Chuyện đời của chị Hòa

THÁI ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Lần đó, khi đến thăm, tặng quà trung tâm bảo trợ xã hội, tôi gặp người phụ nữ tên là Hòa. Chị Hòa gầy gò, nhưng khá minh mẫn. Khi tôi hỏi thăm vì sao chị lại ở trung tâm này, gia đình của chị đâu, chị bắt đầu chia sẻ với tôi.

Ban đầu, có thể chị sợ tôi sẽ nghĩ không tốt cho gia đình chị, nên nói chị chủ động xin vào trung tâm bảo trợ vì không muốn làm phiền các em của mình.

“Nhà chị có 9 anh chị em, chị là chị cả, dưới chị là 8 em trai. Mẹ chị sinh cậu út thì bị hậu sản qua đời. Bố chị sau đó cũng mắc ung thư đi theo mẹ chị không lâu. Vì thế, chị bỗng dưng vừa làm bố, vừa làm mẹ của đàn em trong nhà”.

Chị Hòa thẹn thùng bảo, nhìn chị giờ già thì xấu vậy thôi chứ ngày trẻ chị cũng “tươm tất” lắm. Chị càng vất vả, lam lũ, làm lụng suốt ngày để nuôi em thì da lại càng mịn màng, hồng hào, tràn đầy sức xuân thiếu nữ. Chẳng thế mà trai làng trên xóm dưới tranh nhau trồng cây si trước cửa nhà chị. Trong số ấy, chị kết một anh là bộ đội, điển trai, tính tình hiền lành. Tuy nhiên nhà anh có mẹ già, lại neo người nên nếu chị đồng ý kết hôn thì phải về nhà bên đó lo liệu việc nhà chồng mà chẳng còn thời gian lo cho các em mình. Vì thế mà chị đã từ chối vì không muốn anh đợi mình mà lỡ dở. Anh người yêu bộ đội của chị sau đó còn cố gắng theo đuổi, thuyết phục chị gần 6 năm nhưng không có kết quả. Sau đó, anh mới đến với người phụ nữ khác bởi mẹ anh đã quá già yếu, anh không muốn để bà đến lúc qua đời vẫn day dứt vì anh. 

Chuyện đời của chị Hòa - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thế rồi qua năm tháng, chị ngày một lớn tuổi. Những người con trai để ý tới chị cứ ít dần. Chị chỉ biết tìm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của các em trai. Những đứa em chị lần lượt lớn lên, có công ăn việc làm ổn định rồi lập gia đình. Mỗi đứa cắt dần phần đất của bố mẹ để an cư. Đến lượt chị chỉ còn phần đất ở mãi cuối vườn, vừa xấu, vừa nhỏ nhưng chị chẳng tính toán với các em làm gì. Chị dành dụm được bao nhiêu tiền cũng đều đem ra hỗ trợ các em khi chúng cần. Song chị nghĩ, cả đời chị hy sinh cho các em, đến lúc về già thì lại cậy nhờ các em lo liệu cho.

“Em biết không, các em chị tốt lắm, đứa nào cũng thương chị. Tuy nhiên, anh em kiến giả nhất phận, cuộc sống của chúng cũng vất vả, nuôi mình, nuôi vợ con còn khó khăn. Chị thì lắm bệnh tật, tuổi già lại càng khó tính, khó nết. Chị sợ ở gần em lại hay ca cẩm nhỡ làm chúng khó chịu thì không hay. Vì thế, chị nói các em cho chị lên đây ở. Mà phải nói mãi, chúng mới đồng ý đấy” - chị Hòa nói.

Rồi như sợ tôi không tin, chị rút từ trong túi ra chiếc điện thoại rồi bảo: “Chị ở trên này được chúng thường xuyên lên thăm. Chúng còn mua điện thoại cho chị để tiện bề chị em liên lạc. Quần áo, đồ đạc... thiếu gì, chị chỉ cần gọi là chúng sẽ gửi lên. Nói chung, chị thấy hài lòng về cuộc sống của mình”.

Tôi đã tin vào lời chị Hòa nói, còn bảo chị chọn sống như vậy cũng là được. Chị lên đây có cộng đồng, có các chị em để hàn huyên tâm sự cũng đỡ buồn. Chị nắm lấy tay tôi, gật gật đầu.

Tuy nhiên, sau đó, khi tôi sang thăm một phòng ở khác, có một chị phụ nữ khẽ kéo lấy tay tôi, cho tôi biết thực ra cuộc đời chị Hòa cũng lắm éo le chứ không như chị kể đâu. “Từ hồi chị ấy vào đây, chúng tôi chưa một lần thấy các em chị ấy lên thăm. Họ cũng đâu có gửi đồ đạc gì lên. Chiếc điện thoại của chị ấy thật ra là được một nhà hảo tâm tặng cho, không phải là các em tặng đâu”. Rồi người phụ nữ còn nói thêm: “Chị Hòa ban ngày và trước mặt người ngoài thì cười cười nói nói vậy thôi chứ về đêm, chị ấy toàn khóc thầm. Nhiều lúc, chị ấy còn tâm sự với tôi rằng chị buồn vì giọt máu đào còn nhạt hơn cả ao nước lã”.

Chuyện đời của chị Hòa - ảnh 2
Ảnh minh họa

Và nhờ đó mà tôi hiểu thêm về chị Hòa. Song, do lần đầu gặp gỡ, tôi không muốn hỏi nhiều về nỗi lòng của chị. Khi rời trung tâm, tôi lấy số điện thoại của chị và thi thoảng lại nhắn tin, gọi điện hỏi thăm chị. Nhờ đó mà tình cảm giữa hai chúng tôi thắm thiết hơn.
Lần thứ hai, tôi trở lại trung tâm bảo trợ là 6 tháng sau. Người đầu tiên tôi tìm gặp chính là chị Hòa. Nhìn thấy tôi, chị vui lắm, bảo từ lâu đã coi tôi như đứa em thứ 9 của chị vậy. Chị cảm ơn vì tôi đã luôn nhớ đến chị.

Tôi cùng chị ra ghế đá ở ngoài vườn để hàn huyên. Sau khi nghe tôi hỏi thăm, bỗng nhiên chị òa khóc, ôm lấy tôi. Chị bảo: “Ở bên em, không hiểu sao chị lại thấy nhớ gia đình, nhớ các em của chị quá”.

“Em biết không dạo này, ngày nào chị cũng nhớ tới các em chị. Nhớ lúc 9 chị em quây quần trong ngôi nhà của bố mẹ. Chị nhớ sinh nhật của từng đứa, sở thích của từng đứa. Mỗi đứa em sinh vào một tháng nên nhà chị gần như tháng nào cũng có sinh nhật. Bây giờ, cứ vào sinh nhật chúng, chị ở đây lại tự hỏi  không biết ở nhà chúng có tổ chức gì không? Hồi nhỏ, chúng chỉ thích làm sinh nhật để được thổi nến và ăn bánh gato thôi. Nhưng chị chả có nhiều tiền nên không có bánh cho chúng. Giờ chúng lớn, đều làm bố cả rồi, chẳng biết chúng có làm sinh nhật không? Chị cũng không biết chúng có khác đi nhiều không? Có đứa nào bị ốm đau gì không hay vẫn bình an?”.

Qua câu chuyện của chị Hòa, tôi biết chị đang rất thiếu thốn tình cảm và thèm biết thông tin của gia đình. Tôi cũng hiểu lâu lắm rồi, các em không đến thăm chị, còn chị thì luôn cố gắng để che giấu nỗi lòng, giữ cho các em mình luôn đẹp trong mắt mọi người.
Tôi lại hỏi chị: “Chị nói thật cho em biết, chị quý các em như vậy, nhớ các em như vậy sao chị không ở lại nhà. Chị có nhà riêng, tự ăn riêng, sinh hoạt riêng, chỉ ở gần các em thôi chứ đâu có lệ thuộc vào chúng. Chị lên đây mà lúc nào cũng đau đáu nghĩ về nhà thì tội quá”.

Chuyện đời của chị Hòa - ảnh 3
Ảnh minh họa

Chị Hòa càng khóc nhiều hơn, không giấu tôi nữa mà thú nhận: “Thực ra, chị không muốn lên đây đâu nhưng các em chị quyết đưa chị lên. ở quê, chị chỉ có đất thôi chứ làm gì có nhà. Khi chị cần xây nhà thì trong tay làm gì còn tiền. Còn các em, chúng đều bảo đang khó khăn nên không có tiền để chị xây nhà. Thành thử, chị phải ở trong căn bếp cũ từ hồi bố mẹ còn sống, vừa nóng, vừa dột. Lần đó, chị bị ngã rạn xương chân, không đi lại được mà phải có người hỗ trợ. 8 đứa em trai và 8 đứa em dâu chỉ đi chợ và nấu giúp chị mấy bữa cơm mà chúng đã cãi vã, rồi quay sang mắng chị là vô dụng, ăn hại. Chúng bảo kiểu này mà chị về già thì chúng còn khổ với chị nhiều”. 

Chị Hòa chia sẻ, cả đêm đó, chị nằm nghĩ miên man, giận đàn em bất hiếu, không nhớ gì tới hy sinh của chị dành cho chúng. Chị cũng thương cả mình thân cô thế cô, giờ tuổi già bệnh tật, trắng tay, bị các em coi như người thừa. Mấy hôm sau, khi chân chị còn chưa lành, các em đã đưa chị lên ô tô để đến trung tâm. Rồi ít lâu sau, chúng gọi lên thông báo đã bán phần đất của chị đi để lấy tiền đóng phí ở trung tâm cho chị. Nhưng chị biết, chúng nói vậy để chị hết đường quay về nhà, chị đã lên đây thì sẽ chết ở đây thôi.

Câu chuyện của chị Hòa đã làm tôi ám ảnh mãi. Tôi thương chị và thấy buồn cho tình cảm con người ở đời. 

Ít tháng sau, tôi nhận được tin chị Hòa bị tai biến, bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn. Tôi còn đang thu xếp thời gian lên thăm thì lại được tin chị đã qua đời trong sự cô đơn. Hiện chị đang an nghỉ ở nghĩa trang gần trung tâm bảo trợ chứ các em trai cũng không ai đến đón chị về quê...

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.