Chúng con biết ơn những “mẹ đỡ đầu”...

Bài và ảnh: Hồng Nhung
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhờ có “mẹ đỡ đầu”, những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, không nơi nương tựa có thêm tình yêu, niềm tin và hy vọng để nỗ lực phấn đấu, vươn lên khó khăn, trở thành con ngoan, trò giỏi, người có ích cho xã hội…

Vượt lên số phận

Mới ngày nào, bé Nguyễn Phạm Minh Thư, học sinh lớp 4 trường tiểu học Mai Động, quận Hoàng Mai vừa trải qua cú sốc tinh thần liên tiếp, khi tháng 9/2021, mẹ Thư mắc căn bệnh ung thư dạ dày quái ác vừa qua đời thì 5 tháng sau, bố cô bé cũng lại rời xa các con vì ung thư gan. Phút chốc, hai chị em Thư mới ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới trở thành trẻ mồ côi. Ông nội già yếu, bà nội cũng bệnh tật chẳng đủ sức nuôi hai cháu nên đành gửi em trai Thư về quê ngoại cậy nhờ. May mắn, Hội Phụ nữ với chương trình nhân đạo “Mẹ đỡ đầu” đã tìm thấy hoàn cảnh bi đát của cô bé, đồng thời lên danh sách nhận đỡ đầu. Với số tiền 500 nghìn đồng/tháng, dù vẫn chưa thể đảm bảo hoàn toàn cuộc sống sinh hoạt mỗi ngày cho cô bé, nhưng đã giải quyết khó khăn trước mắt của gia đình. Đặc biệt, Thư có thêm một người mẹ khác luôn động viên, chia sẻ và quan tâm đến em. Từ ngày có “mẹ đỡ đầu”, Thư cũng nhận được sự quan tâm hơn từ cộng đồng, được mẹ luôn gọi điện hỏi thăm, chia sẻ, nhờ đó, em đã nhanh chóng vượt qua nỗi đau, cố gắng chăm ngoan, học giỏi.

Còn bé Vũ Thu Phương, học sinh trường THCS Trưng Nhị, quận Hai Bà Trưng cũng đã sớm phải trở thành chỗ dựa của cả gia đình. Mẹ em mắc bệnh hiểm nghèo nhiều năm, vừa qua đời vào đầu năm 2021. Bố là bộ đội xuất ngũ mang theo căn bệnh tâm thần. Em trai Phương cũng thiếu minh mẫn nên học chưa hết lớp 1. Ông bà nội ngoại hai bên đã mất, họ hàng đều khó khăn không giúp được gì. Nhiều năm qua, Phương, bố và em trai sống trong không gian nhỏ hẹp chỉ rộng 4-5m2, ngột ngạt và bí bách. Từ ngôi nhà với đồ đạc đều tối giản. Đã từng có lúc, Phương ước mơ sẽ có ai đó dắt tay em đi thật xa để có thể phụng dưỡng bố, lo lắng cho em trai bệnh tật… Những tưởng phải nghỉ học giữa chừng để lo cho bố và em trai, nhưng “Mẹ đỡ đầu” Vũ Thị Dung đã mang hơi ấm đến cho các em. Từ ngày được đỡ đầu, Vũ Thu Phương đã có thêm niềm tin, khi được sống trong ngôi nhà chung của các anh chị cùng cảnh ngộ. Phương không còn e dè, mà ấp ủ, xây dựng trong lòng những ước mơ, khát vọng cháy bỏng về những miền đất diệu kỳ như bất kỳ đứa trẻ nào khác. 

Chúng con biết ơn những “mẹ đỡ đầu”... - ảnh 1
“Mẹ đỡ đầu” Phạm Nguyên Nhung cùng con gái Phạm Thanh Thảo.

“Thật sự cho đến thời điểm bây giờ, nhìn lại hành trình Khát vọng, thấy không đơn giản chỉ là những đóng góp về mặt tài chính, những đồng tiền để nuôi dưỡng các con, mà hơn tất cả, đó là một sự tin yêu đặc biệt dành cho Khát vọng, tin vào những giá trị mà Khát vọng theo đuổi” - chị Vũ Thị Dung, người sáng lập quỹ Khát vọng, hiện đang đỡ đầu cho các bé mồ côi khó khăn thông qua Báo Phụ nữ Thủ đô cho biết.

Mong sẽ đỡ đầu được nhiều bé khác như “mẹ” đã làm

Đó là điều mà em Phạm Thanh Tùng, sinh năm 2004 đã được “mẹ Dung” và “Quỹ Khát vọng” nhận đỡ đầu thông qua Báo Phụ nữ Thủ đô từ năm 2022 tâm nguyện. Chị Trương Thị Hồng Tú, mẹ ruột của Tùng cho biết: Nhờ có số tiền đỡ đầu của Quỹ Khát vọng và tiền học bổng từ các tổ chức khác mà Tùng có thể chi trả các khoản học phí đắt đỏ ở đại học.

Tùng là con thứ hai trong gia đình có hai anh em. Hoàn cảnh gia đình Tùng khiến nhiều người rơi nước mắt. Bố Tùng mất khi cậu vừa tròn 2 tuổi, còn anh trai mới 5 tuổi. Mẹ Tùng không may phát hiện bị nhiễm HIV từ chồng, phải điều trị thuốc thường xuyên. May mắn, hai con trai của chị đều rất hiểu chuyện, thương mẹ và học rất giỏi. Suốt 12 năm học, anh em Tùng đều là học sinh giỏi toàn diện, được thầy cô khen ngợi. 

Học hết lớp 12, Tùng thi đỗ vào trường Đại học Chính sách và phát triển, khoa Kinh tế đối ngoại. Ban đầu, vì lo sợ mẹ không có tiền chi trả học phí và các khoản chi phí khi học đại học, Tùng đã có ý định chuyển hướng. Nhưng nhờ sự động viên của mẹ Tú, sự hỗ trợ kịp thờ từ “mẹ đỡ đầu” cùng nhiều học bổng khác, Tùng tự tin bước vào cổng trường đại học để thắp sáng ước mơ của mình. 

Chúng con biết ơn những “mẹ đỡ đầu”... - ảnh 2
Gia đình Nguyễn Thanh Tùng trong đám cưới của anh trai. 

Để có tiền cho con đóng học, chị Tú xuống Hà Nội làm giúp việc. Kể về con bằng ánh mắt tự hào, chị Tú bảo, Tùng là niềm hy vọng sống và động lực để chị cố gắng vượt qua bệnh tật để sống tiếp. Biết mẹ vất vả, Tùng cũng đi làm thêm, tham gia các hoạt động công tác xã hội, giúp mở mang mối quan hệ và tri thức. 

Từ năm 2022, Tùng may mắn được Quỹ Khát vọng tài trợ, đỡ đầu. Không chỉ được hưởng quyền lợi về vật chất, Tùng còn được tham gia các hoạt động của Quỹ tổ chức như trại hè, hướng nghiệp, làm tình nguyện viên giúp đỡ các em nhỏ khó khăn hơn, được kết nối, hiểu và chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. “Chúng em đã có những buổi chia sẻ đầy cảm xúc, với những nụ cười, những cái ôm, những giọt nước mắt hạnh phúc chạm đến tận sâu trái tim. Quỹ Khát vọng và mẹ Dung không chỉ nâng đỡ ước mơ của em mà còn giúp em có thêm ngôi nhà thứ hai, để em được nương tựa vào trong những lúc khó khăn nhất” – em Tùng chia sẻ. 

“Dù chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhưng con sẽ cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ, cố gắng để không phụ lòng công ơn của mọi người và có điều kiện giúp đỡ các em nhỏ khác khó khăn hơn mình”.

Trong căn nhà nhỏ ở phố Vĩnh Tuy, bà Đoàn Thị Kim Thu, bà ngoại Nguyễn Trần Bảo Hân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vui vẻ kể, trong buổi họp phụ huynh hôm qua, bà rất vui khi cháu gái được cô giáo khen là chăm ngoan, học lực tốt hơn so với những năm trước. “Từ ngày có mẹ đỡ đầu, bé Hân có thêm một người mẹ mới luôn hỏi thăm quan tâm đến con, cũng vì thế, Hân vui vẻ, yêu đời hơn” – bà Kim Thu cho biết.

Bà Kim Thu kể, mẹ Bảo Hân mất từ khi cô bé mới 2 tuổi do mắc bệnh hiểm nghèo, bố cô bé nghiện ngập, không quan tâm, chăm lo cho con gái, Từ nhỏ, Hân đã được ông bà ngoại nuôi dưỡng. Ông ngoại Hân ốm đau, không thể đi làm được, lại không có lương hưu. Cuộc sống của ba người trong nhà chỉ phụ thuộc vào đồng lương hưu ít ỏi của bà ngoại. 

65 tuổi, bà Kim Thu vẫn phải đi làm may để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. “Làm nghề may gia công phải ngồi nhiều, và tập trung nhìn kỹ. Tôi già rồi, mắt mờ, lưng mỏi, nhiều hôm xong việc thì người đã rất mỏi nhưng vẫn phải cố gắng để kiếm sống. “Mẹ Dung” và Quỹ Khát vọng bảo có cần thiết cho con vào ngôi nhà chung không nhưng tôi bảo ông bà vẫn còn sống, sau này chẳng may con làm sao thì sẽ cậy nhờ hoàn toàn vào mẹ Dung” – bà Kim Thu nói. Có lẽ thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nên từ nhỏ, Hân đã rất ngoan. Năm nay, cô bé chuẩn bị lên lớp 7. 

Chúng con biết ơn những “mẹ đỡ đầu”... - ảnh 3
Cháu Nguyễn Thanh Tùng cùng mẹ Trương Thị Hồng Tú.

Cháu Phạm Thanh Thảo (sinh năm 2011, ở xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) được “Mẹ đỡ đầu” Phạm Nguyên Nhung (Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì) đỡ đầu cũng đã ngày càng tiến bộ trông thấy. Bố bé Thảo mất sớm, một mình mẹ nuôi ba chị em cô bé trưởng thành. Hàng ngày, ngoài việc làm nông, mẹ Thảo còn đi làm thêm để có thêm thu nhập. Từ ngày có mẹ đỡ đầu, Thảo như có thêm một người mẹ mới luôn quan tâm, chăm sóc đến em. Cũng vì thế, Thảo tự tin hơn để vươn lên trong cuộc sống. Chị Nguyên Nhung chia sẻ, trong số 3 con mà chị đỡ đầu, thì Thảo là một cô bé chăm ngoan, học giỏi và có ý chí vươn lên. Con không chỉ giúp mẹ việc nhà mà còn giúp đỡ bạn bè trong học tập.

Chia sẻ cảm xúc của mình, bé Thảo xúc động biết ơn tấm lòng của “mẹ Nhung”, bởi khi em ốm, “mẹ Nhung” vẫn luôn đến hỏi thăm, động viên. “Mẹ Nhung” còn kết nối với các tổ chức trao tặng quà cho các em khó khăn vào các ngày lễ như 1/6, Tết Nguyên đán. Cũng nhờ có mẹ, cô bé được đi giao lưu, tiếp xúc nhiều hơn, hiểu hơn về tình cảm và sự sẻ chia, yêu thương mà mọi người dành cho mình cũng như những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Chị Nguyên Nhung mỉm cười: Nhận đỡ đầu cho các con, tôi cảm thấy rất vui và ấm áp. Sự quan tâm của xã hội đã mang lại tình cảm, sẻ chia cho các gia đình và các bé, giúp các bé vượt qua tự ti, mặc cảm, có động lực vươn lên trong cuộc sống.

“Hiện nay Hội LHPN huyện Thanh Trì đang tiếp tục rà soát trong các cơ sở Hội và trường học để tìm ra các em nhỏ khó khăn trên địa bàn, không để lọt đối tượng, hỗ trợ, tặng quà, động viên các em về vật chất, tinh thần, giúp các em có thêm nhiều cơ hội để học tập, vui chơi, khôn lớn, thành người có ích cho xã hội” - chị Nguyên Nhung chia sẻ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.