Chùa cổ linh thiêng và bình yên ở Hà Nam

Chia sẻ

“Ai về qua đất Hà Nam/Dừng chân chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt vời” – câu ca “đưa” du khách về thăm vùng đất giàu giá trị văn hoá lịch sử với những ngôi chùa cổ hàng ngàn năm tuổi, vừa linh thiêng, cổ kính vừa an nhiên, tĩnh lặng. Ai đã từng đến đây để chiêm bái, lễ Phật đều cảm thấy may mắn và hữu duyên.

Vãn cảnh chốn “bồng lai tiên cảnh”

Nằm giữa các tỉnh, thành du lịch của vùng châu thổ sông Hồng, tỉnh Hà Nam được biết đến nhiều hơn với quần thể chùa Tam Chúc; làng Vũ Đại với nhà Bá Kiến hơn 100 năm tuổi gắn liền với tác phẩm văn học nổi tiếng “Chí Phèo” của cố nhà văn Nam Cao… Tuy nhiên, trên vùng đất bán sơn địa này còn có nhiều ngôi chùa cổ rất đẹp như chùa Đọi Sơn (huyện Duy Tiên), chùa Bà Đanh (huyện Kim Bảng) và Địa Tạng Phi Lai Tự (huyện Kim Bảng).

Những ngôi chùa cổ này đều có điểm chung là nằm trên những ngọn núi cao, gần sông suối, nằm cách biệt với khu dân cư nên cảnh sắc thiên nhiên “mãn nhãn”, không gian tĩnh lặng và bình yên hiếm có. Qua nhiều thời đại và biến cố lịch sử, những ngôi chùa cổ đều phải trùng tu, tôn tạo nhưng những nét kiến trúc cổ kính vẫn được giữ nguyên bản, hệ thống cây cổ thụ trong khuôn viên được bảo tồn khiến cho các ngôi chùa đều rêu phong, trầm mặc, hài hoà với thiên nhiên… mang nhiều dáng dấp của cơ sở tâm linh chốn làng quê.

Một góc bình yên ở chùa Đọi SơnMột góc bình yên ở chùa Đọi Sơn.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm nay, các phật tử, người dân du xuân lễ Phật muộn hơn so với mọi năm. Những ngày này, thời tiết giao mùa thuận lợi cho các hoạt động du xuân: buổi sáng vương chút mưa bụi, tiết trời mát mẻ; tầm trưa trời hửng nắng nhẹ, gió mát lành nên đến đầu tháng 4, nhiều đoàn khách mới tổ chức hành hương. Với cảnh sắc được thiên nhiên ưu đãi, tại các ngôi chùa này, du khách không chỉ lễ Phật mà còn thư thái vãn cảnh chùa, tìm hiểu những hiện vật cổ được lưu giữ và bảo tồn, leo núi, khám phá các rừng cây, thả mình trong thiên nhiên, tận hưởng bầu không khí khoáng đạt, trong lành, không vẩn chút khói bụi ô nhiễm…

Trong những ngôi chùa cổ đang được du khách quan tâm tại Hà Nam, chùa Đọi Sơn nổi tiếng hơn cả. Đây là một trong 10 di tích của nước ta được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt gắn liền với lễ hội Tịnh Điền (lễ hội nông nghiệp cổ nhất Việt Nam, được tổ chức vào mùa xuân năm 987 với sự kiện vua Lê Đại Hành lần đầu tiên cày ruộng ở đây để khuyến khích mở mang nông trang), lễ hội chùa Đọi (được tổ chức từ năm 1840 vào ngày 21 tháng 3 âm lịch) và nghề truyền thống làm trống Đọi Tam đặc sắc.

Chùa Đọi Sơn được vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng năm 1054 trên ngọn núi Đọi; đến năm 1118 - vua Lý Nhân Tông tiếp tục xây tháp Sùng Thiện Diên Linh. Từ xưa, chùa Đọi Sơn là trung tâm Phật giáo của trấn Sơn Nam (nay là vùng đất phía Nam Hà Nội). Hơn 10 thế kỷ qua, chùa Đọi Sơn đã qua nhiều lần tu bổ; lần tu bổ lớn nhất là vào thời Nguyễn, quy mô trên 100 gian lớn, nhỏ, thiết kế kiểu nội công ngoại quốc. Ngay cổng chính trước tòa Tam bảo là nhà bia để tấm bia Sùng Thiện Diên Linh - ấn tích Phật giáo huy hoàng thời Lý, được công nhận là Bảo vật quốc gia. Bia được khắc chữ cả hai mặt. Sau nhà bia là tòa Tam bảo, chùa chính gồm 6 gian, lưu giữ nhiều nhiều di vật quý mang đậm giá trị văn hóa truyền thống như: tượng Di Lặc bằng đồng, 6 pho tượng Kim Cương bằng đá, cao 1m60; bia đá Diên Linh được dựng từ năm 1121 có chiều cao 2,88m, rộng 1,40m và dày 0,29cm, đặt trên đế đá chạm rồng cùng nhiều nét chạm khắc và hoa văn trang trí mang phong cách thời Lý; 4 pho tượng hình người có cánh cao 40cm, bề ngang 30cm.

Khuôn viên Địa Tạng Phi Lai TựKhuôn viên Địa Tạng Phi Lai Tự

Từ dưới chân núi lên chùa, du khách đi qua 373 bậc thang bằng đá xẻ, đá phiến, hai bên là những hàng cây cổ thụ xòa bóng mát. Sau khi bái Phật, du khách thường dành nhiều thời gian khám phá di vật quý và vãn cảnh chùa. Cái thú mà không du khách nào bỏ qua khi ở đỉnh núi Đọi là thả lỏng cơ thể, phóng tầm mắt ra xa để tận hưởng bức tranh sơn thủy hữu tình, trên trời xanh mây trắng; ở dưới là những cánh đồng bao la trù phú, cây cối rau màu tốt tươi, mơn mởn; ngay chân núi là dòng sông Châu như dải lụa đào uốn quanh.

Có 2 lễ hội được tổ chức gắn liền với quần thể di tích chùa Đọi là lễ hội Tịnh điền – lễ xuống đồng đầu năm mới của bà con nông dân thường được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán hàng năm. Thứ 2 là lễ hội chùa Đọi Sơn được tổ chức vào ngày 21 tháng 3 âm lịch hàng năm tưởng nhớ các vua chúa, cao tăng có công với đất nước và xây dựng chùa. Vì ý nghĩa như vậy, lễ hội chùa Đọi cho đến nay vẫn là lễ hội Phật giáo lớn nhất vùng và đang được đề nghị ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Không gian bình yên chốn thôn quê dân dã

Trong hành trình về miền đất Phật ở Hà Nam, ngoài chùa Đọi Sơn, du khách có thể dừng chân ở Địa Tạng Phi Lai Tự nằm ở thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm.

Cũng giống như chùa Đọi Sơn, Địa Tạng Phi Lai Tự nổi tiếng bởi vẻ đẹp yên bình, thanh tịnh. Đây vốn là ngôi chùa cổ, nằm giữa núi non hùng vĩ nên rất tĩnh lặng, không có tiếng ồn ào của động cơ ô tô, xe máy. Gần đây, chùa mới được trùng tu, cải tạo lại; những nét kiến trúc cổ vẫn được lưu giữ; không gian xung quanh được xây mới nhưng không hề bị “khớp”. Từng chi tiết, tiểu cảnh được bố trí, sắp xếp hài hòa, tinh tế; từng khóm hoa, cành cây được chăm chút tỉ mỉ mà bất cứ ai đến đây cũng đều cảm nhận nét đẹp của ngôi chùa cổ ở chốn thôn quê.

Chiếc cổng nhỏ trên đường lên chùaChiếc cổng nhỏ trên đường lên chùa

Địa Tạng Phi Lai Tự được xây trên một quả đồi với thế tựa lưng núi, phía sau là đồi thông, rừng cây; phía trước là đồng ruộng lúa mênh mông. Từ đường Quốc lộ, du khách đi gần chục km vào đến chùa trên con đường đất của làng xưa, nhỏ bé, hai bên đường cây cối xanh mát cùng những nếp nhà dân bình dị.

Địa Tạng Phi Lai Tự được thiết kế giống các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc: ở tổ đường là tòa Tam Bảo; bên phải là nhà thờ Tổ. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có tòa điện nhỏ thờ Phật Bà Quan Thế Âm đặt giữa hồ sen, Đức Ông và Đức Thánh Hiền. Nhiều cổ vật linh thiêng và linh vật phát lộ tự nhiên mang tính lịch sử được tìm thấy trong quá trình xây dựng chùa được bảo tồn như tượng hình chim Garuda, ngói mũi hài, chân tảng hoa sen, gạch hình rồng, bia khắc đá viền công phượng… Sân chùa được trải sỏi màu trắng vẽ 12 vòng tròn tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người. Nhà chùa bố trí thêm phòng đọc sách, vườn hoa, vườn trồng cây ăn quả, vườn rau, vườn trồng thảo dược, vườn trồng nấm phục vụ chế biến cỗ chay...

Với cảnh chùa đẹp đến nao lòng như vậy, du khách có nhiều không gian để “sống chậm”, đôi khi chỉ cần ngồi lặng trong khuôn viên để tâm hồn mình được lắng lại, cảm nhận thời gian trôi thật chậm; để tĩnh tâm cho đầu óc được thảnh thơi, loại bỏ mọi tạp niệm, sân si… Những người thích khám phá, ưa hoạt động hay thích thiền tịnh sẽ không bỏ qua việc chinh phục dãy núi bằng đường bộ, đường suối. Con đường từ sân chùa lên đỉnh núi có gần 20 điểm dừng chân. Các điểm dừng có thể được bố trí là vườn thiền (có vườn trải đá trắng, có vườn là thảm cỏ xanh rì, có vườn lát những viên gạch cổ khắc họa tiết rồng thời Lý...); có điểm dừng được thiết kế là không gian thư giãn, thưởng trà, nằm võng...

Kết thúc hành trình thăm chùa cổ, du khách có thể ghé thăm chùa Bà Đanh ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng. Ngôi chùa nổi tiếng với câu ví trong dân gian: “vắng như chùa bà Đanh” nên nhiều du khách háo hức đến thăm quan, vãn cảnh. Chùa quay mặt hướng Nam ra sông Đáy; trong khuôn viên chùa có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ. Chùa Bà Đanh thờ Phật và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ - một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với sự quan tâm của du khách, trong những tháng đầu năm, chùa khá đông phật tử và người dân cả nước về bái Phật.

THẢO NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.