Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

Thảo Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hơn 20 năm công tác trong ngành, cô giáo Phan Thị Thúy An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Mới đây, cô là một trong các cá nhân được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024.

Với cô Thúy An, sự tâm huyết với nghề không chỉ là hết mình trong chuyên môn mà còn là tình yêu thương, lòng nhân ái với học trò. Trong những năm tháng giảng dạy, hay cả khi đảm nhiệm vai trò là một nhà quản lý, cô luôn trăn trở và suy nghĩ rất nhiều với mong muốn thay đổi để tạo điểm nhấn cho ngôi trường, không ngừng tích cực nâng cao chất lượng chuyên môn, đặc biệt là chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Khi dự giờ tại các lớp học, cô An nhận thấy, một phần lý do khiến học sinh thiếu tập trung vào bài giảng là do cách dạy của giáo viên còn khô khan. Làm thế nào để thu hút được các em say sưa với bài giảng, ghi nhớ được kiến thức của mỗi bài học là trăn trở của cô. Bằng kinh nghiệm bản thân tích lũy được trong những năm tháng đứng trên bục giảng, cô Thúy An đã sáng tạo ra các bài vè trong đó lồng ghép kiến thức sao cho thành các câu vè dễ thuộc. Cách làm này được cô lan tỏa và đưa vào hoạt động củng cố bài học trong trường, nhằm mục đích giúp học sinh hứng thú, dễ nhớ, dễ thuộc các kiến thức trọng tâm sau mỗi bài học.

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo - ảnh 1
Cô Phan Thị Thúy An được tuyên dương “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024.

Theo đó, mỗi dòng của bài vè thường có 4 tiếng với vần điệu dễ nhớ, dễ thuộc nhưng đạt hiệu quả vì bao hàm được các nội dung kiến thức của bài học. Một số bài vè “nổi tiếng” trong giảng dạy ở trường cô Thúy An như: Vè tích cực, Vè làng Cổ, Vè chùa Mía, Vè ngăn nắp, Vè giao thông, Vè lời hứa, Vè khám phá, Vè cảm ơn, Vè xin lỗi... khiến học sinh rất thích thú. Có thể kể đến bài vè nổi tiếng về làng cổ Đường Lâm – một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của đất Sơn Tây có những câu rất dễ nhớ như: Ve vẻ vè ve/ Cái vè di tích/ Đường Lâm cổ kính/ Xa gần đều hay/ Di tích quốc gia/ Đường đến không xa/ Ai ai cũng biết…

Cô Thúy An chia sẻ: “Khi đặt vè, chúng ta nên đặt các câu vè ngắn gọn, có vần điệu, dễ thuộc. Về câu từ, ý tứ câu vè cần phải rất rõ ràng, giản dị dễ nhớ. Tùy vào nội dung và chủ đề của từng bài học, từng môn học để lựa chọn cách đặt vè sao cho đạt hiệu quả tốt nhất”. Bằng cách làm khoa học đó, cô đã lan tỏa được cách làm này tới nhiều bạn bè đồng nghiệp, khuyến khích học sinh biết tự đặt vè, cùng nhau xây dựng được một cẩm nang đồ dùng dạy học chính là các bài vè cho các khối lớp để có thể vận dụng hiệu quả trong giảng dạy.

Trong công tác quản lý, cô giáo Thúy An đã đưa ra 2 điểm đổi mới về quản lý giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm và nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, đặc biệt là chất lượng đội ngũ nhà giáo, chú trọng nâng cao chất lượng các tiết dạy của giáo viên, giúp học sinh hứng thú trong các giờ học. Đồng thời, đề xuất những giải pháp hiệu quả, như: Tổ chức bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng cho giáo viên; tổ chức các chương trình hoạt động “trải nghiệm”, “ngoại khóa”, tạo cơ hội cho học sinh rèn luyện các kỹ năng… Sáng kiến của cô đã được Sở Khoa học và Công nghệ công nhận “Đạt tiêu chuẩn để xét các danh hiệu thi đua cấp Thành phố và cấp Nhà nước”, được phổ biến để đồng nghiệp cùng áp dụng.

Năm 2023, cô giáo Thúy An tiếp tục thực hiện công trình khoa học: “Quản lý giáo dục kỹ năng sống cho học sinh lớp 2 thông qua hoạt động trải nghiệm tại các trường tiểu học thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội” và cũng là đề tài luận văn thạc sĩ. Cô An cũng có bài tham luận được in trong cuốn kỷ yếu Hội thảo khoa học “Giáo dục địa lý và môi trường Hà Nội tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố”, dùng làm tài liệu trong các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học.

Ngoài giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” lần thứ 8 - năm 2024, cô Phan Thị Thúy An còn đạt nhiều danh hiệu như Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 3 năm tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố; Giấy khen “Đã có thành tích trong phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo thị xã Sơn Tây năm 2022”; Giấy khen “Đã có thành tích trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” thị xã Sơn Tây năm 2023”…

Tin cùng chuyên mục

Những bước chân tiên phong trong lĩnh vực AI

Những bước chân tiên phong trong lĩnh vực AI

(PNTĐ) - Anima Anandkumar không chỉ là một nhà khoa học dữ liệu hàng đầu mà còn là một nhân vật tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Sự cống hiến và những đóng góp của cô không chỉ nằm ở các nghiên cứu đột phá mà còn ở sự cam kết thúc đẩy sự phát triển có đạo đức và bao trùm của AI.
Trao con cơ hội hạnh phúc

Trao con cơ hội hạnh phúc

(PNTĐ) - Chị chỉ có một cô con gái duy nhất, năm nay 19 tuổi. Khi con thi đỗ trường đại học trên thành phố, chị dặn con: “Giờ con đi xa rồi, không có mẹ thường xuyên ở bên nhắc nhở. Con phải tập trung cho việc học, đừng có sao nhãng yêu đương gì cả. Ra trường có việc làm, mọi thứ ổn định thì yêu rồi cưới cũng chưa muộn”.
Người trẻ phát huy thế mạnh trong kỷ nguyên số

Người trẻ phát huy thế mạnh trong kỷ nguyên số

(PNTĐ) - Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hơn bao giờ hết, thanh niên với nhiệt huyết sáng tạo và bản lĩnh chính là lực lượng tiên phong mang trên vai sứ mệnh xây dựng đất nước hùng cường. Tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh, thanh niên Việt Nam hôm nay đang không ngừng nỗ lực vươn lên, khẳng định vai trò xung kích, sáng tạo trong công cuộc đổi mới đất nước.
Phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

(PNTĐ) - 60 năm đã trôi qua nhưng tinh thần cống hiến của phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Phong trào là động lực để các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục thi đua xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, cùng dân tộc sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.