Cô tiên váy đỏ

Chia sẻ

BÙI VIỆT PHƯƠNG

Hồi lớp 7, Thái từng ngã từ trên cây cắm đầu xuống đất mà giời chưa cho chết. Người thì bảo, ở cái cây gạo mọc sau khu tập thể văn công đấy có ông thần ra tay phù trợ. Người lại nói, Thái may mà được ông lang ở trong xóm cao tay cứu giúp. Chỉ Thái là biết rõ, lúc cắm đầu lao xuống, may có cái tải quần áo vứt đi của mấy chị văn công vứt ra như tấm đệm êm giúp cậu bình an tiếp đất. Nhưng khổ nỗi, từ đó cậu lại đâm ra mê mẩn một cái của nợ. Trong đám “phụ tùng” rách chị em má phấn môi son thải loại ấy, có đứa chơi xấu nhét cả vào đó cái váy hai dây màu đỏ của chị Thảo. Cái áo mà một lần, một lần duy nhất khi trèo bắt tổ chim, cậu đã lén thấy chị mặc nó phấp phới trong phòng với những mảng da thịt làm thân thể thằng con trai mới lớn ngột thở bàng hoàng.

Không biết ông trời thương hay cố hành hạ con người mà hết lớp 12, Thái thi đâu trượt đấy. Cuối cùng, được ông bác xếp vào làm bảo vệ đoàn văn công. Ở cái nơi nghèo như xơ mướp này, bọn trộm cắp chưa ngu đến mức để mò tới. Thành thử, việc chính của Thái là để mắt xem lúc nào chị Thảo đi qua để ngắm không chớp mắt. Ở cái tuổi này, chị Thảo vốn đã cao lớn, lại tăng cân. Dân múa vốn thân hình săn chắc, có mập lên thì cũng như quả bóng bay được thổi căng, đều đặn khúc nào vẫn ra khúc ấy.

Một đêm cuối năm, khu tập thể đã vắng người, anh tranh thủ về nhà làm bát cơm cho ấm bụng. Nhìn nồi bánh chưng trước sân nhà đang cháy bập bùng, bỗng Thái nhận ra dưới đáy nồi, ngoài đám vỏ bào, mùn cưa, đầu mẩu gỗ có cả con búp bê bằng gỗ. Con búp bê chắc của con bé Lam cháu anh. Anh bật dậy lôi vội nó ra, may quá, con búp bê mới bị xém ít phần đầu. Đôi mắt của nó như cũng biết sợ hãi, nhìn đến tội. Sau này hỏi ra anh mới biết, mấy hôm trước, con Lam lang thang sang khu tập thể văn công chơi, “được một cô tiên váy đỏ ở phòng số 13 cho”- nguyên văn Lam kể vậy. Con bé khóc suốt một buổi.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Đêm hôm sau, nhân lúc vắng vẻ, Thái lén lấy hai cái bánh chưng bảo nó mang sang “phòng số 13” đưa cho “cô tiên váy đỏ”. Chắc Thảo biết ai xui con bé, từ hôm ấy, mỗi lần chạm mặt chỗ đông người Thái và Thảo lặng thinh. Trong đầu Thái có một cảm giác đầy mâu thuẫn. Anh nhìn Thảo vừa thấy tởm, sợ dây vào ăn đòn nhưng lại toát lên cái vẻ như xui dại của một thứ quả trong vườn nhà ai mà mình muốn hái trộm.

Dạo này, chị Thảo bỗng dưng sành điệu. Nhìn đống đồ chị thải ra, bọn trẻ còn thèm, phải cái thứ nào cũng “big size”. Cả đội múa như hoa mới nở, chị như bông quỳnh chơi tất tay một canh, nhan sắc nồng nàn đằm thắm. Lúc đầu người ta còn săm soi, bàn tán. Nhưng dần dà, cũng chẳng còn sức mà bàn. Thời buổi kinh tế thị trường, quá lứa, thân ai người ấy lo.

Thái bắt đầu hiểu ra vị của trà đặc, cà phê và những chén rượu có khi chỉ nhắm với ổi xanh, đậu phụ trần. Đời là những cắn đắng, đen sẫm. Gam màu của những kẻ hoặc là nghèo hèn, hoặc là sinh sau đẻ muộn, hoặc chả dám liều lĩnh. Tụm năm tụm ba, đám đàn ông già cả và mới lớn, cùng nhấm nháp nỗi buồn. Nhưng quái lạ, thứ cặn đáy của những gã thất thế, hết thời đó lại ngấm vào người anh, tạo nên một thứ men khiến hưng phấn kì lạ. Thái bắt đầu thấy lâng lâng. Hay ở gần đám văn nghệ sĩ lây tính hâm như người ta vẫn đồn?. Thái về nhà, đàn ghi ta lên dây phừng phừng, vào cái nhà tắm quây tôn cũng ông ổng đủ các bài, Thái bỗng nổi loạn một cách khó hiểu. Tiếng hát ông ổng như con chó đực bị nhốt sau cổng sắt dội vào căn phòng của những cô văn công đã bắt đầu nổi chân chim trên mặt…

Một hôm, ông Lương phó đoàn phụ trách cơ sở vật chất và hậu cần gọi anh lên. Nhìn mặt ông có vẻ hệ trọng:

- Nay đoàn đi diễn chương trình lớn, tao thấy mày dạo này máu văn nghệ, có tư chất. Được, trẻ có cái táo bạo của trẻ. Tin trẻ thì trẻ mới tự tin…

Thái không tin nổi tai mình. Bình thường, dù chỉ mong được đi khuân vác loa đài, nhưng chưa bao giờ anh được bước chân lên cái xe cũ nát chở cả đoàn đi diễn ấy. Đang lâng lâng cảm xúc được đổi đời thì lão Lương bồi tiếp:

- Vì thế… chuyến này, tao sẽ… cho mày đi phụ… nấu cơm cho đoàn.

Hai từ “nấu cơm” như gáo nước lạnh dội vào đầu Thái. Thôi nhưng mà, miễn được đi cùng đoàn, được cảm nhận ánh đèn sân khấu chứ mang tiếng làm ở đây gần ba năm, chỉ toàn xem lúc họ bếp núc, tập tành.

Cơn mưa núi bất chợt kéo đến phủ kín cả một vùng. Đám nhạc công, ca sĩ quây quần trong cái kho cũ để ăn cơm tối và đợi mưa. Mưa của trời sụt sùi bao nhiêu than thở, rượu của người đầy can rót ra tràn trề cả nụ cười và nước mắt. Thôi thì cái nào cũng nâng, cũng cạn. Anh “Quảng ghi ta điện” mặt đỏ bừng kể chuyện vợ chồng quan hệ kiểu cắn răng trong những căn nhà chật chội nơi phố cổ. Một nhà nhưng có đến mấy cặp vợ chồng như chuồng bồ câu. Cậu Hải phụ trách tăng âm loa đài kể chuyện thằng bạn chưa vợ làm bác sĩ đỡ đẻ mắt lúc nào cũng ầng ậc... Ông Lương tỏ ra có học vấn kể cách vén váy chị em có bài bản… hổ lốn những chuyện thật thật, giả giả, tục mà đau, bậy mà buồn… Đến khi, Thái đã dui xong mấy cây củi cho bếp tắt và vào mâm thì họ đã bắt đầu lè nhè. Giờ ai diễn cho ai xem? Lặn lội bao nhiêu đèo dốc, suối khe vào đến đây, sân khấu đã thiết kế mất cả buổi chiều thì trời không cho múa hát… Thái nhìn mãi mới thấy Thảo ngồi ở một góc, bụng đã bắt đầu có ngấn, mặt đỏ, mắt buồn như lắng men rượu tuổi bốn nhăm. Ở phía bên này, Thái cũng dần chìm vào men rượu, lần đầu tiên say ở nơi vắng vẻ, anh thấy mình hôm nay như được hòa vào cánh nghệ sĩ trong dàn đồng ca nghêu ngao của men rượu, của mưa…

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Khuya, mưa bỗng tạnh và yên ắng. Cả đoàn mỗi người một góc ngáy như kéo gỗ. Họ bỡn cợt, tếu táo nhưng bao năm nay gắn bó, sẻ chia, nên thương và trân trọng nhau lắm. Thái thấy cổ khát khô, giữa chỗ đơn sơ này lấy đâu ra chai nước lạnh mà tu cho đỡ khát. Bỗng ở đâu vang lên tiếng nôn ọe, tiếng nôn như tháo ruột. Thái đang ở rất gần tiếng nôn ấy. Trong bóng trăng rừng bên hiên nhà kho, anh nhận ra tấm lưng nần nẫn của Thảo. Không thể tin nổi, anh đỡ bờ vai tròn mẩy mà nóng giần giật từng thớ thịt căng nứt. ánh mắt Thảo lại run rẩy đáng sợ. Cô như nôn hết cả ruột gan, cả những uất ức và đau đớn. Mùi tanh lợm không làm Thái ghê cổ mà chỉ thấy có gì đó thương mến trong lòng. Như thể chẳng bận tâm người đang đỡ mình là ai, Thảo thều thào:

- Đêm nay, là đêm diễn cuối cùng chị được đi. Nhưng mà, mưa, ướt hết em ạ, hết rồi.

Ngừng giây lát, như thể tấm thân đang nằm gọn trong vòng tay Thái là một điều gì không còn ý nghĩa nữa.

- Đời chị, chả còn cái gì, bọn đàn ông lấy đi hết rồi, nhưng vẫn còn khối ra đấy. Chị vẫn muốn được múa. Múa, để lấy tiền đi cho người ta. Em hiểu chưa?

Cho ai, ai cho mà cần gì cho nữa. Cả hai cùng như cuốn vào tiếng mưa. Thân thể Thảo nóng bỏng, Khi người ta chán nản và liều lĩnh, họ hòa vào nhau nồng nàn, mù mịt và ngu ngốc…

Sau chuyến đi ấy, chị Thảo bị đưa xuống phòng văn thư. Thấy có người bảo, chị Thảo sắp lấy chồng nên cố gắng ăn diện để lóe sáng lên, để “thả thính”. Là đàn bà, dù xấu xí hay lộng lẫy, dù đoan trang hay lăng loàn rồi cũng phải tìm một bến đỗ. Mỗi lần gặp Thái, chị lạnh nhạt. Ông phó đoàn bắt đầu không còn ưu ái chị, những vặn vẹo, hạch sách kiểu dân văn phòng đã chờ sẵn chị khi phải bước xuống khỏi sân khấu. Mặc kệ, chị Thảo vẫn như ngọn đuốc cháy phừng phừng, đám đàn ông có tuổi ở đoàn như củi mục vừa thèm khát vừa bạt vía. Rồi một gã bán vàng ở thị xã ập đến, hắn đi chiếc xe phân khối lớn, chị Thảo ngày ngày ngồi vắt vẻo phía sau.

Một đêm, Thái thức khuya xem một trận bóng đá. Sáng hôm sau, khi anh choàng tỉnh dậy, thấy cả cơ quan đang nhốn nháo. Sau một cú va chạm xe mạnh, chị Thảo bay ra khỏi chiếc xe phân khối lớn, đa chấn thương và tắt thở. Gã bán vàng thì chỉ bị thương nặng, nằm với những cái ống thở như con bạch tuộc bị lôi lên cạn. Thái đứng nhìn thân thể chị, cái áo hai dây đỏ lẫn với màu máu. Cái áo hai dây đã từng cứu thoát anh khỏi bàn tay tử thần, giờ đã theo chị về cõi vĩnh hằng bằng một cách đau đớn. Thái trở về “phòng số 13”, cái cửa gỗ dán đầy các bức hình những cô gái sexy của thập kỉ 90 đang nhìn anh như một sự oán trách. “Sao mày không giành giật lấy chị ấy về với thế giới này, mày có biết, người chị ấy của chúng tao kiều diễm, cao ngạo nhưng cũng cô đơn lắm không?”. “Mày là người đã có được chị ấy, dù muộn màng, nhưng mày sợ xấu hổ vì chị ấy trước mọi người đúng không?”. Trong đống giầy tờ, vỏ mĩ phẩm, Thái nhặt được một bức ảnh cắt ra từ trang báo. Dưới bức hình còn một dòng chữ ghi địa chỉ em bé mồ côi cha mẹ, đang phải sống với bà và cần sự ủng hộ, giúp đỡ. Chị Thảo kiếm được tiền ở những đâu? nhưng tiền đi đâu hết trong cuộc đời của chị?

Đám tang của chị Thảo không có nổi một người chít khăn tang. Chị không họ hàng, thân thích. Giờ Thái mới hiểu sau lưng chị luôn trống vắng thế nào. Chị lặng lẽ nằm xuống dưới ba thước đất. Một đời xướng ca như bông đỏ lấp lánh rồi rớt xuống nát nhàu. Bây giờ, tất cả mọi người đều khóc, đều tiếc rằng mình không kịp làm một điều gì ân cần, quan tâm thì chị đã đi rồi. Không ai nhìn thấy Thái đang quay mặt đi về phía khác của nghĩa trang. Hai tay Thái ôm ngực trái. Phía sau lưng anh, mặt trời cũng đang đỏ rực lặn xuống trời Tây. Và người ta đang hì hục lấp đất chôn cả mặt trời và một mối tình vẫn còn nguyên hơi ấm…

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.