Chồng không có mà lấy, sao có chồng để bỏ!

Chia sẻ

“Chồng không có mà lấy, sao có chồng để bỏ? Tôi không đồng ý ly hôn!”. Bà Hoán khẳng định “như đinh đóng cột” tại phiên Tòa xử ly hôn do chồng bà đơn phương gửi đơn ra Tòa án huyện. Các vị trong hội đồng xét xử đều phải cố nhịn, không dám cười, bởi họ cần phải có gương mặt nghiêm túc vì đang thực thi pháp luật.

Theo như đơn ông Hoán trình bày với Tòa để xin ly hôn thì ông đã ngoài 50 tuổi, đã sống với bà vợ 25 năm, con cái cũng đã trưởng thành, đã tự lo được cho bản thân, không còn phải dựa dẫm vào bố mẹ nữa. ông thấy mình cũng phải có niềm vui riêng, không muốn tiếp tục chung sống với bà Hoán nữa. Nguyên do cơ bản là bà Hoán chỉ làm nông, trong khi ông từ công nhân cơ khí dần dần học hành nâng cao trình độ lên đến quản đốc phân xưởng (bây giờ nhà máy đổi thành công ty, phân xưởng thành xí nghiệp, nên ông trở thành giám đốc xí nghiệp). Ông có chức vị, lại được học hành, còn vợ thì vẫn chân lấm tay bùn suốt cả cuộc đời. Vì vậy 2 người “đồng sàng dị mộng”, nên ông muốn ly hôn càng nhanh càng tốt.

Bà Hoán trình bày, ông bà vốn cùng làng, biết nhau từ tấm bé, ông Hoán lớn hơn bà 3 tuổi. Khi bà 20 tuổi đã được anh công nhân cơ khí Hoán đặt lời yêu và cưới về làm vợ. 25 năm qua, bà hết lòng chăm sóc bố mẹ chồng, sinh cho nhà chồng 2 con có trai có gái, nuôi dạy chúng chăm ngoan học giỏi, bây giờ đều tốt nghiệp cao đẳng và đại học. Bà tuy làm nông nhưng hết sức chăm chỉ, mới có tiền dành dụm nuôi chồng ăn học. ông từ công nhân, học hành lên trung cấp kỹ thuật, học nọ học kia thì mới được lên quản đốc chứ. Khi còn trẻ, bà cũng xinh đẹp khỏe mạnh, ông Hoán không chê. Chỉ có mấy năm gần đây, ông Hoán đi học lớp nâng cao về quản lý thì mới gặp cô Ngân Hường, 2 người mê nhau. Cô này có một con đang tuổi đi học, chồng công tác tận trong Nam, lại ở huyện xa ít khi về được. Ông Hoán qua lại với cô này, bị các con phản ứng, nên ông mới nảy ý định bỏ vợ để đến với cô kia không bị ai cấm cản nữa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bản thân bà Hoán cho rằng, cả cuộc đời lấy chồng, bà là cô dâu tốt, hy sinh chăm lo cho nhà chồng, cho chồng cho con. Bố mẹ chồng đau ốm rồi quy tiên cũng một tay bà chăm sóc, lo liệu. Ông Hoán đi làm biền biệt, chưa kể đi theo công trình thi công ở các tỉnh xa, mọi việc trong gia đình đều do bà đảm đang chu toàn. Nay tuy các con đã lớn, nhưng cũng chưa lập gia đình, vẫn cần một mái ấm để tự tin vững bước vào đời. Chỉ về phía cô con gái ngồi ghế sau, bà Hoán nói:

- Thưa Tòa! Hôm nay đến Tòa có cả con gái của vợ chồng tôi, Tòa có thể hỏi thêm tâm nguyện của các cháu, để biết 2 con muốn bố mẹ không ly hôn, để khi nhà trai đến dạm ngõ hỏi cưới con gái tôi về làm dâu thì vẫn có song thân đàng hoàng, hay khi con trai tôi cưới vợ nó cũng tự hào rằng gia đình nó không chia nửa. Vợ chồng tôi tuy không phải quá hạnh phúc, nhưng cũng đã vì yêu mà cưới, không ai gả ép, đã mấy chục năm cùng nhau vượt qua khó khăn, để hôm nay có nhà cửa đàng hoàng, cuộc sống ổn định. Vì vậy không có lý gì lại ly hôn, lại chia tay.

Bà Hoán trình bày thêm: Hôm rồi, chồng cô Ngân Hường từ trong Nam ra và đến gặp tôi, yêu cầu tôi “dạy chồng, ngăn cấm ông Hoán không được lảng vảng đến gặp cô Hường nữa”. Bà Hoán trả lời: “Anh là đàn ông thì anh phải về dạy vợ, chứ tôi làm sao mà dạy được chồng. Tôi chỉ hy vọng góp ý với ông Hoán, để biết coi trọng đạo lý. Đừng làm những việc mà tự thấy hổ thẹn với lương tâm và không dám ngẩng mặt trước mọi người”. Chồng cô Hường cũng đã tuyên bố sẽ xin chuyển công việc về quê, nếu không được thì anh cũng sẵn sàng trở về tìm công việc khác, để được gần vợ con, níu giữ hạnh phúc gia đình. Anh ta nói công việc có thể thay đổi, chứ gia đình không thể phá bỏ. Đàn ông người ta còn không muốn bỏ vợ con, vậy thì tôi là phụ nữ, lại đã qua bên kia dốc cuộc đời rồi, sao lại bỏ chồng được? Chồng chả có mà lấy, nên tôi không có chồng để mà bỏ!

Nghe bà Hoán trình bày, một vị nữ Hội thẩm trong Hội đồng xét xử hỏi ông Hoán:

- Ông có nghe vợ ông trình bày không? Ông có biết bà Hoán đã hy sinh cả cuộc đời vì gia đình, vì bố mẹ chồng, bà làm lụng vất vả quanh năm nuôi chồng học hành để ông có ngày hôm nay không?

Ông Hoán cúi đầu, đáp lí nhí:

- Thưa Tòa, có nghe ạ...

Bà Hội thẩm từ tốn hỏi bà Hoán:

- Bà đã trình bày, ông Hoán đã nghe thấy. Vậy rõ ràng là bà biết ông Hoán có quan hệ với người phụ nữ khác, là vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. Vậy sao bà không báo cáo chính quyền địa phương hoặc có đơn tố giác, để pháp luật xử lý ông Hoán tội Vi phạm chế độ một vợ một chồng?

Bà Hoán hốt hoảng:

- Dạ... Dạ... Thưa... Ông ấy có vi phạm thì ông ấy vẫn là chồng tôi, là cha của các con tôi. Ông ấy mà bị xử, bị tù thì ông ấy khổ mà gia đình tôi cũng... khổ lắm ạ. Vả lại, thưa Tòa, ông ấy cũng... mới sai lầm lần đầu. Trước đây ông ấy không như thế ạ. Tôi và các con cũng chỉ muốn ông ấy hiểu ra lẽ phải, lại thương vợ thương con, chứ không muốn ông ấy phải bị tù tội ạ...

Bà Hội thẩm nghiêm khắc hỏi ông Hoán:

- Ông có nghe thấy vợ ông nói chưa? Ông có biết là vợ ông có thể tố cáo ông ra pháp luật và ông hoàn toàn có thể bị xử lý tội Vi phạm chế độ một vợ một chồng không? Nhưng vợ ông đã không muốn ông bị pháp luật xử lý. Như vậy ông nghĩ sao?

Ông Hoán run lập cập:

- Dạ... Dạ...

Bà Hội thẩm lại hỏi bà Hoán:

- Trước đây khi còn là vợ chồng, bà đã không chịu tố cáo chồng mình ra pháp luật. Vậy hôm nay trước Tòa, ông Hoán một mực muốn ly hôn vợ, muốn tìm niềm vui ở cuộc sống khác, với người phụ nữ khác. Bà có muốn tố cáo ông Hoán tội Vi phạm chế độ một vợ một chồng ngay trước Tòa án không?

Nghe Tòa hỏi, bà Hoán cuống cả lên:

- Dạ không ạ! Dạ không ạ! Tôi không muốn bỏ chồng, không muốn ly hôn, cũng không muốn tố cáo gì ông Hoán cả. Ông ấy còn có cả công việc, có sự nghiệp. Tôi chỉ muốn ông ấy hiểu ra, quay về với vợ con thôi.

Bà Hội thẩm nghiêm giọng hỏi ông Hoán:

- Ông đã nghe thấy vợ ông nói gì chưa? Ông có biết chỉ cần vợ ông đồng ý tố cáo ông tại Tòa thì ông sẽ bị các cơ quan pháp luật xem xét tội Vi phạm chế độ một vợ một chồng không? Nhưng vợ ông một mực không tố cáo chồng, không muốn ông phải đi tù, không muốn ông mất hết cả sự nghiệp mà cả đời ông đã cố gắng. Một người phụ nữ nông thôn, làm lụng vất vả, đầu tắt mặt tối cả đời, vậy mà biết suy nghĩ thấu đáo cho chồng cho con, người vợ như vậy mà ông còn muốn bỏ sau 1/4 thế kỷ ông nhận sự hy sinh của bà ấy à? Ông còn muốn chạy theo những phù phiếm ngoài xã hội à? Tòa khuyên ông nên rút đơn xin ly hôn. Hãy quay về với vợ con, với gia đình của mình. Ông hãy tự hối lỗi, góp sức xây dựng mái ấm gia đình, đừng mơ tưởng hão huyền những thứ không phải của mình nữa...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bà Hội thẩm chắc còn nói thêm gì gì đó nữa, nhưng ông Hoán đã không còn nghe thấy. Ông chỉ thấy trong lòng trào lên nỗi hổ thẹn. Lương tâm ông đang cắn rứt. Nếu hôm nay không có phiên Tòa này, thì ông hoàn toàn không biết về sự cao thượng, sự hy sinh của vợ ông. Ông cứ nghĩ rằng cả đời ông lấy vợ nông dân, phải sống mãi với một người vợ chân lấm tay bùn, là ông quá thiệt thòi. Nhẽ ra ông phải lấy một cô vợ cùng làm trong nhà máy. Nhưng hôm nay ông đã hiểu, nếu không có sự hy sinh, tần tảo của vợ thì ai chăm sóc bố mẹ ông? Ai lo cho 2 con ông ăn học? ai lo cho ông có thời gian, thậm chí cả tiền bạc để mà đi học lên này nọ, để mà có chút chức vị trong công ty?

Ông Hóan cứ đần mặt ra suy nghĩ. Bỗng ông giật mình, nghe tiếng Tòa gọi:

- Ông Hoán, Tòa đã phân tích rất kỹ. Vậy ông có đồng ý rút đơn, hay vẫn muốn giữ quan điểm xin ly hôn?

Ông Hoán luýnh quýnh:

- Thưa... Tòa. Tôi... xin rút đơn ạ. Xin cảm ơn quý Tòa...

- Không cần ông cảm ơn Tòa! Người mà ông cần cảm ơn chính là vợ ông! – bà Hội thẩm “chốt hạ”...

Ông Hoán khi đến Tòa thì rất hùng hồn, bước chân đi mạnh mẽ lắm. Bây giờ Tòa tuyên bố kết thúc phiên tòa, thì ông lại ngẩn ngơ ngồi thẫn thờ trên ghế. Ông biết mình đã sai, sai quá, nhưng ông chưa hiểu bây giờ làm thế nào để trở về nhà. Mà không trở về nhà thì ông biết đi đâu? Bất giác, ông thấy vợ đặt tay lên vai ông:

- Thôi, đứng lên nào. Chúng ta cùng về nhà. Hôm nay tôi sẽ bắt con vịt tơ, làm cho mình món nhậu ưa thích nhé!

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.