Chủ động tránh thai là trách nhiệm của cả vợ lẫn chồng

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đại dịch Covid-19 dai dẳng đã làm lộ ra những yếu điểm của các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu, chỉ rõ những khoảng trống và thách thức trong việc cung cấp thông tin về dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Việc giảm phân bổ nguồn lực cho những dịch vụ này đang ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái, trong đó có việc tăng mang thai ngoài ý muốn.

36% vị thành niên không dùng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục

 Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế, 36% nam, nữ độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25... 

Ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, mặc dù, hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân, song các kết quả điều tra cho thấy, nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại ở phụ nữ độ tuổi 15-24 là 29,6%. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thành niên còn cao. Cứ 1.000 vị thành niên, thanh niên nữ độ tuổi 15-24 thì có 18 người đã từng phá thai. Tỷ suất sinh con trước tuổi thành niên (10-17 tuổi) là 3,3 phần nghìn. Phá thai lặp lại còn khá phổ biến, tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng. Cũng theo kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình của Tổng cục Thống kê, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15-49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn. Đáng lưu ý, rất nhiều trường hợp lựa chọn phá thai tại những phòng khám chui, các cơ sở y tế không được cấp phép dẫn đến nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng như băng huyết, nhiễm trùng, thủng tử cung… thậm chí đe dọa tính mạng. 

Đánh giá về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn tăng cao, UNFPA cho biết, mặc dù Việt Nam là một quốc gia khá thành công trong việc ngăn chặn vi-rút lây lan, nhưng cũng không tránh khỏi đối mặt với những hệ quả kinh tế-xã hội tiêu cực từ đại dịch như bao quốc gia khác trên thế giới. Trong đó, 5 yếu tố mà đại dịch có thể tác động tới mức sinh gồm: Tỷ lệ tử vong cao, khả năng tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hạn chế, gia tăng gánh nặng việc nhà đối với phụ nữ, suy thoái và bất ổn kinh tế, và các ca sinh nở ít được nhân viên y tế có chuyên môn chăm sóc hơn. 

Chủ động tránh thai là trách nhiệm của cả vợ lẫn chồng - ảnh 1
 Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu của UNFPA Việt Nam thực hiện năm 2020 thì: Vật tư và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình thường bị gián đoạn trong suốt đại dịch, đặc biệt là ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, dẫn đến số trường hợp mang thai ngoài ý muốn có nguy cơ cao sẽ gia tăng. Việt Nam ước tính trong quý I/2020, Covid-19 đã làm giảm việc áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình lâm sàng xuống 20% và phi lâm sàng xuống 10% ở những khu vực khó khăn nhất…

Thực hiện mục tiêu về dân số, kế hoạch hóa gia đình, Tổng cục Dân số chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai; xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai, đảm bảo người dân tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp, đặc biệt là đối với các vùng dân cư khác nhau, từ đó dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa. 

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình của người dân bị gián đoạn nghiêm trọng… ngành y tế, dân số đã kịp thời ban hành và triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp góp phần khắc phục các khó khăn nảy sinh như: Huy động các cơ sở y tế công lập và tư nhân cũng tham gia cung cấp dịch vụ, các biện pháp tránh thai; chuyển đổi các hình thức truyền thông trực tiếp sang sử dụng các kênh truyền thông kỹ thuật số… để đảm bảo đưa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến với người dân một cách liền mạch và hiệu quả.

Là doanh nghiệp có bề dày lịch sử nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phụ nữ, Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Lan Hương, Giám Đốc Y khoa, đại diện Công ty Bayer Việt Nam chia sẻ: “Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, việc nâng cao nhận thức và kiến thức về kế hoạch hóa gia đình càng đặc biệt quan trọng. Vì khi hiểu rõ các biện pháp tránh thai, chị em phụ nữ sẽ luôn chủ động được việc mang thai và sinh con theo kế hoạch để bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống”.

Nhiều lợi ích khi chủ động tránh thai

 Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh, chủ động phòng tránh thai có rất nhiều lợi ích. Trước tiên là, các cặp vợ chồng chủ động trong việc sinh con. Lợi ích của việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như: Chủ động về thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra; đảm bảo mỗi đứa trẻ sinh ra đều là mong đợi của cha mẹ và cha mẹ đã sẵn sàng để nuôi dạy chúng. “Việc tránh thai giúp mỗi người trong độ tuổi sinh đẻ cả nam lẫn nữ trở thành những cha mẹ có trách nhiệm. Ngành Dân số và các ngành liên quan cần truyền thông để nâng cao ý thức làm cha mẹ có trách nhiệm cho mỗi người dân” – Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng nhận xét. 

Các cặp gia đình chủ động tránh thai còn tránh được những tai biến sản khoa và tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi. Bên cạnh đó, điều này còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Việc sinh hai con, không quá nhiều giúp các gia đình có điều kiện chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao đời sống kinh tế của gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản...  

Chủ động tránh thai là trách nhiệm của cả vợ lẫn chồng - ảnh 2
 Ảnh minh họa

Tránh thai là quyền lợi và trách nhiệm của cả vợ và chồng không chỉ là thông điệp của ngành Y tế mà đã được luật hóa trong nhiều đạo luật liên quan đến hôn nhân gia đình và bình đẳng giới hiện hành. Đây cũng là một nội dung nằm trong  9 mục tiêu cụ thể của Dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, Luật Bình đẳng giới có quy định bình đẳng giới trong gia đình là vợ chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp… Tương tự, Luật Hôn nhân Gia đình cũng nhấn mạnh việc vợ và chồng phải có nghĩa vụ thực hiện kế hoạch hóa gia đình thông qua điều luật về những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân, gia đình. Còn từ góc nhìn của pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình thì một trong những hình thức bạo hành tinh thần trong gia đình là từ chối không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc bao cao su khi quan hệ tình dục…

Trách nhiệm của cả vợ và chồng trong vấn đề kế hoạch hóa gia đình cũng được đề cập tới trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành. Theo Bộ tiêu chí, 4 tiêu chí ứng xử trong gia đình là Tôn trọng – Bình đẳng – Yêu thương – Chia sẻ và không phải ngẫu nhiên mà Luật Hôn nhân và Gia đình đề cập đến vấn đề bình đẳng đầu tiên, bởi bình đẳng chính là điều kiện quan trọng nhất để hai cá nhân quyết định cùng chung sống và xây dựng một gia đình.

Vợ chồng bình đẳng với nhau về mọi mặt trong đời sống, do đó, cả hai cũng cần phải nỗ lực để thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bên cạnh những việc như vợ chồng cùng nhau chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái, được thỏa mãn nhu cầu cá nhân như giải trí, học tập, tham gia hoạt động xã hội, cộng đồng; được bàn bạc, trao đổi, tham gia vào quá trình ra quyết định trong gia đình thì việc tôn trọng đời sống tình dục hay thực hiện kế hoạch hóa gia đình cũng rất cần thiết. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.