Cha mẹ đau đầu vì con “bất trị”

Chia sẻ

Sự trưởng thành của một đứa trẻ là cả quá trình dạy dỗ, vun đắp mà cha mẹ nào cũng mong muốn con mình ngoan ngoãn, nghe lời. Nhưng không phải ai cũng đạt được ước muốn đó. Bởi lẽ, nuôi dạy con là một hành trình dài đòi hỏi các bậc cha mẹ phải có sự kiên nhẫn, nỗ lực và học hỏi nhiều phương pháp.

Càng quát... con càng trơ lì

Mọi người thường nói trẻ ở độ tuổi 2-3 rất lanh lợi, đáng yêu, nhưng nhìn con trai 3 tuổi của mình, chị Nguyễn Thu Thảo (Hà Đông, Hà Nội) lại thở dài thườn thượt. Nhiều khi chị tự hỏi tuổi lên 3 của bé sao chẳng thấy đâu?

Bé Bi - con trai chị Thảo được các cô giáo ở lớp đánh giá là thông minh, trí nhớ tốt nhưng có phần hiếu động. Cũng chính vì con hiếu động nên từ khi Bi được 2 tuổi, chị Thảo đã cho con đi nhà trẻ. Nghịch nỗi, càng lớn con càng bướng bỉnh, thích làm theo ý mình. Chỉ cần con thích gì mà không được đáp ứng thì sẽ khóc ầm ĩ, ăn vạ đủ kiểu. Mỗi khi không vừa ý, Bi còn có thói quen không tốt kiểu "giận cá chém thớt", đập đồ, thậm chí đánh liên tục vào mặt mẹ.

Nhất là thời điểm tới giờ ăn của Bi, chị Thảo lại càng phải "vật lộn" và đau đầu với con. 3 tuổi nhưng Bi không chịu tự giác xúc cơm và rất lười ăn. Lần nào chị cũng phải đặt chiếc thước gỗ bên cạnh bàn ăn, liên tục nhắc nhở: "Bi, há miệng ra mẹ xúc", "Con nuốt chưa", "Nhai đi", "Nuốt đi", "Không ăn cơm thì mẹ cho ăn đòn", "Lần sau không ăn cơm mẹ cho nhịn luôn"... Nhưng dọa nạt các kiểu, con trai chị Thảo vẫn trơ lỳ, không một chút thay đổi, khiến chị phải thốt lên: “Không hiểu sao tôi lại sinh ra một đứa con bất trị như này?”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh Bùi Nghĩa Lộc (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng "kỷ luật" cứng rắn ngay từ khi con còn nhỏ mới là cách uốn nắn con cái hữu hiệu. Để ngăn cản con không làm việc dại dột, gây nguy hiểm, anh sẽ dùng cách dọa con bằng roi.

Nhà có nhiều ổ điện, lại nằm ở vị trí thấp nên rất nguy hiểm với cậu con trai đang tuổi chập chững biết đi, thích khám phá của anh Lộc. Chỉ cần thấy bé đi lại gần, tay sắp chạm vào ổ điện, anh lập tức hô lên: "Không được sờ vào ổ điện", rồi lấy thước kẻ đánh vào chân, tay của con thật đau để bé nhớ và tránh. Anh Lộc rất hả hê vì sau vài lần bị bố đánh đòn như vậy, bé đã không dám sờ vào ổ điện nữa.

Hay như câu chuyện của chị Hoàng Thu Hằng (Hoàng Mai, Hà Nội). Chia sẻ trên một diễn đàn dạy cách nuôi dạy con, chị Hằng kể: "Chưa khi nào em trầm cảm, khủng hoảng như thế. Em triền miên cáu bẳn, quát mắng con nhưng chúng không hề thay đổi. Thật sự em đang thấy bất lực với chính đứa con mình sinh ra. Mọi lời nói, răn dạy của bố mẹ, con em không hề nghe mà ngược lại, chúng còn chống đối ra mặt. Càng ngày con càng hư, không thể dạy dỗ được".

Vợ chồng chị Hằng hiện có 2 con, 1 trai, 1 gái. Con trai anh chị năm nay 5 tuổi, còn con gái 2 tuổi rưỡi. Hai con của chị như chị nói là "trời sinh một cặp", bướng bỉnh vô cùng. Chúng thường xuyên rủ nhau làm những trò nghịch ngợm như: Lấy trộm điện thoại của mẹ rồi giấu đi, đem điều khiển tivi tháo tung ra nhưng không lắp lại, đến nhà ai cũng tự tiện mở tủ lạnh bất kể quen hay lạ... và rất nhiều trò nghịch "dại" nguy hiểm khác. Mỗi khi bố mẹ nhắc nhở điều gì, không khi nào con chị Hằng làm ngay mà đều nấn ná, cố chơi thêm một chút mới miễn cưỡng thực hiện.

Mỗi lần chứng kiến con như vậy, chồng chị Hằng lại quát to: "Hai đứa muốn ăn đòn à?", "Muốn chết hay sao mà nghịch dại như thế?", "Lần sau còn làm như vậy bố cho ra thùng rác ở". Khi bố quát, dọa đánh, hai đứa con chị Hằng có vẻ ngoan hơn, nem nép đi vào phòng không dám nghịch tiếp. Có điều bẵng đi vài ngày, chúng lại nô như "giặc", nghịch ngợm, phá phách y hệt lúc trước. Có lần chị giật mình khi vô tình nghe thấy cậu con trai nói với cô em gái: "Đừng sợ, bố chỉ dọa thôi chứ không làm thật đâu", "Bố đánh chả đau, sợ gì"... Cứ nghĩ, mình răn đe, nghiêm khắc với con cũng là vì yêu thương, muốn điều tốt cho chúng; rằng mình đã làm đủ cách để bảo vệ con, việc con “bất trị” không phải do mình. Nhưng dường như chị Hằng đã sai ngay trong chính suy nghĩ và cách “dạy” con từ đầu.

Làm gì để con nghe lời?

Lắng nghe câu chuyện của chị Hằng, một chuyên gia tư vấn tâm lý đã nói: Giai đoạn 3-4 tuổi là giai đoạn phát triển kỹ năng và hình thành nên tính cách của trẻ nên con sẽ tự chủ và cá tính, vì suy nghĩ của con khác với người lớn. Do con tiếp thu thông tin bên ngoài chưa được đầy đủ và trọn vẹn nên con sẽ phản ứng theo ý kiến chủ quan của mình. Vì vậy muốn hiểu con trẻ phải đứng trong “đôi giày” của con, quan sát con xem vì sao con không nghe lời, điều gì đang diễn ra bên trong con và hỏi những câu hỏi gợi mở trong tư thế rất nhẹ nhàng và yêu thương. Con sẽ nói cho mẹ ngay thôi. Con không nghe lời là do cha mẹ chưa hiểu con và con chưa cảm nhận đủ tình yêu thương từ cha mẹ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cùng với lời tư vấn, vị chuyên gia cũng chia sẻ câu chuyện “dạy” con của một cô giáo tiếng Anh tên Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ngay từ khi sinh con gái đầu lòng, vợ chồng Trang đã xác định sẽ dạy con bằng yêu thương. Bởi vậy, khi con khoảng 2 tuổi trở lên, thay vì thường xuyên phải vật lộn để nhắc con đánh răng, tắm gội; quát tháo để con hạn chế ăn đồ ngọt, bim bim hay quắc mắt yêu cầu con bỏ điện thoại xuống, xem tivi ít thôi; cảnh cáo con vì việc này, việc kia... chị luôn tìm được sự đồng thuận, hợp tác của con. Bí kíp của chị là luôn lắng nghe con, cố gắng phân tích và định nghĩa, lý giải xem mục đích trong hành vi của con là gì, để từ đó nhẹ nhàng chia sẻ, định hướng cho con.

Một lần, chị Trang đang định rót nước uống thì có cuộc điện thoại gọi tới, chị để chiếc cốc trên bàn và đi nghe điện. Bỗng chị thấy con gái lớn chạy lại phía chiếc bàn, với tay rót nước vào cốc. Nhìn con như vậy, chị tạm dừng cuộc gọi, lại gần phía con rồi nâng con lên, hỗ trợ con rót nước vào cốc. Sau đó, chị nhẹ nhàng hỏi: "Con khát nước sao không nói để mẹ rót cho?". Và chị bất ngờ khi nghe con trả lời: "Con thấy mẹ khát, chưa rót được nước nên con rót nước mang ra cho mẹ". Nếu lúc đó chị lập tức quát con: "Con dừng lại ngay, cẩn thận không đổ nước ướt hết người" hay "Ai cho con nghịch cốc, vỡ bây giờ", thì đứa trẻ sẽ rất buồn, cảm thấy bị tổn thương và chị cũng không bao giờ biết được mục đích tốt đẹp, sự quan tâm của con mình.

Quả thật, với cương vị cha mẹ, chúng ta có hàng trăm điều phải nhắc con mỗi ngày. "Không...", "đừng...", "nếu... con sẽ bị...", nhưng trẻ không hình dung được nó thực sự trông như thế nào. Vì vậy, càng dọa nạt, trẻ càng tò mò và một lúc nào đó sẽ thực hiện những hành vi bị "cấm" để xem thực tế sẽ như thế nào. Hơn nữa, trong cuộc sống, những người đã làm cha làm mẹ thường đã từng trải qua những nỗi đau buồn về cả thể chất lẫn tinh thần, hoặc là đã từng thất bại, nên muốn đem trải nghiệm đó đặt lên con. Tuy nhiên, những đứa trẻ mà chúng ta sinh ra, đặc biệt trong độ tuổi từ 0-3 chưa có những trải nghiệm đó. Chúng cũng chưa bị tổn thương, gặp khó khăn hay trải qua nỗi đau như người lớn, vì vậy thế giới quan của chúng khác.

Do đó, nếu thấy con “bất trị”, cha mẹ cần nghiêm túc nhìn nhận lại cách giáo dục con của mình đã thực sự đúng chưa? Hành vi của mình đã chuẩn mực chưa? Bởi những đứa trẻ như một tờ giấy trắng, hồn nhiên, tự tin, mạnh dạn, trong sáng và rất dũng cảm, chúng không hề có lỗi. Nếu cha mẹ biết cách, dùng yêu thương để vun đắp tương lai, nuôi dưỡng trẻ trưởng thành, chúng sẽ là một đứa trẻ tốt.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.