Chồng tôi “vắt cổ chày ra nước”

Chia sẻ

Lẽ thường, trong gia đình, ông chồng là người phóng tay chi tiêu, còn bà vợ luôn phải ra tay “cầm cương”, điều chỉnh chồng mình. Nhưng với nhà tôi thì ngược lại. Chồng tôi không bao giờ để lọt một đồng, một hào nào ra ngoài. Cái sự hà tiện trong chi tiêu đến mức khủng khiếp của anh khiến tôi cảm thấy nghẹt thở.

Đến giờ, mỗi lần ngồi đối diện trước đồng nghiệp, tôi vẫn thầm thấy xấu hổ. Còn mọi người chắc cũng ái ngại vì không thể ngờ, tôi trông không đến nỗi nào mà ở nhà lại sống khổ sở như thế.

Chẳng là hôm đó, mấy chị em trong phòng hẹn nhau đến chơi nhà mới được sửa sang lại của hai vợ chồng tôi. Vì chị em chỉ tranh thủ đến được vào buổi trưa nên tôi mời chị em ở lại dùng bữa cơm trưa với gia đình. Ban đầu, tôi định thuê nhà hàng nấu vì hai vợ chồng tôi đều phải đi làm nhưng chồng tôi chỉ nghe đến từ “thuê nấu” thì đã giãy nảy như đỉa phải vôi, mắng tôi nhà làm gì có tiền ném qua cửa sổ như vậy. Anh bảo mình phải tự đi chợ, tự nấu thì mới tiết kiệm. Cơ mà khổ, nào tôi có mời nhiều nhặn gì. Tính cả nhà tôi thì cũng chưa đầy 2 mâm cỗ, dẫu có đắt hơn chút thì cũng chẳng nhiều nhặn là bao, còn hơn là hai vợ chồng cứ phải sấp ngửa ngược xuôi. Thấy tôi nói vậy, anh liền nói anh sẽ xin nghỉ ở nhà lo cơm nước. Đằng nào thì năm rồi, anh cũng chưa nghỉ hết phép nên sẽ xin cơ quan nghỉ bù cho khỏi phí. Với tính của chồng tôi, một khi đã muốn thì bàn lùi cũng không được.

Chồng tôi mất mấy ngày vật vã lên thực đơn. Món thì anh than là đắt, mua thực phẩm chết tiền. Món thì anh than chế biến lâu, tốn ga, tốn điện. Sáng hôm mời khách tới, anh dậy từ 4 giờ sáng để đi chợ đầu mối. Anh bảo đông người ăn thì phải đi chợ mua buôn như vậy mới rẻ. Tôi thì lo anh đã lớn tuổi, chẳng biết đi như vậy mua rẻ được bao nhiêu mà về ốm ra đấy thì tiền thuốc còn tốn kém hơn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trưa đó, tôi đưa mấy chị em cùng phòng về nhà. Anh ra đón mấy chị em, khoe là cơm nước đã nấu xong xuôi. Anh lập tức “lùa” mọi người vào ăn luôn cho nóng, còn việc đi xem nhà thì để sau cũng được. Tôi biết, thực ra, anh sợ đồ ăn nguội phải đun đi đun lại thì tốn tiền điện. Thì ra, anh đãi khách lẩu gà nhưng trên bàn nhìn đâu cũng thấy rau và rau, còn gà chỉ có 2 đĩa nhỏ. Anh nhanh nhảu nói luôn ăn lẩu gà thì chỉ nên ăn gà thôi cho khỏi lai tạp vị. Với lại bây giờ, mọi người chỉ thích ăn nhiều rau cho sạch ruột nên thay vì mua nhiều thịt, anh tăng lượng rau lên cho chị em. Tất nhiên là không ai dám chê trách gì nhưng tôi thì thực sự ái ngại vì mâm cơm đãi đồng nghiệp do chồng chuẩn bị có phần quá đạm bạc.

Đến mục chia bát đũa thì tôi lại lần thứ 2 xấu hổ. Đúng là 1 chén sứt quai, 2 bát mẻ miệng, những cái còn lại thì vừa mẻ miệng, vừa sứt quai. Đã thế bát đĩa còn cọc cạch, đủ kích cỡ, màu sắc khác nhau. Trong khi đó, nhà tôi vẫn còn mấy bộ bát mới tinh đang cất kỹ trong tủ bếp từ vài năm trước nhưng anh quyết không cho lấy ra dùng. Chồng tôi nói khi nào dùng hết số bát đĩa thì mới được dùng bát mới. Khốn khổ mấy chị đồng nghiệp không hiểu cơ sự, trước khi ra về còn nhìn tôi ái ngại rồi nửa như góp ý, nửa như chê trách tôi: “Để chúng em mua cho chị chục bát đẹp chứ chị đừng tiết kiệm quá. Bát đũa giờ cũng rẻ, ăn bát đẹp cho ngon cơm chị ạ”. Tôi đành gượng cười vì chẳng biết thanh minh sao, không lẽ lại mang chồng ra “vạch áo cho người xem lưng”.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, cuộc sống của chồng tôi lúc nhỏ có tới mức khốn khó lắm đâu mà anh lại sinh ra tính hà tiện như vậy. Nói không ngoa là anh mắc bệnh sợ tiêu tiền mà chỉ thích đi xin, ai cho đồ gì anh cũng nhận hết. Tôi là con út trong gia đình có 3 chị em gái. So với hai chị, cuộc sống của vợ chồng tôi có phần khó khăn hơn. Có lẽ vì vậy mà các chị cũng có phần thương và hay đỡ đần tôi ít nhiều. Biết vậy nên chồng tôi luôn coi các anh chị là nơi để dựa dẫm. Đến nhà các anh chị chơi, anh thường đi một vòng quanh nhà, thấy gì cũng xuýt xoa khen, rồi đánh tiếng xin từ vật dụng nhỏ như cái ấm, cái bàn là đến cái quạt, điều hòa, tivi… Có lần tôi thấy anh xăng xái chạy đi vác cả cái thang lên cả phòng ngủ rồi trèo lên tháo luôn cái quạt trần anh chị đang dùng với lý do “anh chị cho nhà mình đem về mắc cho bớt nóng”. Thấy cái tivi nhà anh chị đang xem, anh cũng than tivi nhà tôi vừa bé, vừa nhiễu nhưng chẳng có tiền mua tivi mới. Anh chị tôi lại cho, thế là anh mặt mày giãn nở, đèo luôn tivi về nhà mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vợ chồng tôi đều đi làm nhà nước, thu nhập chỉ ở mức đủ sống nhưng cũng đâu quá khó khăn. Nhưng lúc nào, anh cũng vật vã cho là mình nghèo. Tiêu gì anh cũng so đo, tính toán, cân nhắc từng đồng, từng hào. Anh có một cuốn sổ ghi lại chi tiết từng khoản tiền phong bì bạn bè, người thân tặng khi nhà tôi có việc như tân gia hay là khi anh bị ốm đau, mừng tuổi các con nhân dịp năm mới. Mỗi khi cần đi đáp nghĩa là anh giở sổ ra để tra cứu, rồi bỏ phong bì phù hợp theo kiểu “người sao thì ta vậy”, không bao giờ anh cho ai hơn đồng nào. Mà nếu có phải cho ai, biếu ai thì cũng là do họ sau này cũng sẽ phải giúp lại anh một điều gì đó.

Với vợ con, anh cũng tính toán rất kỹ lưỡng. Hồi con tôi dưới 10 tuổi, mùa hè hàng năm anh đều đăng ký cho con đi du lịch với cơ quan anh vì lúc đó con tôi chỉ phải trả bằng một nửa suất đóng của người lớn. Đến khi con lớn, hết chế độ giảm trừ thì anh cũng dừng việc đưa vợ con đi chơi xa cho khỏi tốn kém. Anh chỉ đăng ký đi với cơ quan một mình vì anh đi thì không mất tiền. Còn mẹ con tôi, nếu muốn đi chơi thì anh nói, để anh đèo ra vùng ngoại thành ngắm cảnh cũng đẹp chán.

Tiếng là vợ nhưng bao năm qua, tôi chẳng biết anh kiếm được bao nhiêu tiền một tháng vì anh không đưa lương cho tôi bao giờ. Anh cậy mình kiếm nhiều hơn tôi nên nhận luôn vai trò tay hòm chìa khóa. Anh luôn miệng bảo ai kiếm được nhiều thì xót nhiều, anh mà đưa tôi giữ tiền thì tôi lại tiêu xài hoang phí tiền anh làm ra. Tối nào, hình ảnh đập vào mắt tôi cũng là cảnh chồng mình ngồi trên giường, mở ví ra đếm tiền rồi ghi chép lại từng khoản nhỏ từ 2.000 đồng mua hành lá. Hôm nào tiêu vừa đúng, đủ thì anh còn vui vẻ, ngược lại, anh lục tung các loại túi, ví, rồi vắt óc nhớ xem mình tiêu cái gì cho tới khi nhớ ra mới chịu đi ngủ. Đến cuối năm, anh khoe vói tôi là nhà mình đã tiết kiệm được một khoản tiền làm vốn để dành nhưng được bao nhiêu thì anh giữ kín. Anh bỏ cuốn sổ tiết kiệm vào trong két, khóa lại rồi bảo tôi cứ yên tâm, tiền này anh dành dụm cũng là để cho mấy mẹ con mà thôi.

Gần 10 năm, gia đình tôi sống trong ngôi nhà lụp xụp, mãi vừa rồi nhà xuống cấp quá anh mới đồng ý cho sang sửa lại. Suốt ngày anh kèn kẹt với thợ xây, thăm dò giá cả xi măng, sắt thép, kiểm tra nguyên vật liệu như thể thợ xây đang bòn rút của nhà tôi. Anh chặt chẽ đến mức có thợ còn muốn xin thôi, không làm nữa. Nhà sửa xong, tôi giục anh mua sắm thêm đồ đạc để có cái dùng, nhưng anh lần lữa, bảo cứ từ từ, biết đâu có ai mừng tân gia thì không phải mua. Hoặc nếu cần thì mấy mẹ con cũng cố gắng nhẫn nhịn, đợi tới… cuối năm sau lại có đợt siêu giảm giá rồi mua.

Nhiều lúc, tôi vô cùng mệt mỏi vì phải sống với người chồng như vậy. Nếu biết trước thế này, chắc tôi đã không đồng ý kết hôn với anh. Còn bây giờ hai đứa con chung ra đời, không phải tôi cứ ly hôn là được…

LAN CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.