Chuyện người đàn ông kiên quyết ly hôn

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn
Chia sẻ

(PNTĐ) -Người đàn ông ngoài năm mươi tuổi ấy tranh thủ giờ nghỉ trưa, chạy xe đến phòng tư vấn tâm lý – hôn nhân để “xin ý kiến các bác về chuyện gia đình”. Anh hỏi: “Vợ em xin rút đơn ly hôn rồi, nhưng em kiên quyết không rút, liệu em có quá đáng không?”.

Anh Hòa và vợ là những người cùng xã, khác làng. Nhà anh thì “ba đời là nông dân”, còn nhà vợ khá giả hơn, nên khi họ yêu nhau 24 năm về trước, bị gia đình vợ cấm đoán, ngăn cản. Vợ anh tốt nghiệp cao đẳng Sư phạm, ra trường làm giáo viên tiểu học ở một trường xã bên, còn anh thì học nghề điện lạnh. Ở một làng quê ngoại thành, người như vợ anh được gọi là “có học” và là “trí thức”, còn anh là cái anh thợ, công nhân, loại “lao động tay chân”. Chính cái sự chênh nhau cả về học vấn, công việc, địa vị xã hội giữa hai vợ chồng mà nỗi bất hạnh cứ theo anh suốt cả cuộc đời. Vợ anh ngày ngày lên lớp dạy học, thứ bẩy, Chủ nhật dạy thêm ở nhà, nên cũng có thu nhập thêm ngoài lương. Những ngày lễ, Tết, nghỉ hè, cơ quan vợ thường tổ chức gặp mặt, liên hoan, đi du xuân, nghỉ mát, anh chưa bao giờ được vợ rủ đi cùng, mặc dù có lần công đoàn muốn tổ chức gặp mặt dâu, rể của cơ quan, nhưng vợ anh lấy lý do anh bận việc, nên anh cũng không tham gia cùng vợ được. Trong thâm tâm, anh nghĩ vợ anh xấu hổ vì anh, không trắng trẻo, đẹp trai, không biết ăn nói, biết hát karaoke, không biết nhảy, nên khó hòa nhập với mọi người. 

 Dù bị coi thường, nhưng do bản tính hiền lành, anh chấp nhận để cuộc sống cứ thế trôi đi. Anh chị có hai con đều trưởng thành giỏi giang. Con gái học đại học Y năm cuối, con trai học đại học FPT năm đầu. Nhưng các con ít gần gũi với bố, chúng thường gọi điện, nhắn tin cho bố khi chúng cần tiền. Có lần anh bị điện giật, ngã thang từ trên cao xuống, phải nằm viện một tuần, vậy mà cả hai đứa con chỉ vào thăm bố một lần như những người hàng xóm, thăm xã giao vậy thôi. Đôi lúc anh buồn, nhưng anh cũng biết “phúc đức tại mẫu”, con của anh, nhưng chúng được giáo dục từ nhỏ một tinh thần coi thường bố và gia đình bên nội. Chính anh đã từng nghe vợ anh dặn các con rằng không cần gần gũi với ông nội và các cô, các chú, bởi họ chẳng giúp gì được đâu. 

Chuyện người đàn ông kiên quyết ly hôn - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, anh đến với các chuyên gia tư vấn không phải để kể về những nỗi buồn mà bao nhiêu năm nay anh đã phải cắn răng chịu đựng cho yên cửa yên nhà, mà hỏi về chuyện ly hôn với vợ.

Gần đây, do sức ép kiếm tiền, anh phải ra Hà Nội ở trọ để đi làm thợ điện lạnh, bởi mùa hè, tủ lạnh, máy điều hòa không khí là thứ không thể thiếu của người dân thành phố. Có những ngày nắng nóng, chỉ một cửa hàng điện lạnh đã giới thiệu cho anh cả chục khách. Khách mua hàng, anh theo về nhà lắp đặt cho họ, anh nhận tiền công từ cửa hàng và “tiền bo” từ khách.

Những ngày anh xa nhà, vợ anh có tình cảm với một anh bạn học cùng cấp ba ngày trước. Họ gặp nhau sau đợt hội lớp “25 năm ngày trở về”. Cậu bạn sinh sống và làm việc ở nội thành Hà Nội. Vợ chồng anh bạn ấy đã ly hôn, họ có mỗi cậu con trai, cũng đã tốt nghiệp, ra trường, đi làm và ở riêng. Anh kể rằng anh biết điều này nhờ hàng xóm báo cho anh biết khi anh đi vắng, vợ anh và người kia công khai đi lại, đưa đón, chở nhau đi ăn, đi chơi... anh đã bí mật lắp đặt camera cũng như đặt một chiếc điện thoại ở chế độ ghi âm ở gầm bàn uống nước để theo dõi. 

Có lần anh nói với vợ về những điều dị nghị của hàng xóm láng giềng, vợ anh đã quát anh rằng tôi sống cho tôi, tôi không sống cho hàng xóm xem. Anh tin họ thì muốn làm gì thì làm, tôi cũng chán “sống ở cái nhà này lắm rồi”. Anh im lặng và làm những gì anh thấy là cần thiết, mục đích để nhìn nhận rõ hơn chân tướng của người vợ mà thôi.

Qua camera và máy ghi âm, anh phát hiện vợ mình và anh bạn học cùng cấp ba đã bàn nhau ngày về sống chung. Anh bạn kia đã hỏi cặn kẽ vợ anh về tài sản, đất đai, tiền bạc mà gia đình anh có. Vợ anh khoe mảnh đất anh chị đang ở là do bố mẹ chồng cho lâu rồi, bây giờ bán đi cũng được hơn hai tỉ. Vợ anh cũng khoe thêm với bạn trai rằng mẹ cô ấy đã mất, chỉ còn có bố, hiện nay đang sống trên một lô đất khá rộng, nếu gạ gẫm cụ chia cho ba anh em, mỗi người cũng được tiền tỉ. Tiền thì chỉ có cuốn sổ tiết kiệm hai trăm triệu, nói chung không đáng bao nhiêu. Hai người cũng tính với nhau rằng năm tới con gái lớn của anh ra trường, làm bác sĩ, tự lập được. Cậu con trai bé học đại học năm nhất, cũng vài năm nữa ra trường, sẽ chỉ làm việc ở nội thành vì nghề IT (công nghệ thông tin) chứ về quê kiếm đâu ra việc!

Chuyện người đàn ông kiên quyết ly hôn - ảnh 2
Ảnh minh họa

Họ bàn nhau, nếu ly hôn, vợ anh sẽ kiếm được hơn tỉ đồng từ mảnh đất đang sống, chia đôi. Cộng với số tiền bán đất, chia ba ở bên ngoại, cũng có đôi tỉ. Số tiền này có thể mua căn hộ chung cư vừa tầm ở Hà Nội, vợ anh và con cái sẽ về ở căn nhà ấy. Vợ anh cố dạy vài năm nữa rồi xin nghỉ hưu sớm, tương lai của vợ anh sẽ “sán lạn” khi trở thành người Hà Nội và có sự gắn bó với anh bạn trai kia. Hai người sẽ “cơm ai người ấy ăn, nhà ai người ấy ở, nhưng sẻ chia tình cảm, hỗ trợ lúc khó khăn, cô đơn”. Sau khi lập kế hoạch khá rõ ràng, vợ anh bắt đầu… triển khai công việc.

Đầu tiên cô ấy gây sự với cô em dâu của anh. Em trai anh bênh vợ thì cô ấy bù lu bù loa rằng cả nhà xúm vào bắt nạt cô ấy. Ngồi đâu cô ấy cũng nói xấu nhà chồng, nói rằng phí một nửa đời người khi lấy anh. Đỉnh điểm là cô ấy bịa chuyện “mắt thấy” bố anh đi lại với con dâu, tức là có quan hệ mờ ám với em dâu của anh. Không nhịn được nữa, bố anh (gần 80 tuổi) và cậu em trai sang tận nhà đánh vợ anh, cảnh cáo chuyện nói láo của cô ấy. Chỉ chờ có thế, cô ấy bù lu, bù loa, báo chính quyền thôn, bỏ về nhà bố đẻ ở. Khi anh về, cô ấy đưa đơn ly hôn, nói thẳng rằng muốn chia tay, sống một cuộc sống khác, không thể chịu đựng một ngày nào nữa. Cô ấy cũng vênh mặt nói với anh rằng: “Ừ thì tôi bịa chuyện bố chồng ngủ với con dâu đấy, làm gì được tôi nào”.

Anh đồng ý ly hôn.

Ngày Tòa gọi hòa giải, cô ấy kiên quyết “ly hôn là ly hôn, khỏi cần tư vấn hòa giải”. Cô ấy nêu nguyện vọng trong đơn, rằng các con đã lớn, muốn ở với ai thì ở, không phải chia con. Nhưng đất đai thì cứ chia đôi. Cô ấy muốn quy ra tiền, rồi anh phải trả cô ấy tiền mặt, trị giá một nửa mảnh đất ấy. Khi cán bộ nói rằng việc ông cụ cho vợ chồng anh chị đất ở chỉ là giấy viết tay, thỏa thuận gia đình, không có tách sổ đỏ riêng, nên không có tính pháp lý, mảnh đất vẫn đứng tên bố mẹ anh, thì cô ấy ngã ngửa. Hóa ra cô ấy tính toán sai, tham lam nhưng lại thiếu hiểu biết. Cán bộ bên tòa nói không thể chia đôi mảnh đất anh chị đang ở. Khi nào gia đình làm thủ tục tách sổ, trong sổ đỏ có tên hai vợ chồng, lúc ấy mới có thể chia.

Hôm sau cô ấy lên tòa xin rút đơn ly hôn. Tòa gọi anh, hỏi rằng ý kiến anh thế nào, anh lúng túng, không trả lời ngay, mà muốn đi gặp cán bộ tư vấn trước khi có quyết định chính thức. Tuy muốn tham khảo ý kiến của cán bộ tư vấn, nhưng anh nói cũng có quyết định của mình rồi.

Chuyện người đàn ông kiên quyết ly hôn - ảnh 3
Ảnh minh họa

Trong quá trình trò chuyện với tư vấn, anh cũng nhất trí một số vấn đề mấu chốt về cuộc hôn nhân của mình. Trước tiên, anh không được yêu thương, không được kính trọng, bị vợ coi thường, sống bao năm không cảm thấy hạnh phúc. Thứ hai, lý do vợ anh ly hôn là vì có “người cố vấn”, mong muốn ly hôn để chiếm đoạt tài sản, hy vọng có món tiền lớn, thực hiện kế hoạch “quy về một mối” với người bạn trai mới. Thứ ba, vợ anh rút đơn ly hôn không phải vì còn yêu anh, hay suy nghĩ lại, mà chỉ vì thấy không được chia đất đai, tài sản. Vậy, chỉ cần ba ý chính nêu trên, anh có thể quyết định tiếp tục chung sống với vợ hoặc kiên trì việc xin ly hôn.

Kết thúc câu chuyện, anh nói rằng sẽ kiên quyết ly hôn. Vợ anh rút đơn về, anh sẽ viết đơn mới. Vợ không đồng ý, anh xin ly hôn đơn phương. Nếu có khó khăn, anh sẽ đưa ra “bằng chứng” về âm mưu của vợ và bạn tình, khiến cô ấy phải chấp nhận… ra đi mà không có tài sản được chia. 

Dù là quyết định của anh ấy, những người làm tư vấn không có quyền can thiệp, khuyên bảo, xúi giục hay quyết định thay khách hàng của mình, chúng tôi vẫn thấy tiếc nuối cho tất cả, kể cả người vợ của anh ấy. Đôi khi sự tham lam vật chất làm mờ mắt con người ta. Tham lam thường đi với “dốt nát”, bởi bộ ba tham, sân, si là những người “anh em ruột”.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.