Chồng ốm

Chia sẻ

“Trai chăm vợ đẻ gầy mòn/ Gái chăm chồng ốm béo tròn cối xay”, người xưa nói vậy cứ ngỡ các cụ nói... cho vui, ai dè là các cụ “đúc kết” chuyện thật sự trong cuộc đời: Thế mới đáng buồn!

Bà Dự nằm khểnh xem phim Hàn trên tivi (TV) ở phòng khách, bà khoái chí mở loa ông ổng. Ông Dự bị đột quỵ đi bệnh viện mấy tuần nay, nhẽ ra như mọi bà vợ khác, bà Dự sẽ phải chạy đôn chạy đáo lo chăm chồng, nhưng bà Dự lại thấy sung sướng. Bà tểnh tềnh tênh vì hàng ngày không phải đi chợ, không phải nấu cơm, chả cần suy nghĩ xem hôm nay ăn món gì cho khác với hôm qua. Bà thích đơn giản, sáng phở, trưa bún chả, chiều làm bát mỳ bò, thế là chả phải rửa nhiều nồi xoong bát đĩa. Cứ thoải mái mà xem TV. Hết phim Hàn lại qua phim Ấn, tha hồ xem mấy bà mẹ chồng trên phim đang chì chiết con dâu, hoặc mấy bà vợ già suốt ngày lườm nguýt mấy ông chồng mê gái trẻ.

Bà Hoa hàng xóm đi qua, thấy tiếng TV trong nhà bà Dự bật to hết cỡ, bèn thò đầu vào hỏi:

- Bà Dự ơi! Nghe bảo ông ốm nằm viện hả?

Bà Dự giảm tiếng TV:

- Vâng, ông nhà tôi đột quỵ, nằm viện mấy tuần, cũng sắp ra rồi.

- Chồng ốm mà bà nằm xem TV rỗi rãi thế à? Không phải đi trực, cũng không phải lo cơm cháo gì à? – bà Hoa ngạc nhiên.

- Chả là con trai con dâu xin nghỉ làm, chia nhau ra trực trông bố chúng. Tôi cũng phải nghỉ ngơi chứ, nhỡ cũng lăn ra ốm như ông ấy thì nguy à?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thấy bà Dự gắt gỏng, bà Hoa chào về vội. Cả xóm phố này chả ai muốn “dây” với bà Dự vốn “đanh đá cá cày”. Bà Dự mà quát chồng, quát con dâu thì ầm ầm hơn cả chợ vỡ. Khổ thân ông Dự, cứ nghe vợ quát là ông dúm dó vào, bà muốn gì ông cũng gật. Nhiều khi điều mà bà muốn chồng con nghe theo nó cứ ngang phè phè, nhưng không ai muốn chống lại vì bà sẵn sàng nhảy tanh tách cho tất cả đau đầu nhức óc, mọi người trong nhà cứ phải tuân lệnh bà mới thôi. Chẳng hạn như cái việc con giai có ô tô, hàng ngày anh chồng chở 2 con nhỏ đến trường rồi đưa vợ qua cơ quan, sau đó đến công ty, chiều lại đưa đón vợ con về. Thực ra, làm cha mẹ phải thấy thế mà mừng vui vì con cháu hạnh phúc. Nhưng bà Dự không thế. Bà phải hành con dâu chứ! Con dâu phải lệ thuộc vào nhà bà và con trai bà. Thế rồi một buổi tối, sau bữa cơm, tranh thủ lúc con dâu còn đang rửa dọn bát đĩa, bà bảo con trai:

- Ngọc, từ mai con chỉ chở ô tô cho 2 đưa nhỏ đi học thôi. Cái Yến cứ để nó đi xe máy. Ngày trước chưa có ô tô thì cũng đi xe máy cả, bây giờ một bước lên ô tô, có phải bà hoàng đâu.

Ngọc ngạc nhiên:

- Yến phải đi cùng còn cho 2 con ăn sáng rồi dắt chúng vào lớp mầm non chứ mẹ. Với lại ô tô là con mua 80% bằng tiền bố mẹ vợ cho. Cơ quan vợ cũng gần cơ quan con, có gì mà phải đi thêm cái xe máy cho tốn xăng. Sao mẹ cứ gây khó cho con cháu thế.

Bà Dự đuối lý với con trai, lại quay sang ép ông chồng:

- Ông xem tôi nói có đúng không? Thế mà con giai ông còn cãi tôi. Ông nói cho nó phải biết nghe lời mẹ đi chứ! Bây giờ nó lấy vợ thì nó “đội vợ lên đầu” à?

Ông Dự chả còn cách nào, đành ấp úng bảo Ngọc:

- Con nghe theo mẹ con đi cho êm cửa nhà!

Ngọc bật lại:

- Mẹ vô lý thế ai mà nghe được! Bố nghe thì đời bố khổ!

Thế là bà Dự hét ầm ầm điếc cả tai mấy nhà hàng xóm, nào là con dâu hư hỗn nên điều khiển con trai hư hỗn theo; nào là dâu con ăn tàn phá hại, còn xui chồng chống lại bố mẹ đẻ... Bà Dự cứ tru tréo méo giật thế mặc dù Yến chả nói lại một câu nào, con dâu im lặng rửa bát đĩa xong, lặng lẽ bỏ về phòng với 2 con.

Mấy tuần nay ông Dự nhập viện, bà Dự tuyên bố:

- Vợ chồng thằng Ngọc xin nghỉ phép mà chăm bố chúng mày. Con Yến đưa 2 con về gửi nhà ngoại, vợ chồng chia ca mà trực bố ở bệnh viện. Cơm nước ngừng nấu đi, ăn tạm cái gì thì ăn.

Ngọc “bật lại”:

- Con vừa đưa bố đi cấp cứu, về nhà chưa kịp thở. Thế mẹ định đổ hết lên đầu vợ chồng con à? Sao mẹ không phân công vợ chồng anh Hải thay nhau mà trực bố?

Bà Dự xỉa xói vào mặt con trai:

- Mày nghe theo vợ, mày lem lẻm cãi mẹ hả? Thằng Hải nó thân phận “chó chui gầm chạn”, con vợ nó vừa đuổi nó ra khỏi nhà bên vợ kìa. Nó còn phải lo cái thân nó. Vợ chồng mày chia nhau mà trực bố mày, mẹ không nói nhiều.

Ngọc điên tiết định “bật” tiếp, nhưng Yến giật áo chồng:

- Vâng, con sẽ gửi các cháu về ngoại. Mẹ yên tâm cứ để vợ cồng con chia ca lo cho bố.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế là vợ chồng Ngọc chia ca ăn ngủ trong bệnh viện trực bố, hai vợ chồng ăn cơm bụi, cháo cho bố cũng mua luôn theo suất bệnh nhân trong bệnh viện. Hai vợ chồng có về nhà cũng chỉ tắm rửa và ngủ bù. Nhiều hôm vợ chồng Ngọc về bên nhà ngoại, bà ngoại vừa chăm hộ 2 cháu, vừa nấu cơm với các món ngon, bồi dưỡng cho vợ chồng con gái, bà giục: “Ăn đi các con, cho có sức mà chăm ông. Nhà đã có người ốm rồi, các con phải giữ sức khỏe. Bệnh của ông không nhanh phục hồi đâu”. Có hôm nghe mẹ vợ xót ruột cho con gái, con rể như thế, Ngọc chạnh lòng nghĩ đến bà Dự mẹ đẻ mình, anh cố kìm giọt nước mắt chực trào ra. Nhiều buổi sáng sau khi trực đêm chăm bố tại viện, Yến vào trực ca ngày, Ngọc trở về nhà định tắm rồi ngủ bù cho lại sức, nhưng cứ thấy bà Dự bật TV oang oang, tểnh tang ngồi xem phim, cứ y như bà đang nhàn rỗi, vui vẻ lắm. Không có vẻ gì là nhà đang có người nằm phòng cấp cứu, mà người đó lại là chồng bà! Đã thế lại thấy cái ông Hải còn ngủ trương chưa thèm dậy, đúng là kẻ vô tích sự. Chả trách nhà vợ họ đuổi! Một thằng đàn ông đã “chui gầm chạn” nhà vợ rồi, còn không chăm chỉ kiếm tiền, không tự chủ được kinh tế, còn ngủ trương ra chả biết chăm sóc vợ con, nhà họ “đuổi về xưởng sản xuất” là phải. Ngọc thấy chán cả mẹ, cả anh trai, nên anh tắm xong liền bỏ ra ngoài, chả muốn nhìn thêm. Ra khỏi nhà mẹ đẻ, Ngọc bỗng lái xe đến nhà mẹ vợ. Thôi thì vừa là chơi với 2 con, và ngủ bù lại ở nhà mẹ vợ cũng được.

Mẹ Yến thấy con rể đến, lại đon đả giao 2 cháu nhỏ cho bố nó, bà tất tả đi chợ mua đồ ăn. Bà nấu cơm trưa cho con rể ăn sớm còn vào viện thay ca cho con gái bà về với các con. Tội nghiệp bọn nhỏ, gặp bố mẹ cứ vui như Tết. Chứng kiến mẹ vợ hết lòng vì chồng con và yêu thương các cháu, Ngọc lại thấy lòng như đau hơn, vì sao anh lại có bà mẹ đẻ “không tả được” như thế, anh lại thấy thương bố, cả đời ông phải chịu đựng một bà vợ như thế, vậy mà sao ông cũng chịu đựng được?

Mấy tuần nằm viện, cũng may ông Dự qua được, ông được ra viện nhưng di chứng của xuất huyết não khiến ông bị liệt. Vợ chồng Ngọc đã dọn bàn ghế phòng khách tầng 1 cho gọn lại, mua chiếc giường nhỏ kê cho ông Dự nằm. Bố ra viện, Ngọc bàn giao cho mẹ chăm sóc, cơm cháo, để 2 vợ chồng đi làm, tối về Ngọc ngủ trên đi-văng trông bố. Cứ tưởng thế cũng tạm ổn, Ngọc thuê cả bác sĩ vật lý trị liệu đến nhà bấm huyệt giúp ông tập đi, hy vọng rồi ông sẽ hồi phục phần nào. Ai ngờ, việc ông Dự nằm ở phòng khách lại gây phiền phức cho vợ. Bà Dự đã quen tểnh tềnh tênh xem TV, thích bật tiếng to vì cái tai của bà bắt đầu điếc, nay ông chồng ốm nằm đó lại không thích tiếng ồn, hễ bà bật TV là ông lại rên rẩm, lèo nhèo kêu ồn quá mất ngủ. “Ngủ gì ngủ lắm thế!”, bà Dự quát chồng. Ông Dự lúc khỏe cả đời còn chả dám cãi vợ, nay bị đột quỵ đã méo mồm có nói được đâu mà dám cãi vợ. Nhưng ông hiểu cả. Ông nằm, nước mắt cứ lăn dài, chắc ông nghĩ tủi cực quá, sao ông lấy phải bà vợ tai quái thế này. Ngày xưa mẹ ông đã nhắc nhở: “Con phải bảo ban vợ con đi, không được để nó được đằng chân lân đằng đầu thế. Nó làm công nhân gì mà ghê gớm hơn hàng tôm hàng cá thế”. Ông Dự cứ nghĩ thôi thì “một sự nhịn chín sự lành”, nếu chồng không đôi co thì vợ chả lẽ cứ nói mãi được. Nhưng quả là bà Dự “được đằng chân lân đằng đầu” đè nén áp bức chồng thật.

Không ngờ khi ông Dự đang nằm khóc, nước mắt tuôn ướt đầm cả gối, thì Ngọc đi làm về. Thấy bố khóc, Ngọc đoán ngay nguyên do, anh bảo mẹ:

- Mẹ vừa phải thôi! Bố đã ốm thế, mẹ còn hành nữa à?

Bà Dự trợn mắt quát:

- Sao mày không hỏi bố mày, ốm gì ốm lâu thế? Định ốm đến bao giờ? Tốn kém bao nhiêu tiền bạc rồi? Bây giờ hàng ngày vẫn còn phải thuê bác sĩ đến tận nhà chữa! Tiền đâu cho lại! Ông ấy lại nằm chềnh ềnh ở ngay phòng khách thế này, tao bật TV xem phim ông ấy kêu ồn. Cứ kéo dài mãi thế này à?

Ngọc bực quá, thật là “không tả được”, Ngọc hét đến lạc cả giọng:

- Mẹ thôi đi! Lúc nào cũng tiền, tiền! Ngoài tiền ra mẹ có biết đến tình nghĩa, trách nhiệm không? Bố ốm mấy tuần ở bệnh viện, mẹ không nấu cho bát cháo, bỏ mặc cho vợ chồng con. Bây giờ bố về nhà, mẹ cũng chỉ biết bản thân mẹ. Mấy chục năm nay mẹ đã chả coi chồng mẹ ra gì, bây giờ mẹ cũng không một chút thương xót? Hồi trước con đã chứng kiến mẹ đối xử với ông bà nội chả ra gì. Khi bà ốm liệt nằm một chỗ mấy năm trời chỉ có một mình vợ con nó chăm. Hôm nào Yến họp hành về muộn thì mẹ cho bà nội ăn bát bún thừa từ trưa để lại. Mẹ cũng chưa bao giờ tắm rửa cho bà, quần áo của bà cũng chưa bao giờ mẹ giặt. Được, mai con sẽ đưa bố ra khỏi nhà này. Con sẽ thuê nhà, vợ chồng con đưa bố ra ngoài chăm, cho mẹ ở với ông con cả vô tích sự của mẹ...

Bà Dự há hốc miệng nhìn sự giận dữ của con trai. Bà bỗng cảm thấy sợ hãi, hiểu mình đã gây ra hậu họa...

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.