Chàng rể “bên trọng - bên khinh”

Chia sẻ

Quỳnh nhanh chóng cầm cuốn sổ đỏ từ trên tay chồng, cất vào túi xách. Hôm nay, cô dự định ra ngân hàng làm thủ tục vay tiền mua ô tô để tiện cho công việc kinh doanh của anh. Chuyện này, cô và chồng đã tính toán kỹ.

Nhưng khi Quỳnh chưa kéo xong chiếc khóa ở miệng túi xách, tay cô đột ngột khựng lại vì câu nói của chồng.

- Ngoài số tiền 500 triệu dự tính vay ngân hàng như hôm qua mình bàn, em vay thêm 50 triệu nữa để gửi trả ông bà nội luôn nhé – giọng Huân (chồng Quỳnh) rành rọt.

- Vay ngân hàng phải trả lãi suất. Hôm đưa tiền cho em, chính mẹ cũng đã nói: “50 triệu đó bây giờ bố mẹ chưa dùng đến, khi nào các con có thì trả bố mẹ”, nên em nghĩ…

- Bố mẹ nói thế, em có ý định không trả lại sao? Hai ông bà lương lưu chỉ hơn 7 triệu, đang ở quê giờ ra thành phố biết bao việc phải chi tiêu. Tốt nhất mình nên trả tiền luôn để ông bà gửi ngân hàng, còn có thêm đồng ra đồng vào – Huân gắt gỏng.

Dứt lời, anh liền xoay người, xỏ vội chân vào đôi giày thể thao màu đen rồi bước nhanh ra sân, cắm chìa khóa vào chiếc xe máy màu đen quen thuộc. Trước khi quay xe, nổ máy, Huân không quên ngoái đầu lại, nói vọng vào trong nhà: “Em cứ làm như thế đi. Giờ trễ quá rồi, anh phải đi gấp”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trong phòng khách, Quỳnh sững sờ, gương mặt lộ rõ vẻ hụt hẫng xen lẫn tức giận. Cô nhìn cuốn sổ đỏ đang nằm gọn gàng trong túi, hai mắt như tối sầm lại. Mọi chuyện xảy ra từ ngày Quỳnh kết hôn với Huân bỗng nhiên hiện lên rõ ràng trong đầu cô như một thước phim quay chậm.

4 năm trước đây, bố mẹ chồng của Quỳnh quyết định bán nhà, đất ở Phú Thọ, mua một căn chung cư trên Hà Nội rồi kêu vợ chồng cô về ở cùng. Thời điểm bố mẹ chồng chuyển lên Hà Nội đúng dịp Quỳnh sinh con gái đầu lòng. Cô vốn nghĩ đơn giản rằng, lúc này kinh tế của cả hai vợ chồng chưa vững vàng, nhà chưa có, ông bà ngoại ở tận Nam Định, giờ con gái cô lại có thể nhờ cậy ông bà nội chăm sóc thì thật sự quá tốt… nên không ngại ngần đồng ý dọn về ở chung.

Quỳnh là cô gái biết điều, tốt tính nên dù mẹ chồng khó chịu, có phần không ưa nhưng thời gian chung sống không xảy ra xích mích gì. Có điều Huân và bố từ nhỏ đã khắc khẩu. Ông luôn tỏ ra bực dọc vì con trai mình có thói hay càu nhàu, than nghèo, kể khổ. Vào một buổi tối của 2 năm trước, vì chuyện nào đó không thể kìm nén được mà bố chồng cô đùng đùng nổi giận, mặt đỏ tía tai mắng Huân một trận, hai bố con lời qua tiếng lại ầm ĩ hơn 1 tiếng đồng hồ. Hôm sau, Huân không nói không rằng thu dọn đồ đạc, đưa Quỳnh và con ra ngoài thuê trọ, mặc cho mẹ chồng cô ra sức can ngăn.

Ra ở riêng, phải tự thu xếp tất cả công việc ở nhà và cơ quan nên vợ chồng Quỳnh lúc nào cũng bận rộn. Cuộc sống dường như cũng khó khăn hơn trước. Áp lực đè nặng trên vai, tính khí Huân càng trở nên khó chịu, hở ra là anh nhăn nhó, đá thúng đụng nia. Thế nên mấy lần bố mẹ Quỳnh từ quê lên thăm, xót xa cho con gái con gái liền khuyên cô động viên con rể sớm tính chuyện mua nhà, đừng ở trọ lang thang bên ngoài.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mẹ Quỳnh còn thủ thỉ với cô rằng: “An cư thì mới lạc nghiệp được. Bố mẹ cũng tính rồi, ở quê còn một suất đất, bán đi cũng phải được sáu, bảy trăm triệu. Bố mẹ sẽ giữ lại một phần dưỡng già, một phần sẽ hỗ trợ vợ chồng con mua nhà. Danh nghĩa cho vay, nhưng thực chất bố mẹ cho hẳn. Trừ khi các con sau này giàu ú ụ thì có thể tính trả bố mẹ”.

Quỳnh nghe mẹ nói hai mắt rưng rưng, trong bụng thầm thương bố mẹ lúc nào cũng hy sinh cho mình. Được bố mẹ khích lệ, cô mạnh dạn nói chuyện với chồng. Cô cứ tưởng mình sẽ khó khăn trong việc thuyết phục, cho rằng Huân sẽ không vui vì phải nhờ nhà vợ, nhưng hóa ra anh chẳng nghĩ nhiều mà đồng ý ngay. Nhưng lúc đi tìm nhà, anh lại một mực muốn mua căn ở gần chỗ bố mẹ mình, để sau ông bà già, cần giúp đỡ thì có thể chạy qua chạy lại.

Nhớ đến chuyện từ khi chuyển đi, chưa khi nào bố mẹ chồng chủ động đến hỏi thăm, Quỳnh liền cảm thấy không vui trong lòng. Tuy nhiên, ý chồng đã quyết, cô lại không có lý do từ chối, hơn nữa giá nhà đất khu đó cũng hợp với túi tiền của vợ chồng Quỳnh, nên cả hai nhanh chóng lựa mua một căn chung cư, cách nhà bố mẹ chồng chừng 2km.

Mua nhà xong, tiền trong tài khoản vợ chồng chẳng còn bao nhiêu nên lúc nhận nhà mới, Huân đi ra đi vào, sắc mặt không mấy vui vẻ. Bố mẹ Quỳnh ở quê phấn khởi gọi điện lên định chúc mừng con gái, nào ngờ được nghe con rể tuôn một tràng than thở… thì từ vui mừng chuyển sang xót xa. Biết tính bố mẹ mình nên sau đó Quỳnh đã chủ động gọi lại, bảo bố mẹ cứ yên tâm, đồ nội thất không quá cần thiết, từ từ sắm cũng được. Nhưng vì thương con, bố mẹ cô lần nữa trích một phần tiền dư ra sau khi bán đất, vốn định để dưỡng già… chuyển sang tài khoản cô. Cả chị gái Quỳnh ở quê dù khó khăn cũng gom góp gửi lên 10 triệu cho vợ chồng cô sắm sửa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày về tân gia, ruột thịt trong nhà của hai bên nội ngoại đều có mặt đông đủ. Bố mẹ chồng Quỳnh có mặt, nhưng chỉ đến tay không. Còn em gái Huân, người mang tặng cái thớt, người lại xách theo thùng bia tới chúc mừng. Về sau, không biết nghe ai nói, biết việc mua nhà, sắm đồ đều là nhờ nhà ngoại hỗ trợ, bố mẹ chồng Quỳnh đưa cho vợ chồng cô 50 triệu. Lúc đưa tiền, mẹ chồng cố ý bảo với cô: “Đây là tất cả tiền bố mẹ định để sau này nếu ốm đau sẽ dùng đến. Nay các con mua nhà, bố mẹ cho vay, lấy tiền này mà trả trước cho bạn bè, ngân hàng. Khi nào có thì trả, không có thì cứ từ từ…”.

Quỳnh không phải chê tiền của bố mẹ chồng ít. Cô nghĩ phận làm con không có quyền đòi hỏi vì từ khi sinh ra đã được bố mẹ hy sinh và cho quá nhiều. Nhưng thái độ của Huân khiến Quỳnh thấy không thoải mái. Anh nhận tiền của mẹ mình thì rưng rưng, quý hóa ra mặt, nhưng nhận tiền bố mẹ vợ đưa lại chỉ tỏ vẻ thản nhiên, tựa như đấy là chuyện đương nhiên.

Bẵng đi một thời gian, vốn dĩ Quỳnh đã quên suy nghĩ có phần trách móc dành cho chồng về sự việc trên. Nhưng hôm nay, khi nghe Huân nhắc rằng cô phải vay thêm 50 triệu để đem trả cho bố mẹ anh… cô lại thấy có gì đó không đúng. Về phần mình, Quỳnh chưa từng có ý so sánh bên nội – bên ngoại. Bản thân cô cũng rất hiếu lễ, chăm sóc chu đáo với bố mẹ chồng, thậm chí còn hơn bố mẹ đẻ.

Chưa kể, lương hưu của bố mẹ chồng Quỳnh không cao, nhưng hai con gái cũng không để ông bà thiếu thốn gì. Trong khi bố mẹ cô ở quê, trước có buôn bán nhỏ, nay sức khỏe không tốt cũng chỉ loanh quanh trồng rau, nuôi vài con gà. Vốn liếng duy nhất có được là mảnh đất… cũng đã dốc nốt cho các con mua nhà. Vậy mà chồng cô coi đó là hiển nhiên. Chuyện xảy ra hôm nay, rõ ràng là bất công cho Quỳnh và bố mẹ cô. Chồng cô, rất rõ ràng đang “nhất bên trọng, nhất bên khinh”.

Nghĩ đến đây, hai bàn tay Quỳnh vô thức nắm chặt lại, nước mắt cứ thế mà trào ra. Cô không thể để chồng cứ mặc sức vô tâm, chỉ biết thương bố mẹ mình mà không hề suy nghĩ cho vợ, bố mẹ vợ như vậy. Thay vì ra ngân hàng, Quỳnh đi xe thẳng đến cơ quan. Trong đầu cô lúc này đã hình dung rất rõ những điều sẽ nói với Huân. “Vợ chồng muốn yêu thương, sống với nhau hạnh phúc, nhất định cả hai phải biết tôn trọng và đối xử với gia đình của nhau bình đẳng” – Quỳnh nhủ thầm.

HÀ CHÂU

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.