn trọng.

Vậy cho nên, thay vì khoe điểm số, cha mẹ có thể chọn cách chia sẻ hành trình nỗ lực, sự tiến bộ, hoặc những bài học mà con học được từ kỳ thi – điều đó không chỉ truyền cảm hứng tích cực mà còn giúp con hiểu rằng giá trị của mình không chỉ nằm ở con số.

Tóm lại, niềm tự hào là điều chính đáng, nhưng cách thể hiện cần tinh tế, có chừng mực và đặt trong bối cảnh rộng hơn của cộng đồng. Bởi vì, đôi khi, một lời khen đúng lúc có thể nâng đỡ một đứa trẻ, nhưng một lời khoe không đúng cách cũng có thể khiến một đứa trẻ khác tổn thương.

Theo bà, cha mẹ nên làm gì để đồng hành với con sau mỗi mùa thi, nhất là khi con thi trượt? Nếu không nhìn từ góc độ chuyên gia mà chia sẻ từ góc độ của một người mẹ, bà sẽ làm gì?

Điều quan trọng nhất cha mẹ cần làm không phải là trách móc hay thất vọng, mà là đồng hành, thấu hiểu và nâng đỡ con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Khi con thi trượt, cha mẹ cần làm là trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc, thay vì tạo thêm áp lực. Trước hết, cha mẹ nên bình tĩnh và đón nhận kết quả cùng con, không trách móc hay so sánh, mà nhẹ nhàng động viên: “Con đã cố gắng rồi, ba/mẹ biết điều đó.” Tiếp theo, hãy lắng nghe và chia sẻ cảm xúc với con, cho con không gian để buồn, thất vọng hay tức giận – đó là những cảm xúc hoàn toàn tự nhiên. Sau đó, cha mẹ nên giúp con nhìn lại quá trình, không chỉ kết quả, để con thấy được giá trị của sự nỗ lực và hiểu rằng thất bại là một phần của hành trình trưởng thành. Đồng thời, hãy cùng con định hướng lại con đường phía trước, tìm kiếm những lựa chọn phù hợp hơn với năng lực và sở thích của con, và đặt lại mục tiêu với tâm thế tích cực. Cuối cùng, điều quan trọng nhất là luôn để con biết rằng, dù kết quả ra sao, con vẫn luôn được yêu thương và trân trọng – bởi sự đồng hành của cha mẹ trong lúc con thất bại sẽ là điều con ghi nhớ suốt đời.

Con tôi thì cũng nhiều lần thi không tốt rồi, tôi đã luôn cố gắng ở bên con, không bao giờ hỏi con tại sao không làm được mà chỉ là để con hiểu “mẹ ở đây rồi, ta cùng vượt qua nhé”. Những lúc đó tôi luôn muốn ôm con thật chặt, để con biết rằng tình yêu thương của mẹ không phụ thuộc vào điểm số hay kết quả thi cử.

Con tôi thì rất ít nói ra nên tôi sẽ khuyến khích con chia sẻ cảm xúc của mình như con buồn, giận hay thất vọng. Và tôi chỉ nghe thôi chứ không có vội khuyên nhủ hay phân tích, đơn giản là hiện diện – để con biết rằng cảm xúc của con được tôn trọng. Sau đó, khi con đã bình tĩnh hơn, tôi sẽ cùng con nhìn lại những gì đã qua, ghi nhận sự cố gắng của con, và cùng xem có thể làm gì để tốt hơn. Năm sau con tôi cũng bắt đầu kỳ thi vào lớp 10, cũng rất nhiều kỳ vọng nhưng bản thân tôi đã chuẩn bị tâm thế và giúp con hiểu rằng chỉ cần mình cố gắng và nỗ lực hết sức còn thất bại không phải là dấu chấm hết, mà là một bước ngoặt để trưởng thành.

Trong cuộc sống tôi luôn nhắc con rằng: “Dù con có đi đâu, làm gì, mẹ vẫn luôn tự hào vì con là chính con – không phải vì con giỏi hơn ai, mà vì con đã luôn cố gắng hết sức và không bỏ cuộc”.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện thú vị này!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Góp sức vì bình yên của Tổ quốc và Nhân dân

Góp sức vì bình yên của Tổ quốc và Nhân dân

(PNTĐ) - Những năm gần đây, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Để đạt được những kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của những hạt nhân điển hình trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại cơ sở.
Phát huy sức mạnh của toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Phát huy sức mạnh của toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

(PNTĐ) - Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)” tại thành phố Hà Nội đã và đang được triển khai sâu rộng, trở thành một hoạt động thường xuyên, có hiệu quả. Từ thực tiễn triển khai, phong trào ngày càng chứng minh vai trò nền tảng trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân, yếu tố then chốt bảo vệ sự bình yên của Thủ đô trong tình hình mới.
Anh biết lỗi rồi

Anh biết lỗi rồi

(PNTĐ) - “Tráng trứng thì thêm tý hành vào cho đẹp mắt. Trên mâm cơm nên có chút rau thơm chứ không phải lúc nào cũng chém to kho mặn. Giờ người ta ăn bằng mắt chứ ai ăn để lấy no nữa đâu”.
Hai chiếc giường trong phòng ngủ của bố mẹ

Hai chiếc giường trong phòng ngủ của bố mẹ

(PNTĐ) - Hơn 20 năm nay, chị em tôi quen với hình ảnh trong phòng ngủ của bố mẹ kê hai chiếc giường thay vì một như những nhà khác. Mẹ giải thích, chiếc giường đó, bố sẽ sử dụng cho những hôm bố uống rượu nhiều; còn lại những ngày bình thường, bố mẹ vẫn ngủ chung trên chiếc giường hạnh phúc. Nhưng hóa ra, câu chuyện đó không hẳn như vậy…