Chồng xa

Chia sẻ

Tựa vai anh, ngắm dòng sông trong mát, rặng cây xanh, gió khe khẽ thổi, tôi cảm thấy bình yên hơn bao giờ hết…

Vợ chồng tôi lấy nhau đã 10 năm, đến nay có 2 con, đủ nếp, đủ tẻ. Anh là bộ đội, đóng quân xa nhà. Cứ tối thứ 6, anh lại vượt 100km về với mẹ con tôi. Cả tuần xa nhau, các con quấn quýt bố, còn tôi luôn dành những món ngon nhất để chờ chồng. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi, căn nhà lúc nào cũng ngập tiếng cười. Ai nấy nhìn cảnh nhà tôi đều cảm thấy ghen tỵ. Mỗi lần về quê, vợ chồng con cái tíu tít khiến ai gặp cũng trầm trồ làm tôi rất hãnh diện…

Hoàn cảnh của tôi, bố mất sớm, gia đình khó khăn, nhà đông anh em, lại ở quê, tôi không có điều kiện học tập nhiều. 19 tuổi, tôi lên thành phố làm nghề may. Lúc đầu làm công nhân trong một nhà máy, rồi học may thời trang. Vốn cũng có chút nhan sắc, tôi nhanh chóng vào tầm mắt của nhiều người, nhưng không dám mở lòng với ai. Vì tự ti mình chỉ là cô công nhân quèn, là con gái nhà quê, sao dám nghĩ xa xôi? Chính vì quan niệm đó, tôi đã chia tay 2 mối tình...

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm 22 tuổi, tôi gặp anh, nay là chồng tôi. Sự nam tính của anh cùng với việc anh là đồng hương, nên chúng tôi nhanh chóng cảm mến nhau. Qua vài tháng tìm hiểu, chúng tôi tiến tới hôn nhân. Sau đám cưới, anh thuê căn nhà nhỏ gần nơi tôi làm. Tuy ở trọ, nhưng anh không để tôi thiếu thốn thứ gì. Điều hòa, tủ lạnh, ti vi… đều được anh sắm sửa đủ đầy. Riêng chỉ có tình cảm là thiếu vì anh không thường xuyên ở nhà. Nhiều lúc anh khuyên tôi lên gần đơn vị anh kiếm việc làm hoặc mở một tiệm may nhỏ trên đó, có vợ, có chồng cho vui. Nhưng, tôi luôn thích ở thành phố nhộn nhịp, mong mãi mới được về phố, giờ lại lên núi sẽ cảm thấy chán. Tin, yêu vợ, anh thường không tranh cãi và cho tôi toàn quyền quyết định.

Cuộc sống thực sự đủ đầy khi tôi sinh bé thứ 2. Sau đó nhờ ông bà nội ngoại hai bên phụ giúp, vợ chồng tôi mua được căn nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố. Tôi đã tự mở hàng may kiêm giặt, là hơi tại nhà, túc tắc làm được cái gì thì làm, còn hầu như dành thời gian vào chăm các con. Con lớn của vợ chồng tôi năm nay lên lớp 4, đứa thứ hai mới 2 tuổi. Nếu như con chị mập mạp, khỏe mạnh bao nhiêu thì thằng cu em lại lười ăn, hay ốm vặt bấy nhiêu. Những lúc con ốm, sốt vài ngày, chồng không về được, tôi lại hay so sánh. Anh vẫn thường động viên tôi cố gắng, nhưng tôi không biết cố gắng đến bao giờ? Nếu như trước kia, tôi thấy yêu cuộc sống vợ chồng xa - gần, thi thoảng gặp nhau để nhớ nhung, để tạo bất ngờ, thì nay tôi sợ những điều đó.

Tối tháng 7, trời mưa dầm. Thằng cu con sốt đã 2 ngày không ngớt. Tôi khăn gói quần áo gửi con lớn cho nhà hàng xóm, ôm ít đồ bắt taxi cho con vào viện. Bác sĩ nói con bị viêm phổi, phải nhập viện. Tôi gọi điện báo tin cho chồng. Không về được với con, anh chỉ biết gọi điện động viên. Con truyền dịch, khóc lóc, tôi mệt mỏi, mất ngủ, những cuộc gọi liên tục của anh, chẳng buồn nghe. Nhìn giường bên, một cậu bé hơn con tôi 2 tuổi, hai bố con chăm nhau. Anh là Dũng, người xã bên làm nghề cơ khí, vợ anh bị tai nạn mất 2 năm trước. Biết chuyện của anh, tôi càng thấy nể phục và thương anh, thương cháu hơn. Nhìn cảnh gà trống nuôi con, tôi mới thấy mình còn hạnh phúc hơn nhiều lần. Những ngày ở bệnh viện cùng chăm con, chúng tôi thường nói chuyện với nhau, nhờ nhau mua cơm, mua cháo. Hai đứa trẻ cũng quấn quýt, chơi đùa nên không khóc đòi về, tôi cũng có thời gian chạy đi, chạy lại chăm con lớn. Mặc dù chỉ gặp nhau vài ngày, nhưng chúng tôi nói chuyện khá thân thiết, từ chuyện xa, chuyện gần, quá khứ đến hiện tại, nhờ vậy mà những ngày nằm viện như ngắn hơn, không cô đơn.

Con ra viện, chúng tôi có số điện thoại của nhau, thường xuyên gọi điện, nhắn tin hỏi thăm. Lúc đầu là cho các con nói chuyện với nhau, chuyện về các con rồi lân la sang chuyện của chúng tôi. Đêm đến, không ngủ được, anh lại nhắn tin, hỏi thăm. Cách nhau 2km, thi thoảng anh chạy sang cửa hàng tôi, lúc thì lấy cớ giặt cái chăn, lúc lại lấy cớ chữa cái khóa áo, khi thì mang cho tôi chút đồ, sửa cái bóng điện… Cứ như vậy, tôi bắt đầu… nhớ anh. Thay vì hay gọi điện, nhắn tin cho chồng như trước, tôi lại thường xuyên nhắn tin cho Dũng, hỏi thăm bố con anh. Những lúc làm được món ngon, thương con anh không có mẹ, bố không biết nấu ăn ngon, tôi lại chạy xe, mang sang cho bố con anh. Những đứa trẻ nhà tôi và nhà anh cũng khá thân thiết. Và tôi cũng không giấu chồng, vẫn thi thoảng kể cho chồng về bố con nhà anh Dũng, về sự giúp đỡ của anh ấy khi con nằm viện. Chồng tôi tin, không nghi ngờ gì mà còn khuyên thi thoảng rảnh bảo anh Dũng cho con sang nhà mình chơi, lúc nào anh về thì gọi Dũng sang nhà uống rượu…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Và chuyện gì đến thì cũng sẽ đến. Một lần tôi mang mấy món khoai chiên, gà rán sang cho bé nhà anh Dũng, nhưng bé đã về quê nội chơi mấy ngày. Mình anh ở nhà, thấy tôi, anh rạng ngời hạnh phúc. Anh bất ngờ nắm tay tôi, hôn nhẹ lên tóc, tim tôi nhộn nhịp, chúng tôi dành cho nhau nụ hôn cuồng nhiệt… Bất chợt, tôi như người tỉnh giấc, chạy nhanh về nhà, đóng cửa phòng tắm, mở nước xối xả và ăn năn. Suýt nữa tôi đã phạm lỗi với chồng... Tối đó, tôi bỏ ăn, chồng và Dũng điện thoại, nhắn tin tôi không trả lời mà chỉ cho con nói chuyện.

Những ngày sau đó, Dũng thường nhắn tin, gọi điện, giải thích, xin lỗi, nhưng tôi đã nhắn lời kết thúc với anh và chặn số không muốn liên lạc. Tôi dằn vặt, nghĩ mình tham lam, đáng trách. Cuối tuần, chồng về, thấy khóe mắt tôi đỏ, thâm quầng, anh trách tôi mất ngủ mà không nói để anh mang thuốc Nam về. Sự quan tâm, chăm sóc của anh khiến tôi càng sợ hãi, không biết nên kể với anh hay không? Tôi cũng định giấu chồng tất cả sự việc, nhưng tôi lại vốn là người không biết nói dối. Nhìn vào thái độ, sự bối rối của tôi, anh như đoán ra điều gì đó. Còn tôi, tự cầm tay anh đặt lên má để sẵn sàng nhận từ chồng cái tát. Nhưng, điều tôi không thể ngờ là anh ôm lấy tôi mà rằng: “Anh luôn tin vợ, tin vào tình cảm chúng mình…”. Tôi ấp úng định nói lời xin lỗi, anh đã kịp chặn tôi lại bằng một nụ hôn nồng nàn. Tôi thấy yêu chồng hơn bao giờ hết.

Cuối tuần sau, dù đã hẹn nhưng tôi ngóng mãi mà anh không về. Tôi lo lắng khóc lóc, nghĩ hạnh phúc của mình có lẽ đã đặt dấu chấm hết. Các con thì mong bố, tôi thì bồn chồn đợi… Sốt ruột, tôi quyết định bắt taxi cùng 2 con lên đơn vị anh. Thấy tôi và các con, anh có vẻ không bất ngờ, mà còn rất rạng rỡ, hạnh phúc lắm. Rồi anh quay về phòng, lấy túi quần áo đã sắp sẵn. Tôi sợ, chạy ôm lấy anh: “Anh đừng đi…!”. Anh cười: “Phải đi chứ, nhưng là cả gia đình đi chơi…!”. Hoá ra, anh muốn chơi trò ú tim, dành bất ngờ cho mẹ con tôi. Anh được nghỉ phép 3 ngày, và muốn đưa mẹ con tôi đi du lịch gần đó nhưng không có “chiêu” nào khác ngoài việc để tôi sốt ruột “mò” lên.

Lần đầu tiên, từ ngày yêu và lấy nhau, nay tôi mới lên đơn vị anh, mặc dù anh rủ tôi rất nhiều lần. Tôi thường bảo lên chỗ anh chỉ có núi và sông thì lên làm gì? Tựa vào vai chồng, ngắm núi, ngắm sông, thấy các con nô đùa, tôi cảm thấy cuộc sống bình yên, hạnh phúc đến lạ kỳ. Nhìn anh, tôi cảm thấy hổ thẹn và tự nhắc mình sống sao cho đúng những gì anh đã bao dung, yêu thương. Lời xin lỗi muộn màng của tôi đã kịp nói, và tôi cũng đã nói được những tiếng từ đáy lòng: “Cho mẹ con em ở hẳn trên này nhé!”. Anh nắm tay tôi mỉm cười, gật đầu, lau giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên má tôi…

PHẠM HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.