Chỗ dựa cho con

Chi Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong khi các con tập trung hết tâm sức để ôn luyện trước các kỳ thi chuyển cấp, tuyển sinh sắp tới, bố mẹ đóng vai trò không thể thiếu để chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần và trở thành chỗ dựa tin cậy giúp các em giảm bớt áp lực, để vượt qua kỳ thi với kết quả tốt nhất.

Lo vì con tự đặt áp lực cho mình

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi, con trai chị Hà An (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) sẽ thi tốt nghiệp THPT. “Kỳ thi kết thúc tuổi học trò vô tư nhưng sao mẹ thương con vì thấy con lo lắng đến rạc cả người”, chị An buồn lòng than thở. Mùa hè đã đến, trời về đêm vẫn còn nóng nực mà con chị An không dám bật điều hòa. “Cháu nói sợ ngủ mát quá sẽ ngủ say, không dậy học được. Tôi bảo thế nào cháu cũng không nghe, nhất quyết ngủ trong phòng học không có điều hòa, chỉ có cái quạt nhỏ. Cứ mỗi lần thấy con khăng khăng, quyết tâm như thế là nước mắt mẹ lại rơi”, chị An kể.

Vậy là hai buổi tối cuối tuần rảnh rỗi còn lại trong tuần, cũng đã kín lịch học với Hồng Linh (con gái chị Kim Thủy, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm). Đầu tháng 6 tới, cô bé sẽ bước vào kỳ thi quan trọng để dành 1 suất vào học tại một trường chuyên của thành phố. Cũng là một học sinh giỏi nhiều năm liền, nhưng chừng đó chưa đủ mang lại sự tự tin cho Hồng Linh. “Các lớp học thêm hiện nay con tôi theo học đều là do cháu tự nguyện đề xuất và không cho bố mẹ bỏ bớt”, chị Thủy nói. Một tuần, ngoài giờ học trên lớp, ngay khi tan trường, Linh vừa ăn nhẹ bánh mỳ hoặc xôi, vừa được mẹ chở đến lớp học thêm và học tới 8 giờ 30 tối thì về tới nhà. Tắm rửa, ăn tối xong, cô bé tiếp tục ngồi vào bàn học và hoàn thành bài tập đến 11 giờ 30, bố mẹ phải giục đi ngủ thì mới gấp sách lại. “Nhưng dường như con bé vẫn rất lo sẽ trượt trường chuyên. Tôi và bố cháu đều khuyên nhủ, con học trường đúng tuyến cũng được, không sao cả, bố mẹ không phàn nàn, chê trách gì, nhưng cháu quyết tâm thi vì không muốn thua bạn”, chị Thủy xót con. Chị còn lo việc con học nhiều quá lại gây ra tác dụng ngược, vì trong mấy kỳ thi thử gần đây, điểm của con cứ giảm dần, không có tiến triển.

Chỗ dựa cho con - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tự tạo áp lực cho bản thân là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng trong mỗi học sinh và gia đình các em trước ngưỡng cửa mỗi kỳ thi quan trọng. Chúng ta đã quá quen với những chuyện như bố mẹ quá kỳ vọng vào thành tích của con cái nên vô tình tạo áp lực cho con, nhưng gần đây, việc các em học sinh tự tạo áp lực cho bản thân còn khó giải quyết hơn nhiều. Bệnh viện Nhi Trung ương từng có một nghiên cứu trên các học sinh từ 10-19 tuổi cho thấy: 55,6% số trẻ có sang chấn tâm lý gồm áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ với bạn trong trường 8,9%. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, thời điểm các học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học. Điều đáng chú ý là stress gặp nhiều hơn ở trẻ ngoan và học khá. Nghĩa là, không hiếm những đứa trẻ dù đã lớn về thể xác nhưng tâm trí vẫn còn nhiều non nớt, dễ tổn thương nên hay quan trọng hóa vấn đề. Mỗi một thay đổi của cuộc sống bên ngoài, vài lời trêu chọc, một câu vô ý hay so sánh... cũng đều ảnh hưởng lớn đến các con, dễ làm các con cảm thấy bị đả kích nghiêm trọng.

Không chỉ quan tâm, bố mẹ hãy đồng hành

Tháng 6 này, học sinh cả nước sẽ đi thi. Thi vào chuyên lớp 6, thi vào lớp 10, rồi thi tốt nghiệp tú tài. Có bạn đỗ, nhưng cũng sẽ có rất nhiều bạn trượt. 

2 năm trước, con trai chị Kim Dung (hiện là nhân viên ngân hàng) không thi đỗ ngôi trường mà con mơ ước. Chị Dung kể, cả con và bố đều rất sốc, vì cậu học trò 9 năm liền đều có kết quả học tập xuất sắc đã nỗ lực không ngừng, ôn thi đến 1 – 2 giờ sáng, có những hôm ngủ gục trên bàn học. Là người mẹ, chị đau thắt lòng khi con trai hỏi mình, nghẹn ngào: “Tại sao lại thế hả mẹ? Con thất vọng về bản thân quá!”.

Nén nỗi buồn vào trong, chị Dung trả lời con rằng: “Không, mẹ không hề thất vọng về con, vì mẹ biết các con đều có quyền được thất bại, dù có học giỏi đến đâu. Tương lai của con còn dài, và chắc chắn sẽ có nhiều thành công và cả thất bại xảy đến. Con vẫn thừa điểm để vào học trường điểm của quận. Đối với mẹ, đó là thành công lớn nhất rồi”. Và suốt 2 năm qua, con trai chị Dung trở lại là cậu bé hồn nhiên, vô tư nhưng vẫn không ngừng nỗ lực ở ngôi trường – dù không phải là mơ ước. Bù lại, cậu luôn có bố mẹ ở bên, cả nhà cùng cố gắng.

Chỗ dựa cho con - ảnh 2
Ảnh minh họa

Vẫn luôn nhận mình là người mẹ lạc quan, chị Thanh Giang (quận Hai Bà Trưng) nói rằng, điểm tổng kết suốt những năm tiểu học của con không tốt là vì con thiếu sự kiên trì và tập trung. Sau đó, khi con vào đầu lớp 7, chị quyết định cho con thi vào một trường nghệ thuật với 2 mục đích, nếu trượt cấp 3 con vẫn có thể học văn hóa tại đây, và với việc rèn luyện chơi đàn thường xuyên, con sẽ rèn được tính kỷ luật và sự tập trung, ngay cả khi con không muốn. Cùng với đó, chị quan tâm đến con nhiều hơn bằng những điều hết sức giản dị nhưng chan chứa tình cảm, như viết về con trên facebook, cả khen lẫn chê khéo léo, đáng yêu, rồi hai mẹ con tâm sự với nhau hàng ngày. Thấy con suy nghĩ tiêu cực điều gì, chị lại tận tình giải thích để con có cái nhìn tích cực. “Cứ như vậy, gia đình mình đi qua những năm cấp 2 của con bằng những điều giản đơn nhưng đầy yêu thương. Thế là năm thi vào 10, con thừa 7 điểm, nhất là còn đạt điểm cao môn tiếng Anh. Mình hạnh phúc vỡ òa”, chị Giang nhớ lại. Giờ đây, con trai chị chuẩn bị vào những ngày học sinh cuối cấp, rất tự tin, cá tính cùng sự đồng hành, kề bên của bố mẹ trên mỗi bước đường.

Có thể nói, gia đình là chỗ dựa vô cùng quan trọng, bố mẹ là cộng sự đắc lực, không thể thiếu để con cái vượt qua áp lực kỳ thi. Bởi vậy, cha mẹ cần phải đặc biệt để ý và quan tâm con em mình nhiều hơn ở giai đoạn này, đặt mình trong tâm trạng của con trước kỳ thi để giúp con giải tỏa được áp lực. Theo các chuyên gia, bố mẹ nên xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, giúp con cảm thấy tốt hơn trong giai đoạn thi cử căng thẳng. Khuyên con ngủ đủ, ngủ sâu để cải thiện khả năng suy nghĩ và sự tập trung, cũng không cần nhồi nhét kiến thức cả đêm trước khi thi. Cùng con lên kế hoạch ôn tập cũng rất quan trọng, đồng thời bố mẹ hãy khuyến khích các con nghĩ về những mục tiêu trong cuộc sống và lạc quan khi các kỳ thi đang đến.
Áp lực của những kỳ thi là điều bình thường và nó là một phản ứng tự nhiên khi kỳ thi đến. Nếu thấy con lo lắng thì bố mẹ có thể giúp con làm quen với những lo lắng ấy, để biến áp lực thành động lực, ví dụ như cho con tham gia các kỳ thi thử. Tập thể dục cũng giúp thúc đẩy năng lượng và giải tỏa căng thẳng. 

Luôn lắng nghe con trẻ và đưa ra cho con lời khuyến khích thay vì lời phê phán. Và sau khi con nỗ lực vượt qua, hãy cho con một món quà, có thể chỉ cần là một cái ôm thật chặt. Quan tâm đúng lúc, kịp thời, sẽ không còn gánh nặng kỳ vọng lên vai các con và vơi bớt đi những nỗi lòng của cha mẹ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.