Có một người con trai như thế

Chu Đại Lâm (Trung Quốc)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong ấn tượng của tôi, bà là một bà già hiền lành với mái tóc hoa râm và thân hình gầy gò. Người đưa bà đến phòng khám gặp bác sĩ là con trai bà, một chàng trai cao lớn, chân đi một đôi giày vải Bắc Kinh cũ kỹ. Khi bà cụ đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị thì bệnh ung thư của bà đã ở giai đoạn nặng, khối u ác tính nhanh chóng diễn biến xấu và hiệu quả điều trị như mong đợi rất kém.

Đầu tiên chúng tôi giải thích tình trạng của bà ấy cho cậu con trai và đưa ra thông báo bệnh nặng. Điều chúng ta thường gặp là hầu hết người nhà của bệnh nhân ung thư trước tiên sẽ yêu cầu giấu kín tình trạng bệnh tật với bệnh nhân, sau đó mới từ từ thông báo cho bệnh nhân để họ dần dần chấp nhận. Nhưng con trai bà không chọn cách giấu giếm, thay vào đó anh chọn cách tôn trọng và để bác sĩ thông báo bệnh trạng của bà và để bà lựa chọn phương pháp điều trị tiếp theo.

“Ai cũng có việc muốn làm, trong thời gian có hạn, tôi hy vọng có thể làm được điều gì đó cho mẹ, tôi không thể để mẹ ra đi trong tiếc nuối...” anh nghẹn ngào nói. Dù có hơi lỡ lời nhưng anh vẫn tỏ ra lạc quan trước mặt bệnh nhân.

Khi bà cụ nghe tin tình trạng của mình chuyển biến xấu, bà dường như biết điều đó có nghĩa là gì, khi bác sĩ nói chi tiết về bệnh trạng của bà, bà tỏ ra hơi buồn nhưng cũng rất bình tĩnh. Chúng tôi đã thông báo đầy đủ về những rủi ro của hóa trị và nói rõ rằng khi bệnh nhân lớn tuổi và bị rối loạn chức năng các cơ quan, hóa trị liệu liều chuẩn có thể dẫn đến tử vong do biến chứng nghiêm trọng của hóa trị và rút ngắn thời gian sống sót, tuy nhiên, nó cũng có thể làm giảm tình trạng bệnh xuống mức thấp nhất. Hơn nữa, chi phí hóa trị và sau điều trị cao. Nhưng nếu không được điều trị, tình trạng sẽ xấu đi và chất lượng cuộc sống sẽ kém ở giai đoạn sau.

Chúng tôi đều nghĩ rằng nếu điều kiện kinh tế của gia đình họ khá giả, họ có thể yêu cầu một phương án điều trị triệt để hơn với mục tiêu chữa khỏi bệnh và cố gắng hết sức. Nhưng thực tế không phải vậy, sau khi bàn bạc với gia đình, bà cụ không chọn hóa trị liệu mức độ cao cũng không bỏ cuộc mà chọn hóa trị liệu giảm nhẹ, các con bà cũng tôn trọng sự lựa chọn của bệnh nhân.

Trong thời gian điều trị, bà cụ được gặp con trai hàng ngày. Đồng hành cùng mẹ những năm tháng cuối đời là điều quan trọng nhất anh có thể làm cho mẹ. Anh ấy rất quan tâm đến bà cụ, anh ấy lau bàn đầu giường trong phòng hai lần một ngày, thậm chí còn lau bậu cửa sạch đến không còn một hạt bụi, quần áo và chăn đệm luôn gọn gàng, sạch sẽ. Đôi khi chúng tôi tự hỏi liệu anh ấy có phải là một người lính.

Việc ăn uống lại càng tỉ mỉ và chu đáo, ngoài bữa ăn nóng hổi tự nấu từ nhà đem đến ba lần trong ngày, còn có bữa ăn trái cây vào lúc 10 giờ sáng, 4 giờ chiều và 8 giờ tối để bổ sung calo và chất điện giải. Và trong cuốn sổ nhỏ của mình, anh ghi nhớ rõ ràng giờ ăn, giờ uống thuốc, giờ đi tiểu và lượng nước tiểu, tình trạng đại tiện và cảm giác khó chịu của bệnh nhân. Anh chưa bao giờ phàn nàn rằng mình mệt mỏi, anh lau người cho mẹ, đổ bô, cắt móng tay cho mẹ, dường như ngay cả những người chăm sóc chuyên nghiệp cũng không có tay nghề bằng anh.

Khi bắt đầu hóa trị, bà cụ bị phản ứng nặng về đường tiêu hóa, thường xuyên bị nôn và không ăn uống được. Anh nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị trứng luộc, súp nóng và những món ăn dễ ăn khác cho bà cụ ăn. Một lần phát hiện mẹ anh bị hạ kali máu nên anh đã mua cam tươi và vắt nước cam cho mẹ uống. Sau này, tôi được y tá cho biết anh là quản lý giám đốc cấp cao của một xí nghiệp, hàng ngày chăm sóc mẹ xong, anh thường đợi mẹ ngủ say mới về nhà gọi điện thoại giải quyết công việc, hầu như đêm nào cũng nghe điện thoại đến 1 giờ sáng và chỉ dành vài tiếng để nghỉ ngơi.

Điều làm tôi ấn tượng rất sâu sắc là, trong mỗi lần thăm khám, điều anh nói không phải là “Bác sĩ, bác sĩ nhất định phải chữa khỏi bệnh cho mẹ tôi”, mà là “Bác sĩ ơi, xin hãy cố gắng giảm bớt nỗi đau cho mẹ tôi”.

Sau gần nửa năm điều trị, bà lão rơi vào tình trạng mất kiểm soát, kháng hóa trị, tình trạng chuyển biến xấu nhanh chóng, xuất hiện xâm nhiễm ngoài tủy nặng, kết hợp với nhiễm trùng phổi nặng, bạch cầu tăng cao bất thường, thiếu máu, giảm tiểu cầu, hầu như ngày nào cũng đều cần hỗ trợ truyền máu.

Chúng tôi đã đưa ra thông báo bệnh hiểm nghèo. Bà cụ đã rơi vào tình trạng suy nhược, da dẻ tái nhợt, trên người đầy những vết xuất huyết, sau khi gặp những người thân nhất, bà bình tĩnh nói với chúng tôi: “Đừng cứu chữa gì nữa cả, hãy để tôi lặng lẽ ra đi, tôi hy vọng có thể trải qua những giây phút cuối đời một cách không đau đớn”.

Chúng tôi đã thảo luận riêng về việc điều trị tiếp theo với con trai anh ấy. Dự đoán rằng bà cụ sẽ sớm rơi vào tình trạng khó thở, suy hô hấp hoặc xuất huyết nội sọ và thay đổi những tình trạng khác. Khi được hỏi nếu bệnh nhân hôn mê, nhịp tim ngừng đập và ngừng nhịp thở có cần đặt nội khí quản, ép ngực và các biện pháp cấp cứu khác, mắt anh ấy đỏ hoe và nói: “Không cần… xin đừng làm mẹ tôi đau thêm nữa…” rồi quả quyết ký vào tờ giấy cam đoan từ chối.

Tôi chợt nhớ có lần đang trực ca đêm, bà lão kể rằng thời còn trẻ bà rất yêu thích khiêu vũ, trong thời gian có phong trào “về nông thôn” xuống nông trường, bà và các đồng nghiệp rất thích nhảy múa giữa những vạt hoa cúc dại nở vàng rực khắp các sườn núi, đồng ruộng và tất cả đã trở thành những kỷ niệm đẹp… Bà nhanh chóng bị suy hô hấp và hôn mê, nhịp tim và nhịp thở dần dần chậm lại.

Tôi nhanh chóng gọi y tá đẩy xe cứu thương tới. Con trai bà vẫy tay chào chúng tôi và nói: “Không cần gì, chỉ cần lấy kim truyền ra thôi.” Anh mở rèm ban công, nắm chặt tay mẹ bằng cả hai tay và tiễn đưa mẹ đi qua chặng cuối cuộc đời. Khi tia nắng bình minh đầu tiên xuyên qua cửa sổ, bà cụ đã ra đi, đi thật thanh thản với nụ cười trên môi, trên tay vẫn không rời bông cúc dại màu vàng yêu thích.

Anh dịu dàng hôn lên trán mẹ, khẽ khàng nói một câu: “Mẹ, con yêu mẹ…”

                Trần Dân Phong (dịch)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn

Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn

(PNTĐ) - Năm 2024, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã triển khai có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Nhiều mô hình hiệu quả đã ra đời, được hội viên phụ nữ và người dân đồng tình hưởng ứng.
Món quà Giáng sinh cho con

Món quà Giáng sinh cho con

(PNTĐ) - Noel đã đến thật gần, nhiều bạn nhỏ thích thú, không bỏ lỡ dịp lễ đặc biệt này để tham gia hoạt động làm bánh mừng Giáng sinh ý nghĩa, đặc biệt khi được tự tay trang trí những chiếc bánh ngọt dưới sự quan tâm, hướng dẫn của cha mẹ.
Bà Nhàn “biết tuốt”

Bà Nhàn “biết tuốt”

(PNTĐ) - 23 năm làm cộng tác viên dân số, bà Bùi Thị Nhàn, ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội đã giúp đỡ nhiều phụ nữ trong Tổ dân phố được đảm bảo quyền chăm sóc sức khoẻ sinh sản, có thêm hiểu biết về Kế hoạch hoá gia đình.
Mát tay nuôi bò sữa, nữ nông dân Ba Vì thành tỉ phú

Mát tay nuôi bò sữa, nữ nông dân Ba Vì thành tỉ phú

(PNTĐ) - Chị Tạ Thị Năm ở thôn Mồ Đồi, xã Vân Hoà, huyện Ba Vì là người đầu tiên ở xã Vân Hòa khởi xướng mô hình nuôi bò sữa. Hiện tại, chị đang có đàn bò sữa lớn nhất xã với tổng số 62 con. Chị cũng là nữ nông dân duy nhất của Thủ đô được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.